Trước nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, hình như chưa từng có ai sử dụng chữ Hương Ca trong tên bài hát “Bài Hương Ca Vô Tận” để nói về những lời hát quê hương. Đó không phải là một bài hương ca thông thường, mà là một bài hương ca vô tận.

Vô tận – đó là sự tiếp nối nhiều thế hệ không bao giờ ngừng, từ ngàn xưa, đến hôm nay và về sau, những người Việt dấu yêu sẽ còn hát mãi những bài ca ngợi quê hương, dù quê hương thanh bình hay là đang phải oằn mình giữa thời đao binh.


Click để nghe Thái Thanh hát trước 1975

Bài Hương Ca Vô Tận đã từng được nhiều danh ca nhạc vàng cất lên tiếng hát, điển hình là Duy Khánh, Hoàng Oanh, hay Thanh Tuyền, nhưng nó được yêu thích nhất bởi một danh ca khác nữa, một đệ nhất danh ca, đó là Thái Thanh. Bà đã hát bài này từ trước năm 1975, trong một bài phỏng vấn, Thái Thanh nói rằng lúc đó nhờ sự gần gũi trong sinh hoạt âm nhạc với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, được nói chuyện nhiều, bà đã được hiểu rõ hơn về các bài hát của ông:

“Khi nói chuyện với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tôi mới biết ý của ông trong những lời ca. Trong bài có những câu như “Hát nữa đi hương…”, nhiều khán giả tưởng “hương” là tên một người con gái, nhưng có nói chuyện với ông mới biết chữ “hương” là ông muốn nói đến Quê Hương” (Thái Thanh)

Hát nữa đi Hương, hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương.
Hát nữa đi Hương, hát lại bài ca tiễn anh lên đường.
Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu,
cuộc phân ly may lắm thì qua mau
Hát nữa đi Hương hát để đợi chờ.

Phải chăng điệu nhạc buồn đã là một đặc trưng muôn thuở của những bài “hương ca”, từ bài nam ai cho đến những câu vọng cổ từ đời xưa đều là sự não nùng và da diết thấu đến tận cùng tâm can.

Những điệu buồn đó lại được khắc họa thêm bằng những hoàn cảnh phân tranh khói lửa, để vợ xa chồng, con phải xa cha. Cho đến đến thời điểm bài hát này ra đời (khoảng 1966), ngày đao binh vẫn còn như là dài bất tận, không ai biết được là bao lâu, và cũng không một ai đủ can đảm để hình dung là nó sẽ còn kéo dài đến tận 10 năm sau đó nữa. Cho nên “cuộc phân ly may lắm thì qua mau” chỉ là một ước nguyện đã không bao giờ có được, cuộc phân ly kéo dài đằng đẵng, và cuộc đợi chờ cũng đã trở thành vô vọng.

Hương ơi!
Sao tiếng hát em
nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào

Dù em ca những lời yêu đương,
hay chuyện tình gẫy gánh giữa đường.
Dù em ca nỗi buồn quê hương,
hay mưa giăng thác đổ đêm trường

Quê Hương đã được nhân cách thành “em”, đại diện cho những lời hát ngọt ngào và dạt dào tình cảm, cho dù là hát cho những yêu đương hạnh phúc tròn đôi, cho chuyện tình buồn đoạn trường gẫy gánh, hay là lời hát cho nỗi buồn quê hương trên xứ sở loạn ly đêm ngày.


Click để nghe Hoàng Oanh hát

Hát chuyển vai em tóc xõa bồng mềm dịu ngọt môi em.
Hát mãi nghe Hương cho hồng làn da kẻo đời chóng già.
Ngày xa xưa em vẫn nằm trong nôi,
Mẹ ru em câu hát dài buông lơi
Hát để yêu cha ấm lại ngày già.

Hát nữa đi Hương câu nhạc thành nguồn gợi chuyện đau thương.
Hát kể quê hương núi rừng đầy hoa bỗng thành chĭến trường.
Đồng tan hoang nên lúa ngại đơm bông,
Thuyền ham đi nên nước còn trông mong.
Khiến cả đêm thâu tiếng em rầu rầu.

Mượn lời ca tiếng nhạc điệu buồn để kể về chuyện về non sông, câu nhạc là nguồn gợi lại những chuyện đau thương của quê hương, vốn là giang sơn gấm vóc đã trở thành một vùng lửa khói. Còn gì đau đớn hơn khi núi rừng đầy hoa đã vùng chiến địa, và đồng đã tan hoang rồi nên lúa ngại đơm bông.

Xót xa trước quê hương lầm than, từng lớp trai phải tạm biệt những người thân yêu để tiếp bước nhau lên đường, hình ảnh đó được nhạc sĩ ẩn dụ bằng câu hát: Thuyền ham đi nên nước còn trông mong. “Ham đi” không có nghĩa là hồ hởi phấn khích ra đi, mà là sự quyết tâm không sờn lòng của những người chinh nhân thời loạn.


Click để nghe Thái Thanh hát (bản thu âm thập niên 1980)

Bài hát này còn có một phiên khúc cuối, nhưng hình như không có ca sĩ nào hát. Phần lời này thể hiện niềm mơ ước rất bình thường trong thời phân ly, mong một ngày những nhân tình được đón nhau trong ngày trở về.

Xin ghi lại lời hát này sau đây dựa theo tờ nhạc phát hành năm 1967:

Hát nữa đi Hương, câu nhạc bình thường một giờ đau thương
Hát mãi nghe Hương cho rộn lòng ai ở ngoài chĭến trường
Chờ em ca cho ấm người ra đi
Mình yêu thương trong tuổi đời si mê
Hát nữa đi Hương đón nhau ngày về…

 

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here