Hầu như mọi thế hệ nhi đồng lớn lên ở miền Nam trước 1975 đều quen thuộc với câu hát:

Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ

Đó là mở đầu của bài hát Em Bé Quê, nằm trong loạt 3 ca khúc mang tình tự dân tộc của nhạc sĩ Phạm Duy mà ông gọi là nhạc Hương Quê, là biểu tượng cho quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc.


Click để nghe Ban Thăng Long hát Em Bé Quê – Vợ Chồng Quê – Bà Mẹ Quê khoảng cuối thập niên 1950

Ba ca khúc này cùng được Tinh Hoa Xuất Bản ấn hành năm 1954, đầu tiên là bài Bà Mẹ Quê, tượng trưng cho sự hy sinh, lòng kiên nhẫn, là biểu tượng của quá khứ. Bài thứ 2 là Vợ Chồng Quê, tượng trưng cho tình yêu, sức sống, niềm hạnh phúc ngập tràn trong cuộc đời bình dị, là biểu tượng của hiện tại. Sau cùng là Em Bé Quê, là mầm non của đất nước, biểu tượng của tương lai:

Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao…

Mở đầu bài hát là tinh thần lạc quan, yêu đời cố hữu của con người Việt Nam (thể hiện ngay cả với một em bé chăn trâu) đã có từ bao đời qua nhiều gian lao, khó nhọc của người dân quê. Là dân tộc thuần nông nghiệp qua bao nhiêu thế hệ với con trâu là đầu cơ nghiệp, và con trâu đi trước cái cày theo sau, nên hình ảnh con trâu từ lâu đã gắn bó với người Việt.

Liệu tinh thần lạc quan mà nhạc sĩ Phạm Duy nêu trong bài hát thiếu nhi này có bị hơi quá hay không? Vì những ai từng phải dắt bò, chăn trâu từ thuở còn rất nhỏ cũng đều đã biết rằng phải rất cực khổ trên đồng dưới cái nắng gay gắt của vùng nhiệt đới, cùng với bao nhiêu nỗi lo toan khác.

Vậy chăn trâu là khổ hay là sướng?

Những lứa tuổi nhỏ lớn lên ở vùng nông thôn nước Việt khoảng trên 50 năm trước đây, hầu như ai cũng từng phải dắt bò, trâu ra đồng. Những đứa trẻ chỉ mới trên dưới 10 tuổi, dắt theo con trâu có trọng lượng gấp nhiều lần mình, phải canh cho nó không ăn lén hoa màu trên ruộng lúa, nương rẫy, không thì thể nào cũng sẽ bị mắng vốn và sau đó là no đòn. Hoặc ai từng đi chăn trâu, chăn bò cũng biết đến nỗi kinh hoàng của bị lạc bò, phải mất cả buổi để đôn đáo đi tìm. Chăn trâu trong thời chiến còn sợ bị tên bay đạɴ lạc trên nương rẫy. Vì vậy mà người ta nói chăn trâu là khổ.

Tuy nhiên, sướng khổ tự ở lòng mình. Những đứa trẻ chăn trâu sẽ tự biết tìm vui thú trong hoàn cảnh của mình. Những buổi trưa thả trâu trên rừng rồi tụm 5 tụm 7 chơi đánh đáo, chơi ô quan và đủ thứ trò chơi tuổi thơ khác ở trên đồng. Những buổi trưa sau khi trâu đã no tròn, dẫn cho nó đầm mình dưới dòng suối cạn rồi cùng nhau tìm bóng mát nghỉ trưa, cùng vi vu sáo thổi cất tiếng ca cùng chim chóc, là những thú vui đơn sơ, mộc mạc mà ngày nay chỉ có thể được nghe kể như là chuyện cổ tích.

Trong niềm vui thú đó, đàn em bé vẫn không quên chuyện học hành. Nằm bên bờ đê gió mát, nghe hương lúa reo và tập đánh vần những chữ i, tờ:

Vui thú không quên học đâu
Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau.

Chiều vương tiếng diều
Trên bờ đê vắng xa.
Đường về xóm nhà
Chữ i, chữ tờ.

Lùa trâu nhốt chuồng
Gánh nước nữa là xong
Khoai lùi bếp nóng
Ngon hơn là vàng.

Những buổi chiều về ngồi lưng trâu cầm ngọn cỏ lau, miệng hát nghêu ngao rồi tưởng tượng mình là tướng quân ra trận năm xưa. Lùa trâu nhốt chuồng, chiều về lùi khoai vào bếp nóng mà nghe mùi nức thơm hương vị quen thuộc của quê nhà và kết thúc một ngày thật trọn vẹn. Em bé được vô tư tận hưởng tuổi dại thơ ngây như vậy, là một thời vàng son mà sau này trưởng thành làm sao có thể có lại được.


Click để nghe Quang Bình – Trang Thanh Hát hát Em Bé Quê

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here