Nhiều người lấy làm lạ tại sao tiêu đề bài hát không là Ai về Sông Hương mà là Ai về Sông Tương (Vì nhạc sĩ Thông Đạt là người sinh ra ở Huế năm 1924, sống ở Huế cho đến năm 1969 mới vào Sài Gòn).

Khi ca khúc Ai Về sông Tương đã nổi tiếng, nhạc sĩ đã thú nhận rằng sông Tương ở đây là sông Tiêu Tương thuộc tỉnh Hồ Nam – Trung quốc, là dòng sông ly biệt trong văn cổ học của cặp đôi yêu nhau nhưng không được cha mẹ thuận lòng nên đành phải xa nhau của tình sử Trung quốc đời Hậu Chu (907- 955): Nàng Lương Ý Nương và chàng Lý Sinh. Sau khi chia tay, Ý Nương đổ bệnh tương tư, cô đã làm ra bài thơ Trường tương tư trong đó có mấy câu:

Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vỹ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy

Dịch nghĩa là:

Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước sông Tương

Từ khi xa cách, bến sông tình ngày ấy bây giờ là bến nước mắt ngập tràn tương tư. Có ai về bên bến sông ngày ấy, nhắn giùm với người duyên dáng tôi thương là bao ngày ly biệt là “bao ngày ôm mối tơ vương”. Nỗi đau đành phải ly biệt nhau làm mờ nhuốm thời gian, càng thương đau càng mơ về bóng hình người năm cũ, mong đôi lời em ngập hương cho vơi bớt đoạn trường xa vắng người thương.

Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương, bao ngày ôm mối tơ vương.
Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương,
tâm hồn mơ bóng em luôn, mong vài lời em ngập hương.

Thu nay về vương áng thê lương,
vắng người duyên dáng tôi thương, mối tình tôi vẫn cô đơn.
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em,
mơ hoài hình bóng không quên, hương tình mộng say dịu êm


Click để nghe Hùng Cường hát Ai Về Sông Tương

Mùa Thu là mùa của tình yêu, mùa của thi ca chi tình yêu đôi lứa. Nhưng khi người xa cách người thì Thu về chỉ là Thu sầu ở đâu cũng mang áng thê lương. Tình yêu của nghệ sĩ thường thăng hoa cho tâm hồn nhưng khi tình tan vỡ thì tan nát cả con tim, và nỗi luyến thương nhung nhớ cứ âm thầm chảy dòng tương tư qua muôn trùng cách biệt.

“Mơ hoài hình bóng không quên,
hương tình mộng say dịu êm”

Lời lẽ ca từ phát ra từ chân tình của trái tim yêu thủy chung một mực, nồng say dịu dàng với hương tình thơm mộng đẹp ngày nào

Bao ngày qua, Thu lại về mang sầu tới
Nàng say tình mới hồn tôi tơi bời,
nghìn hoa cười đón mừng vui duyên nàng
Tình thơ ngây từ đây nát tan

Tôi vẫn còn say tình cũ còn nàng thì say tình mới, nghìn hoa cười đón duyên nàng cũng là nghìn mảnh vỡ nát tan mối tình ngây thơ từ đây. Hoa ơi! Thôi đừng vui đùa nữa khi hồn tôi tơi bời theo xác pháo nhà ai

Vui chi tình, nghìn hoa hương
Sông Tương lệ thấm đoạn trường ai hay?

Nào ai hay ngày tháng đắm say hạnh phúc với tình mới của em là tháng ngày dày xéo tâm hồn tôi tan nát. Mùa Thu ngập ý sầu, tình Thu bi thiết theo từng chiếc lá Thu bay…

Hoa ơi ! Thôi ngưng cười đùa lả lơi.
Cùng tôi buồn đắm đừng vui chi tình,
đầy bao ngày tháng dày xéo tâm hồn này lệ sầu hoen ý thu.

“Ai có về bên bến sông Tương” – Sông Tiêu Tương ly biệt ngày mình xa nhau cũng là sông Hương ngày mình còn bên nhau. Nhắn giùm người duyên dáng tôi thương sao nỡ dứt mối tình đang nồng thắm. Từ nay trên bước đường bơ vơ, tình yêu muôn trùng cách biệt tôi sẽ nắn thành cung tơ sầu trách. Là dây tình rút từ tận đáy lòng, dệt nên khúc “trường tương tư” gửi về người mơ.

Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương, sao đành nỡ dứt tơ vương.
Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ.
Dây tình tôi nắn cung tơ, rút lòng sầu trách người mơ…


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Ai Về Sông Tương

Ca khúc Ai về sông Tương là khúc “trường tương tư”, là nỗi lòng tan nát của nhạc sĩ Thông Đạt, sáng tác khi nhớ lại mối tình tan vỡ của mình đã từng có thời yêu thương nồng thắm với một cô gái con nhà nề nếp gia phong ở Huế. (Cha mẹ của cô gái đã ngăn cấm tình yêu của hai người vì chê nhạc sĩ là “xướng ca vô loài”).

Ca khúc là nỗi tình riêng của nhạc sĩ, sau khi phát hành và trở nên nổi tiếng năm 1949, cũng là nỗi tình chung cho những ai đã từng có lần say đắm với tình yêu ngây thơ rồi đau xót nghe “tình thơ ngây từ đây nát tan”.

Bài: TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here