Cõi nhân sinh như mộng, đời người biết trải qua được mấy lần “mười năm”, đặc biệt là ở thời loạn khi mà người ta có thể sống nay chết mai. Một ngày nọ, hai người lính hội ngộ nhau nơi sa trường, sau tròn 10 năm xa cách. Đó là 10 năm dâu bể, vật đổi sao dời, họ gặp nhau mừng mừng tủi tủi, ôn lại chuyện đời.

Đó là câu chuyện trong bài hát Mười Năm Tái Ngộ, một sáng tác rất quen thuộc của nhạc sĩ Thanh Sơn, nổi tiếng trước năm 1975 qua giọng hát Phương Dung và sau 1975 với giọng hát Trường Vũ:

Suốt đêm không ngủ bên tách cà phê đen chúng ta ôn chuyện đời.
Ngày mình còn thơ in như hình với bóng phút giây chưa hề rời.
Xuân qua mấy lần chôn kín chuyện xa xưa
Tình cờ gặp nhau hai đứa cùng đơn vị không ngăn được nỗi mừng
Anh kể tôi nghe ngày anh mới ra trường.

Xa cách nhau mấy năm rồi nhắc chuyện xưa thấy buồn!
Thuở học trò ngồi chung lớp bây giờ chung chí hướng
Tôi kể anh nghe bọn mình lúc chia tay
Đếm mùa Xuân trôi giã từ ấu thơ
Mười năm cách biệt, mười năm nhung nhớ thấy thương nhau phút này.

Trắng đêm hai người chưa hết chuyện tâm tư, tuyết sương rơi lạnh đầy.
Mình vừa hàn huyên nghe tâm hồn xao xuyến muốn đêm nay thật dài.
Bao nhiêu ân tình tiếp nối trọn hôm sau.
Hẹn gặp lại nhau xa cách từ lâu rồi.
Hơn hai mươi tuổi đời ngược về dĩ vãng một đêm trắng tâm sự.

Câu chuyện trong bài hát là chuyện của 2 người lính, 2 người bạn thân từ nhỏ. Trong nhạc vàng, ngoài các bài hát nói về tình yêu trai gái thì còn có nhiều bài hát khác mô tả mối quan hệ đặc biệt giữa những người trai thời loạn với nhau, quen thuộc nhất là Hai Mùa Mưa, Chiều Thương Đô Thị, Quán Nửa Khuya, Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái, Nó Và Tôi... và Mười Năm Tái Ngộ của nhạc sĩ Thanh Sơn, bài hát được yêu thích vì lời nhạc rất gần gũi và gây xúc động.

Những người trai thời loạn, tuổi chỉ vừa tròn đôi mươi nhưng mang trên vai gánh nặng sông hồ, thương mến nhau với một tình bạn thuần khiết, cùng chung một chí hướng. Không thương nhau sao được khi giữa họ có sự tương đồng về hoàn cảnh, cùng xót xa cho số mệnh buồn bã của quê hương. Có lẽ trong thời chiến, người ta buộc phải nhanh lớn, tâm hồn mau già cỗi vì cùng mang những nỗi niềm đó.

Họ ngồi hàn huyên, kể nhau nghe chuyện đời, và ở ngoài kia là “tuyết sương rơi lạnh đầy”. Đó là một khung cảnh lạnh lẽo nơi sa trường ám mùi tử khí, nhưng trong lòng người trai thì vẫn mang nhiều sự nồng ấm với niềm vui bất ngờ là được gặp lại bạn cũ, cùng nhau ngồi bên ly cafe đen, dưới khói thuốc vờn bay trong sương khuya.

Giờ đây, tác giả của bài hát đã qua đời nhiều năm, những người lính năm xưa giờ cũng đã mất nhiều hơn còn. Thì cho dù mười năm, hay trăm năm đi chăng nữa, cũng có còn ý nghĩa gì đâu. Thời gian trôi đi, như một giấc mộng vô thường mà thôi.

Mời bạn cùng nghe lại bài hát này, bản thu âm trước 1975 của ca sĩ Phương Dung:

Bản thu âm của ca sĩ Trường Vũ:

Đông Kha (nhacxua.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here