Nhạc sĩ Trúc Phương là nhạc sĩ tiêu biểu của dòng Nhạc Vàng Việt Nam với rất nhiều ca khúc được công chúng yêu thích. Hai chủ đề sáng tác chính của Trúc Phương là sáng tác về người lính: Kẻ Ở Miền Xa, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Người Nhập Cuộc, Để Trả Lời Một Câu Hỏi… và chủ đề về tình yêu: Ai Cho Tôi Tình Yêu, Đêm Tâm Sự, Tàu Đêm Năm Cũ…

Trong đó, đáng chú ý là ca khúc Trước Mặt Tình Yêu được Trúc Phương sáng tác vào khoảng năm 1965 và Hoàng Oanh thu thanh lần đầu tiên cho hãng dĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, ca sĩ Thanh Thúy và Hương Lan cũng có thu thanh ca khúc này vào thời gian trước năm 1975. Ca khúc này còn có tên khác là Lại Chuyện Chúng Mình.


Click để nghe Hoàng Oanh hát, bản thu trong dĩa nhựa

Khi nghe Trước Mặt Tình Yêu, khán giả sẽ cảm nhận được tâm trạng của người từng dang dở và mang những vết tích khó phai nhoà của tình yêu tan vỡ ngày cũ, nên đã hoang mang một nỗi “sợ yêu” và đành để những cuộc tình mới trôi xuôi qua tay. Điều đó thể hiện qua 2 câu nhạc, cũng là 2 câu thơ lục bát trong bài:

Sau lưng vết tích chưa lành
Tình yêu trước mặt nên đành làm ngơ…

Phiên khúc đầu tiên của Trước Mặt Tình Yêu được nhạc sĩ Trúc Phương sử dụng để kể lại cuộc tình xưa một cách ngắn gọn chỉ qua vài câu hát.

“Quay về thuở đôi ta gặp gỡ đổ vỡ duyên mình
Anh với em vui những ngày vui chưa hết lúc môi dày dấu vết
rồi tay vẫy tay đoạn đời đôi nơi ấy.”

Chuyện tình xưa buồn vì kết thúc là sự đổ vỡ. Chàng trai bồi hồi nhớ lại thuở ban đầu của tình yêu thơ mộng và khó quên với những “ngày vui chưa hết” và “môi dày dấu vết” yêu thương. Nhưng rồi giấc mộng yêu thương không thành, họ đành “tay vẫy tay” để chia đôi đường dang dở. Những ngày tháng sau đó là quãng thời gian dài với cuộc sống cô đơn thiếu vắng niềm vui:

“Sau này đó cô đơn nhiều tuổi, nhiều tuổi trong buồn
Theo bước em nên những niềm vui đi mất, những tâm tình u uất
tàn đêm nối đêm, lặng lẽ sao rơi gối mềm.”

Người yêu bước ra đi, niềm vui cũng theo gót và đi mất, để lại đây những tâm tình u uất, và “tàn đêm nối đêm” chỉ biết lặng lẽ những nhìn vì sao rơi gối mềm. Đó là hình ảnh cô đơn không cùng của một người luỵ tình với nhiều đêm dài suy tư không ngủ. “Sao rơi” cũng là hình ảnh rất quen thuộc trong nhạc Trúc Phương, từng xuất hiện trong nhiều bài nhạc nổi tiếng khác của ông:

“Giá buốt về tìm, sao rơi cuối đêm” (Ai Cho Tôi Tình Yêu)
“Niềm ưu tư tôi đếm, từng bước trên phố nhỏ đau gót mềm, sao rụng nửa đường đêm” (Hai Lối Mộng)
“Đường về ngõ tối hai nơi, có vài vì sao rơi đêm hò hẹn hết rồi” (Chuyện Chúng Mình)

Có lẽ là với một người đa sầu, đa cảm như nhạc sĩ Trúc Phương, niềm cô đơn mòn mỏi đã theo ông trong phần lớn đường đời, và những đêm trường suy tư, cô đơn làm bạn với sao khuya đã làm cho ông bị ám ảnh bởi hình tượng “sao rơi” nhiều đến như vậy.


Click để nghe ca sĩ Thanh Thuý hát

“Bao nhiêu nước mắt chỉ ngần ấy thôi,
đời dở dang mãi lạc mất môi cười
Sau lưng vết tích chưa lành,
tình yêu trước mặt nên đành làm ngơ”

Nhạc sĩ đã dùng 2 câu thơ lục bát để khắc hoạ chân chung của một kẻ đau tình. Vì những vết thương hằn sâu trong tim, người đành làm ngơ trước những cuộc tình sau này, như là một con chim sợ cành cong, không dám đậu trên cành yêu thương một lần nào nữa trong đời. Cuộc tình xưa hẳn là rất mãnh liệt và tha thiết nên mới để lại vết thương lòng sâu sắc đến như vậy.

Phiên khúc cuối cũng là những lời sau cùng người trai nhắn gửi lại với người xưa:

“Ôm lại nhớ, buông xuôi đành nhớ, vì nhớ nên thừa.
Anh với em đã có lần yêu tha thiết, đã hơn lần thương tiếc
thì xin nhé em đường về tim anh chớ tìm”

Cuộc tình dang dở nên nỗi nhớ càng thêm day dứt, nhưng nhớ thương bây giờ cũng chỉ là thừa vì đã đôi đường đôi ngả. “Thì xin nhé em đường về tim anh chớ tìm” là lời nhắn gửi sau cùng đến cố nhân. Từ sau đó mong rẳng niềm thương tiếc sẽ được vùi sâu trong tâm tư, những yêu thương ngày cũ xin hãy ngủ yên và đừng về làm day dứt lòng người.


Click để nghe Hương Lan hát

Bài: Trần Tuệ Minh Hiếu
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here