Ca khúc 24 Giờ Phép là 1 trong những bài hát được yêu thích nhất của nhạc sĩ Trúc Phương. Mặc dù đây là một bài nhạc lính, nhưng đây cũng là ca khúc viết về tình yêu, và có lẽ sẽ có nhiều người sẽ thừa nhận rẳng 24 Giờ Phép là bài hát “gợi tình” nhất trong nhạc vàng, với những câu chữ, lời lẽ rất tình tứ, gợi lên hình ảnh mê đắm của đôi tình nhân, đôi vợ chồng trong những giây phút hiếm hoi được ở gần nhau.

Trong những ngày tháng gian lao nơi chiến địa, bất kỳ người lính nào cũng yêu nhất là những ngày nghỉ phép. Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi họ được tạm thời rời xa tầm đạn, tạm quên những chiến hào và những vòng lửa vây.

Thông thường, Bộ Tổng Tham Mưu quy định mỗi người lính có 15 ngày phép mỗi năm. Trường hợp đặc biệt, nếu nhà ở xa nơi đóng quân thì được xem xét cộng thêm 2-3 ngày, là thời gian để di chuyển. Mỗi lần nghỉ phép sẽ được nghỉ từ 3 đến 7 ngày, tuỳ tình hình chiến sự của đơn vị đóng quân. Riêng với ca khúc 24 Giờ Phép, anh lính trong bài chỉ có vỏn vẹn 1 ngày nghỉ phép, cho thấy tình hình chiến cuộc đang cam go, nên không được nghỉ phép dài ngày.


Click vào hình để nghe Duy Khánh hát

Toàn bộ bài hát này là những tâm tư, tình cảm của người lính trong 24 giờ được về thăm nhà:

Từ xa tôi về phép
hai mươi bốn giờ tìm người thương trong người thương,
chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà,
chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ.

Cửa tâm tư là mắt nên khi đối mặt chuyện buồn dương gian lẩn mất
đưa ta đi về nguyên thủy loài người
mùa yêu khi muốn ngỏ vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay

Bốn giờ đi, dài thêm bốn giờ về
thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi
ta đưa ta đến vùng tuyệt vời.
Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi.

Người đi chưa đợi sáng
đưa nhau cuối đường sợ làm đêm vui rũ xuống.
Thương quê hương và bé nhỏ tình này.
Ngẩng trông đôi mắt đỏ vì mình mười sáu giờ bỏ trời đất bơ vơ.

Ở đoạn giữa bài hát, tác giả cho chúng ta biết rằng anh lính này mất 4 giờ để di chuyển từ nơi đóng quân để trở về nhà. Nếu xét theo tình hình giao thông thời điểm đó thì khoảng cách không xa cho lắm. Có lẽ là người lính đã gửi thư trước cho người yêu để hẹn ngày, giờ, nên cô gái đã biết và “đứng chờ từ đầu ngõ bao giờ”:

Từ xa tôi về phép
hai mươi bốn giờ tìm người thương, trông người thương,
chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà,
chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ.

“Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà” cho biết rằng đây chính là đường về nhà của người lính, nên anh nghe thân quen cả từng viên sỏi trên đường về, và “người yêu đứng chờ” cũng chính là người vợ hiền yêu dấu (chứ không phải chỉ là tình nhân), nên cho dù chỉ được nghỉ phép trong vỏn vẹn 24 giờ, anh lính vẫn tranh thủ trở về bên vợ để thoả lòng mong nhớ.

Cửa tâm tư là mắt nên khi đối mặt chuyện buồn dương gian lẩn mất
đưa ta đi về nguyên thủy loài người
mùa yêu khi muốn ngỏ vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay

Bốn giờ đi, dài thêm bốn giờ về
thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi
ta đưa ta đến vùng tuyệt vời.
Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi.

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhạc sĩ Trúc Phương nói bằng một cách khác: cửa tâm tư là mắt, nên khi đối mặt chuyện buồn dương gian lẩn mất. Chỉ cần nhìn nhau, được thấy nhau, mọi muộn phiền lo âu trên đời đều tan biến.

Giây phút ở bên nhau, cảm giác có được nhau là giây phút tuyệt vời nhất. Có lẽ mọi người yêu nhau đều đã từng trải qua cảm giác ấy, và trong thời chiến chinh ly loạn thì khoảng thời gian ngắn ngủi ở bên nhau càng mang nhiều ý nghĩa hơn bao giờ hết.

đưa ta đi về nguyên thủy loài người
mùa yêu khi muốn ngỏ vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay…

Từng câu, từng chữ của bài hát như đi thấu vào tâm can của người nghe nhạc. Chưa từng có lời hát nào lại gợi tình như đoạn nhạc này của Trúc Phương: Đôi tình nhân “đưa nhau về nguyên thuỷ loài người”, về thứ bản nguyên nhất của con người. Khi đó, họ không cần một thứ ngôn ngữ nào khác nữa, ngoài ngôn ngữ tình là dấu đôi tay khi “muốn ngỏ mùa yêu”, để đưa nhau đến “vùng tuyệt vời”. Hẳn là sẽ có nhiều cô gái trẻ phải giả vờ e thẹn nếu nghe đến đoạn nhạc này cùng với người yêu của mình.

Bốn giờ đi, dài thêm bốn giờ về
thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi…

Nếu làm một phép tính đơn giản, người lính được nghỉ phép 24 giờ, mất 4 giờ để đi về, mất thêm 4 giờ ra lại đơn vị, chỉ còn lại 16 giờ họ được ở bên nhau, đưa nhau đến vùng tuyệt vời, để lại bóng đêm lạc loài và giấc ngủ mồ côi.

Vì sao giấc ngủ lại mồ côi? Là vì cả đêm đôi tình nhân này không ngủ, họ bên nhau, dành trọn vẹn những phút giây quý giá cho nhau…

Người đi chưa đợi sáng
đưa nhau cuối đường sợ làm đêm vui rũ xuống.
Thương quê hương và bé nhỏ tình này.
Ngẩng trông đôi mắt đỏ vì mình mười sáu giờ bỏ trời đất bơ vơ.

Ở đầu bài hát, chúng ta đã biết rằng họ gặp nhau khi “chiều nghiêng nghiêng nắng đổ”, có thể là vào khoảng 3h chiều. Vì vậy sau “16 giờ bỏ trời đất bơ vơ”, anh lính phải chia tay vợ khi trời chưa sáng hẳn để kịp trở về đơn vị cho đúng tròn 24 giờ phép. Vào lúc đó, anh lính chạnh thương quê hương mình, anh có phần tự hổ thẹn vì những niềm vui cá nhân mà trong 16 giờ đồng hồ đã bỏ quên đất mẹ đang đau khổ. “Ngẩng trông đôi mắt đỏ”, đó là đôi mắt thiếu ngủ cả đêm, cũng có thể là đôi mắt đỏ xót thương cho quê hương.


Click để nghe Hoàng Oanh hát

Có thể nói 24 Giờ Phép là ca khúc “tới bến” nhất trong nhạc vàng, vì ngôn từ táo bạo, gợi tình nhưng thanh thoát. Bài hát mô tả được những hình ảnh đời thường nhất của người lính. Ngoài tình yêu núi sông, trước hết họ còn tình yêu gia đình, và bất kỳ người lính nào cũng có người yêu, người vợ hiền bé nhỏ mỏi mắt vời trông nơi chốn quê nhà xa xôi, và từng giây từng phút quý giá được ở nhau đều là giây phút đáng nhớ nhất của người lính quanh năm lăn lộn chốn sa trường.

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here