Mạnh Quỳnh là một trong những ca sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng tại hải ngoại thập niên 1990-2000. Anh sở hữu giọng hát buồn man mác, sầu bi, có phẩn nỉ non, rất thích hợp với những bài nhạc vàng quê hương.

Mạnh Quỳnh được xem là một hiện tượng âm nhạc vào những năm thập niên 1990, khi sớm định hình cho mình phong cách hát nhạc buồn quê hương, những ca khúc chia sẻ nỗi niềm với kẻ nghèo, người tha hương, những bài nhạc vàng có nội dung buồn đau, tan vỡ.

Ca sĩ Mạnh Quỳnh tên thật là Nguyễn Thanh Dũng, sinh năm 1971 tại Biên Hòa. Anh là kết quả của mối tình giữa một phụ nữ Việt và quân nhân Hoa Kỳ đóng quân tại đây. Họ kết hôn và xây dựng tổ ấm ở Biên Hòa, nhưng cuộc hôn nhân ngẳn ngủi vì không lâu sau khi anh ra đời thì người cha này bị mất tích trong chiến tranh.

Tuy mang hai dòng máu Việt – Mỹ, nhưng vẻ bề ngoài của Mạnh Quỳnh không có nhiều nét đặc trưng của con lai, cả giọng hát và nét mặt của anh đều thuần chất Việt Nam.

Vắng cha, Mạnh Quỳnh và mẹ về sống với bà ngoại ở quê. Không khí và cuộc sống của làng quê đó mang ý nghĩa lớn đối với anh, ảnh hưởng đến sự chọn lựa các tình khúc quê hương để hát về sau này.

Năm 15 tuổi, Mạnh Quỳnh và mẹ lên Sài Gòn để sinh sống. Anh theo học ở trường Trần Khai Nguyên và học cổ nhạc với nghệ sĩ Ngọc Ẩn.

Mạnh Quỳnh mê nhạc từ nhỏ, dù cuộc sống khó khăn nhưng mẹ của anh vẫn chiều ý con, cho theo học nhạc, nhưng vẫn muốn anh học hành được đến nơi đến chốn.

Năm 20 tuổi, khi học xong phổ thông và chuẩn bị thi đại học thì Mạnh Quỳnh cùng mẹ sang Hoa Kỳ định cư theo diện con lai. Trong 2 năm đầu ở New York, anh vừa đi làm ở một hãng điện tử, vừa học tiếng Anh vào buổi tối. Cuộc sống mới nơi xứ người khó khăn và chật vật.

Sau khi đã dần ổn định cuộc sống ở Mỹ, hai mẹ con Mạnh Quỳnh quyết định chuyển về tiểu bang Minnesota và sống tại thành phố Lakeville.

Tại đây Mạnh Quỳnh theo học về ngành điện toán. Dù mưu sinh vất vả, nhưng tình yêu âm nhạc vẫn được Mạnh Quỳnh nuôi dưỡng, anh ghi danh theo học về sáng tác, luyện thanh và guitar tại nhà do một giáo sư người Mỹ hướng dẫn. Niềm đam mê ca hát đã luôn thôi thúc Mạnh Quỳnh phải cố gắng thực hiện được ước mơ của mình bằng mọi giá. Ban đầu anh đi hát cho những tiệc cưới của người Việt, chập chững vào nghề ca hát và để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và chi phí học hành.

Trong những lần đi hát đó, vận may đã đến với Mạnh Quỳnh, một số khán giả nhận thấy giọng hát của anh có triển vọng nên khuyên anh tự thu âm và gửi đến trung tâm Người Đẹp Bình Dương. Ngay sau đó Mạnh Quỳnh được trung tâm này mời cộng tác.

Khoảng đầu năm 1996, CD đầu tiên của Mạnh Quỳnh hát chung với Hương Lan mang tên “Hai Đứa Giận Nhau” ra mắt và được công chúng đón nhận. Đó cũng là thời kỳ sôi động của làng nhạc hải ngoại với sự tham gia của hàng chục trung tâm băng nhạc lớn nhỏ, cùng sự xuất hiện của một lớp ca sĩ mới tài năng ở hải ngoại: Như Quỳnh, Trường Vũ, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Mạnh Đình, Hạ Vy… Từ đó, Mạnh Quỳnh dần khẳng định được tên tuổi của mình trong dòng nhạc quê hương, với những ca khúc nhạc vàng buồn.

Cũng trong CD đầu tiên đó, chàng trai 24 tuổi tên là Nguyễn Thanh Dũng đã tự chọn cho mình nghệ danh là Mạnh Quỳnh. Khi lần đầu đến trung tâm Người Đẹp Bình Dương để thu âm thử, anh đã hát “Gõ Cửa” của nhạc sĩ Mạnh Quỳnh sáng tác trước năm 1975. Nhận thấy Mạnh Quỳnh là cái tên hay, anh đã chọn làm nghệ danh, rồi gắn bó luôn với cái tên này cho đến nay.


Click để nghe nhạc Mạnh Quỳnh

Thời điểm đó, ca sĩ Mạnh Quỳnh trước 1975 đã ngừng đi hát, không ai biết đến tin tức của ông, chính Nguyễn Thanh Dũng (Mạnh Quỳnh trẻ) cũng tưởng là Mạnh Quỳnh trước 1975 đã qua đời sau nhiều biến đổi của thời thế, nên anh đã chọn nghệ danh Mạnh Quỳnh như là một sự nối tiếp thế hệ. Tuy nhiên việc chọn trùng tên này cũng mang lại nhiều rắc rối với ca sĩ Mạnh Quỳnh trước 1975 vì bị khán giả nhầm lẫn giữa 2 người.

Từ năm 2000, Mạnh Quỳnh đã kết hợp cùng ca sĩ Phi Nhung để trở thành đôi song ca rất ăn ý trong những ca khúc trữ tình, quê hương, đặc biệt là những bài hát tân cổ. Đó là sự kết hợp của 2 người ca sĩ có số phận tương đồng nhau: Cùng có cha là những người quân nhân Mỹ, nhưng mồ côi cha từ sớm, phải sống bươn chải từ nhỏ để mưu sinh trong hoàn cảnh khó khăn. Một sự trùng hợp khác, họ cùng đến Mỹ vào đầu thập niên 1990, và mặc dù mang tiếng là về lại quê cha, nhưng mọi thứ nơi đây đều lạ lẫm, ngay cả tiếng nói cũng không rành, phải đi học thêm, làm thêm, dần dần rồi mới thích nghi được với cuộc sống mới. Có thể nói Phi Nhung và Mạnh Quỳnh đã có sự đồng cảm vì cùng là những người con lưu lạc với số phận và hoàn cảnh giống nhau, nên trở thành những người bạn tri kỷ trong âm nhạc.

Nhiều fan hâm mộ đã hy vọng rằng Mạnh Quỳnh và Phi Nhung không chỉ là “tình nhân” trên sân khấu, mà cả ở ngoài đời. Tuy nhiên Mạnh Quỳnh đã cưới vợ năm 2004, người vợ này lại do chính Phi Nhung giới thiệu, đó là cô Văn Cẩm Diệu, và họ đã có 2 người con trai nay đã lớn.

Cho đến nay, Mạnh Quỳnh là một trong những nam ca sĩ thế hệ sau năm 1975 phát hành nhiều album nhạc nhất với 60 CD các thể loại và hợp tác với hầu hết các trung tâm băng nhạc lớn nhỏ: Thuý Nga, Asia, Người Đẹp Bình Dương, Ca Dao, Phượng Hoàng…

Ngoài ra anh còn tự sáng tác nhiều ca khúc để phù hợp với giọng hát của mình. Đó là những bài hát viết nỗi buồn, sự thiệt thòi của phận nghèo, cô đơn. Giọng hát anh đậm chất trữ tình, tròn vành rõ chữ và mang những nỗi khắc khoải, u buồn.

Khác với những ca sĩ hải ngoại khác, thường về Việt Nam để làm những liveshow công phu, đình đám, Mạnh Quỳnh về Việt Nam thường đi diễn khắp nơi, tham gia đủ các show lớn nhỏ. Theo anh, nguyên nhân là bởi làm liveshow thì chi phí rất cao, nếu bán vé cao thì những người nghèo thì không thể coi được, mà Mạnh Quỳnh thì muốn giọng hát của mình có thể đến với những bà con ở những vùng xa xôi, nghèo khó.

Vì thế lần nào về nước, Mạnh Quỳnh cũng đi diễn khắp nơi, từ thành phố đến nông thôn. Có chuyến về Việt Nam 16 ngày, Mạnh Quỳnh diễn tới 14 đêm từ Nam ra Bắc, từ miền Tây Nam bộ đến đồng bằng Bắc bộ.

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here