Những người yêu nhạc guitar, instrumental, nhạc trữ tình, có lẽ không ai là không biết đến ngón đàn guitar bằng tay trái rất tuyệt vời của nghệ sĩ Vô Thường.

Vô Thường tên thật là Võ Văn Thường, sinh năm 1940 tại Phan Rang. Ông vốn là một nhạc sĩ, nhưng lại được nhiều người biết đến với ngón đàn guitar tuyệt kỹ với trên 1500 bản thu âm đã được thực hiện ở hải ngoại.


Click để nghe guitar Vô Thường

Thuở nhỏ ông rất yêu nhạc, nhưng ở Phan Rang quê ông không có điều kiện và phương tiện để học nhạc, vì vậy ông đã tự học đàn một mình. Ban đầu ông tự học mandoline, dự thi và được giải “người đánh đàn mandoline hay nhứt của quân khu” vào năm 1962.

Từ đó tên tuổi của ông được một số người biết đến, rồi cùng giao lưu gặp gỡ với những tay đàn mandoline nổi tiếng ở Miền Nam lúc đó như Pierre Trần (Trần Anh Tuấn), Lê Duyên, Khánh Băng, Nguyễn Mạnh, Đức Quê, Văn Lạc…

Năm 1966, Vô Thường chuyển sang học và chơi đàn guitar, rồi tham gia đàn ở một số club Mỹ ở thành phố Nha Trang. Có một điều đặt biệt là ông lại chơi đàn bằng tay trái.

Vô Thường có một lần nói như sau: “Tôi đàn tay trái, thành ra phải học mò và đàn lấy một mình khi còn nhỏ. Không học ký âm pháp nhiều, chỉ quọt quẹt chút ít, nên đôi khi nhìn bản nhạc mà đàn thì chẳng ra hồn. Tôi chỉ ân hận là những ngày còn nhỏ vứt đi những thời giờ quý báu, thành ra cho tới bây giờ, nghĩ cũng muốn để đi vào khuôn khổ. Tôi kỳ vọng gởi hồn vào những bản nhạc những khi hứng đàn, hát và viết nhạc. Đền bù vào đó, tôi rất nhớ dai và dễ học. Những bản nhạc nghe qua một lần hai lần là tôi mò ra và đánh được, dầu không đúng hẳn 100%”.

Vô Thường từng theo học khóa 9 trường sĩ quan Thủ Đức, phục vụ ngành tâm lý chiến. Cuộc đời quân ngũ và sinh hoạt văn nghệ của ông có lẽ sẽ trôi qua một cách bình lặng như vậy theo thời gian, nếu không có biến cố kinh hoàng năm 1975. Vô Thường là một trong những người Việt đầu tiên trôi theo dòng người tị nạn đến Mỹ, không kịp mang theo vợ và hai người con gái nhỏ mới 4,5 tuổi.

Thời gian đầu nơi đất khách quê người, Vô Thường phải tìm mọi việc để có kế sinh nhai. Sau đó ông có ý tưởng mở một cửa hàng bán bàn ghế, tủ giường, trở thành người Việt đầu tiên hành nghề này tại vùng Quận Cam. Từ đó cho tới năm 1987 ông làm chủ tiệm Kim’s Furniture ở Santa Ana, California.

Ngoài ra từ tháng 3 năm 1983, Vô Thường còn hợp tác với một người bạn để mở một khiêu vũ trường mang tên là RITZ. Tuy nhiên vũ trường hoạt động không hiệu quả và chỉ hơn 1 năm sau, vào tháng 7, 1984, ông đã sang lại vũ trường RITZ lại cho nhạc sĩ Ngọc Chánh, trưởng ban Shotguns, để quay về nghề bán bàn ghế như trước.

Tuy vậy máu mê văn nghệ vẫn ở trong người, ông thường xuyên tập dượt guitar. Bạn bè nghe thấy hay và khuyến khích, ông thu lại tiếng đàn trong băng cassette, cho đến ngày chủ nhật 19 tháng 4, 1987, tại quán Phở Ngon ở quận Cam, Cali, Vô Thường đã cho trình làng hai cuốn băng nhạc hòa tấu đầu tiên mang tên “Ru Khúc Mộng Thường” 1 và 2. Những cuốn băng này đã đạt được thành công ngoài mong đợi và bán rất chạy. Ông đã trích số tiền $800 bán băng trong buổi ra mắt để tặng cho Ủy ban cứu trợ quốc tế (International Rescue Committee) để giúp những trẻ mồ côi tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á.

Hai băng nhạc đầu tiên trong sự nghiệp này mặc dù chỉ là của một tay đàn nghiệp dư, nhưng đã được tái bản nhiều lần. Ông tiếp tục cho trình làng thêm hai cuốn băng khác vào tháng 6 với tựa đề “Hạnh Phúc Nửa Vời” gồm những bản nhạc do ông sáng tác qua một số giọng hát có tên tuổi trình bày, và một cuốn “Hải Âu” do ca sĩ và nhạc sĩ Phạm Hoàng Dũng phụ trách.

Tuy nhiên băng nhạc “có lời” này đã chìm hẳn so với trên 150 băng nhạc “không lời” khác của ông với rất nhiều dòng nhạc khác nhau như tiền chiến, trữ tình, nhạc vàng, nhạc nước ngoài, nhạc khiêu vũ…


Click để nghe guitar Vô Thường – Album Ru Khúc Mộng Thường

Giáo sư Trần Văn Khê đã nhận xét về tiếng đàn của nghệ sĩ Vô Thường như

“Tiếng đàn có sức hấp dẫn lạ thường, nghe câu đầu muốn nghe tiếp câu sau, và liên tục như thế đến khi dứt bài mà cũng còn vọng lại dư âm. Những bản nhạc phần nhiều rất quen thuộc với người nghe. Nhưng qua ngón đàn của Vô Thường, mỗi bài mỗi tươi thắm với một sắc thái mới, đậm đà với một hương vị mới. Có phải chăng nhờ phong cách đàn độc đáo, không phải chỉ đàn bằng ngón tay mà đàn bằng con tim, không phải chỉ phô trương kỹ thuật mà áp dụng nghệ thuật, biểu diễn như Vô Thường không phải lặp lại mà tái tạo…”

Khác với các băng nhạc khác trên thị trường, CD và băng nhạc của Vô Thường thường được trình bày trang nhã, nghệ thuật. Đôi khi ở bìa sau CD ông còn tóm tắt súc tích về cuộc đời của các nhạc sĩ có bản nhạc mà ông đàn. Cầm CD lên xem đã thấy đẹp mắt, còn nội dung bên trong thì có tiếng đàn độc đáo, lúc réo rắt êm dịu, lúc tha thiết ảo não, âm thanh rót vào tai như mật ngọt làm xúc động đến tận cùng lòng người.

Trong 16 năm hoạt động âm nhạc tại hải ngoại, kể từ năm 1987 cho đến lúc qua đời năm 2003, nghệ sĩ Vô Thường đã ra mắt khoảng 150 album nhạc không lời ở đủ các thể loại:: Tình Khúc Tiền Chiến, Tác Giả & Tác Phẩm, Tình Ca Cho Nhau, Tình Ca Của Lính, Lính và Kỷ Niệm, Thơ Nhạc, Tình Ca Xuân, Nhạc Hòa Tấu, Nhạc Khiêu Vũ, Nhạc Ngoại Quốc, Country Music… Nội dung các thể loại trên giới thiệu hầu hết các nhạc sĩ và nhạc phẩm danh tiếng một thời, kể cả nhạc ngoại quốc được nhiều người Việt biết đến.

Lúc Vô Thường sang Mỹ năm 1975, ông không kịp mang vợ và con theo. Sau khi ổn định được cuộc sống bên Mỹ, ông đã bảo lãnh 2 người con gái sang và giúp họ có được cuộc sống ổn định.

Sau đó ông lập gia đình với nhạc sĩ Lê Tín Hương (tác giả của bài hát Có Những Niềm Riêng). Có lần nhạc sĩ Trần Quang Hải kể lại: “Khi anh sang thăm chúng tôi tại Paris vào đầu thập niên 90, anh Vô Thường giới thiệu Tín Hương, một người đàn bà miền Trung rất đẹp. Một bài nhạc đã được viềt ra trên đất Pháp, dọc sông Seine, giữa thành phố Paris hoa lệ”. Đó là bài “Một Chút Tình Bỏ Quên” nêu trên, trong đó có đoạn:

Paris dường như đã
Nghe tình lên trong ta
Từ Anh lặng lẽ tới
Cho nhung nhớ đầy vơi
Cho mộng tràn chăn gối

Vô Thường đã khuyến khích Lê Tín Hương sáng tác nhạc và tạo điều kiện thuận lợi cho vợ đưa các nhạc phẩm đó đến thính giả. Trong thời gian hai người sống chung, Vô Thường có làm một CD hòa tấu toàn nhạc của Lê Tín Hương, ghép tên hai người làm tên CD: Hương Vô Thường. Riêng nhạc sĩ Lê Tín Hương cũng thực hiện được những CD riêng: Con Đường Tôi Về, Dòng Đời Mong Manh, Có Những Niềm Riêng… Đến cuối năm 1999, Vô Thường và Tín Hương chia tay.

Nghệ sĩ Vô Thường qua đời năm 2003 vì bệnh ung thư phổi. Có hàng trăm văn nghệ sĩ, bạn bè trong giới văn nghệ đến tiễn biệt ông trong 1 tang lễ rất cảm động. Lúc sinh thời, ông được mô tả là sống hòa nhã, thân thiện với mọi người, nên rất được yêu quý.

Trước khi ra đi, ông trăn trối rằng gia tài duy nhất để lại cho hai con gái là nghề thu âm và cả ngàn bài nhạc hòa tấu mà anh đã sản xuất.

nhacvangbolero.com tổng hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here