Ca khúc Tình Yêu Và Huyền Thoại là một trường hợp đặc biệt của nhạc trữ tình Việt Nam. Thật khó hiểu vì một ca khúc đẹp từng từ ngữ, từng giai điệu như vậy, nhưng một thời gian dài ghi tên nhạc sĩ sáng tác là “khuyết danh”. Trước năm 1975 chỉ có duy nhất một phiên bản của ca sĩ Thanh Lan hát, và sau 1975 hình như chỉ có Thái Hiền, Như Mai, Phi Khanh và Trịnh Vĩnh Trinh hát lại. Có một số nơi ghi tên nhạc sĩ Minh Kỳ, nhưng không có tài liệu xác minh, hơn nữa đây cũng không giống với nét nhạc của cố nhạc sĩ Minh Kỳ.


Click để nghe Thanh Lan hát trước 1975

Tình Yêu Và Huyền Thoại có ca từ trong sáng, mang tính thần thoại, ở đó không có thương đau, không dằn vặt, day dứt như hầu hết những ca khúc trữ tình buồn của nhạc Việt, mà chỉ có duy nhất một tình yêu vĩnh cửu tồn tại đến muôn đời.

Cách đây vài năm, có một độc giả tên là Mỹ Dung sinh sống ở New Zealand gửi đến cho chúng tôi thông tin về một nhạc sĩ tên thật là Văn Minh Trí, sinh năm 1940, ông học sư phạm ở Sài Gòn khoá 1963-1967 và làm sau đó về dạy môn Việt Văn ở trường Trung Học An Xuyên tỉnh Cà Mau.

Có một độc giả khác là Việt Hùng Trịnh gửi đến hình ảnh tờ học bạ có ghi dòng nhận xét của giáo sư Văn Minh Trí đến học trò như sau:

Ông dùng bút danh là Văn Trí với ca khúc Hoài Thu nổi tiếng qua giọng hát Thanh Thuý, và nhạc sĩ Văn Minh Trí cũng là tác giả của ca khúc “khuyết danh” Tình Yêu Và Huyền Thoại, sáng tác năm 1968. Sau đây là bản nhạc được nhạc sĩ ký tên đề tặng:

Sau 1975, ông sống lặng lẽ ở vùng New Zealand xa xôi, vắng bóng cộng đồng người Việt, không tham gia gì đến văn nghệ hải ngoại nên rất người biết đến ông. Vì vậy cuộc sống của nhạc sĩ Văn Minh Trí kín tiếng và âm thầm, cũng giống như chính ca khúc Tình Yêu Và Huyền Thoại của ông vậy.

Tác giả Thuan Vuong có những nhận xét rất hay về ca khúc này như sau:

“Bài hát làm cho mọi u sầu, ẩn ức, tủn mủn, giành giật kiểu các bài tình yêu khác đều lùi ra. Tình Yêu Và Huyền Thoại khiến tất cả trời đất sáng bừng lên, hoang dại hơn, lung linh như một bức tranh Hy Lạp, một cảm xúc mâu thuẫn từng âm thanh vẽ ra trước mắt.

Những thi ảnh “bầy thỏ ngoan”, “dã điểu”, “bầy quạ đen” xuất hiện trong một bản tình ca Việt, đem lại một không khí hương xa, một sự lạ lẫm và gợi nhiều suy tưởng. Trong một huyền thoại mọc cánh, tìm kiếm, rồi trốn mất, rồi lại ve vuốt soi sáng rồi lại sợ hãi mà lặn đi. Những gần gũi ân ái mở rộng đồng bằng mật ngọt hoa thắm rồi bỗng chốc sa mạc hoang vu kinh người tiếng quạ đen lanh lảnh chế giễu. Lãng mạn bồng bềnh hái sao trời cài lên tóc đến dục cảm điếng người trong sự tư tình một tảng đá không lên rêu. Đa diện, nhiều chiều kích, cảm và dục, đẹp và sợ, cao vời và sâu thẳm, tất cả quay trong một điệu luân vũ 3/4, đó mới là tình yêu”.

Hãy cùng xem lại lời bài hát rất đặc biệt đầy những hình ảnh đẹp như trong một bức tranh:

Nàng mọc cánh bay đến nơi chân trời
Chàng đuổi theo trên chuyến xe cuộc đời
Nàng vươn tay hái sao trời đỉnh núi
Kết lên tóc mây như đôi mắt tình yêu.

Chàng cầm đuốc soi sáng tâm tư nàng
Bầy thỏ ngoan đi trốn đôi tay chàng
Hồn chết đuối nơi sông dài yêu đương
Bóng đêm đứng trông chiều khóc ai sương mờ

Trên đồng bằng ân ái, môi nàng là hoa thắm
Cho mật ngọt tình yêu, đam mê đừng trốn mất
Mây mùa hè thiêu đốt, sa mạc lòng rực cháy
Chim rừng về hỏi lá, đàn quạ đen cười rũ.

Nàng là đá bao tuổi xanh hỡi nàng
Chàng là rêu ôm đá mơ thiên đàng
Bằng đôi chân mang linh hồn dã điểu
Đá xanh chở rêu về núi xa tự tình.

Lời bài hát này được chép lại từ bản nhạc của chính tác giả. Khi nghe lại 5 phiên bản của Thanh Lan, Thái Hiền, Như Mai, Phi Khanh và Trịnh Vĩnh Trinh, có thể thấy chỉ có Thanh Lan và Thái Hiền là hát gần đúng nhất, chỉ sai 1 chữ duy nhất: “Chàng cầm đuốc soi sáng tâm tư nàng” thì lại hát thành “Chàng cầm đuốc soi sáng tâm tư chàng”. Phiên bản của Như Mai và Phi Khanh cũng hát sai rất nhiều, nhưng sai nghiêm trọng nhất vẫn là bản của Trịnh Vĩnh Trinh. Dù bản thu âm của cô Trinh hay và hát trong trẻo nhất, phù hợp với bài hát, nhưng cô hát sai ở những chữ rất quan trọng của bài hát:

“Trên đồng bằng ân ái”, hát sai thành “Trên đồng vàng…”
“Mây mùa hè thiêu đốt, sa mạc lòng rực cháy” hát sai thành “sao mặc lòng rực cháy”, làm cho bài hát có ý nghĩa thoát tục này lại quay về mang những nét tủn mủn của yêu đương hờn giận thông thường.
“Đàn quạ đen cười rũ” hát sai thành “đàn thỏa lên cười rũ”, làm cho câu hát không có ý nghĩa.

Đặc biệt là cây rất hay là “Nàng là đá bao tuổi xanh hỡi nàng” hát sai thành câu vô nghĩa là “Nàng là đá ta tuổi xanh hơn nàng”.

“Đá xanh chở rêu về núi xa tự tình” hát sai thành “Đá xanh chở rêu về núi TA tự tình.”

Mời các bạn nghe lại các phiên bản thu âm sau 1975 của các nữ ca sĩ:


Click để nghe Trịnh Vĩnh Trinh hát hát


Click để nghe Thái Hiền hát


Click để nghe Như Mai hát

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

—-

Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn

1 COMMENT

  1. Bài hát này đúng là thật tuyệt vời với nền nhạc Việt. Vì hiếm tìm thấy những thể loại nhạc trữ tình lãng mạn đến phút chót.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here