Thập niên 1960, con đường Võ Tánh ở Đà Lạt (nay là đường Bùi Thị Xuân) được xem là con đường sinh viên, vì có rất nhiều nhà trọ cho sinh viên ở. Nơi đây gần với Viện Đại Học Đà Lạt, gần trường nữ sinh Bùi Thị Xuân và trường Bồ Đề.

Khi đó, căn nhà địa chỉ số 22 đường Võ Tánh là nơi ở của một thầy giáo môn triết, và là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của miền Nam từ thập niên 1970, thầy Lê Văn Lộc, tức nhạc sĩ Lê Uyên Phương.

Một ngày của năm 1967, có một nữ sinh mới 15 tuổi tên là Lâm Phúc Anh, là một tiểu thư người Hoa đài các, con nhà quyền quý, rời Chợ Lớn để lên học ở trường dòng Franciscain – Đà Lạt. Cha của cô mua một căn nhà ở số 18 – Võ Tánh để cô ở, cách nhà của Lê Uyên Phương chỉ 2 căn.

Sau này, ca sĩ Lê Uyên (tức Lâm Phúc Anh năm xưa) kể lại rằng trong một buổi chiều, cô sửa soạn chiếc áo dài màu vàng yêu thích rồi rảo bước dạo phố một mình. Khi đi ngang qua căn nhà số 22 – Võ Tánh, ngay từ xa, cô đã thấy một người đàn ông vóc dáng nhỏ bé đang ngồi trên một phiến đá trước hiên nhà, trầm tư nhìn ra ngõ. Cô thiếu nữ mới 15 tuổi bỗng hồi hộp khi bất chợt nhận ra rằng người đó đang thấp thoáng nhìn mình. Khi cô bước ngang qua, người đàn ông nhã nhặn mở lời: Chào cô!

Trong phút chốc, ngay khi nghe 2 chữ đó, như là có một dòng điện băng ngang qua người làm cô trở thành phiến băng bất động. Sau khi hoàn hồn xong, cô lí nhí: “Dạ…”, rồi bước nhanh qua mà không dám ngoái lại nhìn lần nữa.

Trước dáng vẻ khác thường của Lê Uyên Phương, gương mặt lúc nào cũng trầm tư và đầy chất nghệ sĩ, cô gái Lâm Phúc Anh đã bị tiếng sét ái tình từ đó. Cô nói:

“Tôi yêu Lê Uyên Phương vì tài năng, sự hiền lành, đạo đức và tấm lòng nhân ái, rộng lượng của anh. Nhưng tha thiết hơn cả là con người nghệ sĩ và căn bệnh hiểm nghèo mà anh mắc phải. Cuộc tình của chúng tôi rất đẹp nhưng cũng rất đau đớn bởi không biết ngày nào đó sẽ vĩnh viễn mất nhau vì cái chết luôn rình rập”.

Mỗi ca khúc của Lê Uyên Phương đều mang cảm thức hạnh phúc và chia lìa. Bởi theo Lê Uyên Phương, tình yêu của một chàng trai 26 tuổi lại mang trong mình căn bệnh quái ác không biết ra đi lúc nào, với cô gái phơi phới mới lớn như Lâm Phúc Anh, đối với ông là quá lớn: “cho tôi yêu em nồng nàn, cho tôi yêu em nồng nàn, dù biết yêu tình yêu muộn màng…” (bài Tình Khúc Cho Em)

Tình yêu của họ hoàn toàn không suôn sẻ khi khởi đầu. Gia đình Lâm Phúc Anh không bao giờ chấp nhận con gái họ lấy một người mang trong mình căn bệnh nan y như Lê Uyên Phương. Khoảng cách 11 tuổi giữa họ cũng quá lớn. Và đặc biệt, hầu như không một gia đình người Hoa nào muốn gả con gái họ cho một người khác tộc.

Trong những tháng ngày “yêu nhau trong lo âu”, Lê Uyên Phương đã sáng tác những bài đầu tiên dành cho người yêu Lâm Phúc Anh mang tên Tình Khúc Cho Em, và Vũng Lầy Cho Chúng Ta. Ngay từ tựa đề bài hát cũng đã thể hiện nỗi niềm bi thiết, vô vọng của cuộc tình không suôn sẻ:

Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say
Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau
Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say
Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn…

Gia đình Lâm Phúc Anh đã ra sức ngăn cản, nhưng cô gái bất chấp tất cả, kể cả trốn nhà ra đi hoặc là dọa chết. Cha mẹ đành đưa cô về Sài Gòn để chia cách đôi người. Không chịu thua, cuối tuần nào thầy giáo tên Lê Văn Lộc cũng bắt xe đò đi nhiều tiếng đồng hồ từ Đà Lạt về Sài Gòn chỉ để gặp người yêu trong phút chốc rồi trở về dạy học. Trong niềm chia cắt đó, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã viết loạt ca khúc in trong tập nhạc đầu tiên mang tựa đề Khi Loài Thú Xa Nhau – Nói lên nỗi lòng của họ, với một phong cách rất riêng: Dữ dội và đau đớn.

Dù bị ngăn cách, cấm cản như vậy, nhưng thời gian họ xa nhau nhiều nhất kể từ khi yêu nhau cho đến khi lấy nhau chỉ là 19 ngày. Đó là khoảng thời gian đầu năm 1968, khi xảy ra sự kiện Mậu Thân, khu nhà ở của Lâm Phúc Anh ở Chợ Lớn bị giới nghiêm 24/24, nội bất xuất, ngoại bất nhập, nên Lê Uyên Phương không thể đến thăm người yêu được.

Ca sĩ Lê Uyên, tức Lâm Phúc Anh, sau này kể lại rằng vì quá nhung nhớ sau 19 ngày không gặp được nhau, nên một hôm cô phải nói dối gia đình là đi mua đồ rồi đi ra ngoài, lén quân cảnh chui qua hàng rào giới nghiêm để gặp Lê Uyên Phương. Hai người gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, lên xích lô máy và đi một lèo đến nơi xa thật xa của thành đô để được ở bên nhau.

Trong niềm thương tận cùng đó, Lê Uyên Phương đã biết bài Cho Lần Cuối:

Giờ này còn gần nhau,
gần thắm thiết trong mối sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau.

Giờ này còn cầm tay,
cầm chắc mối duyên bẽ bàng
Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
Cầm giá buốt thương đau,
ngày mai ta không còn thấy nhau…

Vì hoàn cảnh gia đình và cả hoàn cảnh chiến sự, cuộc tinh lén lút của họ đã trải qua những nỗi nhớ nhung và đau xót đến tột cùng. Nên khi được gặp nhau sau nhiều ngày xa cách, cảm xúc đã dâng trào:

Lệ ngập ngừng bờ mi,
giọt nước mắt lăn nỗi buồn
Giọt nước mắt xa cách vời vợi trông

Giờ này còn nhìn nhau,
nhìn đắm đuối như suối bền
Nhìn suốt kiếp như chết mòn,
nhìn hấp hối thương đau
Ngày mai ta không còn thấy nhau…

Mời các bạn nghe lại cặp đôi Lê Uyên và Phương hát bài này trước năm 75 sau đây:


Click để nghe

Các bạn cũng có thể nghe lại phần trình bày của giọng ca không chuyên Thu Minh ở Đà Lạt với tiếng hát rất cảm xúc:


Click để nghe

Rồi tình yêu của họ cũng đã chiến thắng mọi rào cản. Họ trở thành đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng khắp Sài Gòn. Khán giả đã tìm thấy ở nhạc của Lê Uyên Phương cái chất hiện sinh và giai điệu phóng khoáng tự do. Những bài hát của ông cũng là một dự cảm buồn cho cuộc tình mấy mươi năm sau đó. Lâm Phúc Anh – Lê Uyên nói:

“Năm đó anh Phương mới chỉ 26 tuổi, nhưng tôi thấy anh đọc, yêu tư tưởng Krishnamurti, anh trầm tư nhìn sâu vào sự bất an trong tâm trạng thanh niên trước tương lai không có lối thoát bởi mất mát, bởi chiê’n tranh.

Từ đó, anh viết những ca khúc đầy dự cảm buồn. Buồn, nhưng không yếu đuối bi lụy mà hướng đến tinh thần chấp nhận, đón nhận thực tại, xem những đau khổ là một phần của cuộc sống để dành trọn tình yêu và sự thiện tâm cho nhau trong từng phút giây”.

Năm 1971, khi cặp đôi Lê Uyên Phương đang trở thành một hiện tượng của làng nhạc miền Nam, họ đã cùng xuất hiện trong bộ phim nôi tiếng Người Tình Không Chân Dung của nữ minh tinh Kiều Chinh với vai trò là khách mời (cameo) và cùng song ca bài Cho Lần Cuối. Dường như đây là video duy nhất ghi lại hình ảnh của họ trước năm 1975. Mời các bạn xem lại sau đây:


Click để xem

Sau khi cưới nhau và trở thành cặp đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng khắp Sài Gòn, Lê Uyên và Phương trở về Đà Lạt mở một quán cafe tên là Lục Huyền Cầm ngay tại căn nhà số 22 Võ Tánh, là nơi ở của “ông giáo nghèo” Lê Văn Lộc vài năm trước đó, cũng là nơi ông đã có buổi gặp gỡ định mệnh với cô gái Lâm Phúc Anh.

Dưới đây là tờ bướm quảng cáo có ghi rõ Lục Huyền Cầm số 22 Võ Tánh.

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here