Năm 1961, sau khi lập gia đình và từ Đà Lạt trở về thành đô Sài Gòn để sinh sống, vợ chồng nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng cư ngụ ở một căn nhà nhỏ gần ngã 4 Bảy Hiền. Tại đây ông sáng tác ca khúc đầu tiên ở Sài Gòn, đó là Mưa Đêm Ngoại Ô, là bài hát được yêu thích suốt 60 năm qua.

Nghe đến 2 chữ ngoại ô, người ta thường nghĩ về những nơi xa vắng, buồn tênh, và mưa thì cũng gợi nét buồn. Tuy nhiên mưa đêm chốn ngoại ô trong nhạc của Đỗ Kim Bảng không hẳn là một bài hát buồn, mà mang nhiều nét tin yêu, hy vọng.

Thời đầu thập niên 1960, khu vực ngã 4 Bảy Hiền vẫn là một vùng ven, là ngoại ô của thủ đô Sài Gòn. Chỉ mới sống ở đây trong thời gian không lâu, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong những ngày đầu. Trong một đêm buồn, nghe tiếng mưa rơi ngoài song cửa nhỏ, cảm xúc dâng trào trở thành cảm tác để nhạc sĩ sáng tác những giai điệu bất tử sau đây:

Trời đã khuya rồi đây, trăng chênh chếch xuyên ánh qua mành.
Trời đã khuya rồi đây, mưa trên xóm xa ánh đô thành.
Đường ngoài kia không xôn xao, không đẹp vì đèn màu.
Ôi đường dài hun hút với đêm sâu.
Bước chân ai qua mau, dưới mưa nghe nao nao lẫn tiếng còi tàu thét lâu.


Click để nghe Giao Linh hát Mưa Đêm Ngoại Ô

Ở nơi xa khuất anh đèn màu của đô thành, không nhộn nhịp ngựa xe, không đèn hoa rực rỡ, chàng nhạc sĩ vừa bước qua độ tuổi tam thập vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của cảnh đường dài hun hút với đêm sâu, và tiếng mưa xuyên đêm như một khúc nhạc tâm tình. Tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ ở gần Bảy Hiền, cách không xa Ga xe lửa Gài Gòn, nên có thể nghe rõ được tiếng còi tàu thét sâu những tiếng não nùng trong màn đêm ở vùng ngoại ô.

Khu vực ngã 4 Bảy Hiền năm 1966

Nằm giữa đêm ngoại ô, nghe mưa rớt trên khóm tre già.
Thầm nhớ ai ngoài xa, đang tranh đấu cho nước non nhà.
Người anh tôi không quen ơi
Mưa rừng về ngợp trời, mưa làm chi cho ướt áo anh tôi?
Đến mai khi nơi nơi, gió im mưa thôi rơi mời anh qua làng tôi.

Ở đoạn thứ 2 của bài hát trở về sau là hình ảnh những người lính đang tranh đấu cho quê hương. Nghe tiếng mưa đêm nơi ngoại ô thành thị, người nhạc sĩ lại nghĩ đến từng cơn mưa rừng rét lạnh vai áo người lính trận, rồi mơ về một ngày “gió im mưa thôi rơi”, tức là ngày không còn tiếng súng.

Đây ngoại ô, nhạt ánh đèn khuya.
Đèn vàng hiu hắt soi con đường mờ mờ bóng mưa,
Nhưng tin yêu thắm lòng ta.

Xin tặng anh, người trai vì dân.
Nụ cười em gái yêu với tình thương như ánh xuân,
Mang theo anh nhé lúc hành quân.

Để những đêm trời khuya, mưa tí tách như đếm canh dài.
Ở chốn xa ngoài kia, nơi biên giới sương khuất cây đồi.
Người anh tôi không quen ơi
Trên đường dẹp giặc thù, nếu chợt nghe tim ấm giữa xa xôi.
Gió mang ra biên khu, mến trao anh câu ca một đêm mưa ngoại ô.

Bài hát Mưa Đêm Ngoại Ô có một số phận khá kỳ lạ. Khi được sáng tác xong, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng bán bản quyền 1 năm cho nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo. Nhưng trong 1 năm đó chỉ bán vỏn vẹn được 300 tờ nhạc. Sau đó, ca – nhạc sĩ Duy Khánh, với đôi tai tinh tường, nhận thấy được bài hát rất hợp vói thị hiếu công chúng thời bấy giờ, nên đã mua lại bản quyền để tái bản tờ nhạc. Nhờ biết cách lăng xê, Duy Khánh đã làm cho Mưa Đêm Ngoại Ô trở nên nhanh chóng nổi tiếng, đặc biệt là khi được Hương Lan thu âm vào dĩa nhựa. Sau đó, bài hát được yêu cầu phát rất nhiều trên các đài phát thanh và hát ở các đại nhạc hội.

Mời bạn nghe lại ca khúc này:


Click để nghe Hương Lan hát Mưa Đêm Ngoại Ô trước 1975

Năm 2000, ca sĩ Hương Lan hát lại bài này trong Asia 28 và cũng rất thành công. mời các bạn xem lại:


Click để xem

Ngoài ra, khi nhắc tới nhạc Đỗ Kim Bảng, người ta thường nhớ đến giọng hát Hoàng Oanh – người trình bày thành công nhiều ca khúc của ông. Mời các bạn nghe lại phiên bản Mưa Đêm Ngoại Ô được Hoàng Oanh song ca cùng Như Quỳnh trong Paris By Night 121 năm 2017:


Click để xem

Yên Linh
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here