Đầu thập niên 1960, ca sĩ Chế Linh nổi lên như là một hiện tượng đặc biệt trong làng nhạc Miền Nam với tiếng hát thổn thức như là lời tâm tình với khán giả. Điểm khác biệt của Chế Linh trong dòng nhạc vàng là ông hát như nói, như là đang kể lại một câu chuyện tình buồn bằng âm nhạc. Cách hát này dễ đi sâu vào lòng người, được đông đảo khán giả đồng cảm và giúp ông trở thành nam danh ca hàng đầu của nhạc vàng trong gần 60 năm qua.

Đi cùng tiếng hát Chế Linh là sự ra đời của hàng loạt ca khúc phổ thông đại chúng dành cho giới bình dân. Đó là những ca khúc dễ nghe, dễ hiểu, không cần phải suy nghĩ sâu xa, được Chế Linh trực tiếp yêu cầu nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thời đó sáng tác, đó là Châu Kỳ, Mạnh Phát, Trúc Phương…

Thời điểm này dòng nhạc vàng giai điệu bolero, rhumba nhẹ nhàng vẫn chưa có quá nhiều tác phẩm, trong khi đối tượng khán giả thì chiếm phần đa số. Nắm bắt được thị hiếu đó, Chế Linh cũng tự sáng tác nhiều ca khúc để dành riêng cho giọng hát của mình, ký bút danh là Tú Nhi. Theo lời ông giải thích, Tú Nhi nghĩa là một đứa bé tuấn tú. “Tú” có nghĩa là “tuấn tú”, “Nhi” nghĩa là “em bé”. Nam danh ca thổ lộ, khi chọn bút danh này và cho đến tận bây giờ, ông vẫn luôn mong muốn mình hồn nhiên như một đứa bé thơ.


Click vào hình để nghe toàn bộ các ca khúc do Tú Nhi sáng tác và Chế Linh hát trước năm 1975

Trong bài viết này, xin mời các bạn nghe lại những ca khúc nổi tiếng nhất của Tú Nhi sáng tác và Chế Linh trình bày trước năm 1975:

Đêm Buồn Tỉnh Lẻ

Vào thời điểm đầu tiên của sự nghiệp, ca sĩ Chế Linh rất thân thiết với nhạc sĩ Bằng Giang, và ca khúc đầu tay của Chế Linh (Tú Nhi) sáng tác là Đêm Buồn Tỉnh Lẻ, được Bằng Giang viết nhạc và Tú Nhi đặt lời.

Hoàn cảnh sáng tác của bài này được ông kể lại: Một hôm đi thăm một người bạn đóng quân ở Long Khánh, người này về không về được nên gửi lời thăm người yêu ở Sài Gòn. Thấu hiểu hoàn cảnh của bạn, Chế Linh đã viết những lời nhạc đầu tiên trong sự nghiệp của mình:

Đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất
Mái trường ơi em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào

Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi
Mấy năm qua rồi em anh không gặp nữa
Bao yêu thương và nhớ anh xin chép nên thơ
vào những đêm buồn…

Bài Ca Kỷ Niệm

Đây cũng là một trong những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp Chế Linh và sáng tác chung với nhạc sĩ Bằng Giang.

Ngày Đó Xa Rồi

Chế Linh là người dân tộc thiểu số nên ông không phải vào quân dịch, không đi lính. Tuy nhiên mảng sáng tác chủ đề về người lính của Chế Linh cũng để lại nhiều ca khúc bất hủ, nổi tiếng nhất có lẽ là Ngày Đó Xa Rồi:

Từ khi vào lính rồi
lánh xa cuộc vui ngày nào còn câu gian dối…

Lời Kẻ Đăng Trình

Đây cũng là một ca khúc nhạc lính nổi tiếng khác của Chế Linh:

Đoạn Tái Bút

Ca khúc này được Chế Linh viết chung với Bằng Giang. Ông kể lại về hoàn cảnh sáng tác ca khúc nổi tiếng này như sau:

Khoảng cuối thập niên 1960, một hôm Chế Linh đến phòng thu cùng một cô gái đẹp mới quen thì bị nhạc sĩ Nhật Ngân bắt gặp. Sau đó sự việc này đến tai người vợ sắp cưới của Chế Linh.

Chế Linh kể lại:

“Vợ tôi chạy thẳng tới phòng thu, lúc đó tôi run lắm. Khi tôi ra gặp, vợ chỉ nhìn rồi đi, tôi về năn nỉ gần chết nhưng vợ không chấp nhận. Tôi bỏ đi hai tuần mới về Sài Gòn thì nhìn thấy cô ngồi với người đàn ông khác. Tôi buồn vì nghĩ vừa mới xa nhau mà cô ấy đã thay lòng đổi dạ nhưng cũng chấp nhận vì mình có lỗi trước. Lúc đó chúng tôi mới hứa hẹn với nhau chứ chưa kết hôn.

Tôi về nhà ngồi viết “Đoạn Tái Bút” với câu Tầm tay nào tôi với, tình ta cách xa rồi. Đến hơn tháng sau, một người đàn anh của tôi mắng là vợ tôi về nhà anh khóc lóc hoài vì chuyện chia tay. Tôi đến chở về với vợ và hứa không quen cô kia nữa, cũng nhận ra mình đã hiểu nhầm vợ vì cô ấy chỉ ngồi tâm sự với bạn chứ không hề phụ mình”.

Thương Hận

“Thương Hận” được sáng tác bởi nhạc sĩ Tú Nhi và nhà thơ Hồ Đình Phương vào khoảng cuối thập niên 1960. Chế Linh là người đầu tiên thâu thanh bài hát này trong Dĩa Hát Việt Nam.

Có thể nói “Thương Hận” là một trong số các ca khúc buồn nhất của nhạc sĩ Tú Nhi, nội dung là sự tiếc thương cho cuộc tình vĩnh viễn chia lìa nhau.

Mai Lỡ Hai Mình Xa Nhau

Ít người biết rằng nhân vật chính trong ca khúc này tên là Mai, nên tựa đề bài hát này được viết đúng phải là: Mai, Lỡ Mình Xa Nhau. Chế Linh kể lại:

“Cô gái trong bài hát tên Mai cho nên tôi mới đặt tựa là Mai Lỡ Mình Xa Nhau. Mai ở đây là cô Mai chứ không phải ngày mai như nhiều người lầm tưởng. Tôi quen cô ấy như một người tình, dĩ nhiên, không phải là người chung sống với tôi. Thời viết ca khúc này tôi có rất nhiều cô gái đến với mình. Họ mang đến cho tôi những thích thú trong sáng tác.”

Đoạn Cuối Tình Yêu

Bài hát này có nội dung lâm ly bi đát, là tâm sự của một đôi tình nhân vào đêm cuối trước lúc cô gái sang ngang, mọi sự níu kéo đều là vô nghĩa. Chế Linh sáng tác ca khúc này với cảm hứng từ 4 câu thơ của thi sĩ Nhất Tuấn:

Anh biết ngày mai em lấy chồng
Ba năm thề hẹn cũng bằng không
Tập thư ngày trước xin trao lại
Để kẻ sang ngang khỏi bận lòng…

Nếu Chúng Mình Cách Trở

Đây cũng là một ca khúc có nội dung về tình yêu rất buồn của Chế Linh. Ngay đầy bài hát, người ta có thể cảm nhận được một nỗi buồn rất thống thiết:

Nếu lỡ chúng mình hai đứa xa nhau
Nhìn mưa trên phố em có thương sầu…

Nỗi Buồn Sa Mạc

Đây là ca khúc được Chế Linh hợp soạn cùng nhạc sĩ Hoài Linh (lấy bút danh Tuấn Lê). Chế Linh kể lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc này như sau:

Đó là vào khoảng đầu thập niên 1970, ông được xem cuốn phim điện ảnh Django của Hoa Kỳ chiếu ở rạp chớp bóng REX. Bị choáng ngợp trước những cảnh sa mạc hùng vĩ trong bộ phim này, nên ông đã có ý tưởng sáng tác một ca khúc có hình ảnh sa mạc vốn rất xa lạ với người Việt Nam:

Đi giữa sa mạc mênh mông
Mơ nước mát một con sông,
Mơ mái ấm một đêm đông
Mơ ánh mắt chờ mong…

Đây là 1 sáng tác có đề tài rất lạ của Chế Linh. Cùng với sự giúp sức của tài đặt lời nhạc của nhạc sĩ Hoài Linh, ca khúc này có nhiều hình ảnh ẩn dụ về cuốn chiến lúc đương thời, với những lời gửi gắm sâu xa:

Lời hát cho anh hai mươi năm lửa khói
Lời hát cho em nước mắt thôi ngừng rơi

Chế Linh đã song ca bài hát này với ca sĩ Giang Tử, rồi sử dụng hình ảnh sa mạc trong ca khúc này để đặt tên cho đôi song ca là “Hai Con Lạc Đà”.

Vào thời điểm 1970, ca sĩ Chế Linh đã nổi tiếng, còn Giang Tử thì chỉ mới chập chững vào nghề và đang ở trong quân đội. Vì là tên tuổi mới nên Giang Tử chưa được các bầu sô và hãng dĩa chấp nhận nên Chế Linh phải đứng ra yêu cầu, bảo chứng, và hát chung trong các ca khúc được sáng tác riêng cho đôi song ca “hai con lạc đà” này. Chế Linh cho biết giọng của ông có thể lên nốt cao cỡ nào cũng được, nhưng không thể xuống nốt thấp được như Giang Tử, nên giọng ca của người bạn này là sự bổ sung rất phù hợp với ông trong các ca khúc như Nỗi Buồn Sa Mạc.

Một Lần Hiện Diện

Ca khúc này còn được nhiều người biết với tên là Nụ Cười Chua Cay. Trong một lần biểu diễn bài hát này ở trong nước, Chế Linh đã chia sẻ với khán giả rằng ngày xưa ông có yêu một cô gái. Cô gái đó mời ông đến nhà dự sinh nhật nhưng đến nơi thì mới hụt hẫng khi biết đó là ngày Vu Quy của cô. Buồn quá nên ông viết bài hát Nụ Cười Chua Cay:

Thôi im đi! Im đi! Xin đừng cười vui
Thôi im đi! Im đi! Vui gì mà cười?
Trong hôm nay, chắc em say men rượu hồng
Cớ sao em mời tôi lại làm chi đây?

Trong Tầm Mắt Đời

Nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác ca khúc mang tên Thói Đời với những nỗi niềm cay đắng về cuộc đời. Ca khúc này được yêu thích với giọng hát của Chế Linh, và chính danh ca này đã đồng cảm với người anh, người bạn đồng nghiệp để sáng tác một ca khúc khác có nội dung tương đồng và mang tính tiếp nối là Trong Tầm Mắt Đời để tặng cho Trúc Phương. Chế Linh nói rằng ông đã mượn tâm trạng của Trúc Phương để viết thành ca khúc này:

Nhiều khi tôi muốn bỏ đi thật xa.
Bạn thân ngoảnh ngơ như người xa lạ.
Người mình bao năm chăn gối.
Bây giờ còn dối gian nhau.
Mấy ai trong đời hiểu thấu.

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here