Khi Nhật Trường – Trần Thiện Thanh qua đời cách đâu còn 15 năm, nền âm nhạc Việt Nam đã mất đi đến 2 người nghệ sĩ. Đó là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với rất nhiều ca khúc bất hủ, đồng thời cũng là ca sĩ có giọng hát truyền cảm có nghệ danh Nhật Trường.

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh là một trong tứ trụ của nhạc vàng cùng với Duy Khánh, Hùng Cường và Chế Linh. Điểm chung của 4 vị này là đều được yêu thích với ca 2 vai trò: ca sĩ và nhạc sĩ. Vai trò nào cũng đạt được đỉnh cao.

Nam ca sĩ Nhật Trường có giọng hát mượt mà, chải chuốt, có người cho rằng ông hát điệu, nhưng chính cái điệu dễ mến đó đã đưa Nhật Trường đến ngôi vị cao trong dòng nhạc vàng Việt Nam.

Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận xét: Không ai hát nhạc Trần Thiện Thanh hay hơn Nhật Trường.

Nhạc sĩ Nhật Ngân nói: Trần Thiện Thanh trong sáng tác là hào kiệt ẩn mình, còn trong trình diễn là anh hùng lộ diện.

Sau đây, xin mời các bạn nghe lại những bản thu âm hay nhất của ca sĩ Nhật Trường, được chọn lọc từ các băng nhạc thực hiện trước năm 1975 tại Sài Gòn.

Chuyện Hẹn Hò là ca khúc nổi tiếng được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc từ bài thơ Ngập Ngừng của thi sĩ Hồ Dzếnh. Những câu từ trong bài thơ diễm tình nổi tiếng này được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh chan vào những nốt nhạc rất lãng mạn, kết hợp cùng giọng hát ngọt ngào của chính tác giả đã tạo thành 1 tuyệt phẩm:

Hẹn chiều nay mà sao không thấy em
Gió hiu hiu lòng bỗng nghe lạnh thêm.


Click để nghe

Ca khúc Rừng Lá Thấp được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào cuối năm 1968 để vinh danh người bạn của mình là Trung úy Thủy Quân Lục Chiến – Vũ Mạnh Hùng, đã hy sinh trong trận Mậu Thân năm 1968.

Bài hát này luôn xuất hiện trong top những bài nhạc lính được yêu thích nhất. Mời các bạn nghe lại:


Click để nghe

Tình Đầu Tình Cuối là bài hát được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ký bút danh Trần Thiện Thanh Toàn, là tên của người em trai của ông đã qua đời khi chịu 9 năm ngục tù sau năm 75.

Trần Thiện Thanh Toàn vốn là một sinh viên y khoa, vào năm thứ 2, ông có yêu người con gái thật đẹp, và cũng chính là người đã làm trái tim ông tan nát vì người đẹp đi lấy chồng. Ông Thanh Toàn sau đó bỏ ngang ngành y để trở thành 1 sĩ quan trong sư đoàn 23BB đóng tại Ban Mê Thuộc. Bài hát Tình Đầu Tình Cuối được hai anh em Trần Thiện Thanh hợp soạn trong một ngày phép ngậm ngùi của anh sĩ quan Thanh Toàn, với những ca từ rất ám ảnh:

Em ơi em ơi em đâu rồi
Mộ bia đề tên em đó sao?
Em ơi em ơi em đâu rồi
để tình đầu là tình cuối đau lòng nhau?


Click để nghe

Tâm Sự Người Lính Trẻ là ca khúc luôn được các người lính yêu thích, đặc biệt là những người lính trẻ vừa mới dứt áo thư sinh để khoác chinh nhân lên đường tòng quân. Ca khúc này được Trần Thiện Thanh ký với tên Anh Chương, là tên của người con đầu của ông, sau này là 1 ca sĩ và là 1 ký giả tại hải ngoại.


Click để nghe

Câu chuyện về nàng Nguyễn Thị Mộng Thường trong bài hát bất hủ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mang tên Tình Thiên Thu rất quen thuộc với khán giả yêu nhạc vàng (tên đầy đủ của bài hát này là “Tình Thiên Thu của Nguyễn Thị Mộng Thường”).

Ca khúc Tình Thiên Thu kể một câu chuyện tình buồn được dàn dựng qua kịch phim “Mộng Thường” chiếu trên truyền hình năm 1974 tại miền Nam Việt Nam. Các diễn viên đóng trong phim kịch này là tác giả Nhật Trường – Trần Thiện Thanh trong vai Phạm Thái và ca sĩ Thanh Lan trong vai Mộng Thường. Bài hát kể về chuyện tình rất đau xót giữa chàng trung úy Phạm Thái và cô “chiêu đãi viên” hàng không tên là Mộng Thường. Lâu nay vẫn có nhiều tranh cãi về việc câu chuyện này có thật hay chỉ là hư cấu. Tuy nhiên, dù là có thật hay không thì chuyện tình cũng đã trở thành bất tử, và ca khúc Tình Thiên Thu trở thành 1 bài ca sống mãi với thời gian.


Click để nghe

Ca khúc Lời Tình Viết Vội của nhạc sĩ Giao Tiên sáng tác, được Nhật Trường hát lần đầu, và gắn liền với sự nghiệp của danh ca này, nên có nhiều người tưởng rằng ca khúc này là của chính Trần Thiện Thanh sáng tác.

Bài Lời Tình Viết Vội còn có 1 tên khác là Thư Ngoài Biên Trấn, được chính nhạc sĩ Giao Tiên sửa lại lời 1 chút ít so với Lời Tình Viết Vội.

Mời các bạn nghe lại tiếng hát Nhật Trường:


Click để nghe

Kỷ Vật Cho Em là sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy, được phổ từ bài thơ của Linh Phương mang tên Để Trả Lời Một Câu Hỏi. Bài hát đã gắn liền với tiếng hátdanh ca Thái Thanh hoặc Khánh Ly. Trong băng nhạc Nhật Trường 9, ca sĩ Nhật Trường cũng đã hát ca khúc này. Mời các bạn nghe lại:


Click để nghe

Hoa Trinh Nữ là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được sáng tác vào khoảng năm 1962, khi nhạc sĩ vừa tròn 20 tuổi, có nội dung kể về một người lính xa nhà, khi thấy cành hoa trinh nữ bên đường hành quân, chợt liên tưởng và nhớ về người yêu. Đây có thể xem là một trong những bài nhạc vàng được yêu thích nhất trong hơn 50 năm qua.

Nhiều thông tin không được kiểm chứng cho rằng bài hát này được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết cho mối tình không thành với ca sĩ Minh Hiếu. Mời các bạn nghe lại ca húc qua tiếng hát Nhật Trường.


Click để nghe

Hàn Mặc Tử là một trong những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được sáng tác khi ông chưa đến tuổi đôi mươi. Bài hát nói về cuộc đời của một thi nhân nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20 là Hàn Mặc Tử.

Cuộc đời của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không đến nỗi bi thảm như của Hàn Mặc Tử, nhưng cuối đời ông cũng phải trải qua cơn bệnh nan y và qua đời trong niềm nuối tiếc khôn nguôi của hàng triệu người yêu mến ông.

Mời các bạn nghe lại Hàn Mặc Tử qua tiếng hát Nhật Trường trước năm 1975:


Click để nghe

Ca khúc Chuyến Đi Về Sáng được phát hành vào năm 1963 với tên tác giả là Mạnh Phát. Tuy nhiên sự thật là bài hát được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào đầu thập niên 1960, khi ông vẫn là một nhạc sĩ vô danh, vừa mới đưa vợ từ Phan Thiết vào Sài Gòn để sinh sống.

Khi người vợ sinh người con trai đầu lòng, cuộc sống gia đình Trần Thiện Thanh túng thiếu nên ông đã bán bản quyền ca khúc Chuyến Đi Về Sáng cho nhạc sĩ đã thành danh là Mạnh Phát để lấy tiền lo cho vợ con. Ca khúc này sau đó được nhạc sĩ Mạnh Phát sửa lại đôi chút, nên có thể xem là bài hát hợp soạn giữa 2 nhạc sĩ.


Click để nghe

Tám Điệp Khúc là 1 trong những sáng tác nổi tiếng và được yêu thích nhất của nhạc sĩ Anh Việt Thu, được ông viết năm 1965 khi đang dạy học ở Tây Ninh.

Xuyên suốt trong bài là câu hát được lặp đi lặp lại hình ảnh mưa bay giăng giăng, gợi buồn man mác, từng cụm mây tím trong buổi chiều chập choạng đang dệt thành nỗi sầu đan kín tâm tư.

Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Bàn tay năm ngón mưa sa.
Dìu anh trong tiếng thở.
Đưa tiễn anh đi vào đời.
Mẹ Việt Nam ơi, Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về.


Click để nghe

Ca khúc Ngày Trở Về được nhạc sĩ Phạm Duy viết từ đầu thập niên 1950, khi ông vừa bỏ kháng chiến để về Hà Nội, sau đó thì di cư vào Sài Gòn. Nội dung bài hát là viễn cảnh một người lính – người thương binh được trở về nhà, giã từ vũ khí để vui cùng những ước mơ giản dị bên đồng lúa, con trâu xanh và chống nạng cày bừa, sống bên người vợ hiền lành để xây đắp cuộc đời yên bình.


Click để nghe

Một Lần Dang Dở là 1 ca khúc tình yêu rất dễ thương và cũng rất buồn được 2 nhạc sĩ Nhật Ngân và Mặc Thế Nhân hợp với với cái tên Phan Trần:

Khi mới thương nhau em hay nắm tay dặn dò,
Cho dù cuộc đời là bể dâu trái ngang.
Ðã thương nhau mình sắc son một lòng,
Dẫu khổ thế nào thì tình cũng vẫn không phai…


Click để nghe

Nhạc sĩ Trường Sa được biết đến với các bài tình ca lãng mạn là Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Một Mai Em Đi… Tuy nhiên trước khi sáng tác loại nhạc này theo, ông đã có 1 số ca khúc nhạc vàng phổ thông đại chúng, nổi tiếng nhất là bài Hành Trang Giã Từ, có nội dung viết về người lính trong đêm tiễn biệt người yêu để lên đường ra mặt trận:


Click để nghe

Một ca khúc nhạc đại chúng khác cũng rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trường Sa là Chuyện Người Đan Áo. Trước năm 1975, người đầu tiên hát ca khúc này là ca sĩ Kim Loan. Nhạc sĩ Trường Sa từng kể lại rằng có một lần mẹ của Kim Loan đã đến gặp ông để nhờ viết một bài hát dành riêng cho Kim Loan. Nhạc sĩ đã sáng tác bài này để Kim Loan thu vào trong dĩa hát của hãng Thiên Thai.

Thập niên 1970, khi nhạc sĩ Vinh Sử thực hiện băng cối magnetic Kim Đằng và đã đưa bài Chuyện Người Đan Áo vào băng Kim Đằng 5 với tiếng hát Nhật Trường.


Click để nghe

Thập niên 1960, 2 nhạc sĩ nổi tiếng Song Ngọc và Hoài Linh đã hợp tác với nhau để soạn ra những ca khúc nhạc vàng viết về lính rất hay và được yêu thích cho đến ngày nay, đó là Chiều Thương Đô Thị, Chúng Mình Ba Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, và đặc biệt là Nó Và Tôi. Ca khúc này được ký tên trong tờ nhạc phát hành là Song Ngọc – Vọng Châu, trong đó Vọng Châu là 1 bút danh của nhạc sĩ Hoài Linh. Ca khúc này rất nổi tiếng trước năm 1975 qua tiếng hát Nhật Trường:


Click để nghe

Những bài nhạc vàng viết về người lính và mùa xuân của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Nhắc đến Trần Thiện Thanh, không thể nhắc đến nhạc lính, và dường như những ca khúc nhạc lính của Trần Thiện Thanh được thể hiện thành công nhất qua tiếng hát của chính tác giả. Lúc sinh thời, ông đã từng nói rằng nhạc lính là 1 phần rất quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông, bởi vì:

“Tôi lớn lên vào những ngày tháng khói lửa, tôi nghĩ những khổ đau kiêu hùng của đời lính, sự mất mát của mỗi người trong chiến cuộc là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tác phẩm của tôi”.

Bên cạnh 1 số bài nhạc lính đã nhắc đến ở trên, xin tổng hợp lại 1 số ca khúc nhạc lính khác viết về mùa xuân sau đây:


Click để nghe bài Mùa Xuân Lá Khô


Click để nghe bài Đám Cưới Đầu Xuân


Click để nghe bài Phút Giao Mùa


Click để nghe bài Đồn Vắng Chiều Xuân


Click để nghe bài Ngày Đầu Một Năm

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here