“Dạ thưa, xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (Thơ Bùi Giáng)

Sông Hương ở xứ Huế thơ mộng là một trong những con sông nổi tiếng nhất của Việt Nam, và có thể là con sông được đi vào trong thi ca nhiều nhất. Nói riêng về âm nhạc, chúng ta có thể liệt kê được hàng trăm bài hát nổi tiếng. Đó là:

Tiếng Sông Hương (Phạm Đình Chương):

Miền Trung vọng tiếng
em xinh em bé tên là Hương giang…

Đêm Tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước):

Hàng cây soi bóng nước Hương…

Hương Giang Còn Tôi Chờ (Châu Kỳ):

Ðây bến Hương giang sao vắng đò người sang…

Vỹ Dạ Đò Trăng (Canh Thân):

Đò ngược dòng Hương, Vỹ Dạ đợi chờ
Gởi hồn về đây với miềm mong nhớ…

Bao Giờ Em Quên (Duy Khánh):

Hương Giang thuyền không chỗ đậu
Ngự Viên có bướm hoa vàng…

Thương Về Miền Trung (Duy Khánh):

Người ơi nếu còn vầng trăng soi dòng Hương…

Ai Ra Xứ Huế (Duy Khánh):

Ai ra xứ Huế thì ra. Ai về là về núi Ngự. Ai về là về sông Hương…

Huế Xưa (Anh Bằng):

Tôi có người em sông Hương núi Ngự, của lũy tre Thôn Vỹ hiền từ…

Mưa Trên Phố Huế (Minh Kỳ):

Ngày chia tay hôm nao còn đây. Nước trên sông Hương còn đầy…

Hầu hết toàn bộ những bài nhạc vàng viết về miền Trung, về xứ Huế đều nhắc đến con sông Hương. Thậm chí có nhiều bài hát không phải là nội dung chính về Huế những cũng có nhắc đến sông Hương, đó là bài “Giã Từ Sài Gòn”: Gió sông Hương lạnh lắm phải chăng sông núi lạnh hay tại vì anh xa em?

Hoặc là bài hát Ngày Mai Tôi Về của nhạc sĩ Hàn Châu:

Tôi ra đi đi từ Nam về Bắc
Ghé lại sông Hương thăm người thương thăm phố phường…

Bài Chiều Hoang Vắng của nhạc sĩ Lam Phương:

Ai có về miền sông Hương yêu thương
Nhắn cho rằng đời chiến sĩ phong sương…

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao sông này lại được mang tên Hương? Bài viết này của tác giả Huỳnh Duy Lộc đã đi tìm lời giải cho câu hỏi này.

Mùa hè năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Nhạc đã giao cho Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Nguyễn Hữu Chỉnh nhiệm vụ đánh chiếm thành Phú Xuân. Tạ Chí Đại Trường cho biết: “Cuối tháng 4 âm lịch Bính Ngọ, quân Tây Sơn trực chỉ Thuận Hóa dưới quyền Nguyễn Huệ có Vũ Văn Nhậm làm Tả đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm Hữu đô đốc, với Tiết chế Nguyễn Lữ đi tiếp ứng. Đánh trúng vào tâm lý mê tín của Phạm Ngô Cầu, quân Tây Sơn mưu khiến Cầu lập đàn chay suốt 7 ngày đêm, mệt mỏi tướng sĩ, để hoảng hốt thấy giặc ầm ầm kéo đến không đường chống cự. Đại diện cho nhóm “treo cờ điều” quyết chiến, 3 cha con Hoàng Đình Thể và tướng Vũ Tá Kiên chếт ở ngoài thành Phú Xuân vì Cầu muốn hàng đã không tiếp tế thuốc đạn. Tây Sơn ca khúc khải hoàn, vào thành Phú Xuân vào ngày 14.6.1786…” (Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, tr. 121, 122).

Không ngờ quân Tây Sơn cùng dân Phú Xuân uất ức lâu ngày, giếт sạch khoảng 2.000 quân Trịnh. Xác quân Lê Trịnh, xác quân Tây Sơn và xác dân kinh thành được chôn tạm ở trên hai bờ sông Kim Long, và từ đó, cứ vào tháng 5 âm lịch hằng năm, người dân sở tại tổ chức cúng cô hồn, thắp hương trên những ngôi mộ tập thể ở ngã ba sông, thả bè chuối có hoa quả và cắm hương, làm khúc sông về đêm đỏ rực. Từ đó, sông Phú Xuân được người dân sở tại gọi là sông Hương (sông Nhang). Tuy nhiên cách giải thích tên gọi sông Hương xuất phát từ việc thắp hương (nhang) trên sông chỉ là một truyền thuyết dân gian.

Còn có nhiều cách giải thích khả tín hơn như “Hương Giang nghĩa là “sông thơm”, “sông có mùi hương”. Cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (1887 – 1951), tác giả bài “Hương Giang hành”, đã cho biết nguồn gốc của mùi thơm đó khi nói về con sông xinh đẹp này: “Hương Giang phát nguyên từ hai nguồn tả, hữu trạch nguyên ở miền thượng lưu tỉnh Thừa Thiên, quanh co gành bãi ruộng vườn, chảy lần qua kinh thành, đến cửa Thuận An rồi ra Đông Hải. Hai bên bờ tả hữu trạch có giống “Thạch xương bồ” là một vị thuốc trường sanh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ khe, nước khe lần hóa ra thơm. Hương giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy…” (“Xuất xứ tên gọi sông Hương”, Báo Đà Nẵng online)

Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu có cách giải thích đơn giản hơn về xuất xứ của tên gọi con sông chảy qua kinh thành Huế. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, trong bài viết “Giá trị của sông Hương” đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 11 (54) năm 2006, cho biết: “Xưa nay, người ta thường gọi tên một con sông bằng tên của vùng đất mà nó chảy qua. Vào thời kỳ lịch sử nói trên, khi vùng đất ấy còn mang tên là huyện Kim Trà thì con sông chúng ta đang nói đến được gọi là sông Kim Trà. Sau đó, khi tên huyện đổi thành Hương Trà thì tên sông cũng đổi theo: sông Hương Trà”. Phan Thuận An đã dẫn lời tác giả Nguyễn Hữu Đính trong bài “Sông Hương đã có tên ấy từ bao giờ” trên tạp chí Sông Hương số 1, tháng 6.1983: “Từ sông Hương Trà đến sông Hương chỉ còn một bước vì trong ngôn ngữ, bất cứ ngôn ngữ nước nào, dân gian thường hay rút gọn”.

Tài liệu lịch sử cổ xưa có nhắc đến tên Kim Trà là tài liệu về việc Chúa Nguyễn Hoàng cho xây chùa Thiên Mụ. TS Trần Đức Anh Sơn đã viết về việc xây chùa Thiên Mụ bên bờ sông Kim Trà: “Vào năm 1601, nhân cuộc tuần du phương Nam, Đoan Quốc Công đã dừng vó ngựa bên dòng Kim Trà xanh biếc của Hóa châu. “Đại Nam nhất thống chí” cho hay Nguyễn Hoàng đã đi về phía Tây “đến xã Hà Khê, nay là xã An Ninh, thấy đồng bằng nổi đất cao như hình con rồng, ngoảnh đầu trông lại, phía trước trông ra sông cái (tức sông Kim Trà), phía sau liền với hồ, phong cảnh đẹp tốt, nhân hỏi người địa phương, họ nói gò này rất thiêng. Tương truyền, ngày trước có người trông thấy một bà già mặc áo đỏ quần xanh, ngồi trên gò nói: “Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây mà thu góp khí thiêng để giữ long mạch”. Nói xong thì biến mất nên gọi là núi Thiên Mụ. Chúa thượng bèn dựng chùa, gọi là chùa Thiên Mụ”. Ấy là năm 1601” (Chùa Thiên Mụ, đại danh lam xứ Huế, Trần Đức Anh Sơn)

Huyện Kim Trà đổi tên thành Hương Trà khi nào? Sử sách cho biết tên cũ của huyện Hương Trà là Kim Trà, nhưng năm 1570, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã đổi tên Kim Trà thành Hương Trà. Do đó, con sông chảy qua huyện Kim Trà cũng đổi tên thành sông Hương Trà, gọi tắt là sông Hương. Sách ”Đại Nam thực lục” cũng chép: “Vào ngày Bính Thân tháng 7 năm Tân Dậu (8.1801), “vua (Gia Long) đi Quảng Bình… Thuyền ngự khởi hành từ sông Hương, tức là sông Hương Trà…”.

Nguồn: fb Huỳnh Duy Lộc

Sông Hương được hợp thành bởi hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch. Từ dãy Trường Sơn Đông, dòng Tả Trạch hùng vĩ chảy ven qua vườn quốc gia Bạch Mã, vượt nhiều thác nước, qua thị trấn Nam Đông về đến Tuần. Từ thượng ngàn A Lưới, dòng Hữu Trạch, tuy có chút nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng vượt qua bao thác ghềnh về xuôi, để rồi hai dòng Tả, Hữu gặp nhau tại ngã ba Bằng Lãng tạo thành dòng Hương Giang.

Kỳ lạ thay, hai dòng tả hữu sau khi hợp thành sông Hương thì không còn dữ dội, ồn ào như lúc còn ở thượng ngàn nữa, mà lại nhẹ nhàng, khoan thai, thong thả, lang thang dạo chơi qua bao nhiêu đền chùa, phố thị, làng mạc trước khi hòa mình vào biển cả…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here