Nhà thơ Phạm Văn Bình được nhiều người trong giới văn nghệ biết đến vào hơn 50 năm trước ở Sài Gòn, đặc biệt là khi 2 bài thơ của ông được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc, đó là bài Chuyện Tình BuồnMười Hai Tháng Anh Đi. Có thể nói là chỉ với hai bài thơ được phổ nhạc này, ông đã được lưu danh thiên cổ.

Theo một tài liệu được người đồng hương của nhà thơ Phạm Văn Bình là Hoàng Đằng ghi lại, thì Phạm Văn Bình sinh năm 1940 ở Đông Hà; nhưng quê gốc Bát Sơn, Lương Điền, Thừa Thiên (nay là xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Sau khi hoàn tất bậc Trung Học và có bằng Tú Tài II, Phạm Văn Bình về quê dạy Việt Văn tại trường Trung Học bán công Đông Hà từ 1963. Chỉ 2 năm sau, chính quyền thi hành lệnh tổng động viên, Phạm Văn Bình rời bục giảng để đi nhập ngũ. Sau khi được thụ huấn xong ở quân trường, ông được bổ nhiệm làm sĩ quan tâm lý chiến của sư đoàn TQLC.

Khi đã làm việc ở Sài Gòn, ông có cơ hội quen biết với giới văn nghệ sĩ và có nhiều bài thơ đăng trên các tạp chí, trong đó có một bài được Phạm Duy chọn phổ nhạc thành bài hát bất tử: Chuyện Tình Buồn.

Năm năm rồi không gặp,
Từ khi em lấy chồng,
Anh dặm trường mê mải,
Đời chia hai nhánh sông…


Click để nghe Tuấn Ngọc hát

Trước khi nhập ngũ rồi rời quê nhà “dặm trường mê mải” từ năm 1966, tại quê nhà Đông Hà, thi sĩ Phạm Văn Bình có quen và yêu một người con gái tên là Nguyễn Thị Tuý:

Những thư tình ngây dại,
Những vai mềm, môi ngoan,
Những hẹn hò cuống quýt…

Nhưng mối tình ấy cũng tan vỡ với một lý do khá phổ biến: Khác biệt về tôn giáo. Gia đình Phạm Văn Bình theo Phật Giáo, gia đình cô Túy theo Thiên Chúa Giáo. Vì vậy trong bài thơ, ông đã viết:

Năm năm rồi đi biệt
Ðường xưa chưa lối về
Trong đìu hiu gió cuốn
Nằm chơ vơ gác chuông

Năm năm rồi cách biệt
Cỏ hoang sân giáo đường
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhoà mưa qua.

Đó cũng là thời điểm năm 1966, nhà thơ Phạm Văn Bình đi biệt kể từ khi nhập ngũ rồi vào sinh sống ở Sài Gòn. Cuộc tình không thành, ông ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận:

Ngày nhà em pháo nổ,
Anh cuộn mình trong chăn,
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn.

Những câu thơ này được Phạm Duy đưa nguyên bản vào trong nhạc, và hình ảnh con sâu làm tổ trong trái vải vốn không được nên thơ cho lắm, nhưng khi được đưa vào thơ, vào nhạc trong trường hợp này đã tạo nên một niềm thương cảm, và khán giả có thể cảm nhận được nỗi cô đơn vô tận của một người khi người yêu đã sang ngang. Có lẽ chỉ có những người đã từng rơi vào trường hợp “ngày nhà em pháo nổ” thì mới thấu được hình ảnh “cuộn mình trong chăn” mà nghe tâm hồn trở nên tê dại.


Click để nghe Thái Thanh hát

Cô Túy lấy một người chồng đồng đạo, và là sĩ quan quân y tốt nghiệp cán sự y tế, rồi vào quân đội. Hai vợ chồng có 4 người con. Nhưng sau đó người chồng hy sinh.

Năm năm sau trở lại, thương cảm cho cô gái năm xưa nay đã thành góa phụ, nhà thơ đã viết:

Năm năm rồi trở lại
Một mầu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Thương góa phụ bên song…

Sau này mỗi lần có dịp, Phạm Văn Bình vẫn ghé thăm gia đình cô Túy và thân thiết với những người con của cô. Cái tình của Phạm Văn Bình và người phụ nữ này đã vượt lên sự nhỏ nhen của hờn ghen để thăng hoa trong thơ và nhạc.

Sau khi mối tình không thành với Nguyễn Thị Tuý, Phạm Văn Bình lập gia đình với một cô học trò trẻ đẹp đã từng học ông ở trường Trung Học Bán Công Đông Hà và có 3 người con. Tuy nhiên do hoàn cảnh nghiệt ngã sau năm 1975 nên họ chia tay, người vợ mang 3 con sang Mỹ. Còn Phạm Văn Bình sau khi đi tù “cải tạo” về thì đã mất tất cả gia đình và nhà cửa, phải nhờ vả bạn bè, nhưng cứ say khướt triền miên. Ông trở nên thất chí và có vẻ thần trí không được bình thường nữa. Ông chỉ thích vui chơi, không thích vật chất và không làm bất kỳ nghề gì để mưu sinh.

Phạm Văn Bình sống vất vưởng như vậy đến 10 năm sau thì đi Mỹ theo diện HO, được 3 người con chăm sóc chu đáo và qua đời năm 2018.

Bài hát Chuyện Tình Buồn được danh ca Thái Thanh hát lần đầu trước năm 1975. Sau này được các nam ca sĩ Tuấn Ngọc, Sĩ Phú, Vũ Khanh… hát và đều được yêu thích.

Riêng Sĩ Phú, bởi vì ông đã từng trải qua mối tình đầu không khác gì câu chuyện trong bài hát này, nên giọng hát của ông rất cảm xúc, mang nhiều day dứt:


Click để nghe Sĩ Phú hát

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

—-

Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here