Trong những ca khúc nhạc trữ tình bất hủ viết về mùa thu, bên cạnh Buồn Tàn Thu (Văn Cao), Giọt Mưa Thu (Đặng Thế Phong), Thu Vàng (Cung Tiến)… và nhiều ca khúc nhạc Đoàn Chuẩn, có một ca khúc được nhiều người nhớ đến, đó là Mùa Thu Không Trở Lại của nhạc sĩ Phạm Trọng, tức Phạm Trọng Cầu.

Trước đó, nhạc sĩ Phạm Trọng đã nổi tiếng với ca khúc Trường Làng Tôi, viết về ngôi trường tuổi ấu thơ ở Vũng Liêm – Trà Vinh. Sau năm 1975, ông dùng tên đầy đủ là Phạm Trọng Cầu để sáng tác những ca khúc mới: Cho Con, Một Trái Tim Một Quê Hương.

Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc nổi tiếng nhất của ông là Mùa Thu Không Trở Lại (Nhiều người ghi nhầm tên thành Em Ra Đi Mùa Thu), được ký với bút danh Phạm Trọng, nhạc sĩ cho biết thời điểm đó ông đang đi du học ở Nhạc Viện Paris bên Pháp, gặp và yêu một cô gái Việt Nam có mái tóc đen dài, đôi mắt buồn. Tình yêu đang thăng hoa thì cô gái phải trở về nước và không quay lại Paris được nữa.

Nhạc sĩ Phạm Trọng thời trẻ

Họ đã chia tay nhau vào mùa thu, mùa thu ở Paris tuy đẹp nhưng cuộc chia ly lại rất buồn, mang lại cho người ở lại cảm giác chơi vơi và não nề.

Nhạc sĩ Phạm Trọng chia sẻ:

“Đối với tôi, đó là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi ngang qua khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu ‘Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại…’ Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa, chỉ có thế thôi”.


Click để nghe danh ca Anh Ngọc hát Mùa Thu Không Trở Lại

Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại.
Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u.
Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa
Đếm lá úa mùa thu, đo sầu ngập tim tôi

Ngày em đi, mưa rơi rơi não nề.
Qua vườn Luxembourg.
Sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua?

Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine.
Mưa rơi trên phím đàn, chừng nào cho tôi quên?

Có lẽ mọi đôi tình nhân trên thế giới đều mong có một lần được cùng nhau sóng bước qua vườn Luxembourg vào mùa thu, để nhìn từng chiếc lá vàng trải thảm dưới lối đi và nghe cuộc đầy đong đầy trong mắt nhau. Nhưng hình như vườn Luxembourg trong bài hát này chỉ làm cho nỗi lòng thêm những chơi vơi, não nề.

Mùa thu trong vườn Luxembourg

Em ra đi, mang theo cuộc tình ra đi, cuộc đời trở nên trống vắng và con đường phía trước chỉ thấy vòi vọi một màn sương mù che khuất nẻo về. Màu lá thu vàng rơi rụng kia không còn đẹp nữa, chỉ thấy như ngập tràn một màu buồn bã trên sông Seine. Đếm bao nhiêu chiếc lá cũng là bấy nhiêu sầu đang ngập trong tim côi.

Hình tượng “mưa rơi trên phím đàn” tuy buồn nhưng thật đẹp. Mưa rơi hay là nước mắt tuôn ướt trên những phím đàn đang gõ thành nốt nhạc lòng chia ly?

Hôm em ra đi mùa thu, mùa lá rơi ngập ngừng
Lá úa khóc người đi, sương mờ dâng lên mi
Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa
Đếm lá úa sầu lên
Bao giờ cho tôi quên…

Đôi nét về tác giả Phạm Trọng Cầu

Ông sinh vào đúng ngày Noel năm 1935 tại Nam Vang, cha của ông là trắc địa sư Phạm Văn Lạng người Hà Nội làm việc tại Cao Miên. Thời Pháp thuộc, những công chức có thể di chuyển khắp Đông Dương để làm việc. Dù làm việc cho Pháp nhưng ông Phạm Văn Lạng tham gia vào tổ chức chống Pháp của Việt kiều tại Nam Vang nên bị trục xuất về Việt Nam năm 1941. Tại Sài Gòn, mẹ của Phạm Trọng Cầu mở một nhà hàng ca nhạc, nên ông được tiếp xúc với các bạn nhạc Phillipines và các ca nhạc sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn khi đó.

Sau đó cả nhà Phạm Trọng Cầu vô bưng để tham gia kháng chiến, ông theo học trường tiểu học Vũng Liêm, nơi có “cây xanh lá vây quanh” và chỉ “hai gian lá đơn sơ” như được mô tả trong bài hát Trường Làng Tôi nổi tiếng sau này của ông.

Phạm Trọng Cầu tham gia vào bộ đội từ rất sớm, ở trong tiểu đoàn 308, rồi trung đoàn Cửu Long, sau đó bị thương phải cưa chân nên về Sài Gòn để cứu chữa.

Năm 1953, ông thi vào trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. Đó cũng là thời điểm ông nhớ về thời thơ ấu cắp sách đến trường ở Vũng Liêm nên đã sáng tác ca khúc Trường Làng Tôi… Tốt nghiệp xong, đến năm 1962 Phạm Trọng Cầu thi vào Nhạc viện Paris (Pháp), rồi đi du học và sáng tác nhạc lấy bút danh la Phạm Trọng, trong đó nổi tiếng nhất là bài Mùa Thu Không Trở Lại.

Theo nhận xét của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, ca khúc này của Phạm Trọng, cùng với thơ Nguyên Sa và thơ Cung Trầm Tưởng viết tại Pháp, đã làm cho những ngọn đèn của ga Lyon, sương mù sông Seine, công viên Luxembourg trở thành gần gụi hơn đối với các thính giả Việt Nam, nhất là các thính giả trẻ, vào cái thời còn ít người được đi xa.

Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu tốt nghiệp nhạc viện Paris và về nước năm 1969 để giảng dạy tại trường ông đã từng học và Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Vì những hoạt động nội thành nên Phạm Trọng Cầu bị chính quyền VNCH bắt giam từ năm 1972 cho đến 1975. Mặc dù vậy, ca khúc Mùa Thu Không Trở Lại của ông vẫn được phổ biến sâu rộng ở làng nhạc Sài Gòn thời điểm này qua tiếng hát Thái Thanh.


Click để nghe danh ca Thái Thanh hát Mùa Thu Không Trở Lại

Tuy bài hát được sáng tác vào thập niên 1960, nhưng có ca từ và giai điệu gần gũi với dòng nhạc tiền chiến: buồn nhưng đẹp và lãng mạn, đầy chất thơ. Sau này, rất nhiều ca sĩ trẻ đã hát lại Mùa Thu Không Trở Lại và xếp vào các album nhạc tiền chiến.

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

—-

Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here