Kể từ sau năm 1975, cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh gặp nhiều lận đận. Ông trải qua 18 năm ngậm ngùi khi ở trong nước sau 1975, rồi khi sang được Mỹ năm 1993, dù đã có nhiều cố gắng nhưng Nhật Trường – Trần Thiện Thanh cũng thể đạt được đến đỉnh cao trong sự nghiệp như đã từng có hồi trước năm 1975.

Thậm chí sau khi ông qua đời năm 2005, vấn đề tác quyền nhạc của ông lại bị tranh chấp bởi những người con, làm cho gia tài các ca khúc nhạc Trần Thiện Thanh không được phổ biến sâu rộng đến công chúng. Từ thời điểm 2015 đến 2019, nhạc của Trần Thiện Thanh cũng rất hiếm được đăng tải lên YouTube, và hầu như rất ít được trình diễn trên các đại nhạc hội. Đó là một điều rất đáng tiếc cho một trong những tên tuổi lớn nhất của dòng nhạc vàng.

Thật ra, sau khi nhạc sĩ mất năm 2005 đến năm 2014, nhạc Trần Thiện Thanh vẫn được các trung tâm ca nhạc biểu diễn rất dễ dàng, không bị trục trặc hay có sự rắc rối nào. Ca sĩ Mỹ Lan (người vợ sau cùng của Nhật Trường Trần Thiện Thanh) cho biết là trong thời gian đó, bản quyền nhạc của Trần Thiện Thanh thuộc về 6 người con của ông, đó là:

  • Trần Thiện Anh Chương, Trần Thiện Thanh Trúc, Trần Thiện Thanh Trân, Trần Thiện Anh Châu (con của người vợ đầu)
  • Trần Thiện Anh Chính (con của người vợ 2)
  • Trần Thiện Anh Chí (con của người vợ sau cùng là ca sĩ Mỹ Lan).

Khi đó người con trưởng là Trần Thiện Anh Chương đứng ra đại diện cho phần tác quyền của 4 người em, còn Mỹ Lan đại diện cho phần tác quyền của Trần Thiện Anh Chí (cho đến khi đủ 18 tuổi).

Mỹ Lan và Trần Thiện Anh Chí

Ca sĩ Mỹ Lan sống với nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh trong 12 năm nhưng không có hôn thú, nên về mặt pháp luật, cô không được thừa kế tác quyền từ nhạc Trần Thiện Thanh, mà chỉ đại diện cho phần của con trai Anh Chí của mình. Khi đó, chính Anh Chương và Mỹ Lan đã cùng trung tâm Asia thực hiện chương trình nhạc Trần Thiện Thanh rất thành công vào năm 2006, đúng 1 năm sau khi nhạc sĩ qua đời. Sau đó là chương trình Asia 61 – Trần Thiện Thanh 2 cũng đạt được kỷ lục về doanh số bán đĩa.

Tuy nhiên sau khi Trần Thiện Anh Chương đột ngột qua đời năm 2014 khi mới 52 tuổi, 4 người con còn lại của Trần Thiện Thanh bỗng nhiên không thừa nhận Trần Thiện Anh Chí là con ruột của cha mình, rồi cùng nhau bán tác quyền nhạc của Trần Thiện Thanh cho trung tâm Làng Văn, hợp đồng trong vòng 10 năm, gạt bỏ Trần Thiện Anh Chí khỏi danh sách được thừa hưởng bản quyền nhạc. Từ đó xảy ra nhiều vấn đề về tranh chấp, làm cho nhiều ca sĩ, đặc biệt là ở hải ngoại, e ngại và không hát nhạc Trần Thiện Thanh nữa.

Đến năm 2019, giám đốc trung tâm Làng Văn là bà Bích Lan đã chấm dứt những tranh cãi này khi đồng ý thỏa thuận lại với Mỹ Lan và mua lại phần tác quyền của Anh Chí. Như vậy sau khi thỏa thuận xong, trung tâm Làng Văn có đầy đủ 100% quyền sử dụng và phân phối nhạc Trần Thiện Thanh. Từ đó các ca sĩ, trung tâm trong và ngoài nước có thể liên hệ với Làng Văn để sử dụng nhạc.

Từ 2019 đến nay, các trung tâm âm nhạc tại hải ngoại đã bắt đầu trình diễn lại nhạc Trần Thiện Thanh, rồi các trung tâm Asia, Thúy Nga cũng đã upload nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ tài hoa này lên YouTube.

Tiền bản quyền nhạc Trần Thiện Thanh mà Làng Văn nhận được từ các ca sĩ, trung tâm… trong và ngoài nước sẽ được thanh toán trở lại cho 6 người con (Mặc dù cho đến nay, 4 người con thứ vẫn không thừa nhận em út là Anh Chí và đề nghị phải xét nghiệm DNA).

Đông Kha
nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here