Ca sĩ Hùng Cường được công chúng yêu nhạc xưng tụng là một trong tứ trụ nhạc vàng cùng với Duy Khánh, Chế Linh và Nhật Trường. Đó là 4 danh ca vừa có khả năng hát, vừa có khả năng sáng tác nhạc vàng, và là những nam danh ca nổi tiếng nhất của làng nhạc miền Nam vào thập niên 1960 – nửa đầu thập niên 1970.
Nếu chỉ xét riêng trong dòng nhạc vàng thì tên tuổi của Hùng Cường có phần yếu thế nhất trong 4 cây “đại trụ” này, nhưng nếu xét về sự đa tài, mức độ tài hoa thì Hùng Cường lại nổi trội hơn cả, vì ông không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, mà còn là tài tử điện ảnh nổi tiếng, một kép chính cải lương lừng danh và là một trong những nghệ sĩ kịch đầu tiên của miền Nam.
Nghệ sĩ Hùng Cường sinh năm 1936 tại Hải Phòng. Cha của ông sinh quán ở Bến Tre, là một thủy thủ cơ khí thường xuyên lái tàu từ Nam ra Bắc trong những năm thập niên 1920-30.
Năm 1935, trong chuyến lái tàu ra Bắc, cha của Hùng Cường đã phải lòng một phụ nữ họ Thạch ở đất cảng Hải Phòng. Hai người lấy nhau, sinh người con trai đầu đặt tên Trần Kim Cường, tức nghệ sĩ Hùng Cường sau này. Năm 1937, cha của Hùng Cường ra Bắc đón vợ con ra mắt nhà nội ở Bến Tre, sau đó về sống ở Sài Gòn trong một ngõ hẻm nhỏ địa chỉ 137 khu Nguyễn Cư Trinh – Phát Diệm (là đường Trần Đình Xu hiện giờ) gần rạp hát Quốc Thanh.
Ngay từ khi còn theo học tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Hùng Cường đã nhiều lần được đứng trên sân khấu trường học, và có thể tự sáng tác, biểu diễn những bài hát học sinh trong các hội diễn của trường.
Sau khi đậu tú tài, Hùng Cường chính thức theo nghiệp ca hát từ giữa thập niên 1950 tại các vũ trường Kim Sơn, Baccara… Thời điểm này, với chất giọng tenor khoẻ và vạm vỡ, Hùng Cường nổi tiếng với các nhạc phẩm tiền chiến là Ông Lái Đò, Vọng Ngày Xanh, Sơn Nữ Ca…
Click để nghe Hùng Cường hát Ông Lái Đò
Ngoài ca hát, Hùng Cường còn có khả năng sáng tác, tuy không nhiều nhưng những sáng tác của ông đều để lại dấu ấn trong lòng khán giả cho đến nay: Đêm Trao Kỷ Niệm, Về Thăm Xứ Lạnh…
Khi đang là một trong những ca sĩ tân nhạc ăn khách, Hùng Cường bất nhờ rẽ lối sang cổ nhạc một cách bất ngờ với nhiều vai chính và đạt được thành công lớn.
Thành công của Hùng Cường trong lĩnh vực cải lương được đánh giá là lạ lùng, có 1 không 2, và cho đến ngày nay, chưa từng có ai làm được điều tương tự. Đó là vào năm 1959, Hùng Cường vẫn đang là một nghệ sĩ chưa từng được biết trong giới cải lương, chưa từng đảm nhận bất cứ vai phụ nào, bỗng bất ngờ được đảm nhận nhiều trong vai chính trong các vở cải lương, vai diễn nào cũng thành công vang dội chưa từng thấy.
Đó là điều hy hữu, vì một người muốn theo nghề cải lương phải mất ít nhất 2-3 năm làm “giàn bao” (vai diễn không có thoại) mới lên được vai phụ, rồi cũng phải mất thêm chừng đó thời gian nữa mới lên được vai chính nếu thực sự có tài và khổ luyện. Nhưng Hùng Cường là người duy nhất làm được việc là “nhảy cóc” từ một người vô danh trở thành nhân vật quan trọng nhất trong một vở cải lương.
Tuy nhiên, thành công của Hùng Cường trong lĩnh vực cổ nhạc không phải là do may mắn. Trước đó, dù là ca sĩ tân nhạc nổi tiếng nhưng ông yêu thích nghệ thuật cải lương và bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi. Nhờ đã có sẵn nền móng thanh nhạc và kiến thức nhạc lý vững vàng, ông mạnh dạn bước lên sân khấu cải lương rồi khẳng định ngay được khả năng của mình.
Vở cải lương đầu tiên mà Hùng Cường diễn kép chính là “Mộng Đẹp Đêm Trăng” của đoàn cải lương Ngọc Kiều, và sự đánh cược của đoàn cải lương này vào một giọng ca hoàn toàn mới, chưa từng có kinh nghiệm đã gặt gái được quả ngọt. Hùng Cường giúp đoàn cải lương này cải thiện được tiếng tăm và tài chính rất đáng kể, và bầu trời cải lương miền Nam cũng xuất hiện thêm một ngôi sao rực sáng.
Sự thành công nhanh chóng của Hùng Cường với cải lương được lý giải là nhờ vóc dáng sáng sân khấu, chất giọng khoẻ, diễn xuất tự nhiên và tự tin, cùng những bài bản cải lương được Hùng Cường luyện tập rất nghiêm túc và kỹ lưỡng. Ngoài ra ông cũng rất nhạy bén, biết được sở trường và sở đoản của mình nên đã phối hợp cùng với soạn giả cải để lồng vào kịch bản tuồng cải lương khá nhiều đoạn tân nhạc để khai thác sở trường của nam chính.
Những vở cải lương tiếp theo của Hùng Cường cùng đoàn Ngọc Kiều đều gặt hái được thành công ngoài mong đợi: Tuyết Phủ Chiều Đông, Màu Tím Đèn Hoa Giấy… Điều đáng nói là những diễn viên gạo cội thời đó của đoàn Ngọc Kiều như Ngọc Đáng, Ngọc Giàu, Hoàng Kinh, Thanh Sang, Kim Nguyên, Thanh Kỳ… đã chấp nhận diễn vai phụ cho kép chính Hùng Cường.
Sau đó Hùng Cường đầu quân cho các đoàn Kim Chung, Dạ Lý Hương, và tên tuổi của ông lên đến tột đỉnh trong lĩnh vực cải lương là lúc về đoàn Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân vào năm 1966, rồi kết hợp cùng với nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết tạo thành một cặp sóng thần trên sân khấu cải lương, rất được ái mộ qua nhiều vở tuồng chủ lực của đoàn.
Đầu năm 1971, Hùng Cường cùng Bạch Tuyết tách ra lập đoàn cải lương Hùng Cường – Bạch Tuyết, đã có những kịch bản khá ăn khách là “Trăng Thề Vườn Thúy”, “Má Hồng Phận Bạc,” “Cung Thương Sầu Nguyệt Hạ”. Tuy nhiên chỉ được khoảng một năm thì đoàn hát này tan rã.
Quay lại thời điểm thập niên 1960, khi mà Hùng Cường lại bắt đầu bước qua một lĩnh vực âm nhạc mới lạ, đó là kích động nhạc, làm cho khán giả quay cuồng theo những điệu nhạc sôi động mà ông cùng với Mai Lệ Huyền trở thành một cặp song ca huyền thoại được yêu thích chưa từng thấy trong làng nhạc thập niên 1960.
Click để nghe nhạc Hùng Cường – Mai Lệ Huyền trước năm 1975
Thành công với tân nhạc, cổ nhạc, Hùng Cường tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh với hàng loạt vai chính trong các phim điện ảnh của Sài Gòn như Chân Trời Tím (đóng cùng Kim Vui), Mãnh Lực Đồng Tiền (đóng cùng Mai Lệ Huyền), Nắng Chiều (đóng cùng Thanh Nga)…
Lúc chân ướt chân ráo bước vào điện ảnh, Hùng Cường bị chê sến và “cải lương”, nên 1 số minh tinh điện ảnh nổi tiếng ngại đóng chung với ông. Tuy nhiên sau thành công với phim đầu tiên là “Chân Trời Tím”, nhiều hãng phim đã mời Hùng Cường cộng tác và phim nào có tên ông cũng đều rất ăn khách.
Cũng trong thập niên 1960, Hùng Cùng cũng là một trong những nghệ sĩ kịch đầu tiên của Sài Gòn, nổi tiếng bên cạnh các nghệ sĩ kịch tên tuổi khác là Kim Cương, La Thoại Tân, Thẩm Thuý Hằng…
Như vậy, ở tất cả các lĩnh vực của nghệ thuật ở miền Nam, Hùng Cường tham gia đầy đủ, và điều kỳ lạ và hy hữu là ở bất kỳ lĩnh vực nào có tham gia, Hùng Cường đều ngự trị trên đỉnh cao: tân nhạc, cổ nhạc, kích động nhạc vàng, điện ảnh, kịch nghệ với đủ các vai trò là ca sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, nghệ sĩ cải lương, minh tinh điện ảnh.
Chưa dừng ở đó, trước năm 1975, Hùng Cường còn tham gia trong lĩnh vực võ thuật, mê đánh quyền anh và theo thọ giáo môn võ Bình Định, được thăng đến hạng đai đen. Nhờ tập nhiều môn võ mà Hùng Cường giỏi võ và có sức khoẻ hơn người, thân hình vạm vỡ giống như giọng hát. Nhờ vậy mà khi đóng phim, các trường đoạn đánh nhau hoặc cảnh đóng nguy hiểm thì Hùng Cường thường tự đóng chứ không cần nhờ người đóng thế. Đó cũng là một trong những lợi thế của ông khi tham gia đóng phim so với các nam tài tử khác.
Ngoài vai trò là một nghệ đa tài, Hùng Cường còn một quân nhân, thường xuyên đi hát ở tiền đồn để uỷ lạo cho các đồng đội ở những nơi địa đầu giới tuyến.
Nhiều người thắc mắc là vì sao Hùng Cường là 1 trong tứ trụ nhạc vàng nhưng ông lại hát nhạc vàng không nhiều. Tuy nhiên khi nghe lại những bài nhạc vàng ông từng hát thì rất ít người có thể sánh bằng, đó là Đêm Trao Kỷ Niệm, Về Thăm Xứ Lạnh, Chiều Hoang Vắng, Gót Phiêu Du, Lời Cuối Cho Em, Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, Tình Đời (hát cùng Bạch Tuyết), và đỉnh cao là Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp hát cùng với Hà Thanh.
Click để nghe Hùng Cường và Hà Thanh hát Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp
Tuy là một người của công chúng và rất nổi tiếng, nhưng cuộc sống đời tư của Hùng Cường ít được biết đến. Không nhiều người biết đến cuộc hôn nhân đầu tiên của ông cùng với mối tình đầu tên là bà Huỳnh Thị Bê khi ông mới 20 tuổi. Cuộc hôn này kéo dài được 18 năm với kết quả là 5 người con (con trai đầu là ca sĩ Quang Bình sinh năm 1957).
Click để nghe Hùng Cường hát nhạc đỏ
Sau năm 1975, ca sĩ Hùng Cường bị kẹt lại ở trong nước. Thời gian này ông có hát 1 vài ca khúc nhạc đỏ như Tự Nguyện, Mỗi Bước Ta Đi... Đồng thời lúc này ông cũng nhiều lần vượt biên nhưng không thành.
Đến năm 1980, Hùng Cường mới sang được Hoa Kỳ, cư ngụ tại Cali và tiếp tục sinh hoạt văn nghệ, tái hợp cùng Mai Lệ Huyền để lưu diễn khắp các châu lục và phát hành một số CD tại hải ngoại.
Ông qua đời ngày 1 tháng 5 năm 1996 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, hưởng thọ 60 tuổi. Như là một định mệnh, khi ông đã từng trình bày rất thành công ca khúc 60 Năm Cuộc Đời của nhạc sĩ Y Vân, và ông qua đời cũng vừa tròn 60 tuổi tính theo Tây lịch.
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com