Ca sĩ Hương Lan được xem là 1 trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của nhạc vàng trước và sau năm 1975. Giọng hát của Hương Lan nổi tiếng với sự ngọt ngào đặc trưng, đặc biệt là khi hát nhạc quê hương âm hưởng dân ca Nam Bộ. Hương Lan cũng là 1 trong những ca sĩ có nhiều bản thu âm nhất với hàng ngàn ca khúc được phát hành trong hơn 50 năm ca hát.
Trong số các ca sĩ thì Hương Lan nổi tiếng sớm nhất, tham gia trong các tuồng cải lương từ lúc mới 5 tuổi và hát nhạc vàng từ lúc hơn 10 tuổi, được báo chí đương thời gọi là “thần đồng”, thường được giới thiệu là “bé Hương Lan” mỗi khi bước lên sân khấu.
Hương Lan tên thật là Trần Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1956 tại Sài Gòn, là con cả trong gia đình có 5 người con. Thân phụ của cô là nghệ sĩ cải lương Hữu Phước nổi tiếng ở miền Nam thập niên 1960.
Khi lên 5 tuổi, ca sĩ Hương Lan đã được đứng sân khấu của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga với một vai phụ trong vở cải lương “Thiếu Phụ Nam Xương”. Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga trong thời gian diễn vở cải lương này đã căng một một biểu ngữ lớn trước rạp, với hàng chữ “Vở tuồng có sự tham gia của thần đồng Hương Lan, ái nữ của nghệ sĩ Hữu Phước”.
Vì còn nhỏ nên Hương Lan thường được đóng các vai là con gái của nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. Người dẫn dắt Hương Lan trong bước đầu hát cổ nhạc là nghệ sĩ Sáu Tửng (cha của nhạc sĩ Huỳnh Anh) và thân phụ của cô là nghệ sĩ Hữu Phước. Vì là 1 người dạy học nên ông Hữu Phước rất kỹ lưỡng về cách phát âm và hướng dẫn Hương Lan lối hành văn của nghề hát cải lương.
Khi còn học mẫu giáo, Hương Lan thường theo đoàn cải lương đi lưu diễn dài ngày. Khi lên trung học và học tại trường Nguyễn Bá Tòng, cô ít diễn cải lương hơn và bắt đầu hát tân nhạc.
Đây cũng là thời gian Hương Lan gặp biến cố gia đình khi cha mẹ cô chia tay năm 1965, kinh tế gia đình khó khăn, cô phải đi hát nhiều để phụ giúp cha lo cho gia đình, chăm sóc 4 người em.
Đây cũng là thời gian mà Hương Lan không còn nhỏ để đóng vai con như trước, và chưa đủ lớn để được giao đóng vai đào, nên Hương Lan ít hát cải lương.
Một lần nhạc sĩ Trúc Phương đến nhà chơi, tình cờ nghe Hương Lan hát, ông khen là có giọng tốt và gợi ý cho nghệ sĩ Hữu Phước chuyển cô sang tân nhạc. Sau đó Hương Lan được cha giới thiệu với ông bầu Duy Ngọc để được lên hát tại đại nhạc hội Duy Ngọc ở rạp Quốc Thanh và chương trình tuyển lựa ca sĩ hàng tuần tại rạp Hưng Đạo. Thời gian này, khi hát 2 “bài tủ” là Những Đồi Hoa Sim và Ai Ra Xứ Huế khi mới 11 tuổi, “bé Hương Lan” đã gây ngạc nhiên cho khán giả, từ đó chính thức đặt chân vào lĩnh vực tân nhạc, trở thành một trong những ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng nhất cho đến nay.
Khi từ chuyển từ cải lương sang hát tân nhạc, Hương Lan được sự dẫn dắt, tập dợt nhạc từ nhạc sĩ Châu Kỳ và được nhạc sĩ Trúc Phương dạy nhạc lý.
Từ năm 1968, Hương Lan được hãng dĩa Việt Nam ký hợp đồng và được nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn thêm. Giọng hát Hương Lan được thu vào dĩa nhựa lần đầu khi cô mới 12 tuổi và hát một loạt ca khúc nhạc lính nổi tiếng là Thành Phố Sau Lưng, Một Người Đi, Ngày Mai Tôi Về, Bông Cỏ May…
Click để nghe giọng hát Hương Lan thu âm trước 1975
Từ năm 1970, Hương Lan chuyển sang hợp tác cùng ca nhạc sĩ Duy Khánh ở trung tâm băng nhạc Trường Sơn trong 2 năm. Từ sau đó cô còn được lên truyền hình xuất hiện trong chương trình Văn Phụng, chương trình Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ…
Từ năm 1972, Hương Lan là ca sĩ độc lập, được mời thu thanh tại nhiều hãng băng nhạc khác nhau.
Hương Lan cũng tham gia hát ở các phòng trà, đặc biệt là phòng trà Nam Đô của nhạc sĩ Bảo Thu.
Song song với tân nhạc, từ năm 1973, khi đã trưởng thành, Hương Lan được đóng 1 số vai đào chánh khi chuyển sang đoàn cải lương Kim Chung.
Cuối năm 1974, nhạc sĩ Ngọc Chánh chuẩn bị thực hiện băng nhạc đầu tiên của riêng tiếng hát Hương Lan trong bộ băng nhạc nổi tiếng Shotguns, nhưng chưa kịp hoàn thành thì xảy ra biến số 1975.
Hương Lan lập gia đình với nghệ sĩ Chí Tâm năm 1976 và sinh người con đầu là Henri Dương Bảo Nhi. Hai năm sau đó, cả gia đình cô được nghệ sĩ Hữu Phước bảo lãnh sang Pháp năm 1978. Trước đó, vì có quốc tịch Pháp nên cha của Hương Lan đã sang Pháp định cư từ năm 1975 theo diện “hồi hương”.
Thời gian đầu ở Pháp, gia đình Hương Lan sống rất chật vật. Họ sống ở vùng ngoại ô Paris trong một căn phòng được chính phủ cấp. Để mưu sinh, Hương Lan phải đi xe lửa lên Paris để làm việc tay chân, đó là cuốn chả giò cho một nhà hàng suốt 8 tiếng một ngày, sau đó làm cho một hãng bánh kẹo, rồi chuyển sang làm thu ngân trong siêu thị.
Từ năm 1979, Hương Lan bắt đầu đi hát ở phòng trà và nhà hàng ca nhạc vào mỗi cuối tuần ở Paris.
Sang năm 1980, đôi vợ chồng nghệ sĩ Hương Lan – Chí Tâm đổ vỡ sau 4 năm gắn bó và có 2 người con.
Sau thời gian đó, Hương Lan bắt đầu hợp tác với trung tâm băng nhạc Thúy Nga và phát hành cuốn băng cassette đầu tiên của Thúy Nga ở hải ngoại, cũng là cuốn băng riêng đầu tiên của Hương Lan mang tên “Tiếng Hát Hương Lan”, đạt kỷ lục phát hành được 65 ngàn băng. Sau này băng nhạc được phát hành CD với tên gọi Hát Cho Một Thời Để Yêu.
Năm 1985, Hương Lan đưa 2 con sang Mỹ định cư nhờ bảo lãnh của mẹ của cô đã sang đây từ năm 1975. Tại Mỹ, Hương Lan lần lượt hát độc quyền cho các trung tâm lớn như Thanh Lan, Làng Văn… nhưng vẫn tiếp tục thường xuyên hát cho trung tâm Thúy Nga và cộng tác với phòng trà Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Khi cộng tác với trung tâm Làng Văn, Hương Lan đã phát hành cuốn băng tạo được hiện tượng rất lớn ở hải ngoại là Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, là bài hát có nội dung thể hiện được nỗi lòng của hàng triệu người tha hương nên rất được yêu thích. Sau đó Hương Lan tiếp tục thể hiện thành công nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Bắc Sơn, được ông xem như con cháu ở trong nhà. Cũng có thể nói rằng nhờ Hương Lan và nhạc của Bắc Sơn mới đến được với đông đảo quần chúng, cô được Bắc Sơn cho “đặc quyền” là có thể sửa lại lời trong ca khúc của ông để phù hợp với giọng hát.
Năm 1986, Hương Lan gặp người chồng hiện tại là ông Đặng Quốc Toản trong buổi tiệc sinh nhật ca sĩ Elvis Phương. Họ kết hôn sau đó khoảng 3 năm.
Ông Đặng Quốc Toản sinh năm 1946 tại miền Bắc, từng phục vụ trong quân đội từ sau biến cố Mậu Thân 1968 cho đến tháng 4 năm 1975. Hương Lan nói rằng ông Toản “là một người đàn ông rất là rộng lượng và rất là hiểu biết và là một người có kiến thức rất rộng”.
Hương Lan trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994 cùng với những nghệ sĩ hải ngoại Quốc Anh, Đức Huy và Thảo My, theo lời mời của một công ty điện toán Úc nhằm tổ chức những chương trình văn nghệ để quảng cáo cho những sản phẩm của công ty này và vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên thời điểm đó Hương Lan không được cấp phép biểu diễn ở trong nước. Sau nhiều lần làm thủ tục xin phép, Hương Lan chính thức xuất hiện trước khán giả ở trong nước vào năm 1996, trở thành ca sĩ hải ngoại đầu tiên được cấp phép hát ở Việt Nam.
Từ đó đến nay, Hương Lan thường xuyên ca hát ở cả trong nước lẫn hải ngoại, tiếp tục sự nghiệp sân khấu trong xuyên suốt gần 60 năm qua.
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com