Lịch sử là môn học quan trọng trong bậc học phổ thông, bởi vì cho dù là ai, làm bất kỳ ngành nghề nào thì cũng cần biết lịch sử nước nhà để trân trọng quá khứ và hướng tới tương lai.
Hiện nay, có nhiều sự tranh cãi về việc môn học Lịch Sử trở thành môn bắt buộc hay tự chọn, và cách học lịch sử thế nào cho đúng.
Với tinh thần ôn cố tri tân, bài viết này xin giới thiệu nội dung chương trình lịch sử ở cả 3 cấp học được giảng dạy ở miền Nam trước 1975.
Bài viết đầu tiên là chương trình học Môn quốc sử trong chương trình tiểu học.
Bộ Quốc sử bậc tiểu học này được soạn thảo theo lời chỉ dẫn của Bộ Văn hóa Giáo dục, dành cho học sinh từ lớp Tư đến lớp Nhất. Quốc sử lớp Tư, lớp Ba và lớp Nhì in năm 1965, Quốc sử lớp Nhất in năm 1968, cùng do Bộ Văn hoá Giáo dục xuất bản.
Quốc sử lớp Tư là quyển sách khai tâm về môn Quốc sử cho trẻ em học sinh Việt Nam ở lớp Tư bậc Tiểu học. Soạn giả chọn lọc kỹ càng, sắp xếp minh bạch, trình bày một cách linh động và hấp dẫn “những truyện sử, vừa làm cho trẻ em vui thích, vừa làm cho chúng cảm động”.
Quốc sử lớp Ba cũng được biên soạn theo quan niệm như lớp Tư. Về hình thức, để cho trẻ em xem và thích đọc, các bài học được minh họa bằng tranh ảnh tô màu. Những di tích lịch sử, lăng miếu, bia mộ… được xác họa ngay tại chỗ. Về nội dung, để cho trẻ em hiểu rõ và nhớ lâu, ngoài bài giảng giản dị và toát yếu rõ ràng, đại ý của mỗi bài học hoặc là một võ công lừng lẫy, hoặc là một gương mẫu muôn thuở, hoặc là công nghiệp lớn lao của những bậc anh hùng, chí sĩ, đều được linh động nêu lên ở đầu bài bằng một tiêu đề hàm súc, và đúc kết ở cuối bài, bằng một câu thơ lục bát. Nhiều bài đọc và một số sử liệu được chọn lọc để giúp cho trẻ em thêm phần hiểu biết về các danh nhân và sự kiện lịch sử.
Quốc sử lớp Nhì và lớp Nhất:
– Những bài học ở lớp Nhì và lớp Nhất không còn là những truyện sử về các bậc danh nhân nước nhà như ở lớp Ba và lớp Tư nữa, mà chính là những bài Quốc sử dạy theo thời đại và niên ký.
– Mỗi bài học chỉ chú trọng vào những việc lớn, không đặt nặng về tiểu tiết, nhưng cũng không đến nỗi quá khô khan.
– Cũng như ở lớp Ba và lớp Tư, mỗi bài học được minh họa bằng những hình ảnh tô màu để học sinh vui xem thích đọc.
– Bài học nào cũng kèm theo một số câu hỏi sắp xếp sẵn để tiện dẫn dắt học sinh bình phẩm một nhân vật, một triều đại, một biến cố, giúp cho học sinh biết phán đoán, thấy rõ đâu là lợi, đâu là hại cho nước, cho dân.
– Sau mỗi bài học, một bài đọc chọn lọc, hoặc là một tài liệu lịch sử, hoặc là một vài lời giảng luận, làm sống lại đoạn sử trong bài, khiến cho học sinh vui vẻ hay bùi ngùi, ngợi khen hay căm tức.
– Cốt yếu bài Quốc sử là làm nảy nở nơi học sinh, một cách tự nhiên và thành thật, một tinh thần quốc gia chân chánh.
Nội dung chương trình
Lớp 1 (lớp năm): Không có môn Sử
Lớp 2 (lớp tư):
– Thăm các nơi có di tích lịch sử trong vùng
– Kể các chuyện cổ tích, các bậc danh nhân trong vùng
– Kể các chuyện danh nhân trong lịch sử:
- Cậu bé đuổi giặc Ân (Phù Đổng Thiên Vương)
- Tổ quốc trên hết (Lữ Gia)
- Giải phóng đất nước (Hai Bà Trưng)
- Đầu voi phất ngọn cờ vàng (Bà Triệu)
- Vua Đồng lầy (Triệu Quang Phục)
- Ngọn sóng Bạch Đằng (Ngô Quyền)
- Cờ lau tập trận (Đinh Tiên Hoàng)
- Mở khoa thi đầu tiên (Lý Nhân Tông)
- Phạt Tống, bình Chiêm (Lý Thường Kiệt)
- Không tham vàng bỏ nghĩa (Tô Hiến Thành)
Lớp 3 (lớp ba):
– Thăm các nơi có dấu tích lịch sử trong vùng, xem tranh ảnh, tư liệu lịch sử
– Kể chuyện các bậc danh nhân, các bậc anh hùng:
- Lòng quyết chien (Hội nghị Diên Hồng)
- Vì nước quên thù nhà (Trần Hưng Đạo)
- Trận Bạch Đằng (Trần Hưng Đạo)
- Ngồi đan sọt mà lo việc nước (Phạm Ngũ Lão)
- Anh hùng tí hon (Trần Quốc Toản)
- Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc (Trần Bình Trọng)
- Ông Trạng thanh liêm (Mạc Đỉnh Chi)
- Dâng sớ trảm 7 nịnh thần (Chu Văn An)
- Ngâm thơ nuốt hận (Đặng Dung)
- Mười năm chống quân Minh (Lê Lợi)
- Hy sinh vì đại nghĩa (Lê Lai)
- Trả thù cha, rửa hận nước (Nguyễn Trãi)
- Khởi thảo địa lý và sử ký nước nhà (Lê Thánh Tôn)
- Công cuộc mở rộng miền Nam (Chúa Nguyễn)
- Công cuộc cai trị xứ Bắc (Chúa Trịnh)
- Trận Đống Đa (Quang Trung)
- Gương trung nghĩa (Võ Tánh và Ngô Tùng Châu)
- Doanh điền sứ (Nguyễn Công Trứ)
- Một nhà nho sáng suốt (Nguyễn Trường Tộ)
- Chết để cứu dân (Phan Thanh Giản)
- Nhịn đói chịu đau mà chết (Nguyễn Tri Phương)
- Thà chết chứ không bỏ thành (Hoàng Diệu)
- Cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng
- Phong trào cách mạng từ Nam chí Bắc (Trương Công Định, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám)
- Một học giả uyên thâm (Trương Vĩnh Ký).
Lớp 4 (lớp nhì):
Nguồn gốc nước Việt Nam, cách sinh hoạt về đời thượng cổ: nghề làm ruộng (nông khí bằng đá, nước thủy triều, nghề đánh ca, tục vẽ mình).
Thời đại Bắc thuộc: Các thái thú, các cuộc khởi nghĩa. Ảnh hưởng về văn hóa, chính trị của thời Bắc thuộc.
Thời đại độc lập:
- Nhà Ngô
- Nhà Đinh
- Nhà Tiền Lê
- Nhà Lý: Nội trị, phạt Tống, bình Chiêm
- Nhà Trần: Hội nghị Diên Hồng. Đuổi giặc Mông Cổ. Hai lần đại thắng quân Nguyên. Tổ chức nội trị, xây dựng nền văn hóa. Văn chương quốc ngữ của ông Hàn Thuyền.
- Nhà Hồ: Chính trị, văn hóa, giao thiệp với Tàu và Chiêm Thành
- Nhà Hậu Trần: Chính sách đô hộn của nhà Minh
- Mười năm chống quân Minh: Lê Lợi
- Nhà Hậu Lê: việc nội trị, việc võ bị, văn hóa và chính trị của Lê Thánh Tôn. Cớ sao nhà Lê mất ngôi.
Thời đại Nam Bắc phân tranh
- Nhà Mạc: Chính trị
- Họ Nguyễn giúp nhà Lê
- Trịnh – Nguyễn phân tranh. Người Âu châu sang Việt Nam
- Tây Sơn khởi nghĩa
- Họ Trịnh mất nghiệp chúa
Lớp 5 (lớp nhất):
- Nhà Tây Sơn: Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Chính trị, văn học. Ông Nguyễn Thiếp và việc dịch sách chữ Nôm. Nguyễn Vương lấy Gia Định, lấy Qui Nhơn, lấy Phú Xuân, đánh Bắc Hà.
- Nhà Nguyễn đời Gia Long: nội trị, văn học, ngoại giao.
- Đời Minh Mạng: dẹp loạn, giao thiệp với nước ngoài.
- Đời Thiệu Trị: việc giao thiệp với Chân Lạp. Việc cấm đạo.
- Đời Tự Đức: tình thế trong nước, Nguyễn Trường Tộ. Nước Pháp lấy Nam Kỳ, Phan Thanh Giản đi sứ. Nước Pháp lấy Bắc Kỳ lần thứ nhất (1874). Nguyễn Tri Phương. Nước Pháp lấy Bắc Kỳ lần thứ hai. Hoàng Diệu.
- Cuộc đô hộ của người Pháp: Hòa ước 1884. Chính sách cai trị của người Pháp ở Việt Nam.
- Đời Hàm Nghi: cuộc kháng chiến: Phan Đình Phùng và đảng Văn Thân. Các cuộc khởi nghĩa ở Nam, Trung, Bắc (Trương Công Định, Đinh Công Tráng, Yên Bái).
- Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.
Lời chỉ dẫn: Dạy quốc sử là cốt để gây ý thức dân tộc cho học sinh. Cần cho trẻ em biết:
– Sự tích nước Việt Nam và tinh thần yêu nước, tranh đấu của toàn dân.
– Yêu Tổ quốc một cách sáng suốt
– Làm phận sự công dân với Tổ quốc
– Làm nảy nở tinh thần quốc gia một cách tự nhiên và thành thật.
– Soi gương sáng của tiền nhân để rèn đức tốt có tính cách quốc gia và nhân đạo.
Trẻ em Việt Nam cần biết:
– Nguồn gốc nước Việt Nam.
– Tinh thần bất khuất của dân tộc qua các thời đại.
– Các vị anh hùng đã gây dựng và bảo vệ giang sơn Tổ quốc, các bậc tiền nhân đã tô bồi nền văn hóa quốc gia.
– Học Quốc sử, trẻ em Việt Nam cần phải noi đức can đảm, chí hy sinh, nghĩa hợp quần, gương yêu nước của các đấng danh nhân, để cố gắng tiến thủ hầu vun đắp sự nghiệp to tát của người xưa để lại.
Ngoài ra, trong khi học tập, bình phẩm hành vi và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử, trí phán đoán của trẻ em được nảy nở. và cũng do đó, trẻ em sẽ hấp thụ được nhiều đức tính về nghị lực và công tâm, đồng thời hiểu được đâu là tinh thần quốc gia chân chính.
Điều cốt nhứt của bài Sử học là lời giảng phải cảm động và hùng hồn, làm cho sống lại cả một quãng đời, làm cho bật rõ một bức tranh, trông thấy một thời đại, khiến trẻ em phải vui bẻ và bùi ngùi, ngợi khen và căm tức. Được như thế, bài Sử mới được bổ ích.
Ở lớp 1 chưa có giờ học sử. Ở lớp 2 và lớp 3, trẻ em còn non nớt, chưa có thể học Sử theo các thời đại và niên kỷ. Bài Sử ký chỉ là những truyện sử, những buổi đi thăm di tích, vừa làm cho trẻ em vui thích vừa làm cho chúng cảm động. Chỉ từ lớp 4 trở lên, môn Sử học mới nên dạy theo thời đại và niên kỷ, song chỉ nên chú trọng đến việc lớn, không cần đến tiểu tiết. Cần làm cho học sinh nhận thức trạng thái toàn thể của dĩ vãng và hiện tại của cả một dân tộc, chớ không phải của một người, hay một việc, trong một thời gian.
Dù sao, phương pháp áp dụng từ lớp nhỏ đến lớp lớn vẫn cùng một trung tâm điểm, vẫn cùng một thứ tự thời gian, để trẻ con được nhận thức rõ rệt liên quan giữa những câu chuyện lẻ loi với lịch sử tổng quát của các thời đại. Như thế trẻ em sẽ không lạc lối, trái lại từ lớp dưới lên lớp trên, chúng sẽ được nhắc lại những điều đã học một cách rõ ràng và đầy đủ.
Hết bài 1, mời các bạn đọc tiếp bài 2, Chương trình học lịch sử ở chương trình trung học ở miền Nam trước 1975