Những ai từng học ở trường đại học Văn Khoa ngày xưa, tức là trường KHXH&NV ngày nay, có lẽ đều sẽ rất ấn tượng với 2 khối nhà ở hai bên đường Đinh Tiên Hoàng, quay mặt ra đại lộ Thống Nhứt (xưa là đại lộ Norodom, nay là đường Lê Duẩn). Có thể xem đây là một “khung trời đại học” của đô thành Sài Gòn, bên cạnh khu Hồ Con Rùa, vì bên cạnh trường Văn Khoa trước 1975, còn có trường Dược Khoa và Canh Nông, nằm chung trong những khối nhà từng là Thành Cộng Hòa trước năm 1963.

Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng đó là dấu tích còn lại của doanh trại lính Pháp (người Việt gọi là thành “Ông Dèm”), được Pháp đã xây dựng trên nền cũ của 2 thành Quy, thành Phụng đã có từ thời nhà Nguyễn. Giữa 2 khối nhà này (ngày nay là ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Tôn Đức Thắng) từng là cổng của trại lính (sau đó là cổng thành Cộng Hòa). Có thể thấy trong hình dưới vẫn chưa có con đường đi xuyên qua giữa 2 khối nhà (đường Đinh Tiên Hoàng) như hiện nay, mà nó chỉ có từ năm 1963 sẽ được nhắc đến đoạn sau.

Ngày nay, khu nhà bên trái thuộc về khoa Dược của đại học Y Dược, một phần được cho thuê mở quán cafe, khu nhà bên phải là một phần của đại học KHXH&NV (hình dưới):

Nếu lật lại lịch sử của vùng đất Sài Gòn Gia Định từ giữa thế kỷ 19 thì nơi đây chính là vị trí đặc biệt quan trọng ghi dấu một sự kiện cực lớn của xứ Nam Kỳ. Đó là sự kiện ngày 17/02/1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công thành Phụng (thành Gia Định) và họ đã chọn ngay vị trí hiểm yếu này để hạ thành, mở đầu cho việc xâm chiếm Nam kỳ suốt gần 100 năm sau đó. Dưới đây là hình vẽ thể hiện trận đánh hiểm ác này, ở ngay vị trí ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Tôn Đức Thắng ngày nay:

Trong bức ảnh này, ta có thể thấy rõ khung cảnh thành Phụng, được vua Minh Mạng xây dựng vào năm 1837 sau khi dẹp loạn Lê Văn Khôi và san bằng thành Quy (hay còn gọi là thành Bát Quái) được chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) cho xây dựng từ năm 1790.

Bản vẽ mô tả vị trí Thành Quy (màu đỏ) và thành Phụng (màu xanh ở góc trên)

Nhìn vào bản vẽ mô tả trên, có thể thấy Vua Minh Mạng đã phá thành Quy để xây lại thành Phụng với quy mô nhỏ và đơn giản hơn rất nhiều. Cổng chính của thành Phụng chính là vị trí được nhắc đến trong bài viết này.

Tháng 2 năm 1859 (thời vua Tự Đức), sau khi hạ thành Phụng, vì phải đưa quân quay trở lại Đà Nẵng, không đủ quân để giữ thành nên Liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã cho hỏa thiêu toàn bộ, chỉ còn lại những bờ thành xung quanh. Vài năm sau, khi quân Pháp đã hoàn toàn làm chủ được vùng đất Sài Gòn – Gia Định, đặc biệt là sau khi hạ đại đồn Chí Hòa năm 1861, trên nền cũ của thành Phụng, người Pháp đã xây dựng một thành mới có quy mô bằng một nửa, nằm trong phạm vi thành cũ, dân Sài Gòn gọi đây là thành Ông-Dèm, đọc trại từ chữ Pháp onzième (nghĩa là thứ 11). Sở dĩ có tên gọi như vậy là do thành này là nơi đồn trú của Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 của Pháp.

Theo các bản đồ Sài Gòn vào thế kỷ 19 thì Thành Ông Dèm gồm 3 dãy nhà chính bên trong, và một số “khối nhà” ngoài cổng thành, trong đó hiện nay vẫn còn lại duy nhất 2 khối nhà ở ngay cổng (như trong hình trên).

Hình vẽ thành Ông Dèm năm 1881. Bờ thành xung quanh là những gì còn lại của thành Phụng

Hình vẽ thành Ông Dèm năm 1898, lúc này bờ thành Phụng cũ xung quanh đã được giải tỏa để làm đường

Sau đây là hình ảnh Thành Ông Dèm (trên nền thành Phụng cũ) qua những tấm bản đồ cuối thế kỷ 19:

Bản đồ năm 1878

Bản đồ năm 1882

Bản đồ năm 1898

Dưới đây là 2 khối nhà ngoài cổng thành (ngày nay vẫn còn):

Thành Ông-Dèm

Dưới đây là hình ảnh dãy bên trong của thành Ông Dèm:

Từ sau năm 1955, thời đệ nhất cộng hòa, tổng thống Ngô Đình Diệm đổi tên thành Thành Cộng Hòa, trở thành nơi đồn trú của Tiểu đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống. Tiểu đoàn nhanh chóng được nâng lên thành Liên đoàn rồi Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống. Thành Cộng Hòa được bao quanh bởi 4 con đường Hồng Thập Tự (nay là NTMK), Thống Nhứt (nay là Lê Duẩn), Mạc Đỉnh Chi và Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sự kiện ngày 1/11/1963, thành Cộng Hòa trở thành nơi giao tranh dữ dội và bị thiệt hại nặng nề, được thể hiện qua loạt ảnh sau đây:

Sau năm 1963, Thành Cộng Hòa bị phế bỏ. Để thuận tiện cho việc mở đường, nối thông đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng) với đường Đinh Tiên Hoàng, người ta đập bỏ khúc giữa của dãy nhà dài ở phía trong, còn những khu nhà hai bên được sửa sang lại làm thành trường học. Con đường hình thành giúp cho việc đi lại từ trung tâm Quận Nhứt về Đa Kao được rút ngắn hơn rất nhiều.

Dưới đây là hình ảnh dãy nhà dài được cắt đôi, mở đường cho xe chạy ở giữa:

Dãy thứ 3 của thành Cộng Hòa đang được cắt ra làm đôi (trước đó liền 1 khối)

Sau khi con đường ở giữa hoàn thành, toàn bộ các dãy nhà còn lại được chính quyền Sài Gòn giao lại cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục sửa chữa thành khu trường đại học gồm 3 trường Văn Khoa, Dược Khoa và Canh Nông, một phần sau đó được giao cho đài truyền hình (năm 1968).

Khu trường đại học được sửa lại từ thành Cộng Hòa, theo tấm bản đồ Sài Gòn năm 1968. Các ô chữ nhật đậm là dãy trường học, trong đó 2 khối nhà ở cổng vẫn còn đến ngày nay

Ngày nay, những dãy nhà phía trong đã không còn, chỉ còn 2 khối nhà nằm ngay góc ngã tư của 3 con đường lớn Đinh Tiên Hoàng – Lê Duẩn và Tôn Đức Thắng, là chứng nhân cho lịch sử Sài Gòn suốt 150 năm qua.

Lúc này đường Cường Để đã thông qua đường Đinh Tiên Hoàng ở bên kia đường Hồng Thập Tự. Bên trái hình là Đại học Canh Nông

Một số hình ảnh thành Ông Dèm trên bưu thiếp vào đầu thế kỷ 20:

Bài: Đông Kha

2 COMMENTS

  1. Xin cám ơn tác giả cho tài liệu quý. Cũng nhân đây xin hỏi đây có phải là nơi mà thời Pháp gọi là thành “Chanson” hay không? Vì trong tập hồi ký của thân phụ tôi, ông có viết là đã làm việc ở đây với Thiếu Tá Savani (Pháp) vào thời kỳ trước khi Ông Ngô Đình Diệm về nước
    Cám ơn
    Thân ái

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here