Xe taxi có 2 màu xanh – trắng (hoặc vàng kem) là một trong những phương tiện giao thông độc đáo của thành phố Sài Gòn qua những thập niên 1950, 1960 và 1970 cho đến khi bị chấm dứt trong thời bao cấp. Xe taxi hiệu Renault 4CV đã để lại dấu ấn quan trọng trong nét sinh hoạt của dân cư Sài Gòn cùng hình ảnh khó phai nhoà trong trí nhớ của những du khách đã từng đặt chân đến Hòn ngọc Viễn Đông trong thời điểm ấy.
Thập niên 1960, 1970, những chiếc taxi “con cóc” hiệu Renault 4CV đã tràn ngập thành phố, nhưng sau năm 1975 thì gần như hoàn toàn vắng bóng.
Renault 4CV tại Việt Nam
Các xe Renault 4CV được nhập cảng vào Việt Nam vào cuối thập niên 1940 là phiên bản 4CV Affaires, sau đó xe được cải biến thành xe taxi do nhu cầu vận chuyển đặc biệt của thành phố Sài Gòn.
Được sơn 2 màu trắng ngà và xanh, xe taxi Sài Gòn thoạt đầu chỉ có kiểu Renault 4CV trong thập niên 1950, dần dần thêm các kiểu xe Renault Dauphine, Simca, Peugeot trong thập niên 1960. Tuy rằng Renault đã ngưng sản xuất xe 4CV từ năm 1961, chiếc 4CV taxi Sài Gòn vẫn là biểu tượng duy nhất của thành phố dưới bàn tay khéo léo của các tay thợ máy, các thợ phay tiện lành nghề tự chế tạo được các cơ phận rời để thay thế, những xe taxi Renault 4CV vẫn chạy trên đường phố cho đến sau 1975. Xe 4CV taxi đã biến mất trên đường phố vì chính sách “cải tạo công thương nghiệp” cùng “bài trừ tư sản mại bản” thời bao cấp đưa đến kết quả những nhà máy ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu, những cổ máy sản xuất hàng tiêu dùng nằm rỉ sét dưới nắng mưa và những chiếc taxi Renault 4CV cũng cùng chung số phận.
Ở Sài Gòn trước 1975, có một nét văn minh khi đi taxi là hầu hết các xе taxi thời đó đều viết khẩu hiệu tuyên truyền “Không bỏ rác xuống đường” để giữ đường phố sạch đẹp, ngoài ra đèn trước sẽ được sơn chе 1/3 phần trên để tránh đèn pha vào xе đối diện, gây lóa mắt.
Thập niên 1960, 1970, bến Bạch Đằng ở dọc sông Sài Gòn là nơi có rất nhiều taxi nằm chờ khách. Số hiệu của taxi được in ở hai bên cửa, khách muốn đi thì phải ra đường vẫy xе để gọi, hoặc ra những nơi đậu taxi. Thời đó taxi không có bộ đàm, không có tổng đài như hiện nay nên phải đi lòng vòng để kiếm khách.
Cuối năm 1968, đô thành Sài Gòn có khoảng 7.400 taxi, phần lớn là dòng xе Rеnault 4CV. Sau này còn có thêm dòng xе Rеnault Dauphinе.
Một số lượng lớn xе Dauphinе cùng các dòng xе khác nữa đã được nhập cảng vào miền Nam Việt Nam qua chương trình hữu sản hoá năm 1968 làm taxi. Trước đó, vào năm 1966 – 1967, chính phủ VNCH đã tiến hành một chương trình mang tên “Hữu sản hoá” để cung cấp phương tiện hành nghề chuyên chở công cộng cho những ai cần việc làm và cũng để cải thiện đời sống, phát triển hạ tầng cơ sở vận tải, giao thông công cộng.
Đợt hữu sản hóa đầu tiên mang tên “Tự chủ” được thực hiện bằng cách cho giới lao động đang cầm lái thuê mượn tiền, và cho trả góp, để mua loại xе mà họ đang sử dụng để kiếm sống (giá rất rẻ). Những chiếc xе hơi sản xuất tại Nhật như Datsun, Mazda… và xе lam được trao cho những tài xế để hành nghề. Với những chiếc xе taxi hay xе lam trong đợt này được in hàng chữ “Hữu sản hóa, đợt Tự chủ” lên hai bên hông xе. Các bạn có thể xеm trong hình bên dưới, xuất hiện chữ Hữu Sản Hóa trên chiếc taxi và xе lam:
Một số hình ảnh xe taxi Sài Gòn lẫn trong dòng xe cộ đông đúc trên đường phố Sài Gòn xưa:
Các hình ảnh xe taxi Sài Gòn xưa:
Lịch sử chiếc xe Renault 4CV
(trích bài viết của Hoàng Kim Việt)
Vào ngày 3 tháng mười năm 1946, tại sự kiện khai trương Triển lãm xe ô-tô Paris, tại Pháp Quốc lần thứ 33 sau 8 năm ngưng hoạt động vì khó khăn về kinh tế và chiến tranh ở Châu Âu, xe Renault 4CV được trình diển và ra mắt công chúng với nhiều cảm giác.
Được triển khai phương án chế tạo một chiếc xe dầy đủ tiện nghi và hợp với túi tiền của đa số dân cư, xe Renault 4CV do Régie Renault phác hoạ trong bí mật khi Pháp Quốc bị chiếm đóng bởi quân đội Đức Quốc Xã, xe Renault 4CV đạt được mục tiêu chinh phục ngay lập tức người tiêu dùng; là sự thành công của một chiếc xe được sinh ra từ trong bóng tối.
Ngày 26 tháng sáu 1940, công ty Renault được đặt dưới sự kiểm soát và điều khiển của Đức Quốc Xã khi Pháp bị chiếm đóng. Mọi kế hoạch sản xuất và phát triển xe ô-tô đều bị ngừng lại, một nhóm nhỏ những kỹ sư làm việc ở hảng Renault phá rào sự cấm đoán của Đức Quốc Xã, họ tụ họp lại với nhau để cùng làm việc trên một mô hình xe ô-tô mới, một kiểu xe phổ thông dành cho đại chúng tựa như chiếc Volkswagen Type 1 (hay còn gọi là Bug hoặc Beettle hoặc Coccinelle) đã được chế tạo từ năm 1938 ở Đức Quốc. Họ có hai mục tiêu cần phải đạt được: thứ nhất là giá thành xe phải hạ để hợp với mức lương của dân chúng, thứ hai là xe ít ăn xăng giúp tiết kiệm ngân quỹ gia đình. Đó là sự khởi đầu của kế hoạch 106, nguồn gốc cũa xe Renault 4CV.
Sau khi giành lại đất nước năm 1944, công ty Renault không chậm trể trong việc khởi động lại nhà máy, tháng ba 1945, ông Pierre Lefaucheux thế chổ ông Louis Renault để lãnh đạo toàn bộ Công ty Quốc Doanh Renault. Vị Tổng Giám Đốc mới nầy hân hoan cổ võ cho kế hoạch 106, một chiếc xe dân dụng rẻ tiền và tiết kiệm về kinh tế, ông ta còn khuyến khích những chi tiết cải tiến để hoàn thiện kiểu xe nầy trước khi đưa vào quy trình sản xuất.
Những chiếc xe Renault 4CV rời nhà máy trong năm 1947 với một dàn đồng, một động cơ, một mầu sơn duy nhất cho kiểu xe ra mắt công chúng. Thời hậu chiến vừa trong giai đoạn khởi đầu không cần đến những phô trương mầu mè… Việc trước mắt là đáp ứng nhu cầu đi lại của dân chúng sau khi nước Pháp vừa mới được giải phóng là niềm hạnh phúc, sự tự do và những ngày nghỉ hè!
Nhẹ nhàng với 560kg và tiết kiệm, xe Renault 4CV có thể chở 4 người thoải mái trong chiếc xe có mặt sàn bằng phẳng và cổ máy mới đặt phía sau. Được sản xuất trên 1 triệu chiếc xe, trên một giàn máy lắp ráp dây chuyền khởi đầu cho việc tự động hoá quy trình sản xuất, Renault 4CV đạt được thành tích từ kiểu xe cơ bản “Service” đến các kiểu phức tạp hơn với kiểu xe mui trần, hoặc kiểu xe thể thao 1063. Renault đã đem sản phẩm bán tại Hoa Kỳ và cùng lúc với những chiếc Renault 4CV sản xuất tại Nhật Bản.
Các kiểu xe Renault 4CV
Có rất nhiều phiên bản xe Renault 4CV (khoảng gần 40) thay đổi theo thời gian, tuy nhiên được xếp thành 7 phiên bản chính.
4CV Affaires
Renault đề xuất trong tháng 10 năm 1951, một mô hình xe ít tốn kém và chắc chắn. Gọi là 4CV Affaires – Giao Tế, mô hình này vẫn có những đặc điểm tương tự như chiếc xe cơ bản. Đây cũng là kiểu xe của đa số các taxi ở Sài Gòn xưa. Cuối năm 1954, kiểu nầy nhận được thêm một đèn hậu thứ hai mà vẫn khác với các kiểu xe khác bởi sự thiếu hụt vài thiết bị cơ bản của nó và vài chi tiết xe không được mạ kền. Trên mô hình xe Giao Tế năm 1952 và 1953, Renault đề nghị thêm chi tiết tùy chọn: mui trần.
4CV Sport
Các xe 4CV Sport – Thể Thao xuất hiện ngày 15 tháng 12 năm 1951 (đầu năm 1952) thay thế Catalog xe Grand Luxe sang trọng. Động cơ R1062, 748cc phát triển 21 mã lực. Nước sơn được thay đổi trong những năm qua. Trong số các màu sắc có sẵn vào năm 1959 gồm mầu trắng Réjane, xanh dương Capri, đen, xám và mầu xanh Erin Pompadour (hoặc Ireland).
4CV Commerciale
Kiểu 4CV Commerciale – Thương Mại, chỉ có phiên bản duy nhất màu đen. Nó có thể chở được 200 kg và cung cấp một khối lượng hửu dụng xuyên qua việc loại bỏ các ghế sau và ghế hành khách phía trước. Sàn gỗ bao gồm toàn bộ bề mặt có sẵn. Cửa sau bị mù, không gắn kính và hoàn toàn bịt bằng thép lá, do đó có sự hiện diện của một kính chiếu hậu bên ngoài. Nó có cùng một thiết bị và các đặc tính như các 4CV khác. Phiên bản nầy bị bỏ rơi vào tháng ba năm 1952.
4CV Service
Để cạnh tranh với chiếc Citroen 2CV hay xe Con Cóc trong cùng kích cở, Renault đã quyết định cho trình làng vào tháng mười năm 1952, một xe 4CV dưới tên gọi: xe Sedan đơn giản hoá. Các chi tiết của xe 4CV bị lột đến cùng cực để có được mức giá cạnh tranh. Nội thất được sơn thường, ghế ngồi được sản xuất với một lưới kim loại phủ vải. Nó chỉ có một đèn hậu và không có đèn báo thay đổi hướng. Những cánh cửa được lắp ráp một cách tiết kiệm, cửa ra vào đóng mở bằng dây cáp và cửa phiá sau gắn kính cố định.
Về mặt thẩm mỹ, nó đã không có gối đệm trên các thanh cản và cũng không có 6 “râu” bằng nhôm trang trí ở mui trước, chỉ còn logo Renault. Bởi nhiều khuyết điểm, sau khi bán ra, nó đã có vài ưu điểm hơn các phiên bản khác, nâng cao dung tích thùng xe phía trước, kể từ khi bình điện được cài đặt trong khoang động cơ, bánh xe dự phòng được cài thẳng đứng phiá trước. Kiểu xe Service – Dịch Vụ được sơn một màu xám mờ gọi là mầu xám Antoinette, tạo ra kiểu xe riêng biệt. Thiếu tiện nghi thoải mái và thiết kế sơ sài làm cho nó bị xa lánh bởi khách hàng, họ quay sang mua xe Citroën 2CV. Renault đành bỏ rơi phiên bản nầy vào tháng tám năm 1953.
4CV Découvrable
4CV Mui trần xuất hiện đầu tiên tại Salon de Paris năm 1949, trong màu sơn đỏ Bordeaux. Nó là kiểu R1060, tức là dung tích máy 760cc. Một năm sau đó, từ kiểu R1062 động cơ 747cc, xe 4CV Mui trần được gắn thêm những niềng gia cố dưới dạng hình tam giác đặt trong góc trên cùng của khoang máy. Chỉ có duy nhất phiên bản “Grand Luxe” với những bộ phận mạ kền phong phú, nó là một phiên bản phức tạp của Renault 4CV.
Các xe 4CV Mui trần cuối cùng rời khỏi nhà máy ngày 2 tháng tám năm 1956, mặc dù doanh số bán hàng đã bắt đầu giảm trong năm 1953. Có tất cả 9.518 xe phiên bản này được sản xuất giữa năm 1951 và 1952. Số lượng này được xem là thấp so với 1,1 triệu xe được sản xuất. Giá xe là 535.500 francs vào tháng Bảy năm 1951, phiên bản này được cho là quá đắt tiền, mặc dù đối thủ cạnh tranh của nó, như xe Panhard Dyna, thậm chí còn đắt nhiều hơn nữa. Tuy nhiên giá bán không phải là rẻ so với dòng xe sedan “Grand Luxe” với giá 444.500 francs và “Luxe” với giá 390.500 francs.
4CV R1063
Đề xuất từ sự mong muốn của các khách hàng tham gia vào các cuộc đua, xe 4CV R1063 là phiên bản thể thao đầu tiên bắt nguồn từ một mô hình phổ biến của Renault. Chỉ có bộ cơ thể dàn đồng và khối động cơ theo tiêu chuẩn xe thường. Đầu xi-lanh được thiết kế lại để cung cấp một tỉ lệ nén là 8,2 – trong khi các pistons, van và lò xo van là khác biệt. Trục khuỷu cốt được làm bằng duralumin tôi luyện, và trục khuỷu lòng máy được cân bằng hơn các động cơ thường. Mạch dầu có dung tích 4 lít thay vì 2 lít trên loạt xe 4CV thường. Động cơ, trong khi đó, được hỗ trợ bởi một bộ chế hòa khí kép Solex 30 AAI (hoặc Solex 30 pAAI) và phát triển một sức mạnh của 32 mã lực với 5.200 vòng/phút, tăng tốc độ tối đa tới 120 km/giờ. Những kiểu R1063 sau đó đã được tăng lên đến 35 mã lực với vòng máy 5.500 vòng/phút cho kiểu xe du lịch, phiên bản với một tỉ lệ nén tăng lên 8,429 – đảm bảo đạt đến125 km/giờ trên mặt đường phẳng.
Những thay đổi khác bao gồm bộ ly hợp được gia cố, tay lái nhạy hơn và 4 bộ nhún ở phía sau. Xe được cải tiến đáng kể là tốt. Bảng điều khiển được thêm một tachometer – đồng hồ tua máy, nhiệt kế nước máy và một ampe kế. Hai đèn bổ sung phiá trước và kèn cảnh báo đặc biệt tạo thành vẻ đặc biệt của chiếc xe thể thao này. Ở phía sau xe, kiểu R1063 người ta có thể nhận dạng xe bởi hai lổ hút không khí bổ sung, giữa bộ đèn sau và tấm bảng số xe.
4CV Pie
Sự xuất hiện của dòng xe 4CV trong năm 1950 buộc cảnh sát Paris phải được trang bị các phương tiện phù hợp. Nếu không có cạnh tranh thực sự, kiểu xe 4CV đã được ông Gobin Giám Đốc Sở Cảnh sát Paris lựa chọn. Năm 1952 , Cơ xưởng Currus đã nổi tiếng với việc chuyển đổi cải tiến chiếc xe Citroën Van H thành “giỏ salad”, cơ xưởng nầy cải tiến 1 kiểu Renault 4CV thành mô hình đặc biệt gọi là Type “H”.
Năm 1955, sau các cuộc hội thảo của cảnh sát Paris hình dạng đặc biệt của cửa xe được cải tiến. Sơn màu đen và trắng, chiếc xe nhỏ này nhanh chóng có biệt danh là “xe 4CV chim ác đen”. Có tất cả 73 chiếc xe Renault 4CV Pie trong Sở cảnh sát vùng sông Seine. Với một bình điện 12 volt và bộ ly hợp điện từ Ferlec, công suất động cơ tăng lên bằng cách gắn một bộ phận hút và xả đa dạng đặc biệt, của bộ chế hoà khí Solex 32 với đèn pha xoay hướng được, và sửa đổi bằng cách tăng tỉ lệ nén của động cơ. Thêm vào đó một ổ khoá chống trộm Neiman. Xe có công suất 30 mã lực và đạt tốc độ tối đa 120 km/giờ. Hơn nữa, 4CV Pie được trang bị một máy thu phát sóng ngắn để liên lạc giữa cảnh sát viên .
Còn nhiều phiên bản đặc biệt khác nữa xuất hiện để sử dụng trong các trường hợp khác nhau.
Ngoài ra còn có kiểu xe Rogue mà ông Louis Rosier, một tay lái xe đua và là đại lý xe Renault ở Clermont-Ferrand cải tiến chiếc 4CV thành xe đua. Ông ta đã nhờ một văn phòng nghiên cứu hình dáng xe ở Turin, Ý nghiên cứu một dạng xe đua 2 chổ ngồi dựa trên kiểu Renault 4CV, hình dạng như chiếc thuyền làm bằng nhôm, kiểu xe Rosier Rogue quá đắt.
Ông Rosier trình bầy xe Rogue trong cuộc triển lãm xe New York International Motor Show vào tháng ba năm 1954 được sản xuất bởi Plasticar, trong Show nầy Jean Redélé cũng trình bầy một kiểu xe La Marquis chế tạo bởi Allemano dựa trên xe Renault 4CV, sau đó ông ta đã kết hợp với Plasticar Inc. ở Doylestown, Pennsylvania tại Hoa Kỳ đặt mua 150 sàn và động cơ 4CV từ hảng Renault để chế tạo kiểu xe La Marquis bằng sợi thủy tinh, một vật liệu mới nhẹ và bền chắc cùng rẻ tiền hơn dùng thép lá rập khuôn. Một hợp đồng giửa Plasticar và Redélé để sản xuất xe đổi lại quyền kinh doanh xe nầy tại Hoa Kỳ cho Plasticar.
Nhiều tuần lể trôi qua không có tin tức gì, Jean Redélé trở lại hảng Plasticar thì thấy chiếc xe mô hình mẫu La Marquis dùng để làm khuôn bị tháo gở và dàn bánh trước được gắn vào chiếc xe Rogue. Ông lập tức hủy hợp đồng với Plasticar và mua lại 150 sàn xe Renault. Redélé sau đó tìm được doanh nghiệp Chappe & Gosselin để chế tạo kiểu xe mới vẫn dựa trên xe Renault 4CV gọi là A106 và từ đó tên xe Alpine được ra đời.
Renault Fiftie
Năm 1996, để kỷ niệm lần thứ năm mươi của xe Renault 4CV, hảng Renault xây dựng mô hình xe Fiftie.
Một thiết kế ngoại thất độc đáo và hiện đại, tất nhiên đề cập đến 4CV của thời xa xưa. Loại xe Fiftie dưới hình thức của một xe Berlinetta hai chỗ ngồi. Cơ thể dàn đồng được làm bằng sợi carbon, trên chiếc tấm phản cửa đan bằng mây và ghế làm bằng sợi lanh và bông. Dưới mui xe, một động cơ 1.149cc cung cấp 60 mã lực. Xe Fiftie này là một sự pha trộn tinh tế của truyền thống cũ và thời hiện đại, xe vẫn trong trạng thái mô hình và không thấy được đem vào sản xuất quy mô.
Sau đây là một bài viết của cố nhà báo Lê Văn Nghĩa đăng trên báo Thanh Niên:
Thập niên 1960 ở Sài Gòn, xe taxi đa phần là hiệu Renault 4CV (còn gọi là taxi con cóc) của Pháp với thân màu xanh dương đậm, mui màu trắng ngà. Trên mui có hộp mê ca kẻ chữ Taxi màu đỏ, tính tiền bằng đồng hồ ki lô mét. Xe không máy lạnh, không có radio, nhưng thời đó một bước mà lên chiếc xe màu xanh là cũng “oách càng cua” lắm rồi. Người dân rất dễ nhận diện một chiếc taxi vì tất cả taxi đều thống nhất mẫu màu xanh dương đậm dù cho chủ chiếc taxi đó thích màu khác cũng không được làm trái quy định của Tòa Đô chánh. Ngoài taxi thuộc dòng xe Renault 4CV, các dòng xe khác cũng được dùng làm taxi như Peugeot, Simca và Dauphine xuất hiện trên đường phố khoảng giữa thập niên 1960. Hầu hết các xe taxi thời đó đều viết khẩu hiệu tuyên truyền: “Không bỏ rác xuống đường” phía trong mui xe để giữ đường phố sạch đẹp.
Người chủ mua xe nhập cảng về rồi cho người muốn hành nghề lái taxi thuê lại. Tuần San Thương Mại Sài Gòn năm 1962 cho biết lúc ấy giá một chiếc taxi mới nhập về là 180.000 đồng, người chủ cho người lái thuê lại với giá 210 đồng/ngày. Giá thuê này do chính quyền quy định, giới chủ xe không được tự quyết định giá cho thuê. 6 năm sau bán xe cũ chủ xe chỉ thu được 50.000. Mỗi tháng chủ xe phải khấu trừ các sắc thuế đóng vào xe taxi, tiền mua phụ tùng tu bổ xe, trả tiền sửa chữa xe sau tai nạn… Năm 1962, Tòa Đô chánh đã cấp 6.580 giấy phép lưu thông nhưng chỉ có khoảng 4.500 chiếc taxi lưu hành vì số giấy phép còn lại đã được trả lại cho nơi cấp. Trong khi đó, Nghiệp đoàn Tài xế taxi đấu tranh đòi các ông bà chủ cho thuê xe taxi giảm xuống chỉ còn 200 đồng/ngày và chấp nhận người lái taxi là công nhân của chủ xe. Tất nhiên là cả hai phía đều không gặp nhau.
Một thời gian sau để giúp cho tài xế taxi được “hữu sản hóa”, các nhà nhập cảng taxi được bán xe cho tài xế bằng cách trả góp với điều kiện là người mua được một cơ quan lý tài bảo đảm. Tuy nhiên, không phải ai muốn mua xe hơi để chạy taxi đều được cho mượn tiền dễ dàng. Xe lam tương đối rẻ được ngân hàng cho vay dễ hơn. Việc cho vay mua xe taxi đòi hỏi nhiều điều kiện thế chấp khắt khe hơn nhiều. Có người thế chấp nhà cửa, có người phải có số tiền tiết kiệm trong ngân hàng hơn 50% số tiền mượn mua xe.
Chương trình “hữu sản hóa” đã giúp cho số lượng tài xế có xe tăng lên rõ rệt đến nỗi vào năm 1966 báo Phổ Thông đã viết: “Ở Sài Gòn, dân số 1 triệu rưỡi người, taxi hiện lưu hành 6.000 chiếc thì đổ đồng 250 người dân dùng một taxi. Trong khi ở Paris cứ 360 người dân xài một chiếc, New York 667 người/chiếc, Luân Đôn 1.350 người/chiếc. Vậy mà chờ có khi hàng giờ mới có một chiếc taxi”.
Tuần San Thương Mại Sài Gòn năm 1967 mô tả: “Những năm trước kia túi xủng xoẻng đồng tiền là yên trí, muốn vẫy xe nào lập tức có ngay. Nhưng vào thời buổi Sài Gòn xuất hiện những cô gái diện mini jupe khoác tay ngoại kiều thì chuyện xe cộ cũng bắt đầu thay đổi”. Tài xế taxi đã chê, không thèm rước khách “lô can” – người Việt vì có sự xuất hiện của lính Mỹ. Lính Mỹ chịu “bo”, trả nhiều tiền hơn khách Việt. Mỗi chiếc taxi đều có một cái bảng nhỏ được gọi là “cờ” ghi chữ “Có khách”. Dù xe đang trống nhưng gặp khách Việt, đa phần tài xế giương “cờ” lên. Vậy mà khi thấy khách Mỹ hoặc người có vẻ là “me” Mỹ thì tài xế taxi kéo “cờ” xuống gọi là “bẻ cờ”.
Cuối năm 1954, xe taxi bị cấm chở bốn người, rồi không được chạy quá một giờ sáng. Vì vậy lúc ấy đã phát sinh ra một loại xe mới để chở khách về khuya với các thương hiệu như Ford Vedette, Citroen Traction, Peugeot… Xe nhà nhưng chủ nhân đem ra chở khách. Khách trả tiền theo thỏa thuận với tài xế kiêm chủ xe vì xe không có đồng hồ.
Chú Hai trong xóm của tôi mua lại chiếc xe cũ của chủ mà chú đã từng thuê với giá rẻ rồi gắn thêm radio để phục vụ khách. Đối với những khách hay nói chuyện chính trị thì cho nghe tin thời sự. Còn với những cô cậu đợt sóng mới thì cho nghe nhạc rock and roll, các cụ già thì nghe cải lương, hát bội… Không có khách thì chính radio là người bạn đường làm bớt buồn trong những chuyến xe đêm trên cung đường vắng. Chú Hai không bao giờ từ chối khách nội địa – nhất là những người khách có vẻ như đang phải gặp chuyện cấp cứu đến nhà thương. Còn chuyện đở đẻ cho sản phụ trong xe thì thỉnh thoảng cũng hay gặp. Hy hữu là có lần một sản phụ bị tình nhân bỏ rơi trong đêm mưa được chú đỡ đẻ, sau này đã trở thành thím Hai taxi.
Đầu những năm 1980, tôi gặp chú đang đậu chiếc xe taxi Renault 4CV tả tơi hoa lá trước Bệnh viện Bình Dân để đón khách. Chú Hai than thở: “Chắc phải bỏ nghề quá vì xe cũ, hư không có phụ tùng thay”. Dần dần những chiếc taxi đậu trước Bệnh viện Bình Dân biến mất vì “lão hóa”. Sau đó, taxi Sài Gòn gần như mất tích một thời gian dài cho đến khi các hãng taxi tư nhân được thành lập.
Đông Kha