Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn là một trong số ít những công trình có tuổi hơn 100 năm vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay, nếu xét về mặt kiến trúc tổng thể.
Tháng 6 năm 2023, Bưu điện này được tạp chí kiến trúc Architectural Digest bình chọn là 1 trong 11 bưu điện có kiến trúc đẹp nhất thế giới (xếp thứ 2 chỉ sau Bưu điện Trung tâm Algiers ở Algeria cũng do Pháp xây).
Ghi nhận của Architectural Digest như sau: “Mặt tiền màu vàng và những cửa sổ màu xanh lá cây của Bưu điện Trung tâm Saigon đã biến công trình kiến trúc này thành không những là một bưu điện mà còn là một điểm tham quan thu hút các du khách. Công trình này do Alfred Foulhoux thiết kế vào cuối thập niên 1880 khi Việt Nam hãy còn là một phần của Đông Dương thuộc Pháp”.
Bất kỳ một thành phố nào, dù lớn hay nhỏ, đều không thể thiếu cơ sở liên quan đến bưu tín.
Vì vậy, sau khi người Pháp chiếm được Sài Gòn, họ đã đã thiết lập ngay hệ thống thông tin liên lạc. Ngày 11/11/1860, “Sở dây thép” Sài Gòn (tức Bưu điện Sài Gòn) được thành lập trên đường số 16, ông Phạm Văn Trung là người Việt Nam đầu tiên làm giám đốc Bưu điện An Nam tại Sài Gòn. Đường số 16 sau đó đổi tên thành đường Catinat, rồi thành con đường Tự Do nổi tiếng.
Ngày 13/1/1863, Sở dây thép Sài Gòn được chính thức khánh thành và phát hành con tem đầu tiên, mà người dân Sài Gòn xưa vẫn quyen gọi là “con cò” (người Sài Gòn xưa hay gọi con tem là con cò) đầu tiên.
Ngay trong tấm bản đồ năm 1863 đã thấy thể hiện về một “trạm điện tín” (trésor télégraphe) ở vị trí Nhà Sách Đức Bà Hòa Bình hiện nay, tức là đối diện với Bưu Điện bên kia Nhà Thờ. Còn vị trí của Bưu Điện hiện tại được ghi là Observatoire (đài quan sát)
Năm 1864, dân chúng Sài Gòn bắt đầu gởi thơ qua nhà “dây thép”.
Ban đầu nhà bưu điện này khá thô sơ, cho đến khi Nhà Thờ Đức Bà được xuất hiện (xây năm 1877, khánh thành năm 1880) ở ngay đối diện thì chính quyền mới tính đến phương án phải xây lại một tòa nhà bưu điện (Hôtel des postes) khác to lớn đẹp đẽ hơn cho xứng với vị thế của khu trung tâm Sài Gòn.
Khác với những gì mà hầu hết khách du lịch được giới thiệu, bưu điện Sài Gòn không phải là tác phẩm của nhà thiết kế công trình Gustave Eiffel (tác giả của tháp Eiffel), mà cũng hoàn toàn không liên quan gì đến một người tên là Villedieu như trong nhiều bài viết trong nước.
Thực tế, tòa nhà bưu điện được xây dựng trong khoảng thời gian 1886 đến 1891 này là công trình tiêu biểu sau cùng của kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892), người đồng thời đã thiết kế những công trình vẫn còn tồn tại đến hiện nay là Dinh Thượng Thơ, Dinh Gia Long (cùng trên đường Lý Tự Trọng ngày nay), Tòa Pháp Đình (Tòa Án trên đường NKKN ngày nay), Tòa nhà Quan Thuế (được sửa lại từ nhà ông Wang Tai, đầu đường Hàm Nghi ngày nay). Chỉ một năm sau khi công trình này được hoàn thành (1891) thì kiến trúc sư Foulhoux qua đời (1892), ông được an táng tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Khi đó ông giữ chức Giám đốc sở công trình dân sự.
Bưu Điện Sài Gòn theo thiết kế của Foulhoux là công trình kiến trúc kết hợp giữa 2 nền văn hóa Đông – Tây.
Tòa nhà được trang trí đường nét đặc trưng của tân baroque xen kẽ họa tiết của dân tộc. Đặc biệt là phần mặt tiền của Bưu điện được trang trí những bảng tên những danh nhân, những nhà khoa học thế giới, trong đó đa số là có công trong lĩnh vực điện tín, viễn thông và năng lượng. Một trong số đó vẫn còn sống thời điểm bưu điện được xây dựng.
Từ trái sang phải phần mặt tiền của bưu điện có các tên danh nhân như sau:
– Zenobe-Theophile GRAMME (1826-1901), Nhà khoa học người Bỉ đã phát minh ra máy phát điện.
– Samuel MORSE (1791-1872), Nhà khoa học Mỹ đã phát minh ra điện tín.
– John Frederic DANIELL (1790-1845), nhà khoa học Anh quốc đã phát minh ra pin điện.
– Hans Christian OERSTEDT (1777-1851), nhà khoa học Đan Mạch, tiên phong nghiên cứu điện từ học.
– Rene DESCARTES (1596-1650), triết gia Pháp
– Benjamin FRANKLIN (1706-1790), một trong những người lập quốc Hoa Kỳ.
– Pierre-Simon LAPLACE (1749-1827) – Nhà toán học và chiêm tinh học người Pháp.
– Vua LOUIS XI (1461-1483), là người đã đưa vào vận hành chuyến phát nhanh bằng ngựa từ năm 1464, đặt nền móng đầu tiên cho hệ thống bưu điện hiện đại của Pháp.
– Alessandro VOLTA (1745-1827), nhà khoa học người Ý đã phát minh ra pin điện Voltaic.
– Francois Jean Dominique ARAGO (1786-1853), nhà toán học, vật lý học và chiêm tinh gia người Pháp.
– Claude CHAPPE (1763-1805), nhà khoa học người Pháp phát minh ra trụ điện báo hiệu.
– Andre-Marie AMPERE (1775-1836), cha đẻ của ngành điện động lực học người Pháp.
– Joseph Louis GAY-LUSSAC (1778-1850), nhà vật lý hihc và hóa học người Pháp.
– Luigi Alyisio GALVANI (1737-1798), nhà khoa học người Ý phát minh ra pin điện Galvanic.
– Michael FARADAY (1791-1867), nhà vật lý học và hóa học người Anh.
– Auguste-Arthur DE LA RIVE (1801-1873), nhà vật lý người Thụy Sĩ.
– Humphry DAVY (1778-1829), nhà hóa học và phát minh người Anh.
– Jean Bernard Leon FOUCAULT (1819-1868), nhà vật lý người Pháp đã phát minh ra quả lắc đồng hồ Foucault.
– Georg Simon OHM (1789-1854), nhà vật lý người Đức.
Nội thất bên trong bưu điện được thiết kế nhiều vật liệu bằng sắt, vì vậy trong nhiều tấm bưu thiếp xưa đã ghi nhầm đây là một nhà ga xe lửa:
Đến năm 2021, tòa nhà này đã tròn 130 năm tuổi, nằm bên cạnh Nhà Thờ được xây dựng trước đó 10 năm (1880). Vì vậy vẻ đẹp cổ điển của bưu điện Sài Gòn càng được tôn lên vì trước mặt nó là một công trình lộng lẫy, bề thế, với tháp chuông cao vút.
Màu sắc nguyên thủy của tòa nhà là màu vàng đất nhạt, kết hợp với những đường gờ và phù điêu màu trắng cùng các ô cửa lá sách màu xanh lá. Màu sắc và kiến trúc của công trình hòa hợp với cảnh quan xung quanh, tạo thành một điểm nhấn trong không gian đô thị.
Nội thất không gian giao dịch tòa Bưu điện Trung tâm gây ấn tượng với những hàng cột thép trang trí chi tiết tinh xảo cùng hệ vòm mái khung thép. Hệ vòm mái này tạo nên những ô cửa sổ lấy sáng ở đỉnh tường trên cao và từ mái. Đặc biệt, ở đây còn lưu giữ hai tấm bản đồ lịch sử là Saigon et ses environs, 1892 (Sài Gòn và vùng phụ cận, 1892) và Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge, 1936 (Bản đồ đường dây điện tín của miền Nam Việt Nam và Campuchia, 1936).
Những hình ảnh khác của Bưu Điện Sài Gòn xưa:
Đông Kha