Hai nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh có cách biệt về tuổi tác và thế hệ rất lớn. Nhạc sĩ Hoài Linh sinh năm 1920, còn nhạc sĩ Song Ngọc nhỏ hơn đến 23 tuổi, nhưng giữa 2 nhạc sĩ có một tình bạn đặc biệt và đã cùng hợp soạn ra những ca khúc nổi tiếng, hầu hết đều là nhạc lính: Một Chuyến Bay Đêm, Chúng Mình Ba Đứa, Nó Và Tôi, và ca khúc Chiều Thương Đô Thị dạt dào tình cảm, viết về buổi chia tay giữa 2 người bạn, khi Hoài Linh tiễn người đồng nghiệp trẻ tuổi Song Ngọc vào lính.

Một bài hát viết chung khác nữa cũng rất được yêu thích là Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, có nội dung là chuyện tình thời chiến, một người lính trẻ mơ về ngày mai được ghi tên trên tấm thiệp hồng cùng với người yêu:

Hôm ấy anh đi mình với mình vừa quen,
Tình nhúm chửa thành tên
đôi ta đều biết rằng tình yêu như hình với bóng.
Tình yêu như tờ giấy trắng, như nước êm xuôi giữa dòng.

Thì hôm nay người đi, nụ hoa yêu vừa hé
chỉ xin giữ ân tình mình em nhé
Sống cho kỷ niệm quá khứ tuy úa màu tương lai mình gần nhau.

Cuộc tình của đôi tình nhân thời ly loạn mới bắt đầu chưa được bao lâu, khi nụ hoa chỉ vừa mới hé thì người lính trẻ đã khoác áo lên đường sống để đời chinh nhân. Họ đều biết rằng mối tình đầu như một tờ giấy trắng, như dòng nước êm trôi, thường là tình yêu mới chớm thì phải được gần gũi nhau như hình với bóng để tình yêu có cơ hội được nuôi dưỡng và lớn dần. Nhưng ở thời chinh chiến, điều đó thật xa xỉ. Một người phải ra đi vì non sông, bỏ một người ở lại trong vàng võ mong chờ. Cho dù vậy, đôi tình nhân kia vẫn hy vọng ở một tương lai tươi sáng được gần nhau, và khuyên nhau cùng cố giữ vẹn ân tình trong hoàn cảnh xa cách này.

Biên cương không mây xanh màu lá rừng.
Nơi đây đơn sơ như lòng đường phố vắng
Ngày mới đến bâng khuâng giờ vui nếp chinh nhân.
Đôi lúc tuy buồn nhưng rồi quen.

Em, từ lúc chia ly bè bạn vắng tin về.
Hôm nay mùa Đông, mai kia là Thu đến.
Dù ngày đêm chinh chiến vẫn hoài nhớ em.

Anh biết khi đi là cách biệt người quen, mà nhớ nhiều là em.
Đêm nay trời núi rừng, nhịp canh thay bằng tiếng súɴg.
Nửa trăng nghiêng đồi chếch bóng như xé hoang vu núi rừng.

Người chinh nhân sống ở biên cương xa xôi, nơi chỉ có lá rừng và lũy hào sâu, quanh năm miệt mài đi mãi đường hành quân và đã vắng tin bạn bè từ buổi chia ly, nên “cách biệt người quen, mà nhớ nhiều là em”. Chàng nhắc về cách biệt với những người thân quen, nhưng chủ yếu vẫn là muốn nói về nỗi nhớ người yêu…

Đêm nay trời núi rừng, nhịp canh thay bằng tiếng súɴg.
Nửa trăng nghiêng đồi chếch bóng như xé hoang vu núi rừng.

Đêm nay, rừng khuya nơi vùng chiến địa lại vang dội từng hồi của tiếng động kinh hoàng của giao tranh, xé toang đi vẻ hoang vu yên tĩnh vốn có của núi rừng, không gian bị xáo động bởi những hận thù chia cách. Trong thoáng chốc, chàng chinh nhân ngước nhìn lên bầu trời đêm, thấy một hình ảnh đối nghịch: Ánh trăng tà đang chênh chêch bóng ở bên đồi, vẫn mang được một vẻ thanh bình ở vùng “biên cương không mây” này, làm dịu đi những mệt ngoài nơi chiến trận. Trong khoảnh khắc hiếm hoi đó, có lẽ là những lý tưởng, những oán hận, những bạn hay thù được tạm quên đi, nhường lại những phút giây mơ mộng của đời lính, mong một ngày mai được ghi tên chung với người yêu trên tấm thiệp hồng:

Đời chinh nhân mộng mơ
Bài thơ chưa đoạn cuối
này mai chép thêm vần vào em ơi
viết trên thiếp hồng nét chữ hoa cuối dòng tên em vào được không.

Ca khúc này nổi tiếng với giọng hát Phương Dung trước năm 1975. Mời các bạn nghe lại:


Cick để nghe Phương Dung hát trước 1975

Sau này, tại trung tâm Asia, ca sĩ Phương Dung đã song ca cùng Trung Chỉnh với phần hòa âm rất hay sau đây:


Click để nghe

Yên Linh
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here