Cuộc hôn nhân giữa danh ca Thái Thanh và nam tài tử Lê Quỳnh một thời đã từng là khuôn mẫu của gia đình Việt Nam vào thập niên 1950.
Thời điểm họ kết hôn, Thái Thanh đã là một đệ nhất danh ca Sài Gòn, còn Lê Quỳnh là một trong những nam tài tử điện ảnh đầu tiên của màn ảnh rộng Việt Nam, nổi tiếng qua phim Chúng Tôi Muốn Sống đóng cùng minh tinh Kiều Chinh năm 1956.
Tải tử Lê Quỳnh và Kiều Chinh trong phim Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
Thái Thanh và Lê Quỳnh cùng tuổi, đều sinh năm 1934. Mối tình giữa đôi trai tài, gái cũng tài này xảy ra vào thời điểm mà truyền thông còn kém, đời tư của họ không bị khai thác, nên dù là một cặp đôi nổi tiếng nhưng ít người biết được đời sống riêng tư của họ như thế nào. Gần đây, ca sĩ Ý Lan – con gái đầu lòng của họ – tiết lộ chút ít về thời gian quen nhau của họ như sau:
“Mẹ Thái Thanh cất tiếng hát lần đầu tại Hà Nội vào năm 1954, trước đó bố mẹ đã vào Nam vào năm 1952 khi chưa ai quen biết ai.
Năm 1954 cũng không ai hẹn hò ai, vậy mà mẹ ra hát ở Nhà hát Lớn Hà Nội, lúc đó bố Lê Quỳnh đã từ Sài Gòn về Hà Nội và mới là một sinh viên nghèo, không có vé vào xem, chỉ có thể nhìn Thái Thanh qua cửa sổ. Để rồi sau đó họ đến với nhau và yêu nhau lúc nào không biết”.
Lê Quỳnh và Thái Thanh kết hôn năm 1956, khi cả 2 đều 22 tuổi và đang chớm vào đỉnh cao của sự nghiệp. Họ có với nhau 5 người con: 3 gái, 2 trai. Cuộc hôn nhân giữa Lê Quỳnh và Thái Thanh mang rất nhiều sóng gió, có lẽ là vì Lê Quỳnh nổi tiếng đóng phim hay nhưng cũng nổi tiếng bay bướm hào hoa.
Và rồi mối giao cảm giữa nhà văn Mai Thảo và Thái Thanh gây ra nhiều ngộ nhận cho Lê Quỳnh. Sau đó là cuộc đánh ghen nổi tiếng tại phòng trà ca nhạc Bồng Lai bùng nổ. Nhưng lúc đó tướng Nguyễn Cao Kỳ vì mến yêu giọng hát của Thái Thanh nên dùng quyền lực của mình ém nhẹm chuyện đó, không cho báo chí khai thác. Cuộc đổ vỡ trong hôn nhân giữa một diễn viên điện ảnh và một danh ca không sao cứu vãn được. Nhưng Lê Quỳnh vẫn nghĩ đến các con, có van nài khóc lóc xin Thái Thanh bỏ qua vụ đánh ghen vừa rồi, nhưng Thái Thanh cảm thấy mình bị sỉ nhục nên cương quyết ly dị, họ đã chính thức chia tay khi người con gái đầu lòng là nữ ca sĩ Ý Lan mới được 8 tuổi.
Thái Thanh và con gái Ý Lan
Mối quan hệ giữa Mai Thảo và Thái Thanh như thế nào mà gây ra ngộ nhận cho Lê Quỳnh? Sau này, chính Thái Thanh đã từng tiết lộ trong một lần trả lời phỏng vấn. Tài tử Lê Quỳnh đẹp trai và đào hoa, bay bướm, có lẽ vì vậy mà cuộc sống gia đình của họ xảy ra nhiều trắc trở. Trong khi đó Thái Thanh cũng là một giai nhân được lòng rất nhiều tao nhân mặc khách thời đó, trong đó có nhà văn Mai Thảo.
Thái Thanh nói về mối quan hệ với Mai Thảo như sau:
– Sau khi chính thức ly dị với anh Lê Quỳnh rồi, cuộc sống tình cảm của chị ra sao?
Thái Thanh:
– Khi mà tôi với anh Lê Quỳnh chia tay thì tôi còn trẻ lắm. Như thế các anh hiểu là có nhiều người đàn ông theo đuổi tôi…
– Vậy chị chấm ai?
– Đôi ba người… Gọi là bạn… Bạn trai… Nhà ai nấy ở mà. Đi chơi với nhau thì có chứ lấy làm chồng thì không.
– Tôi có nghe dư luận về chị và nhà văn Mai Thảo.
– Vâng. Tôi với anh Mai Thảo thân lắm.
– Hai người có liên hệ tình cảm gì không?
– Có liên hệ tình cảm. Nhưng khi mà tôi còn ở với chồng… và dù bỏ chồng rồi thì… anh Mai Thảo anh ấy rất quý tôi đến cái độ tôi muốn thế nào anh ấy chiều như thế. Nhưng mà tôi, tôi cổ lỗ sĩ lắm, các ông ạ. Hễ không có cưới là không có ăn ở với nhau. Cho nên tôi và anh Mai Thảo không có ăn ở với nhau.
– Cuốn tiểu thuyết Mười Đêm Ngà Ngọc của Mai Thảo, có phải anh ấy muốn nói về chị?
– Tôi không biết, hay là anh ấy viết…
– Chị có đọc cuốn sách ấy không ?
– Tôi là người đọc sách đọc báo nhiều nhưng giờ tôi không nhớ cuốn sách ấy câu chuyện nó như thế nào…
– Chị nghĩ thế nào về anh Mai Thảo?
– Vâng, tôi quý lắm. Tôi có cái đặc biệt là, ở với chồng, rồi không ở với chồng, tôi vẫn rất quý chồng. Chơi với bạn, như với anh Mai Thảo và vài người bạn dù sau này không chơi nữa, cũng vẫn quý nhau. Có lẽ những người đáng quý tôi đều được gặp.
Như vậy Thái Thanh thừa nhận là bà rất thân với Mai Thảo, và “có liên hệ tình cảm” với nhà văn này. Tuy nhiên bà cũng nói rõ ràng là bà rất “cổ lỗ sĩ”, lấy chồng thì ở với chồng, còn không có cưới xin gì thì không bao giờ “ăn ở” với nhau. Vì vậy có thể hiểu rằng thời điểm bà còn chung sống với tài tử Lê Quỳnh, tình cảm gia đình gặp nhiều sóng gió, bà có tình cảm với Mai Thảo, nhưng mọi việc không vượt quá giới hạn, bà vẫn làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ. Tuy nhiên bấy nhiêu thôi cũng làm cho Lê Quỳnh nổi giận và xảy ra vụ đánh ghen nổi tiếng ở phòng trà Bồng Lai.
Vụ án này được mô tả lại rằng tài tử này đã “tặng” cho Mai Thảo một cú đấm với nhẫn sắt, để lại vết sẹo trên má. Sau sự cố này, Lê Quỳnh đã tỏ ra hối hận và tìm cách chuộc lỗi với Thái Thanh để tiếp tục chung sống. Nhưng Thái Thanh đã cương quyết từ chối. Sau khi hai người ly dị, ai cũng tưởng Thái Thanh sẽ đến với Mai Thảo, nhưng mọi việc lại không diễn ra như vậy.
Về chuyện tình cảm của Thái Thanh và Mai Thảo, sau này, chính Mai Thảo đã gần như dàn trải phần lớn tâm sự thầm kín của mình trong tiểu thuyết Mười đêm ngà ngọc. Cho dù ông không xác nhận, cũng không phủ nhận rằng có phải đã viết tác phẩm này cho Thái Thanh hay không, tuy nhiên, hầu hết bạn bè thân thiết của Mai Thảo và người đọc đều biết và thấy rõ bóng dáng của Thái Thanh trong đó.
Trong cuộc hôn nhân 8 năm với Lê Quỳnh, danh ca Thái Thanh đã lần lượt sinh 5 người con, vào lúc ở trong độ chín của sự nghiệp. Ý Lan sinh năm 1957, Lê Việt 1958, Quỳnh Dao tức Quỳnh Hương 1960, Thanh Loan 1962 và Lê Đại 1964.
“Cậu út” Lê Đại là người kém may mắn nhất trong 5 chị em: khi ra đời khỏe mạnh, nhưng Lê Đại bị bệnh sốt tê liệt từ lúc 8 tháng. Tuy sống sót nhưng Lê Đại bị liệt nửa thân dưới.
Thái Thanh và 4 người con: Ý Lan, Quỳnh Hương, Thanh Loan và Lê Đại
Thái Thanh được biết đến là nữ danh ca có ảnh hưởng lớn ở Sài Gòn trước năm 1975 nhưng cũng là một người mẹ hết mình vì gia đình. Năm 4 tuổi, Lê Đại bị ốm, được tổ chức Terre Des Hommes đưa qua nước Ý chữa trị 3 năm liền và năm 1971, Lê Đại trở về Việt Nam khi 7 tuổi. Từ khi sang Mỹ, Thái Thanh đảm đương trách nhiệm làm mẹ với rất nhiều nghị lực. Thái Thanh tập lái xe dù không thích thú chút nào, nhưng phải tập ngay để có thể hàng ngày đưa đón Lê Đại đi học. Sau 2 năm học tại College Golden West, Lê Đại đã được vào đại học Long Beach. Sự kiên trì và nhẫn nại của bà mẹ Thái Thanh đã giúp Lê Đại (nay là Michael Đại Lê) tự tin hơn, yêu đời hơn. Lê Đại tốt nghiệp đại học năm 1996. Giờ Lê Đại đã đi làm, sống tự lập thoải mái trong một căn hộ riêng gần trường và rất ngưỡng mộ mẹ. Khi sức khỏe còn tốt, mỗi tuần, Thái Thanh đều đến thăm nom con trai, mang thêm vài món ăn Việt Nam nấu sẵn cho cậu út.
Thái Thanh không chỉ vất vả với Lê Đại. Khi con gái Thanh Loan sang Mỹ thì cũng là lúc cô bắt đầu bị một dạng bệnh trầm cảm. Thái Thanh một lần nữa lại khổ đau cùng cực trước số phận khắt khe. Trong thời gian tìm hiểu về bệnh trạng của Thanh Loan, biết con không học hành bình thường như các anh chị em được, Thái Thanh đã cố gắng dìu dắt con gái, đi làm những việc thiện nguyện, mong con tìm được niềm vui sống…
Nhưng bệnh tình Thanh Loan cứ nặng dần, sau cùng, Thái Thanh đành phải nghe lời bác sĩ và các bạn đồng cảnh ngộ, đưa con vào một bệnh viện chữa trị. Nhưng Thái Thanh vẫn kiên trì phấn đấu với phương tiện và hoàn cảnh của mình để giúp đỡ con yêu quay trở lại với cuộc sống. Vai trò làm mẹ của 2 con bị bệnh nặng cũng lại đòi hỏi ở Thái Thanh một thứ nghị lực bằng “thép cứng” cùng sự kiên trì lớn lao. Với hoàn cảnh như vậy, những đức tính phi thường nơi người mẹ được tôi luyện đã giúp Thái Thanh được con cái yêu kính.
Ở địa vị “tiếng hát vượt thời gian”, Thái Thanh suốt mấy chục năm qua đã sinh hoạt với một thứ kỷ luật nghiêm ngặt trong công việc. Vai trò làm mẹ của hai con bị bệnh nặng cũng lại đòi hỏi ở Thái Thanh một thứ nghị lực bằng “thép cứng” cùng sự kiên trì lớn lao. Với hoàn cảnh như vậy, những đức tính phi thường nơi người mẹ được tôi luyện hàng ngày trong Thái Thanh.
Phạm Duy từng nói rằng vợ của ông là ca sĩ Thái Hằng đã cho ông cảm hứng để sáng tác ra trường ca bất hủ Mẹ Việt Nam. Nhưng nhiều người cũng thấy sự hiện diện rất rõ nét của Thái Thanh trong đó. Những khó khăn đau khổ cũng như những thành công tốt đẹp trong đời sống Thái Thanh có lẽ đã được thể hiện trong một số lời hát của turờng ca Mẹ Việt Nam như:
Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Để người trong nước hết buồn lại vui
Vui buồn chút lệ rơi
Vui buồn khóc lại cười
Mẹ cười mẹ bốc thành hơi
Mây từ biển lớn lên ngôi trời già
Mây tản xuống cõi đời
Mưa rửa lỗi con người…
Khán thính giả hầu như rất ít người biết rằng trong đời sống thường nhật, ngoài việc tập dượt và trình diễn, Thái Thanh danh ca vẫn làm tất cả mọi việc của một bà mẹ Việt Nam bình thường: đi chợ, nấu ăn khi thiếu người giúp việc, chăm sóc từ manh quần tấm áo cho các con tới chuyện kiểm bài vở, dạy con học.
Sống xa Lê Quỳnh từ năm 1965, Thái Thanh một mình đảm đương vai trò vừa là mẹ, vừa thay cha trong việc nuôi dạy con cái. Khi dịu dàng, lúc nghiêm khắc, Thái Thanh luôn mong các con có được căn bản vững chắc về văn hóa và đạo đức. Dù các con của Thái Thanh đều có giọng ca thiên phú, nhất là Ý Lan và Quỳnh Hương, nhưng khi Ý Lan còn nhỏ, Thái Thanh nhất quyết không cho con theo nghề ca hát. Thái Thanh buộc con phải học hành như bao người khác.
Trong một lúc tâm tình với nhà báo từ năm 1974, Thái Thanh nói: “Cái nghề ca hát này không dễ dàng. Dù ở địa vị số một cũng có rất nhiều khó khăn phải đương đầu, nên tôi không muốn các con tôi theo chân mình”.
Nhưng riêng mình thì không bao giờ Thái Thanh chán ca hát. Có thể nói Thái Thanh “sống” một cách mãnh liệt nhất là khi cô hát:
“Dù cho đang bối rối vì chuyện gì chăng nữa thì khi nghe tiếng đàn dạo lên mở đầu bài hát là Thái Thanh “nhập” liền, tất cả mờ nhạt hết, chỉ còn nét nhạc và lời ca là đang sống trong con người mình”.
Nghe và nhìn Thái Thanh hát với ngọn lửa nồng nàn trong con tim bà, khán giả hiểu được điều này, và những người yêu tiếng hát Thái Thanh thông cảm được, chấp nhận được vì sao có khi bà “lắc lư” quá nhiều trong một số bài hát.
Thái Thanh giữ địa vị của một đệ nhất danh ca trong nhiều năm, kể cả thời gian 5 con còn nhỏ. Chính tinh thần có trách nhiệm và luôn luôn coi trọng nghề nghiệp đã khiến Thái Thanh đảm đương hai vai trò rất nặng nề đó một cách hoàn hảo.
—o0o—
Đầu thập niên 1970, Mai Thảo viết lời bạt cho cuốn số 4 của băng Tơ Vàng có chủ đề tiếng hát Thái Thanh do nhạc sĩ Văn Phụng thực hiện. Đọc lại những dòng này của nhà văn Mai Thảo, chúng ta có thể thấy sự trân trọng của ông đối với tiếng hát Thái Thanh:
Bao nhiêu năm nay, mỗi lần nghe tiếng hát Thái Thanh, từ một ca khúc tiền chiến như hơi thở tuyệt vời duy nhất còn lại của một thời đã mất, đến những bài hát mới, phản ảnh sinh động cái hơi thở trăm lần đầm ấm hơn của âm nhạc bây giờ, tôi không khám phá mà chỉ thấy trở lại trong tâm hồn và thẩm âm của mình một số rung động và liên tưởng cố định.
Những rung động ấy đã có từ lâu, những liên tưởng ấy từ đầu đã có. Chúng có từ Thái Thanh với bài hát thứ nhất, và nguyên vẹn như thế cho đến bây giờ. Chẳng phải vì con người thưởng ngoạn âm nhạc trong tôi không có những thay đổi. Cũng chẳng phải vì tiếng hát Thái Thanh là một thực thể âm nhạc bất biến và bất động, không có những thay đổi.
Băng Tơ Vàng 4
Đã hai mươi năm Thái Thanh hát. Lịch sử âm nhạc ta đã được đánh dấu bằng cái hiện tượng khác thường, duy nhất, là Thái Thanh tiếng hát hai mươi năm. Nếu mỗi con người, mỗi vật thể đều được thực chứng như một biến thái thường hằng trước va chạm khốc liệt dữ dội với đời sống mỗi ngày là một khuôn mặt mới, một tiếng hát, dẫu vượt thời gian như tiếng hát Thái Thanh cũng vậy. Bằng chứng là Thái Thanh của những năm bảy mươi, Thái Thanh của bây giờ không thể và không còn là Thái Thanh của những năm tháng khởi đầu.
Mọi người dễ dàng nhận thấy như tôi là, chuyển lưu không ngừng qua nhiều vùng trời âm điệu khác biệt, hòa nhập không thôi vào mọi không khí, trào lưu âm nhạc và trình diễn thay đổi từng năm, từng mùa như mưa nắng, chính tâm hồn và ý thức người hát, trong mối liên hệ mật thiết một đời với nhạc, thế tất có những biến chuyển. Tiếng hát vì thế cũng đổi thay theo. Nói Thái Thanh hát bao giờ cũng vậy là sai. Lấy một bài hát bây giờ, một bài hát trong mười bốn ca khúc của băng nhạc Tơ Vàng chẳng hạn, cùng nghe với một bài hát cũ, ta thấy ngay, trên cái tiến trình và thành tựu rực rỡ của hai mươi năm đi tới không ngừng, tiếng hát Thái Thanh đang đích thực được lồng đựng trong một kích thước, một tinh thần mới. Sự thay đổi đó không ngẫu nhiên, chẳng tình cờ. Nó biểu hiện cho cái nỗ lực chính yếu của người hát tuyệt nhiên không bao giờ muốn ngủ yên trên những thành công đã có.
Hát với Thái Thanh là một tình yêu muốn cháy đỏ một đời, phải được làm mới từng ngày. Lối hát, cách hát, từ kỹ thuật trình bầy một ca khúc đến cái khó nhận thức hơn, vì ở bên trong, nhưng không phải là không thấy được, là trạng thái tâm hồn Thái Thanh gửi cho âm nhạc, cái phải có và phải thế nào cho tiếng hát của mình bây giờ, trước trưởng thành vượt bậc của âm nhạc và thưởng ngoạn hiện tại, thảy đều dẫn tới một minh chứng: Thái Thanh của những năm bảy mươi đã bỏ lại thật xa ở sau lưng và trong quá khứ, Thái Thanh của thời kỳ khởi nghiệp. Không nhận thấy nỗ lực thay đổi, làm mới này, đó chỉ là vì những người yêu nhạc đã nghe Thái Thanh đều đặn, không đứt quãng, suốt hai mươi năm. Nhìn thấy hoài một khuôn mặt quen thuộc, giản đơn là ta khó thấy những thay đổi của khuôn mặt ấy.
Điểm đặc biệt đáng nói, theo ý tôi, là nếu một mặt, tiếng hát Thái Thanh đã và đang còn vươn phóng rực rỡ tới bắt gặp những chân trời âm điệu mới, phía thưởng ngoạn và tiếp nhận ở rất nhiều người, trong đó có tôi, lại bất biến, từ đầu, không thay đổi. Hai mươi năm, chúng ta vẫn chỉ thấy có một Thái Thanh. Sự ngạc nhiên lại chính là cái hiện tượng muôn vàn quen thuộc. Tại sao như vậy? Tìm hiểu tiếng hát Thái Thanh, cái bởi đâu khiến cho tiếng hát hàng đầu này tồn tại suốt hai mươi năm, trong khi những tiếng hát khác đã tiếp nối nhau lặn chìm và tàn tạ. Cái tại sao, khiến cho sau hai mươi năm, khối lượng cảm tình của khán giả yêu nhạc cả nước dành cho Thái Thanh vẫn đầy ắp như một bát nước đầy, tìm hiểu đó phải được khởi đi từ cái hiện tượng khác thường của thưởng ngoạn tôi vừa nói tới. Nó giải thích được cho cái trường hợp thành tựu duy nhất trong âm nhạc ta. Của một tiếng hát.
Ở một bài giới thiệu ngắn trong một chương trình Nhạc Chủ Đề thực hiện trước đây trên làn sóng điện đài Saigon, nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã nhận định về tiếng hát Thái Thanh như một giọng ca không có tuổi. Táng láng, hồng tươi, không quá khứ. Nhận định này chỉ nói đến một sự thực hiển nhiên. Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút, tiếng hát Thái Thanh hai mươi năm nay là một hơi thở bình minh, ở đó không có một dấu vết nhỏ của tháng năm và quá khứ đè nặng. Đã là một giòng sông đầy, nó vẫn còn là cái thánh thót, cái trong vắt của một giòng suối, nước reo thủy tinh, sỏi lăn trắng muốt. Như một bông hoa không nở và tàn trong một buổi sáng, mà hoa đã mãn khai, vẻ hàm tiếu vẫn còn. Tiếng hát trẻ trung vĩnh viễn, không tuổi, không quá khứ là vì nó tạo mãi được cho người nghe cái cảm giác mát tươi đầu mùa như vậy. Cái não nùng, cái thê thiết rũ rượi là những cái làm già. Thái Thanh không hát cái chết bao giờ, trong cả những ca khúc nói về cái chết. Tiếng hát không bao giờ là một tiếng khóc, nó là đời sống, tiếng cười, và mặt trời. Những cái đen, những cái tối, gì là vũng lầy, gì là vực thẳm, ở ngoài tiếng hát Thái Thanh. Ở ngoài. Không đột nhập.
Nhưng nếu chỉ nói đến cái hiện tượng không có tuổi nằm trong một phía duy nhất là tiếng hát, không đủ. Không có tuổi còn ở phía đối diện, phía người nghe. Nghe Thái Thanh lúc nào cũng vậy, phút rất vui cũng như phút thật buồn. Nghe Thái Thanh ở một nơi chốn nào cũng thế, tiếng hát hàm chứa và phát hiện trong nó một hiệu lực đồng hóa, khiến cho tình yêu của hàng trăm ngàn người gửi cho tiếng hát Thái Thanh có thể thâu tóm toàn vẹn trong một người, trở thành cái có một. Trên dàn nhạc một phòng trà kín bưng mịt mùng khói thuốc, trên thảm cỏ một chương trình từ thiện ngoài trời, ngày nào dưới cái vòm cao vút của Nhà Hát Lớn Hà Nội, bây giờ dưới những đêm sao rực rỡ miền Nam, trên băng nhạc 1800 “phít” hay trên dĩa nhựa 45 vòng, tiếng hát gửi đến, gián tiếp, hay người hát đối diện trực tiếp với đám đông, bằng nhạc Văn Cao, Phạm Duy hay nhạc Hoài Bắc, Cung Tiến, hiệu năng đồng hóa và hiệu lực dẫn độ của tiếng hát Thái Thanh, vĩnh viễn phát xuất từ một khởi điểm tình cảm cố định. Nó dẫn dắt rung động người nghe hát tới những xúc cảm, những liên tưởng cố định. Không một người nào “lỡ” tiếng hát Thái Thanh. Đã gặp một lần là trùng phùng mãi mãi. Chẳng phải vì Thái Thanh đã hát hai mươi năm, còn hát, chỉ đơn giản là chúng ta đã nghe bằng cái trạng thái thuần túy, trong suốt nhất của thưởng ngoạn, nghe bằng cái không tuổi thênh thang phơi phới của mình. Tôi gọi vùng cảm xúc và liên tưởng cố định ấy là quê hương tiếng hát Thái Thanh. Như cây kim trong địa bàn chỉ xoay về hướng bắc, người nghe nào cũng gặp lại, bằng và với tiếng hát Thái Thanh, một thứ quê hương tình cảm muôn thuở trong mình. Chúng ta nói tiếng hát này gợi lại kỷ niệm, đánh thức trí nhớ, đâu phải vì tiếng hát Thái Thanh chỉ hát những bài hướng về kỷ niệm. Chúng ta nói tiếng hát Thái Thanh thân ái, tình nhân, bằng hữu, chỉ là người nghe đã thân ái, bằng hữu, tình nhân với chính mình, từ tiếng hát. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân xâu xa đích thực nhất giải thích chu đáo cho khối lượng cảm tình đằm thắm, vững bền, không lạt phai, không lay chuyển, mà quần chúng yêu nhạc ba miền đã dành cho Thái Thanh từ hai mươi năm nay.
Đặt vào tiến trình và hình thành của âm nhạc Việt Nam những năm bảy mươi, tiến trình đó nhất định phải đưa tới một đoạn tuyệt hoàn toàn với những giòng nhạc cũ, hình thành đó tất yếu sẽ nâng đẩy âm nhạc tới những biểu hiện sinh động bay múa nghìn lần hơn cõi nhạc quá khứ, tiếng hát Thái Thanh, hơn mọi tiếng hát khác ở điểm này, hội đủ điều kiện cho một thăng hoa và một hòa nhập lý tưởng. Bởi sau hai mươi năm, nó vẫn là một ra khơi, một lên đường, của những năm bảy mươi và cho những năm bảy mươi, âm nhạc đang được định nghĩa lại, từ phía sáng tác, trình diễn, đến phía thưởng ngoạn. Trước đòi hỏi của một lớp người yêu nhạc càng ngày càng vươn tới những vùng nghệ thuật đích thực, những bước tiến lớn lao ghi nhận được về nghệ thuật hoà tấu, kỹ thuật hoà âm chúng ta thấy thể hiện trong một băng nhạc bây giờ, là những dấu hiệu mở đầu cho một trưởng thành toàn diện.
Tiếng hát Thái Thanh là một đồng nghĩa toàn vẹn với hiện tượng trưởng thành này. Không phải là trong quá khứ, mà bây giờ mới vẹn toàn tiếng hát Thái Thanh. Trên tinh thần này, và trước viễn tượng sáng tươi của âm nhạc Việt Nam những năm bảy mươi, tôi không nghĩ Thái Thanh đã tới, mà nói Thái Thanh mới bắt đầu. Đừng đặt câu hỏi là sau hai mươi năm, bao giờ Thái Thanh vĩnh viễn giã từ âm nhạc. Mùa nhạc này, chúng ta mới chỉ đang nghe những bài hát thứ nhất của Thái Thanh, những bài hát đánh dấu cho một khởi hành mới, những bài hát mở đầu cho một sự nghiệp thứ hai. Những người yêu mến tiếng hát Thái Thanh từ hai mươi năm nay, chắc đều nhận thấy với tôi như vậy.
nhacxua.vn biên soạn