Nhạc sĩ Anh Việt Thu là 1 trong những tên tuổi nổi bật nhất của dòng nhạc vàng Việt Nam. Ông mất từ rất sớm, khi mới 37 tuổi, nhưng đã kịp để lại cho đời rất nhiều ca khúc bất tử: Hai Vì Sao Lạc, Đa Tạ, Tám Điệp Khúc, Người Ngoài Phố, Nhớ Nhau Hoài, Cuốn Theo Chiều Gió, Gió Về Miền Xuôi, Giòng An Giang, Mùa Xuân Đó Có Em…

Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, sinh năm 1939 tại Campuchia, nhưng đến năm 1940 thì được làm giấy khai sinh tại làng An Hữu, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ông là anh cả trong gia đình với 3 người em là Huỳnh Hữu Phi Long, Huỳnh Thị Kim Phụng, Huỳnh Hữu Việt Thu.

Vì người có em út tên là Việt Thu, nên ông đã lấy bút danh là Anh Việt Thu (anh của Việt Thu), như là một cách luôn tự nhắc mình về trách nhiệm của người anh cả luôn bảo bọc cho em).

Lên trung học, Anh Việt Thu theo học tại trường Nguyễn Công Trứ ở đường Hai Bà Trưng – Sài Gòn, tại đây ông được người bạn cùng lớp chỉ dẫn những nốt nhạc đầu tiên trên cây đàn guitar, từ sau đó thì ông tự học thêm bằng năng khiếu của mình.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu (bên trái)

Năm 1956, khi được 17 tuổi, Anh Việt Thu thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn vừa mới được thành lập và trở thành một trong những khoá sinh đầu tiên của ngôi trường đã đào tạo ra nhiều nghệ sĩ nổi tiếng này. Tại đây, ông lần lượt được học các môn nhạc pháp, nhạc sử, hòa âm, đối âm, tấu âm, sáng tác và dương cầm với các giáo sư âm nhạc Hùng Lân, Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Phụng, Ngô Duy Linh, Hải Linh, Nghiêm Phú Phi, Võ Đức Thu…

Một trong những ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Anh Việt Thu là Giòng An Giang, được ông sáng tác trong cùng năm 1956 khi mới 17 tuổi, đến nay vẫn còn được công chúng yêu thích, được giới nhà nghề đánh giá cao vì giai điệu và lời ca đều hay và có chiều sâu.

Niên khóa 1958-1959, Anh Việt Thu là trưởng đoàn văn nghệ Tổng hội Sinh viên Quốc gia. Năm 1963, sau hơn 7 năm học tập và nghiên cứu về âm nhạc, ông đệ trình luận án âm nhạc tại nhạc viện Tokyo – Nhật Bản, sau đó được tốt nghiệp hạng ưu tại trường Quốc Gia Âm Nhạc khóa đầu tiên.

Một năm sau, Anh Việt Thu về Tây Ninh để dạy nhạc cho trường phổ thông Trần Hưng Đạo, này là trường THPT Tây Ninh. Cũng trong thời gian này, ông cho ra mắt ca khúc nổi tiếng Tám Điệp Khúc.

Bạn bè nhận xét rằng Anh Việt Thu là một người ít nói, hiền lành, sống nhiệt tình. Thời gian đi dạy nhạc ở Tây Ninh, tuy lương bổng rất khá, nhưng do tính tình nghệ sĩ nên ông vẫn cứ túng thiếu, thậm chí phải bán cả radio để trả tiền thuê nhà (thời đó chiếc radio rất quý, mà nhạc sĩ thì càng quý radio hơn vì đó là phương tiện để nghe nhạc trên đài).

Năm 1965, ông lập gia đình với một nữ sinh Gia Long tên là Nguyễn Nữ Hiệp, cũng là người hâm mộ những sáng tác của ông.

Đám cưới nhạc sĩ Anh Việt Thu, ngoài cùng bên trái là nhạc sĩ Hà Phương, kế đó là nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh. Ngoài cùng bên trái là tài tử Trần Quang

Từ năm 1965 đến năm 1966, Anh Việt Thu thành lập đoàn Du ca Phù Sa gồm với nhiều nhạc sĩ cùng quê là Anh Việt Thanh, Hà Phương, Phạm Minh Cảnh, hát từ Cần Thơ ra đến Huế.

Năm 1966, ông là huấn luyện viên tại các khóa huấn luyện Thanh Ca Tác Động do Bộ Thanh Niên tổ chức tại Sài Gòn, cùng với Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Đức Quang, Phương Oanh, Nguyễn Thanh, Ngô Mạnh Thu,… Khóa sinh do Ty Thanh Niên ở các tỉnh tuyển chọn và đưa về dự. Đây tiền thân của Phong Trào Du Ca Việt Nam.

Cùng trong năm 1966, Anh Việt Thu viết 1 ca khúc rất nổi tiếng khác của mình là Đa Tạ.

Từ năm 1966 – 1968, ông thực hiện chương trình Phù Sa và Tuần báo văn nghệ truyền thanh trên Đài Vô tuyến Việt Nam. Sang năm 1971, ông có riêng chương trình Giờ âm nhạc Anh Việt Thu trên Đài Vô tuyến Truyền hình.

Về cuối đời, ông làm việc tại Phòng Văn nghệ Đài phát thanh quân đội chung với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và Phạm Minh Cảnh.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu trong quân ngũ, chụp hình cùng nhà thơ Thiên hà, tác giả phần lởi của các ca khúc Nhớ Nhau Hoài, Gió Về Miền Xuối.

Những sáng tác của nhạc sĩ Anh Việt Thu thường gợi nét buồn quê hương với những giai điệu nhẹ nhàng, điển hình là Gió Về Miền Xuôi, Đa Tạ… Tình yêu trong nhạc của ông thường đi liền với tình yêu quê hương, đất nước: Tám Điệp Khúc, Mùa Xuân Đó Có Em… Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã nhận xét rằng Anh Việt Thu đã viết nhạc với tâm hồn đôn hậu của người miền Nam, ít cầu kỳ, cả trong giai điệu lẫn ca từ. Có lẽ vì vậy mà nhạc của ông dễ đi vào lòng người và được công chúng đón nhận.

Anh Việt Thu qua đời ngày 15 tháng 3 năm 1975 tại Sài Gòn vì căn bệnh hoại thận, sau 103 ngày vật lộn tại các bệnh viện Grall, Tổng Y Viện Cộng Hòa, Y Viện Quảng Đông.

nhacvangbolero.com tổng hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here