Khi còn nhỏ, cô gái Đỗ Thị Sinh (tên khai sinh của ca sĩ Giao Linh) phải lén đi học nhạc vì cha cấm cho theo con đường “xướng ca vô loài”. Ít ai ngờ giọng hát của Đỗ Thị Sinh ngọt ngào và ẩn chứa nỗi buồn đến kỳ lạ. Cô hát từ suối nguồn cảm xúc tuôn trào. Lúc đó Đỗ Thị Sinh chỉ mong sau này trở thành ca sĩ đi hát kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi sáu em nhỏ mà thôi.
“Nữ hoàng sầu muộn” cô đơn
Sự nghiệp ca hát của Giao Linh sớm định hình ở tuổi 17, khi đoạt Huy chương Vàng trong một cuộc thi ca hát năm 1966. Giao Linh đầu quân cho đoàn Air Vietnam và được cử làm đại diện đi thi. Sau đó có một buổi giao lưu trong giới văn nghệ sĩ, người ta mời Giao Linh lên hát. Họ muốn nghe giọng hát thật của cô ra sao. Không ngờ Giao Linh làm khán giả nhiệt liệt tán thưởng.
Lập tức nhạc sĩ Thu Hồ mời Giao Linh lên làm việc với hãng băng đĩa Continental. Đây là Trung tâm sản xuất âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, người có quyền lực và nổi tiếng trong giới khi ấy. Giọng hát nức nở của Giao Linh đã chinh phục được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, ông đã ký hợp đồng độc quyền giọng hát Giao Linh trong thời hạn hai năm, đánh dấu lần Giao Linh chạm ngõ sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp.
Nhưng cũng từ đây, ca sĩ trẻ Giao Linh mới hay, con đường ca hát không hề dễ dàng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả ca khúc nổi tiếng “Chiều mưa biên giới” rất khắt khe với Giao Linh, ông muốn ngôi sao nhạc mới này cần phát huy hết nội lực của mình. Những bài hát phải được biểu lộ những nét đặc sắc của âm vực trầm ấm đầy trăn trở mà Giao Linh có được.
Cuộc sống gian nan mà Giao Linh phải đương đầu đã hòa nhập vào thân phận của nhân vật được kể chuyện qua âm nhạc. Thậm chí nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã đưa Giao Linh đi học thêm cổ nhạc để ngấm sâu chất truyền thống trong việc truyền tải chân thực cảm xúc mỗi khi cất tiếng hát. Có không ít bản tình ca, nhạc sĩ đã bắt cô học trò thu đi thu lại cho đến khi lộ rõ sắc màu của riêng mình ông mới hài lòng.
Giao Linh thời trẻ
Riêng bản nhạc “Chiều mưa biên giới” của Nguyễn Văn Đông, ca sĩ Giao Linh phải thu lại tới 48 lần mới đạt ý tưởng dàn dựng của tác giả. Giọng hát Giao Linh có những âm vực hút hồn người nghe. Chính sự khổ luyện này mà Giao Linh có kỹ thuật luyến láy và rung, giọng tự nhiên khó ai bắt chước được. Những nỗi buồn đầy ẩn ức trong tâm trạng luôn được hòa tan trong giai điệu.
Sắc thái giọng hát Giao Linh nổi trội và dị biệt, gây xôn xao trong giới chuyên môn. Người nghe đã phong cho Giao Linh biệt danh “Nữ hoàng sầu muộn”. Nhắc đến Giao Linh, ai cũng nhớ đến những bài hát: “Tiếng xưa”, “Giọng ca dĩ vãng”, “Đêm ru điệu nhớ”; hay “Không bao giờ quên anh” và “Chiều mưa biên giới”…
Dường như nửa đầu thập niên 70 là thời kỳ huy hoàng của giọng hát làm tan chảy lòng người này. Đó là thời điểm của những bản tình ca buồn mà Giao Linh thể hiện qua hơn 30 băng đĩa ca nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã sớm phát hành một tuyển chọn những ca khúc hay nhất của Giao Linh trong băng nhạc Sơn Ca 6 Sau đó Trung tâm Shotguns cũng tung ra thị trường một băng “Tình ca nhạc tuyển” cho Giao Linh (1974).
Giao Linh làm việc không biết mệt mỏi không chỉ vì sự đam mê mà còn vì miếng cơm manh áo của sáu đứa em trong hoàn cảnh khốn khó. Năm tháng tựa chim bay, đàn em ngày một khôn lớn, Giao Linh không còn thời gian nghĩ tới chuyện riêng tư. Có những chàng trai yêu thương Giao Linh tha thiết, nhưng sau họ lại bỏ cuộc vì gánh nặng gia đình cô mang trên vai.
Những cuộc tình không tới đã đem lại nhiều vương vấn trong tâm hồn, nhưng Giao Linh cố gắng vượt qua để đi hát kiếm tiền giúp mẹ. Giọng hát Giao Linh ngày càng quyến rũ hơn bởi nỗi buồn của sự cô đơn được hòa tan trong những giai điệu tình ca.
Hành trình tha hương
Giao Linh sang định cư ở Canada nam 1982. Lúc đó Giao Linh đã 33 tuổi, mọi chuyện riêng tư lại dẹp sang một bên. Chuyến đi định mệnh này của Giao Linh bắt đầu một sự gian khó mới. Gia đình mở một quán phở kiếm ăn nơi xứ người ở thời ban đầu khốn khó. Bơ vơ nơi đất khách quê người, “Nữ hoàng sầu muộn” không còn những ngày tháng huy hoàng trên sân khấu, tất cả dồn cho việc mưu sinh hàng ngày. Quán phở “Linh” là nơi thu hút anh em văn nghệ sĩ ở Toronto.
Chuyện bước lên sân khấu tiếp tục ca hát đối với Giao Linh thật xa vời, vì vậy cô không còn tâm trạng tính đến chuyện tình duyên. Mấy năm sau, Giao Linh bắt đầu được các trung tâm sản xuất băng đĩa mời chào. Băng ca nhạc đầu tiên do hãng Trường Hải sản xuất với tiêu đề “Tiếng xưa” (Tiếng hát Giao Linh 1-1983).
Rồi liên tiếp là “Tiếng hát Giao Linh 2” (1984) và “Tiếng hát Giao Linh 3”… “Nữ hoàng sầu muộn” lại tiếp tục một chặng đường miệt mài mưu sinh, phó mặc cho số phận nổi trôi. Một kiếp lỡ làng đúng như lời trong bài hát: “Yêu người như thế đó. Nên lỡ một lầm hai. Đời đừng rao bán nữa. Chuyện vàng đá năm xưa. Khi mình tôi chọn kiếp bơ vơ” (Yêu người như thế đó).
Đúng năm hạn ở tuổi 37 (1988), Giao Linh quyết định lấy chồng. Mọi người ngỡ ngàng vì ông xã của cô từng có tới ba đời vợ. Đó là ông Võ Văn Sang, một kỹ sư xây dựng định cư ở Mỹ trước đó. Không những thế, Giao Linh sẽ phải gánh vác việc nuôi dưỡng 6 đứa con riêng của chồng. Nhiều người thân của Giao Linh phản đối.
Vậy mà Giao Linh tin vào tình yêu của mình và tự nguyện cùng lo toan mọi việc trong gia đình nhà chồng. Bởi ông Sang là người bạn Giao Linh đã thân quen và có cảm tình từ 20 năm về trước, lúc còn ở Sài Gòn. Hai người đã gặp lại nhau khi Giao Linh sang Mỹ tham gia các chương trình Paris By Night. Duyên phận muộn màng nhưng đó lại là tình yêu đầu tiên của Giao Linh. Hai người không tổ chức đám cưới bởi họ muốn dành dụm tiền để nuôi đàn con của mình. Giao Linh coi đó là những con chung của hai người.
Không ngờ chính duyên phận muộn màng này lại đem lại sự may mắn cho Giao Linh, sự nghiệp ca hát của cô đột biến bừng sáng khi theo chồng định cư tại California. Các trung tâm ca nhạc sẵn sàng chào đón Giao Linh cùng sự nồng nhiệt đón nhận của khán giả. Hàng chục album Tiếng hát Giao Linh tiếp tục ra đời. “Nữ hoàng sầu muộn” càng được tôn vinh bằng tâm trạng sẻ chia đồng cảm với những người con tha hương.
Bên cạnh đó, Giao Linh còn được sự hỗ trợ và cộng tác của chồng trong mọi hoạt động ca nhạc. Hai người đã lập trung tâm băng đĩa “Giao Linh” để sản xuất các chương trình ca nhạc. Sau khi lo toan mọi việc cho những người con lớn khôn và trưởng thành, Giao Linh đã cùng chồng trở về quê hương (năm 2000). Có thể nói đây là một quyết định có tính chuyển hướng mới cho giọng ca “Nữ hoàng sầu muộn” ở tuổi 50.
Những năm gần đây, Giao Linh tham gia tích cực các chương trình ca nhạc ở trên khắp cả nước. Cô là một trong những ca sĩ thuộc thế hệ vàng của dòng nhạc trước 1975, có nhiều kinh nghiệm quý báu để truyền lại cho thế hệ ca sĩ sau này.
Theo Bội Kỳ (báo Văn Nghệ Công An)