Trong các bài nhạc vàng, danh xưng phổ biến nhất trong bài hát có thể là “anh và em” (đối với bài hát về về tình yêu giữa nam và nữ). Hoặc ít hơn, có thể là xưng “anh và tôi” trong các bài nhạc lính, khi 2 người lính trận tâm tình với nhau. Nhưng đối với bài hát Hai Vì Sao Lạc của nhạc sĩ Anh Việt Thu, danh xưng gọi nhau trong bài là “người và ta”: Người về, người về đâu nhớ ta chăng…

Nội dung của bài hát này là hình ảnh của hai người đưa tiễn nhau trong một đêm không trăng. Bài hát không nói rõ là ai đưa tiễn ai, tiễn đi đâu, xa cách trong bao lâu, nhưng với tâm trạng và hoàn cảnh đưa tiễn, chia ly như vậy, bài hát rất dễ nhận được sự đồng cảm của nhiều người yêu nhạc, bởi vì ở đời, hầu như ai cũng đã từng trải qua một vài lần ở vào hoàn cảnh đó.

Với khán giả nghe nhạc, mỗi người đều có thể cảm nhận bài hát này theo cách riêng của mình. Nội dung của bài hát có thể là tâm trạng của một chàng trai vừa chia tay người yêu để ra về sau một đêm hò hẹn, hoặc cũng có thể đó là đêm cuối gặp nhau để chia tay và cô gái sẽ rời bến sang ngang. Hoặc cũng có thể là ngày mai đây chàng trai sẽ lên đường ra trận, trong tâm tư bâng khuâng đó, người trai thầm hỏi:

Người về, người về đâu nhớ ta chăng?
Người ơi mỗi lá thu rơi làm ta bâng khuâng…

Dù hiểu theo nội dung như thế nào thì Hai Vì Sao Lạc vẫn là một ca khúc có ca từ thật đẹp, giai điệu mượt mà, tha thiết và chưa đựng rất nhiều cảm xúc.

Người về, một mùa thu gió heo may 
Về đâu có nhớ chăng những vì sao long lanh 
đưa tiễn người một đêm không trăng 
Nói sao nên lời, lòng buồn như chiều rơi 
Như trong đêm khuya những bước chân qua thềm gợi niềm thương nhớ vô vàn 

Người về, đường đi kết gió trăng sao
Người đi có biết chăng trong chiều nay bơ vơ 
Nghe lá thu vàng rơi bâng khuâng 
Bước chân ai về chừng thời gian ngừng trôi 
Như quên đêm khuya để gió sương thêu thùa thầm làm ướt áo vai gầy 

Người về chiều mưa hay nắng 
Sao để khói lam chiều như se trùng màu không gian 
Người về giòng sông thương nhớ
để bến vắng con đò buồn mong người người hay chăng? 

Người là vì sao nhỏ bé 
Ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh xanh 
Người về lòng ta thương nhớ
Ta khẽ hỏi đưa người về hay thầm người đưa ta 

Người về, người về đâu nhớ ta chăng 
Người ơi mỗi lá thu rơi làm ta bâng khuâng 
Như áng mây chiều lan trong sương 
Bước đi âm thầm lòng buồn như thời gian
Nghe chăng thu ơi để lá rơi chi hoài gợi niềm thương nhớ ai nhiều…

Bài hát như là được thêu hoa dệt gấm bằng loạt những ngôn từ đầy chất thơ, tạo thành một bức tranh tuyệt mỹ, nhưng rất buồn: Cuộc từ ly diễn ra trong một buổi khuya vắng, đêm không trăng, chỉ có những vì sao long lanh như đang hoà cùng tâm trạng của người đi và kẻ ở. Ở bên đường kia, từng chiếc lá cuối thu khẽ khàng rơi từng chiếc, gợi cho đôi người thêm những bâng khuâng. Muốn thời gian ngừng trôi, quên đi rằng đêm đã khuya và sương xuống lạnh để kéo dài thời gian ở bên nhau trong đêm cuối cùng.

Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này, vì nhạc sĩ sáng tác đã qua đời từ rất sớm nên không biết được chính xác. Có 2 câu chuyện được kể lại đằng sau bài hát này như sau:

Thời còn trẻ và chưa lập gia đình, nhạc sĩ Anh Việt Thu ở chung với một người bạn thi sĩ tên là Anh Phương, quê ở Sóc Trăng. Tình nghệ sĩ, tình đồng hương miền Tây gắn bó nên hai người rất thân nhau, khắn khít như hình với bóng. Một hôm, gia đình của Anh Phương gọi ông về quê Sóc Trăng vì có việc làm ở địa phương. Trong mấy tuần cuối trước khi chia tay, hai người thường dẫn nhau đi chơi, tâm sự rất khuya mới về. Không biết sự tâm đắc và mật thiết giữa hai người như thế nào mà cả hai lại nghĩ rằng: “Hai người có lẽ là hai vì sao trên trời bị lạc xuống trần gian và vô tình gặp lại nhau”. Sau khi chia tay người bạn thân, Anh Việt Thu cảm tác viết nên bài Hai Vì Sao Lạc để tặng bạn, ví mình và bạn như hai vì sao đã lạc nhau trên đường đời.

Tuy nhiên vào năm ngoái, trong chương trình Chân Dung Cuộc Tình được phát trên đài THVL, bài hát Hai Vì Sao Lạc được chương trình kể lại rằng nhạc sĩ viết tặng cho người em ruột của ông tên là Huỳnh Hữu Phi Long. Trong một buổi tối vào giữa thập niên 1950, nhạc sĩ Anh Việt Thu, tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, đã có lần gặp gỡ cuối cùng với người em trai. Lúc đó ông chọn ở lại Sài Gòn để tiếp tục học, còn người em về lại quê để chuẩn bị lên đường “tập kết” ra Bắc. Nhiều năm sau đó, vì hoàn cảnh anh em bị chia lìa ngàn dặm, kẻ Bắc người Nam, nhạc sĩ Anh Việt Thu nhớ lại buổi chia tay hôm nào và viết thành ca khúc Hai Vì Sao Lạc. Không ai trong số họ có thể ngờ rằng đó là buổi gặp nhau cuối cùng, vì trước khi kết thúc chiến tranh chỉ hơn 1 tháng thì nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời (15/3/1975).

Hai Vì Sao Lạc rất được yêu thích qua giọng hát của danh ca Thanh Lan từ trước năm 1975. Tuy nhiên sau năm 75, ca khúc như được sống lại 1 lần nữa qua giọng hát truyền cảm của ca sĩ Tuấn Vũ thời đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Mời các bạn nghe lại:

Đông Kha (nhacvangbolero.com)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here