Trước năm 1975, mía ghim là món ăn vặt đường phố nổi tiếng ở Sài Gòn. Thời điểm đó, người dân thường ăn mía (nhả bã) thay vì chỉ uống nước mía ép như hiện nay.

Mía ăn thời đó là cây mía có vỏ màu vàng xanh, nhỏ và mềm hơn mía vỏ tím hiện giờ vốn chỉ dùng để ép nước chứ không ăn được vì cứng.

Mía ghim là món ăn rất đơn giản, thường được bán ở bến xe và công viên. Những khúc mía được cắt ngắn khoảng 2-3 cm, rồi ghim vào một thanh tre mà một đầu được chẻ ra thành khoảng 10 nan mảnh. Những khúc mía sau khi được ghim vào nan tre sẽ xòe ra như bó bông. Phần dưới thanh tre là chỗ cầm, vừa đi dạo vừa đưa cây mía ghim lên miệng rút mía ra ăn.

Ngoài ra, cách ăn khác là cắt khúc mía ngắn chừng 2-3 cm, rồi chẻ ra thành 4-6 phần theo kiểu múi cam, sau đó ướp với đá hoặc bỏ tủ lạnh. Mía chẻ vừa mát, vừa ngọt, ăn rất đã khát.

Ngoài các loại mía ăn sống ướp lạnh, còn có loại mía hấp ăn nóng. Mía sau khi hấp sẽ được lóc vỏ, tiện thành đoạn ngắn, cho vào từng bịch nylon nhỏ rồi ủ để giữ nóng. Mía hấp ăn mềm, vị ngọt dịu, nhiều nước, lại ăn nóng nên đặc biệt ngon vào những buổi tối lạnh, thích hợp với người lớn tuổi và trẻ em vì mềm và ít rát lưỡi.

Thời gian sau này, ở thôn quê còn có cách ăn mía là các em nhỏ cầm nguyên khúc mía dài 3-4 tấc còn nguyên vỏ, đưa lên miệng để tuốt vỏ mía bằng răng hàm, tuốt xong thì lấy răng cửa để cắn mía rồi nhai nhả bã. Hiện tại, nghĩ lại cảnh tuốt mía bằng răng như vậy, nhiều người vẫn cảm thấy rùng mình xót cho hàm răng.

Nghề bán mía ghim không cần nhiều vốn, ai cũng có thể làm. Người bán thường là trẻ em, và người mua cũng thường là các em bé vòi vĩnh cha mẹ mua cho.

Nhắc về mía, không thể không nhắc đến nước mía Viễn Đông của một thời. Đây là quầy bán nước mía không có biển hiệu, chỉ có tấm bạt chìa ra, nằm kề bên cửa hiệu điện máy lớn mang tên Viễn Đông ở góc đường Lê Lợi – Pasteur.

Vì không có biển hiệu nên người ta mượn cái tên Viễn Đông ở bên cạnh để gọi tiệm nước mía.

Nước mía của tiệm này rất thơm và ngọt, vì khi ép mía họ kẹp thêm một trái quýt còn nguyên vỏ, là cách mà không tiệm nào khác làm (hoặc không dám làm vì không có lời). Vì vậy, nước mía Viễn Đông thường mắc tiền hơn nơi khác một chút. Sau này, các tiệm nước mía cũng thường ép thêm trái tắc để nước mía có hương vị.

Theo sự đổi thay của thời đại, cùng với sự phát triển phong phú của các loại bánh kẹo, quà vặt, mía ghim dần dần vắng bóng, thay vào đó là nước mía, đặc biệt là các quầy “nước mía siêu sạch” như hiện nay. Dù quảng cáo là siêu sạch nhưng cách làm vẫn chưa đạt chuẩn vệ sinh. Nhiều người vẫn nhớ về những xe nước mía hồi thập niên 1990, khi các bà, các cô phải xoay vòng đồ ép mía bằng tay rất cực khổ. Sau đó, mới có máy ép mía xoay bằng mô tơ điện, nhưng thỉnh thoảng cũng nghe nói nhiều người không cẩn thận bị cuốn tay vào máy ép bằng điện đó, rất nguy hiểm.

Những người sinh trước năm 1990 hẳn sẽ thấy quen thuộc với hình ảnh “cô gái nước mía” này. Không rõ vì sao từ những năm 1990 trở đi, hình ảnh của cô được “viral” trên tất cả các xe ép nước mía làm bằng thiếc. Trước khi cô này xuất hiện, xe nước mía không phải bằng kim loại mà là bằng gỗ, như hình ảnh dưới đây.

Thời gian trôi qua, cùng với sự phát triển và thay đổi của xã hội, những hình ảnh và món ăn vặt xưa cũ dần bị lãng quên. Tuy nhiên, những kỷ niệm về mía ghim, nước mía Viễn Đông vẫn mãi là một phần không thể thiếu trong ký ức của người dân Sài Gòn, gợi nhớ về một thời gian khó nhưng đầy ắp những khoảnh khắc ngọt ngào và giản dị.

Đông Kha

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here