Từ hơn nửa thế kỷ nay, cái áo dài cổ thuyền, thường được quen gọi là “áo dài bà Nhu”, vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng người Việt Nam. Được cho là do bà Ngô Đình Nhu thiết kế, thực tế, kiểu dáng áo dài này là tác phẩm của đôi vợ chồng người Mỹ gốc Nhật, sống và làm việc ở Việt Nam cuối thập niên 1950.

Cho đến nay, người đầu tiên cách tân áo dài truyền thống Việt Nam được nhiều người công nhận là họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường. Những công trình về thiết kế y phục dành cho phụ nữ Việt của ông được công bố và quảng bá trên các ấn phẩm báo chí do nhóm Tự Lực Văn Đoàn xuất bản, bao gồm các tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay, và đặc san Đẹp. Mẫu áo dài do Nguyễn Cát Tường thiết kế là một cuộc cách mạng so với áo dài của thời kỳ trước đó, vốn đơn sắc và rộng thùng thình, không tôn vinh được nét đẹp hình thể của người phụ nữ.

Nguyễn Thị Hậu – Người mặc áo dài “lối mới” đầu tiên vào năm 1935, theo thiết kế của Lemur

Từ những mẫu áo dài được Lemur công bố, nhiều biến thế thiết kế áo dài khác nhau đã ra đời, nhưng tựu trung vẫn xoay quanh thiết kế từ thập niên 1930 của ông. Một trong những biến thể đó là “áo dài bà Nhu”, xuất hiện từ cuối thập niên 1950 với cổ áo hình thuyền, khoét rộng phần cổ để khoe một phần bờ vai quyến rũ của người phụ nữ, nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch, kín đáo.

Áo dài cổ thuyền chính thức xuất hiện trong một buổi trình diễn thời trang ở Sài Gòn vào ngày 31 tháng 3 năm 1961. Buổi trình diễn này nằm trong khuôn khổ một hội chợ Tiểu Công nghệ được tổ chức ở phòng Văn Hóa của thành phố Sài Gòn trên đường Tự Do, nay là đường Đồng Khởi. Đây là buổi trình diễn thời trang áo dài chính thức đầu tiên của Việt Nam, theo yêu cầu của bà Ngô Đình Nhu, do đạo diễn Thái Thúc Nha điều khiển.

Mục đích chính của buổi trình diễn này là quảng bá việc sử dụng vật liệu địa phương vừa túi tiền của người bình dân. Tổng cộng 48 thiết kế y phục khác nhau được trình diễn trước sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Khoảnh khắc nổi bật và thu hút sự chú ý của nhiều người nhất là khi diễn viên điện ảnh Kiều Chinh trình làng một kiểu áo dài cách tân với họa tiết lạ mắt.

Sự kiện này được đăng tải trên UPI photo ngày 31/03/1961 như sau: “Lộng Lẫy Phương Đông. Sài Gòn, Nam Việt Nam: Cái cổ cao của thời trang Việt Nam có màn xuất hiện ngoạn mục khi tài tử Kiều Chinh giới thiệu phiên bản không cổ của áo dài Việt Nam tại buổi trình diễn thời trang chính thức đầu tiên ở Sài Gòn. Áo dài thể hiện cái tà xẻ hai bên ấn tượng của phương Đông”.

Bà Trần Lệ Xuân trong bữa tiệc ngoại giao tại dinh tổng thống năm 1958 với chiếc áo dài cổ thuyền

Diễn viên Kiều Chinh kể lại: “Hôm đó có một cái fashion show, mà Kiều Chinh lúc bấy giờ hãy còn trẻ lắm, được mời mặc cái áo, tôi không nhớ người vẽ kiểu áo là ai. Lần đầu tiên mặc một cái áo dài Việt Nam mà không có cổ và tay ngắn. Thời đó gọi là tay áo “trois quarts”, tức là ba phần tư. Lúc mà trình diễn fashion show thì bà Ngô Đình Nhu ngồi ngay hàng đầu. Đây là câu chuyện tôi nghe ông Thái Thúc Nha (giám đốc hãng phim Alpha) kể lại. Ông ấy nói rằng: “Khi em trình diễn cái áo này thì bà Nhu quay lại hỏi anh là “Con nhỏ nào đây?”, thì anh có trả lời rằng đó là diễn viên điện ảnh Kiều Chinh của hãng phim Alpha”.

Bà Ngô Đình Nhu, em dâu của Tổng thống Ngô Đình Diệm và được coi là đệ nhất phu nhân không chính thức của VNCH, đã giới thiệu kiểu áo dài cổ thuyền này một cách không chính thức tại những sự kiện công cộng như bữa tiệc ở Dinh tổng thống vào năm 1958, hay một cuộc thi nữ công gia chánh nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 3 tháng 3 năm 1960.

Đến năm 1961, khi nhìn thấy Kiều Chinh mặc kiểu áo cổ thuyền trong buổi trình diễn thời trang, bà Nhu đã có ấn tượng mạnh mẽ và cho phổ biến nó rộng rãi hơn nữa. Từ đó, bà chỉ xuất hiện với kiểu áo dài này, và người ta thường gọi đó là “áo dài bà Nhu”.

Một số tài liệu tiếng Việt nói rằng người thiết kế kiểu áo này là giám đốc hãng phim Alpha, Thái Thúc Nha. Tuy nhiên, thông tin từ báo chí tiếng Anh đương thời cho biết rằng thiết kế này là của đôi vợ chồng người Mỹ gốc Nhật: Ken Uyemura và Michiko Uyemura.

Ông Ken, một nhà chế tác gốm sứ và thiết kế công nghiệp, và bà Michiko, một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, đến Việt Nam vào năm 1957 theo một chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Ngoại Giao Mỹ nhằm giúp phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tờ báo St. Petersburg Times đã tường trình chi tiết về hoạt động của hai vợ chồng Uyemura trong gần bốn năm họ làm việc ở Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh rằng dự án của họ ở Sài Gòn được “chính thức công nhận là thành công nhất trong số những dự án tương tự ở một vài nước”.

Show diễn thời trang này do hai vợ chồng Uyemura chuẩn bị cho tuần lễ Quốc Khánh VNCH vào cuối tháng 10 năm 1960. Vai trò thiết kế của họ được nêu rõ trong một bài tổng kết đăng trên tạp chí Chủ nhật của tờ báo vào tháng 4 năm 1961. “Cùng nhau, họ đã tạo nên một thế giới thời trang mới cho những người phụ nữ Việt Nam chú trọng tới phong cách”.

Áo dài không cổ (cổ thuyền) mà Kiều Chinh mặc trong ảnh trên là do Michiko thiết kế lại từ kiểu áo dài Lemur, được Ken thiết kế họa tiết vải, đã định hình xu hướng thời trang mới. Hình ảnh Kiều Chinh trong chiếc áo dài do hai vợ chồng Uyemura thiết kế cũng xuất hiện trên một số tờ báo ở Mỹ vào thời điểm đó, thậm chí là trang nhất, đi kèm theo mô tả: “Vẻ kiều diễm phương Đông”.

Đến năm 1964, hình ảnh Kiều Chinh mặc chiếc áo dài này lại được lên báo một lần nữa, làm ảnh minh họa cho một bài viết về trào lưu phụ nữ Mỹ mặc áo dài Việt Nam. Áo dài cổ thuyền tiếp tục được bà Trần Lệ Xuân chọn mặc trong nhiều sự kiện trong nước và quốc tế, để lại những hình ảnh mang tính biểu tượng trong ký ức của công chúng, cũng như gợi cảm hứng thời trang cho nhiều thế hệ sau đó.

Ông Ken và bà Michiko rời Việt Nam sang Đài Loan tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ kỹ thuật vào năm 1961, trước khi quay trở về Mỹ năm 1964. Họ mở một cửa hiệu chuyên bán đồ trang trí nội thất do họ thiết kế và sản xuất ở Viễn Đông. Ông Ken đã qua đời năm 2007, và bà Michiko vẫn còn sống ở tuổi ngoài 90.

Có thể hai ông bà không thể hình dung được ảnh hưởng của họ đối với sự phát triển của áo dài Việt Nam từ những thiết kế mà họ ra mắt gần 60 năm trước. Hình ảnh áo dài cổ thuyền đã trở thành biểu tượng văn hóa, là một phần không thể thiếu trong di sản thời trang của Việt Nam.

Đông Kha

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here