Người đời thường nhìn các thi sĩ bằng ánh mắt cảm phục và trọng vọng, ít người biết để có những bài thơ để lại cho đời, thi sĩ đã phải vắt cạn tâm lực để chọn lọc từng chữ, từng câu mới nên được câu thơ.

Ý tưởng của họ thường bị xáo trộn giữa hai cõi mộng và thực, nội tâm phân tán giữa đôi giòng hoài niệm quá khứ và hiện tại trở trăn. Vì vậy nên đời sống tinh thần của thi sĩ không được yên bình hoan lạc như người thường. Khi mang lấy “nghiệp làm thi sĩ” rồi thì những con chữ của họ viết ra được đổi lấy bằng máu chảy của trái tim, được tinh lọc từ nước mắt của cuộc sống điêu linh giữa cõi trần ai dâu bể: Chỉ có thi sĩ mới nghĩ rằng khi đã từ giã cõi đời rồi thì chưa phải là nhắm mắt xuôi tay, mà là “chết đọa đày”.

Phải chăng khi xa rời cõi tạm, linh hồn của thi sĩ vẫn còn vướng víu nợ nần những câu thơ lỡ dở còn long lanh ngấn lệ hồng trần?:

không biết từ đâu ta đến đây
mang mang trời thẳm đất xanh dày
lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ
sống điêu linh rồi chết đọa đày.

(Hoài Niệm – Nguyễn Đức Sơn)

Thi sĩ là kẻ đa tình nhất và cũng chung tình nhất, từ mùa trăng, mùa tình đầu tiên đã đưa anh vào “cõi mộng xa xăm”. Khi yêu, ai cũng trở thành nhà thơ đắm vào màu tím chân mây tận cuối trời viễn mộng, và chỉ có thi sĩ đích thực mới tuôn trào được nhịp cảm xúc của trái tim mình ra ngòi bút tài hoa, phơi bày được nỗi lòng yêu thương chân chất mà chất ngất đắm mê của mình lên trang giấy.

Tình yêu của thi sĩ không như giọt sương khi nắng lên rồi tan, không như bóng mây ngang qua rồi biến mất trong bầu trời vô vọng, mà tình yêu là “giọt tinh huyết ngàn năm” rỏ từ trái tim bị đọa từ ánh mắt mùa thu đầu tiên, thoát thai từ trầm luân khổ ải để hóa thành ngàn tinh tú lấp lánh mãi trên trời mộng yêu đương bất diệt. Em kề cận tấc gang trong thơ mà em xa cách nghìn trùng ngoài đời. Em như thực mà em như ảo, nên thi sĩ mãi đi tìm “rừng đông phương mờ mịt dấu em nằm”:

đây lứa cỏ của mùa trăng thứ nhất
đưa anh vào trong cõi mộng xa xăm
giọt tinh huyết ngàn năm sau chưa mất
rừng đông phương mờ mịt dấu em nằm

(Băng Tuyết – Nguyễn Đức Sơn)

Thi sĩ bước lơ đễnh trên dòng đời, trước nẻo phồn hoa tấp nập mà như lãng du về miền sơn cước tĩnh mịch êm đềm. Đôi khi như kẻ mộng du vì thân xác nương náu cõi trần gian mà tâm hồn bay bổng ngao du đến chân trời xa ảo mộng. Bước cao ngạo và cô đơn trên hành trình về xứ thơ của mình, thi sĩ đi tìm nụ cười bình minh để đêm về đốt đuốt lên soi tiếc màu nắng chiều tà. Hành trình còn xa dịu vợi không bao giờ đến đích, ánh nhiệm màu của thơ là ánh sầu bóng núi mà vó ngựa của thi nhân dập dồn chạy mỏi cũng không bắt gặp bóng thời gian. Thi sĩ không dành thì giờ cho mưu cầu tranh danh đoạt lợi, vì luyến thương hoài niệm, trở trăn suy tư cần có cho sáng tạo đã chiếm gần hết thời gian của đời người, nên vạn nhịp cầu bắc qua qua sông đời kia là vạn nhịp cầu chiêm nghiệm, suy tư:

nẻo xa chưa thấy nhiệm màu
chân còn bước vạn nhịp cầu suy tư

(Thầm Nghĩ – Nguyễn Đức Sơn)

Thi sĩ thường ngồi trên sườn đồi thông Phương Bối do mình trồng nên, đối diện thường trực với bóng của mình hay là bóng của ai trên vách đá nhạt màu nắng tịch liêu tà dương cổ độ. Sau phút suy tưởng từ vực thẳm sâu hun hút là ánh mắt nàng đông phương lóe lên ngàn mơ ước. Hồn tôi là ngàn thông xao xác hát ca chào mừng nhân gian vẫn xanh ngát tâm tình độ lượng. Tâm hồn thi nhân là cung bậc cao cấp số nhân cảm xúc, càng ưu tư thâm trầm xuống lũng thung u sầu vời vợi, càng liên hoan mở hội reo ca tới đỉnh mây trời chót vót:

một đêm sao ở trên rừng
đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian
hồn tôi cây cối liên hoan
rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ

(Trên Bờ Hư Không – Nguyễn Đức Sơn)

Thi sĩ sống hết mình yêu hết lòng, có lúc nào đó tinh hoa phát tiết lên từ dự cảm về nghĩa vô thường của tạo hóa, một ngày nào đó rồi thân từ cát bụi sẽ hồi quy bụi cát. Có lẽ ông sinh ra ở bờ biển Ninh Chữ tỉnh Ninh Thuận, nên nghĩ đến mai sau “cõi đi về” của mình cũng là nơi mở mắt chào đời, chỗ nằm của thi nhân sẽ hằng ngày nghe tiếng sóng biển ru lời thiên thu:

mai sau này chỗ tôi nằm
sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru.

Đối với muôn người yêu thơ của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, sao trên trời có thể rơi lạnh lẽo xuống trần nhưng Sao Trên Rừng (bút hiệu đầu tiên của ông) vẫn sáng mãi trên bầu trời văn học Việt Nam!

Bài: TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN
(Viết trong ngày rời cõi tạm của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn 6/11/2020)

Nguồn: nhacvangbolero.com

—-

Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here