Người Nam thời xa xưa thường được mô tả là hào sảng và phóng khoáng, thẳng thắn và bộc trực. Đây là vùng đất võ biền trọng võ hơn trọng văn, nền nho học không phát triển mạnh mẽ như ở xứ Bắc, nơi có nhiều sĩ phu Bắc Hà đỗ đạt, tinh thông kinh sử. Sài Gòn trước thế kỷ 20 dĩ nhiên là cũng thừa hưởng tính cách ấy.

Tuy nhiên, khi Tây học phát triển, Sài Gòn cũng là nơi tiếp thụ nền văn minh đồng thời với xứ Bắc. Nhiều tòa soạn báo, thời đó gọi là “báo quán”, mở ra ở Sài Gòn, mà tờ báo Quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo được Petrus Ký thành lập.

Thế hệ sau đó, Nam Kỳ sản sinh ra những nhà báo danh tiếng đã có những bước đi mang tính khai sơn phá thạch cho báo chí Việt Nam, như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Đức Nhuận… Nhiều nhà báo lớn từ vùng khác cũng chọn Sài Gòn là nơi làm việc như Tản Đà, Phan Khôi…

Báo chí Sài Gòn sôi động đầu thế kỷ 20 nhờ vào Tây học phát triển mạnh mẽ và vì đây là thành phố đầu tiên của Việt Nam tiếp xúc với phương Tây. Tầng lớp tri thức đô thị đông đảo ở Sài Gòn dẫn đến nhu cầu lớn về đọc sách báo để tiếp cận tri thức. Trước hoàn cảnh đó, báo quán, sạp báo mọc lên khắp nơi ở Sài Gòn. Trẻ em nghèo ngày xưa muốn có tiền nuôi thân, cách dễ nhất là đi bán báo dạo.

Khắp các vỉa hè, lề đường Sài Gòn mọc lên nhiều sạp báo, hầu hết có quy mô khiêm tốn vì diện tích lề đường không cho phép. Thời xưa, báo chí Sài Gòn có ba kênh phân phối phổ biến: bán báo dạo, giao báo tận nhà, mua ở sạp tại một số ngã tư. Các quầy/sạp báo thường giống như một cái tủ, được gia cố bằng một khung sắt có mái che, chừng 1m² và cao 2m. Các tờ báo hàng ngày được bày trên mặt tủ, nếu báo còn dư thì khi “đóng cửa” sẽ được cất vào tủ có khóa ngoài.

Những quầy bán báo ở Sài Gòn trước 1975 rất quen thuộc trên đại lộ Nguyễn Huệ dưới dạng các kiosque bán hàng, hoặc là đại lộ Lê Lợi tập trung nhiều hiệu sách lớn cũng như tiệm sách cũ lề đường.

 

Ngoài những quầy báo nhỏ, cũng có một số sạp báo khá bề thế, người bán báo có thể ngủ trong đó. Những sạp này bán đủ thứ báo và các loại tạp chí, thậm chí có sạp bán cả những quyển sách mới ra lò như sạp báo quen thuộc ở góc Công Lý và Lê Lợi.

Ngoài những sạp báo này, không thể không kể tới những tiệm lớn bán sách báo tổng hợp, như Nhà sách Vĩnh Bảo, tầng trệt của phòng trà Quốc Tế nằm góc Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực, hoặc là trong thương xá Tam Đa.

Theo ghi chép của nhà báo Lê Văn Nghĩa, một thời gian sau năm 1975, những sạp báo loại này biến mất vì báo chí lúc ấy được phát hành qua bưu điện và một phần do báo chí thời kỳ đầu còn bao cấp, làm báo theo lối cũ chưa đổi mới nội dung nên người ta chưa cần tìm đọc hàng ngày. Thành phố thời đó vắng bóng những sạp báo ngã tư. Một thời gian sau, khi báo chí tự đổi mới, trên lề đường, ngã tư hè phố bắt đầu có những sạp báo nhỏ, không kiên cố xuất hiện trở lại.

Tuy nhiên, từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của báo điện tử, các sạp báo lề đường thưa dần, và ngày nay gần như đã biến mất hoàn toàn.

Đông Kha

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here