Tiếp theo 3 bài viết chủ đề hình ảnh Sài Gòn xưa và nay được chụp cùng một góc ảnh, xin gửi đến các bạn chùm ảnh của tác giả Paul Blizard, một người đang sống và làm việc tại Sài Gòn.
Loạt bài về hình ảnh Xưa – nay của Sài Gòn này sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về các địa điểm nổi tiếng của Sài Gòn ngày xưa và hiện nay.
Khách sạn Carravelle chụp năm 1961 (bên trái) và năm 2018 (bên phải).
Năm 1961, quân đội Pháp không còn diện diện ở Việt Nam, nhưng còn rất nhiều công ty, doanh nghiệp ở lại. Khách sạn Carravelle thuộc sở hữu của người Pháp, cụ thể là Air France và 1 số chủ sở hữu người Pháp khác. Vì vậy có thể thấy kỳ Pháp ở trên khách sạn trong tấm hình năm 1961. Về nguồn gốc của tên gọi khách sạn này, vào năm đó, Air France vùa mua được một đoàn máy bay phản lực Carravelle nên đã đề nghị đặt tên khách sạn như vậy, và tên này đã tồn tại cho đến ngày nay. Có một quãng thời gian từ năm 1975 đến 1992, khách sạn bị đổi tên là khách sạn Độc Lập.
Khách sạn được khai trương năm 1959 với 10 tầng, vào thời điểm đó, đây là tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam. Năm 1998, chủ sở hữu khách sạn xây thêm 24 tầng ở bên cạnh với lối kiến trúc tương đồng. Ngày nay có thể thấy khách sạn này có 1 tòa thấp 10 tầng và cao 24 tầng dính liền ngay bên cạnh.
—
Hình trên là Cercle Sportif Saigonnais (Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn), viết tắt CSS, người bình dân Việt Nam gọi là hội Xẹc, chụp năm 1965, là địa điểm giải trí dành cho giới thượng lưu. Tướng Nguyễn Cao Kỳ và chính khách Lý Quí Chung cũng từng là hội viên ở đây. Tướng Dương Văn Minh cũng là một hội viên đặc biệt và nổi tiếng với môn quần vợt.
Cercle Sportif Saigonnais được chính quyền Pháp xây dựng từ năm 1896 tại khu đất trước đó thuộc Vườn Ông Thượng (sau này là Vườn Tao Đàn), là câu lạc bộ thể thao với các môn quần vợt, bóng đá và bơi lội.
Năm 1985, cơ sở này đổi tên thành Nhà Văn hóa Lao động, và đến năm 1998, là Cung Văn hoá Lao động như ngày nay.
Hình bên dưới vừa được chụp năm 2020, sân quần vợt trong Cung văn hóa Lao Động.
—
Trường đua Phú Thọ năm 1967 và năm 2018. Nơi này được Pháp xây dựng từ năm 1932, là trường đua ngựa duy nhất của Việt Nam cho đến khi đóng cửa năm 2011. Nơi này cũng từng tổ chức các cuộc thi đua mô tô.
Trong suốt nhiều năm, đây là nơi nhộn nhịp nhất của Sài Gòn vào những ngày cuối tuần, là nơi lui tới thường xuyên của giới thượng lưu khắp vùng Nam kỳ Lục tỉnh.
Trong tác phẩm “Ở Theo Thời” viết năm 1935, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã miêu tả rất rõ cảnh nhộn nhịp ở trường đua Phú Thọ những năm đầu mở cửa như sau: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa”.
Sau khi bị đóng cửa năm 2011, nơi này bị chiếm dụng để cho thuê làm mặt bằng kinh doanh các lĩnh vực khác nhau: nhà hàng, câu cá, sân bóng mini…
—
Hình bên trên là Lăng Cha Cả năm 1970, bên dưới là cùng 1 vị trí, hiện nay là vòng xoay Lăng Cha Cả ở giao lộ cầu vượt Cộng Hòa – Hoàng Văn Thụ.
Lăng Cha Cả là một cái tên quen thuộc với người Sài Gòn cả xưa lẫn nay. Khi đi xe bus, thường nghe khách nói: Cho tui xuống Lăng Cha Cả… Nhiều người tỉnh lẻ hẳn là sẽ có người thắc mắc Lăng Cha Cả là gì.
Cha Cả là tên mà người Việt gọi linh mục Bá Đa Lộc, người có công lớn giúp vua Gia Long – Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn. Ông mất năm 1799, vì được vua Gia Long trọng vọng, coi là “Giám mục Thượng sư” nên được đưa về an táng ở gần ngôi nhà cũ tỉnh Gia Định. Khu vực đó là khu Vườn Xoài, Tân Sơn Nhứt phía tây bắc Sài Gòn. Là vị trí Lăng Cha Cả hiện nay ở trong hình.
Năm 1980, Lăng Cha Cả được lệnh giải tỏa. Công cuộc cải táng kéo dài đến năm 1983 mới hoàn tất, di hài được đưa về Pháp. Lăng và nếp nhà cũ bị san bằng để làm thành 1 bùng binh như hiện nay, trở thành nút giao thông quan trọng của Sài Gòn ở cửa ngõ khu vực Tây Bắc.
Ngày nay Lăng Cha Cả đã không còn, nhưng cái tên Lăng Cha Cả thì vẫn mãi còn lưu truyền trong người dân Sài Gòn.
—
Hình trên là hình Hồ Con Rùa lúc vẫn còn “con rùa”. Hình bên dưới chụp năm 2020, khi mà đã lâu còn rùa không còn nữa.
Tượng con rùa bằng hợp kim đồng và tấm bia ghi tên những nước đồng minh của VNCH này được xây dựng vào năm 1972. Khi đó Hồ Con Rùa được trùng tu và chỉnh trang, dựng thêm và điều chỉnh 5 cột bê tông cao có dạng như các cánh hoa đón đỡ nhụy hoa. Bên trong hồ có một hệ thống đường đi bêtông xoắn ốc theo vòng xoay.
Sau năm 1975, chính quyền mới cho đục bỏ các dòng chữ trên tấm bia. Sau đó con rùa cũng bị hủy bỏ.
Từ đó cho đến nay, hồ không còn con rùa nào, nhưng người dân vẫn gọi đây là Hồ Con Rùa.
Bài và lời giới thiệu: Đông Kha
Nguồn ảnh:
Group facebook: Saïgon Chợ Lớn Then & Now
Tác giả: Paul Blizard