Hầu như không có một trí thức miền Nam trước năm 1975 nào mà không biết đến hiệu sách Khai Trí trên đường Lê Lợi (nay là nhà sách FAHASA Sài Gòn).

Đó là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam được bán theo kiểu “tự chọn”, khách vào có thể lấy sách đọc thoả thích rồi có thể đi ra dù mua hay không mua. Hiện nay hầu hết các nhà sách lớn đều có hình thức này, nhưng thời điểm thập niên 1950 thì đó là một bước ngoặt đột phá. Thời đó người ta bán sách theo kiểu người mua nói tên cuốn sách rồi chủ tiệm lấy ra bán, chứ người mua không được vào trong để lật giở từng cuốn để đọc như sau này.

Ông chủ của nhà sách Khai Trí là ông Nguyễn Văn Trương (bút danh Nguyễn Hùng Trương), nhưng người ta vẫn gọi ông với cái tên Khai Trí. Sau năm 1975, nhà sách Khai Trí bị truất hữu, kho sách 60 tấn bị tiêu huỷ, ông chủ Khai Trị bị đi tù vì tội “biệt kích văn nghệ”.

Nhà sách FAHASA Sài Gòn sau năm 75

Nhiều người kể rằng vào cuối thập niên 1990, đầu 2000, người ta vẫn thấy ông Khai Trí nhiều lần lặng lẽ đứng trước nhà sách Sài Gòn FAHASA địa chỉ số 60-62, đường Lê Lợi, là cơ sở kinh doanh sách báo mà ông đã gây dựng bằng cả một đời, nay đã không còn thuộc về mình. Ông nhìn vào rất lâu rồi rầu rĩ quay mặt bước đi.

Ông Khai Trí – Nguyễn Hùng Trương sinh năm 1926 tại Thủ Đức (lúc đó thuộc địa giới tỉnh Biên Hòa). Thuở nhỏ ông thường nhịn ăn sáng, để dành tiền để mua sách báo đọc. Lên trung học, ông vào học trường Petrus Ký và mỗi cuối tuần phải đạp xe đạp về nhà vài chục cây số, đầu tuần trở lại học với số tiền gia đình cho đủ để chi tiêu dè sẻn. Niềm đam mê sách đối với ông mãnh liệt đến nỗi cứ chiều thứ 2 là ông dùng hết tiền đó để mua sách báo rồi nhịn ăn sáng nguyên tuần.

Ông Nguyễn Hùng Trương chủ yếu là mua sách báo từ nước ngoài, sau nhiều năm như vậy đã gây dựng được một tủ sách lớn rất giá trị, rồi dần dần mở được một hiệu sách lớn nhất Sài Gòn. Trên tạp chí Thế Giới Mới năm 1998, ông Khai Trí nói:

“Tôi mê sách từ hồi nhỏ, khi trưởng thành, niềm đam mê cũng lớn theo, trong nhà chung quanh tôi chỗ nào cũng sách là sách. Tôi nhớ có một lần mấy anh bạn đồng môn đến nhờ tôi mua hộ các anh 5 cuốn sách về văn học Pháp. Tôi cũng đang cần một cuốn để lưu, vì cuốn đó rất hiém, xuất bản tại Pháp, nên các nhà sách ở trong nước không có. Tôi bèn gửi thư cho nhà xuất bản xin mua sáu cuốn. Ông giám đốc nhà xuất bản gởi thư cho biết, nếu tôi mua từ mười cuốn trở lên thì sẽ được trừ 30% giá bìa. Nhẩm tính tôi thấy nếu mua luôn mười cuốn thì số tiền chẳng hơn sáu cuốn chưa chiết khấu là bao, nên đã mượn tiền gởi mua đủ 10 cuốn.

Sách gửi về, tôi đưa mấy anh bạn năm cuốn, tôi giữ một cuốn, còn bốn cuốn đem ra nhà sách để ký gởi. Tưởng là còn lâu mới bán được, ai dè gửi được 2-3 ngày tôi ra thăm chừng thì sách đã bán hết, ông chủ tiệm trả tiền và nói rằng nếu có sách gì cần bán thì cứ đem đến ký gởi…

Thấy bán hết số sách, vừa lời được một cuốn để đọc, vừa còn lại một số tiền kha khá, thế là tôi nảy ra ý định tìm các loại sách báo có giá trị, quý hiếm đặt mua ngay tại cơ sở rồi mang ra hiệu sách ký gởi. Tôi trở thành “nhà phát hành” nghiệp dư từ đó. Tiền lãi bán sách tôi ky cóp để dành, rồi lại tất tả đi làm thuê, dạy học, tất cả tiền kiếm được tôi dành dụm trong 4-5 năm, khi có vốn rồi tôi mới mở nhà sách Khai Trí vào năm 1952. Nếu không có niềm đam mê về sách báo, không có nghị lực và lòng quyết tâm thì tôi đã không thể có nhà sách Khai Trí như mọi người đã biết”.

Trước khi đủ vốn để mở một nhà sách lớn như Khai Trí, thời gian đầu ông khởi nghiệp bằng một chiếc xe đẩy bán sách dừng trước trường Chassesloup Laubat (nay là trường THPT Lê Quý Đôn) nằm trên đường cùng tên là Chasseloup Laubat. Sau năm 1955, đường này đổi tên thành Hồng Thập Tự (sau 75 đường mang tên Nguyễn Thị Minh Khai).

Là một người mê sách, tìm tòi mua sách đã nhiều năm, nên ông Khai Trí có khả năng chọn được nhiều loại sách hiếm, có giá trị, phù hợp với người Việt Nam, phù hợp với thời điểm mà nhiều người cần tìm, cần mua. Đó là khả năng đánh giá được các loại sách mà ít người làm được như ông. Sau nhiều năm cần mẫn thì ông Khai Trí cũng để dành được đủ vốn để mở một nhà sách lớn.

Để được như vậy, cũng không thể không nhắc đến với bạn đời từ thuở hàn vi của ông, người đã luôn ủng hộ sự nghiệp mê sách của ông Khai Trí. Đó là bà Phùng Thị Bông, lúc nào cũng tận tuỵ phụ giúp chồng gánh vác những khó khăn từ khi còn bán sách trên xe đẩy.

Nhà sách Khai Trí được mở ra vào lúc mà cả Sài Gòn chỉ mới có khoảng 10 hiệu sách lớn, nổi tiếng nhất là nhà sách dành cho nhà giàu trên đường Catinat – Tự Do tên là Xuân Thu (trước đó mang tên Albert Portail), tuy nhiên đó đều là những hiệu sách bán ngoại văn. Còn nhà sách Việt rất khiêm tốn, ít khách hàng và ít cả đầu sách. Nhà sách Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương có mặt tiền 2 căn nhà trên đường Bonard (say 1955 đổi thành đường Lê Lợi). Các độc giả, khách hàng của Khai Trí là những trí thức, sinh viên học sinh, từ em bé, thiếu niên, thanh niên cho đến các vị đã cao niên đều thường xuyên ghé qua. Cửa hàng sách vừa có chiều sâu vừa có bề rộng, bày tầng tầng sách báo từ trong ra ngoài, lúc nào cũng đầy ắp người.

Trên một trang báo viết về ông Khai Trí đã mô tả về nhà sách như sau:

“…hai căn nhà rộng thênh thang trên đại lộ Bonard của nhà sách Khai Trí luôn mở toang các cửa, sách được phân chia từng loại trưng bày rộng rãi trên các kệ sắt. Người mua tha hồ lấy xem, lựa chọn và dù khách mua hay không mua, khi ra về đều nhận được cái nghiêng đầu nhẹ nhàng và cụ cười cảm ơn rất thân tình, lịch sự của những cô nhân viên trẻ đẹp, mặc áo dài màu xanh dương thanh lịch. Sách mua được nhân viên bao gói bằng loại giấy đặc biệt có in tên nhà sách và sách được đóng dấu tên của tiệm, nên nhà sách Khai Trí mau chóng được nổi tiếng, giới sinh viên học sinh, giới nhân sĩ trí thức, những người thích đọc sách ở các tỉnh phía Nam hầu như ai cũng từng nghe danh bảng hiệu Khai Trí. Dần dần cái tên Khai Trí trở thành quen thuộc đến nỗi, ông chủ nhà sách đợc “quần chúng hoá” bằng cái tên dễ nhớ: “ông Khai Trí”.

Không những rất thành công về mặt kinh doanh sách, ông Khai Trí còn hoạt động rất mạnh và cũng rất nổi tiếng với công việc xuất bản sách. Ông có một nhà in riêng, sách ông xuất bản là những loại sách giá trị, với hàng ngàn tựa sách, đủ thể loại, từ sách học làm người, học nấu ăn đến sách nghiên cứu văn hoá, khoa học, sách giáo khoa, dịch thuật. Đặc biệt ông rất nặng lòng với thế hệ thiếu niên, nhi đồng, nên từ năm 1971 đến 1975, ông đã chọn lọc và cho xuất bản 300 đầu sách của bộ Tuổi Thơ dành riêng cho lứa tuổi măng non. Đồng thời ông cũng cho xuất bản tuần báo Thiếu Nhi có sự cộng tác của hầu hết các nhà văn, nhà báo, nhà giáo tên tuổi và có tâm huyết với thế hệ con cháu. Đây là tuần báo duy nhất của thời đó và được các học sinh, các bậc phụ huynh đánh giá cao vì tính giáo dục, lành mạnh của báo. Hơn nữa, giá của báo lại được ưu đãi đặc biệt với các đối tượng nhỏ tuổi”.

Suốt trong hơn 2 thập niên ở Sài Gòn, hiệu sách Khai Trí như là một trung tâm văn hoá của đất Sài Gòn. Chủ nhân Khai Trí là một người rất có tâm huyết đối với văn hóa của người Việt. Ngoài việc bán sách báo và văn phòng phẩm, ông còn làm xuất bản với những đầu sách được chọn lựa kỹ càng và phong phú. Ông chủ Khai Trí còn sưu tầm nhiều sách báo hiếm. Chỉ riêng tờ báo Pháp ngữ Paris Match, ông có từ số đầu tiên cho tới ngày 30/4/1975. Sài Gòn khi đó có khoảng ba mươi tờ nhật báo, hàng chục tuần báo và nguyệt san, bán nguyệt san. Ông tìm mua hết và đóng bìa cứng để lưu trữ.

Một điều nói lên cái tâm của ông Khai Trí là những cái ông làm cho thế hệ thiếu nhi. Theo ông Nguyễn Hùng Tâm, con của ông chủ Khai Trí cho biết ông Nguyễn Hùng Trương luôn muốn đầu tư cho tương lại nước nhà và bỏ nhiều công sức, thời gian cho thế hệ này. Trong nhà sách Khai Trí có một gian sách thiếu nhi, có sẵn băng ghế ngồi cho những đứa trẻ vào đọc thoả thích. Những đứa trẻ nghèo có thể đến gặp ông để được cho những tấm thiếp và được vào Khai Trí mua sách miễn phí.

Ông Khai Trí còn chủ trương in tuần báo Thiếu Nhi (Chủ nhiệm: Nguyễn Hùng Trương, Chủ biên: Nhật Tiến). Về hình thức, trang bìa và trang cuối của tờ Thiếu Nhi lúc nào cũng được trình bày rất công phu, dùng kỹ thuật in offset, một kỹ thuật tân tiến (và cũng đắt tiền) nhất thời bấy giờ. Trang bìa thường in hình vẽ của họa sĩ Vi-Vi về các đề tài khác nhau.

Nếu như trang đầu của tờ báo được thiết kế trang trọng thì ngược lại, trang cuối mang lại cho độc giả nhiều thú vị qua các câu chuyện bằng tranh màu nổi tiếng dịch lại từ tiếng nước ngoài, như truyện Tin-Tin, truyện Asterix Obelix, truyện của Walt Disney… Những truyện tranh này đã được chọn lọc rất kỹ trước khi đăng nên có chất lượng cao về nội dung giáo dục. Họa sĩ Vi-Vi cũng có góp phần vẽ minh họa một số truyện tranh Việt Nam.

Tác giả Làng Đậu trên talawas nhận xét như sau:

“Tờ Thiếu Nhi bỏ rất xa các tờ báo sau này được xuất bản dành cho thiếu nhi trong nước về cả chất lẫn phẩm, vì nó là tinh hoa cuả nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức, nghệ sĩ góp thành và đặc biệt nó lại không chịu bất kỳ một ảnh hưởng chính trị nào…”

Công việc làm ăn đang rất tốt đẹp sau hơn 20 năm cùng nhiều công việc ông Khai Trí đang dự định vẫn còn dang dở thì xảy ra biến cố 1975. Sau ngày định mệnh, nhà sách phải đóng cửa, rồi 1 năm sau đó, toàn bộ sách giá trị cả 1 đời của ông bị người ta đốt sạch vì tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ. Bản thân ông Nguyễn Hùng Trương cũng bị đi tù.

Năm 1991, ông Nguyễn Hùng Trương được con bảo lãnh sang Mỹ định cư. Tại hải ngoại, ông rất ngạc nhiên khi thấy tất cả những đầu sách của Khai Trí thực hiện trước năm 1975 bị người ta tái bản rồi phát hành, bán sách thu lợi một cách công khai mà ông không được ai hỏi ý kiến tới, dĩ nhiên là cũng không nhận được tiền bản quyền sách.

Khi đó ông Nguyễn Hùng Trương bị thiếu cả vốn lẫn nhân lực để gầy dựng lại Khai Trí tại nước ngoài, lại bị thất vọng khi thấy 90% sách của mình đang bị in lậu tại đây, nên ông quyết định hồi cư về nước chỉ sau 5 năm.

Những năm cuối đời, giường ngủ của ông vẫn chất đầy sách

Năm 1996, khi nghe nói nhà nước Việt Nam đang có chủ trương trả lại nhà cửa đã tịch thu sau năm 1975 nên ông Khai Trí về, đề nghị nhà nước trả lại cơ sở cho ông, cũng như xin lại 1 phần sở hữu nhà sách đường Lê Lợi, nhưng không thành. Những gì ông nhận được chỉ là 1 ngôi nhà cũ được xây từ thập niên 1930 trên đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Ông sống tại đây cho đến khi qua đời năm năm 2005, hưởng thọ 80 tuổi. Nguyện vọng của gia đình là tiền phúng điếu sẽ tặng cho quỹ từ thiện thành phố.

Đông Kha (tổng hợp)
nhacvangbolero.com

1 COMMENT

  1. Ngày xưa tôi cũng là 1 trong những người đến Khai Trí để đọc sách không mất tiền, nếu tin vào luật nhân quả của đạo Phật thì ông chủ nhà sách Khai Trí sẽ được hưởng nhiều Phước báu vì đã giúp bao nhiêu người mở mang kiến thức.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here