Chế Linh là danh ca lừng lẫy của dòng nhạc vàng Việt Nam từ trước năm 1975. Đến nay, ông là “cột trụ” cuối cùng còn lại của “Tứ trụ” nhạc vàng bao gồm các danh ca Duy Khánh, Nhật Trường, Hùng Cường và Chế Linh. Khán giả biết đến danh ca Chế Linh qua hình tượng của một người ca sĩ nổi tiếng, nhưng ít ai biết trước khi nổi danh thì ông từng một thời phải “ở ẩn” để nghiên cứu, tìm tòi cho mình một lối đi khác biệt trong làng nhạc thuở ấy.

Chế Linh là người gốc Chăm, sinh năm 1942 và bắt đầu hoạt động âm nhạc vào khoảng từ 1961 đến 1962. Trong thời kỳ mới bắt đầu bước vào con đường âm nhạc, Chế Linh từ giã vùng quê của ông để lên đến Sài Gòn tiếp tục việc học và lập nghiệp. Ban đầu ông phải đi đánh giày và bán báo để mưu sinh, sau đó may mắn được gia đình một người Hoa giúp đỡ cho tiền ăn và tiền học, ngược lại thì ông phải giúp việc nhà, nấu ăn và giữ con cho gia đình đó với mức lương khoảng 75 đồng một tháng.

Khoảng một thời gian sau, danh ca Chế Linh tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đoàn văn nghệ Biệt Chính và giành được danh hiệu “Nam ca sĩ xuất sắc nhất”. Sau đó ông đi theo đoàn hát Biệt Chính cùng với các nhạc sĩ như Trúc Phương, Châu Kỳ, Bằng Giang,…

Tuy nhiên 2 năm sau đó thì đoàn văn nghệ Biệt Chính tan rã, các nhạc sĩ như Trúc Phương, Châu Kỳ đều trở lại Sài Gòn, riêng danh ca Chế Linh thì ở lại Biên Hòa. Lý do không trở lại Sài Gòn là vì ông biết khi trở lại sẽ không thể phát triển được vì chưa có lối đi riêng của mình. Nếu vẫn hát lối hát cũ thì không thể bằng các giọng ca khác đã nổi tiếng ở Sài Gòn từ thập niên 1950. Vì lẽ đó, Chế Linh bắt đầu “lui về ở ẩn” để tìm một lối đi riêng cho mình trong âm nhạc.

Theo chính lời chia sẻ của danh ca Chế Linh thì ông tạm trú ở chùa Bửu Long và luyện giọng trong hang “Long Ẩn” vì ngại gây ồn ào cho người khác khi luyện giọng. Danh ca Chế Linh lúc đó phải nằm trên những sợi dây rừng trong hang Long Ẩn để luyện giọng. Trong thời gian ở chùa Bửu Long, ông làm công việc chở đá để xây dựng nhà cửa cho khu vực đó. Đồng hành cùng Chế Linh lúc này còn có nhạc sĩ Bằng Giang.

Một thời gian sau, nhạc sĩ Trúc Phương và Châu Kỳ đến và mời ông trở lại Sài Gòn hoạt động nghệ thuật. Trong khoảng thời gian “ở ẩn” đó, danh ca Chế Linh, với bút hiệu Tú Nhi, đã cùng với nhạc sĩ Bằng Giang sáng tác những ca khúc nổi tiếng sau này Đêm Buồn Tỉnh Lẻ, Bài Ca Kỷ Niệm, Đếm Bước Cô Đơn, rồi sau này là các ca khúc Đoạn Tái Bút, Mưa Buồn Tỉnh Lẻ…. Cũng chính trong thời đó, Chế Linh đã tìm ra được con đường riêng trong âm nhạc, đó là sẽ hát cho tình yêu đôi lứa, tình yêu của lính và hát dòng nhạc gần gũi với đời sống của người nghe nhạc phổ thông. Giọng hát của Chế Linh có sự mùi mẫn đặc trưng trong những ca khúc thời trang, đại chúng, dễ đi vào lòng người.

Con đường âm nhạc đó đã giúp ông trở thành danh ca như hiện nay, mà nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn từng gọi ông là “Chưởng môn của nhạc Boléro” vì có rất nhiều ca sĩ bị ảnh hưởng cũng như theo phong cách hát của ông khi thể hiện các ca khúc của nhạc vàng.

Sau khi “xuống núi” và trở lại Sài Gòn thì danh ca Chế Linh được gặp lại các nhạc sĩ Trúc Phương, Châu Kỳ, Mạnh Phát,… rồi được giao thể hiện rất nhiều ca khúc nổi tiếng. Ngoài ra thì nhạc sĩ Châu Kỳ cũng đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để giới thiệu tiếng hát Chế Linh.

Sau đó, Chế Linh được ký hợp đồng 1 năm với số tiền 800 ngàn cho hãng dĩa Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Khi Chế Linh hát mới được một số bài cho hãng dĩa này thì hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên lập tức mời ông về và ký hợp đồng 2 năm với số tiền 2 triệu thời bấy giờ và trả lại tiền hợp đồng cho bên hãng dĩa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Theo lời Chế Linh chia sẻ thì sau đó ông hợp tác luôn với hãng dĩa Việt Nam cho đến năm 1975.

Trong thời gian Chế Linh hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cũng chính nhạc sĩ này đã giới thiệu người học trò của mình là tiếng hát Thanh Tuyền để tác hợp nên cặp song ca vàng Thanh Tuyền – Chế Linh. Đó là vào năm 1967-1968, vì muốn tạo ra sự mới mẻ, tránh để khán giả cảm thấy nhàm chán với nghệ sĩ hát đơn ca nên Nguyễn Văn Đông đã đề nghị để Thanh Tuyền song ca thử với Chế Linh. Ca sĩ Thanh Tuyền kể lại rằng khi ấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đưa cho bà bài hát “Hái Hoa Rừng Cho Em” và đề nghị hát chung với một nam ca sĩ “mới”.

Đĩa nhạc đầu tiên, trong đó có bài hát này được tung ra thị trường và gây “sốt” một cách không ngờ. Tên tuổi của cặp song ca lan truyền với tốc độ ánh sáng và phủ sóng khắp làng nhạc vàng Việt Nam với hàng loạt ca khúc như: Tình Bơ Vơ, Phút Cuối, Con Đường Xưa Em Đi… Hai giọng ca, một sang sảng và cao chót vót, một trầm ấm ngọt ngào mà vang lồng lộng đã hòa quyện vào nhau mà không cần phải dụng đến kỹ thuật hòa âm phối khí cầu kỳ nào. Nhiều nhạc phẩm sau đó đã được soạn riêng cho cặp song ca vàng này.

Hiện nay “Tứ trụ” của dòng nhạc vàng chỉ còn lại tiếng hát Chế Linh. Đã qua tuổi 77 nhưng danh ca này vẫn miệt mài hoạt động nghệ thuật, đặc biệt Liveshow của ông luôn không đủ vé để bán. Có thể nói sự thành công của Chế Linh hiện nay cũng nhờ vào khoảng thời gian ông “ở ẩn” để tìm lối đi riêng trong âm nhạc, rồi trở thành tiếng hát thần tượng của rất nhiều khán giả giả trên mọi miền đất nước.

Bài: Trần Tuệ Minh Hiếu (tổng hợp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here