“đây lứa cỏ của mùa trăng thứ nhất
đưa anh vào trong cõi mộng xa xăm
giọt tinh huyết ngàn năm sau chưa mất
rừng đông phương mờ mịt dấu em nằm”
Những câu thơ trác tuyệt, thoát tục này là của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, người vừa ra đi ở tuổi 83 khi đang sống ở ngọn núi Phương Bối – Lâm Đồng trong suốt hơn 40 năm qua.
Để thương nhớ một thi sĩ kỳ tài của miền Nam trước 1975, xin nhắc đôi nét về lão thi sĩ mà hiện nay có lẽ không nhiều người biết đến.
Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là người được giới văn nghệ miền Nam trước năm 1975 gọi là một trong ba kỳ nhân của thời đó (hai người còn lại là Bùi Giáng và Phạm Công Thiện). Cuộc đời của ông dị thường, giống như những nhân vật quái dị trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Quái dị không phải chỉ ở ngoại hình, động tác mà chủ yếu là ở cách sống và hành xử không giống ai, đi ngược lại lẽ thường của cuộc sống.
Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn sinh năm 1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận, nguyên quán ở Thừa Thiên – Huế. Ông ừng theo học Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học và phát biểu rằng trường đại học này sẽ không bao giờ đào tạo được bất kỳ nhà văn hay nhà thơ nổi tiếng nào.
Sau đó ông làm thơ sớm với bút hiệu Sao Trên Rừng, tuổi còn trẻ nhưng đã chớm hoài nghi và thắc mắc những câu hỏi siêu hình. Trước năm 1975 ông mưu sinh bằng nghề dạy kèm tiếng Anh, ở trong chùa Tây Tạng (nay thuộc đường Thích Quảng Đức ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Tại đây, ông quen biết với một cô gái rất đẹp, là cháu của sư trụ trì chùa, tên là Nguyễn Thị Phượng, cũng là học trò tiếng Anh của ông.
Nguyễn Đức Sơn tỏ tình với bà Phượng bằng cách đứng bên cái giếng trong sân chùa, nói rằng nếu Phượng cự tuyệt thì ông sẽ nhảy xuống giếng… Thế là không lâu sau đó, Nguyễn Đức Sơn làm đám cưới với bà Phượng. Hôn lễ diễn ra tại chùa Tây Tạng với sự chứng kiến của vài người bạn văn nghệ như: Phạm Công Thiện, Bửu Ý…
Cũng như thơ Bùi Giáng, thơ của Nguyễn Đức Sơn rất đặc biệt, và nhiều bài tục, kiểu như:
“Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa đái mà hồn anh đã ướt”
Và còn nhiều câu thơ “kinh điển” hơn nữa. Tuy nhiên, như nhận xét của tác giả Thích Không Hạnh, nếu đọc những vần thơ tục của Nguyễn Đức Sơn mà chỉ thấy tục, không thấy cái gì khác, thì đó là điều bất hạnh đối với người đọc. Ông có rất nhiều bài thơ “thoát tục”, rất hay và đẹp, và được xưng tụng là tứ trụ thi ca của miền Nam cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Nghĩa là ông được đánh giá cao hơn rất nhiều bậc thi nhân nổi tiếng khác ở miền Nam.
Những giai thoại về tính cổ quái của Nguyễn Đức Sơn được kể lại rất nhiều, ví dụ như ông lăn cù trên bờ biển, rồi ngủ quên trên bờ biển, nửa khuya bị mưa ướt, thức dậy tự hỏi mình: “đã đời chưa con?”
Với những người có các hành động cổ quái như vậy, cũng giống như Bùi Giáng, nếu từ bên ngoài nhìn vào người ta sẽ bảo họ bị bệnh thần kinh và cần đưa đi nhà thương để chữa, nhưng có biết đâu rằng họ đang sống trong một thế giới riêng mà cõi nhân sinh trần tục không thể nào hiểu được. Một “người điên” thì làm sao sáng tác được những câu thơ huyền diệu đến như vậy:
một ngày đau khổ chín trong tôi
tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi
cây thả trái sầu trên nước lắng
mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi
thôi nhé ngàn năm em đi qua
hồn tôi cô tịch bóng trăng tà
trời sinh ra để chiều hôm đó
tôi thấy mây rừng bay rất xa…
Hoặc là:
Tôi dừng lại giữa năm mười sáu tuổi
một sáng hồng nghe nắng rụng tan hoang
tôi nằm xuống phập phồng hai lá phổi
sao mảnh đời đang chảy bỗng khô rang…
Xin trích một đoạn trong bài viết của Thích Không Hạnh để tóm gọn về thơ Nguyễn Đức Sơn:
“Thơ của cả 2 người Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn đều có khuynh hướng đi từ cái đẹp, cái trang nhã đến cái tầm thường, phàm tục. Người đọc không khỏi tiếc thương khi khuynh hướng ấy đã cướp đi những bài thơ hay mà đáng lẽ ra họ phải được thừa hưởng với tầm vóc của hai ông. Nhưng đó là sự lựa chọn của tác giả. Không phải ngẫu nhiên mà hai ông lại mang cả tài năng thiên bẩm của mình đi vào con đường “tăm tối” khác lạ với phần còn lại của thi giới đương thời.”
Xin trích một câu chuyện khác để nói lên tính cách cổ quái đặc biệt của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn lúc đã tròn 80 tuổi. Một hôm nhà báo Trần Trung Sáng lặn lội lên Phương Bối thăm và trò chuyện:
– Anh Sơn này, nhiều năm trước thỉnh thoảng tôi vẫn điện thoại nói chuyện với anh. Chuyện là thế này…, thế này… Anh còn nhớ không?
Ông cầm tay Trần Trung Sáng, siết chặt, gương mặt thể hiện sự chân tình, nói:
– Nhớ… Nhớ lắm chứ!
– Nhớ ra sao?
– Ông xích sát vào đây tôi nói cho nghe…
Rồi kê tay vào tai Trần Trung Sáng để thì thầm:
– Tôi nhớ… Cái mặt ông giống như cái lờ…
Nhà báo Trần Trung Sáng nhận xét: “Tới đoạn đó, thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa: nhà thơ quái dị này không chỉ khác thường trong sáng tạo thơ ca, mà ông cũng sẵn sàng phá phách trong mọi mối quan hệ của cuộc sống thường nhật.”
Sau khi cưới vợ năm 1967, cho đến năm 1975, thi sĩ Nguyễn Đức Sơn có 5 người con. Sau năm 1975 thì ông thất nghiệp vì nghề chính là dạy tiếng Anh đã không còn hữu dụng. Sống lay lắt được mấy năm ở Bình Dương, đến năm 1979 ông dẫn cả nhà lên núi Phương Bối ở Lâm Đồng để sinh sống. Vợ chồng ông có thêm được 4 người con nữa là 9 người, trong đó người con thứ 4 – Nguyễn Đức Vân (đại đức Thích Trí Lực) – nổi tiếng nhất vì có ngoại hình giống với cựu tổng thống Mỹ Obama.
Cái thời cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 ở Việt Nam mà nếu nhắc tới thì hẳn là ai đã từng sống qua cũng vẫn còn kinh hãi. Vì vậy một ông trung niên ngoài 40, dẫn bầy con nheo nhóc cùng người vợ ốm yếu lên núi Phương Bối để khai hoang làm nương rẫy, cực nhọc biết bao nhiêu mà kể xiết, cho thấy cuộc sống của ông túng quẫn như thế nào. Nhiều người biết chuyện đã trách ông đã bỏ phố lên rừng, để cho con mình thất học. Tuy nhiên phố đã phụ ông vì không thể mưu sinh được nữa. Trong lúc đó, rừng hoang sơ đã giang rộng vòng tay chào đón.
Phương Bối xưa kia là một vùng đồi rộng, tại đây thầy Thích Nhất Hạnh đã từng xây 1 thiền thất để tu tập. Nhưng đến năm 1979, khi cả nhà ông Nguyễn Đức Sơn rồng rắn kéo lên thì chỗ này đã thành nhà hoang, chỉ còn trơ 4 vách tường xi măng với mái tranh, vách ván, trở thành nơi ngụ cư của cả gia đình trong thời gian đầu.
Gia đình ông đến với rừng không phải là chỉ để khai hoang phá rừng như nhiều người sẽ nghĩ đến nếu đọc đến những dòng này. Nguyễn Đức Sơn được mọi người gọi là lão thi sĩ vạn thông, vì ông đã trồng đến 1 vạn cây thông cho rừng núi. Những người bạn cũng gọi ông bằng cái tên thân mật là “Sơn Núi”.
Tuy nhiên trong những năm đầu khó khăn ở chốn nước độc rừng thiêng, có một người con trai của ông hái ăn trúng nấm độc và không qua khỏi, gây cho ông một cú sốc lớn. Vợ thi sĩ (bà Phượng) cũng có lần lâm bệnh rất nặng.
Nhà văn Đào Hiếu trong bút ký “Người đàn bà trên đồi cỏ” có đoạn viết:
“Nguyễn Đức Sơn lấy cái mền cột túm hai đầu, luồn một cành cây vào giữa. Cùng với Nguyễn Đức Vân, hai cha con cáng mẹ băng rừng ra phố. Vừa chạy vừa khóc. Gai tre và cành cây cào xước mặt. Máu lẫn với nước mắt. Nhưng trời vẫn còn thương cha con chàng thi sĩ ngông cuồng. Phượng đã tỉnh lại. Ba hôm sau Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn lên ghé bệnh viện Bảo Lộc. Sơn Núi hỏi:
– Mày lên đây làm gì?
Sơn nhạc sĩ đáp:
– Thăm Phượng. Sao nỡ hành hạ người ta đến vậy?
“Sơn núi” bỏ đi. Trịnh Công Sơn ở lại với các con của Phượng. Có lẽ hôm đó là một ngày của năm 1982. Tôi không biết và các con của Phượng cũng không biết chính xác là ngày và tháng nào. Trịnh Công Sơn đã tặng cho gia đình Nguyễn Đức Sơn một số tiền khá lớn. Nó đã cứu Phượng và giành giựt Phượng khỏi tay tử thần”.
Từ khi lên Phương Bối, cả gia đình ông ăn chay trường, con ông hầu như đều tu tại gia. Khi con cái đã lớn thì ông sống riêng một mình trong một tịnh thất nhỏ làm bằng gỗ. Hình như không có bất cứ người nào bước chân vào, vì ông đái chung quanh góc nhà nói là để diệt mối. Nghe qua thông tin này, tôi lại nghĩ đến những nhân vật ẩn sĩ một mình nơi thâm sơn cùng cốc trong truyện võ hiệp Kim Dung, để tu luyện hoặc tìm kiếm những điều hư huyễn mà không ai có thể hiểu được.
Nay kỳ nhân Nguyễn Đức Sơn đã trở về cõi viễn mộng, xin chép lại những câu thơ mà ông đã viết từ thời trai trẻ, như là một dự đoán chính xác về cuộc sống gắn bó với rừng của ông trong nửa đời sau cùng:
“Một đêm sao ở trên rừng
Đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian
Hồn tôi cây cối liên hoan
Rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ
Tuổi vàng suối mộng trời thơ
Lớn lên tôi chết trên bờ hư không”.
Đông Kha (tổng hợp)
Nguồn: nhacvangbolero.com