Bài hát “Huế Xưa” là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất viết về xứ Huế, được sáng tác sau năm 1975. Từ trước tới nay, có nhiều sự nhầm lẫn và cả tranh cãi về tác giả thật sự của bài hát này.
Lời của bài hát Huế Xưa được mở đầu bằng câu hát:
Tôi có người em sông Hương, núi Ngự
Của lũy tre thôn Vỹ hiền từ
Của kinh thành cổ xưa thật xưa...
Ở gần cuối bài là câu hát:
Tôi đã lạc em trong cơn biến động
Để tháng năm hai đứa lạnh lùng…
Không nói thì ai cũng biết, “cơn biến động” đã làm đôi lứa bị lạc nhau là cơn biến động nào rồi.
Hồi thập niên 1990, 2000, có rất nhiều ca sĩ trong nước hát bài này và phát hành ra thị trường, trong đó có ca sĩ Vân Khánh, Thu Hiền, Cẩm Ly… Tất cả các ca sĩ này đều ghi tác giả sáng tác bài Huế Xưa trên bìa đĩa là nhạc sĩ Châu Kỳ.
Bìa đĩa của Vân Khánh và Cẩm Ly phát hành ở trong nước, đều ghi Huế Xưa do Châu Kỳ sáng tác.
Còn ở hải ngoại, người hát bài Huế Xưa đầu tiên có lẽ là ca sĩ Thiên Trang hồi thập niên 1980, lại ghi tên tác giả là nhạc sĩ Anh Bằng. Năm 1995, ca sĩ Thanh Lan có hát bài này trên Đĩa nhạc Asia số 10 chủ đề Gửi Người Một Niềm Vui, lúc đó MC giới thiệu bài hát này là của nhạc sĩ Lê Minh Bằng.
Huế Xưa – Thiên Trang hát
Khi tra cứu bài hát Huế Xưa trên danh mục những bài hát được cấp phép phát hành trên trang web của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn của bộ VHTTDL, trang này liệt kê tới 2 bài Huế Xưa khác nhau, 1 bài của nhạc sĩ Châu Kỳ, 1 bài của nhạc sĩ Anh Bằng. Hẳn chúng ta đều biết thật ra 2 bài này chỉ là 1.
Có đến 2 bài Huế Xưa trên trang web của Cục NTBD
Vậy rốt cuộc bài hát này của Châu Kỳ, của Anh Bằng hay là của nhóm Lê Minh Bằng?
Hầu hết các ca sĩ khi hát bài Huế Xưa ở trong nước hồi trước năm 2010 đều ghi tên nhạc sĩ là Châu Kỳ.
Khi Thiên Trang sang đến hải ngoại, đích thân nhạc sĩ Anh Bằng mời cô về Asia cộng tác, ông cũng chỉ dẫn thêm cho Thiên Trang về âm nhạc. Lúc đó nhạc sĩ Anh Bằng đã thực hiện cho Thiên Trang 1 cuốn nhạc toàn những bài do ông sáng tác, đó là băng Asia 31 chủ đề Tình Khúc Anh Bằng (xem hình bên dưới).
Như vậy, một cách trực tiếp, nhạc sĩ Anh Bằng đã thừa nhận bài hát Huế Xưa là của ông sáng tác. Gia tài âm nhạc của ông thật đồ sộ, không có lý do nào Anh Bằng lại nhận vơ thêm bài hát của nhạc sĩ Châu Kỳ thành của mình. Trong khi đó, lúc sinh thời, nhạc sĩ Châu Kỳ cũng chưa bao giờ thừa nhận là ông sáng tác bài hát Huế Xưa.
Băng nhạc Thiên Trang do nhạc sĩ Anh Bằng và trung tâm Asia thực hiện có bài hát Huế Xưa
Vào thập niên 1990, nhạc của Anh Bằng vẫn bị cấm tuyệt đối tại Việt Nam. Vì vậy khi các ca sĩ phát hành bài Huế Xưa ở trong nước, họ bắt buộc phải để tên một nhạc sĩ khác để lọt qua cửa kiểm duyệt, đó là lý do vì sao các bìa băng đĩa trong nước lúc đó đều để tên Châu Kỳ sáng tác Huế Xưa. Nhạc sĩ Châu Kỳ là một nhạc sĩ người Huế, nét nhạc của bài Huế Xưa cũng rất giống với phong cách sáng tác của Châu Kỳ, nên nhiều người đã nhầm lẫn ông là người sáng tác Huế Xưa.
Trường hợp này cũng giống với bài hát Thương Về Miền Trung của nhạc sĩ Duy Khánh, nhưng các ca sĩ trong nước vào những năm 90 đều điền tên nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác để được phép phát hành.
Đến năm 1995, khi trung tâm Asia của nhạc sĩ Anh Bằng đưa bài Huế Xưa cho ca sĩ Thanh Lan hát, MC lại giới thiệu bài hát này của Lê Minh Bằng sáng tác. Lê Minh Bằng là nhóm nhạc sĩ nổi tiếng bao gồm 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng. Bài hát Huế Xưa được sáng tác sau năm 1975, vì vậy sẽ không có sự tham gia của nhạc sĩ Minh Kỳ được vì ông đã qua đời ở trong nước từ hồi năm 1975. Vì vậy có thể bài hát Huế Xưa được nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác, có sự góp sức của nhạc sĩ Lê Dinh, nên MC mới giới thiệu đây là một sáng tác của nhóm Lê Minh Bằng.
Trung Tâm Asia ghi tên nhạc sĩ sáng tác Huế Xưa là Lê Minh Bằng
Nói tóm lại, bài hát Huế Xưa là một bài hát để đời của nhạc sĩ Anh Bằng (có thể có thêm nhạc sĩ Lê Dinh). Vì lý do kiểm duyệt ở trong nước hồi 30 năm trước, cộng thêm việc nhạc sĩ Châu Kỳ là người Huế, làm nhiều người nhầm tưởng bài hát Huế Xưa là của nhạc sĩ Châu Kỳ.
Thực tế là trong các chương trình nhạc vàng ở thời điểm hiện tại, ngay ở trong nước, giới biên tập cũng đã trả lại bài hát Huế Xưa về đúng với chủ nhân thật sự là nhạc sĩ Anh Bằng, chứ không ghi là của nhạc sĩ Châu Kỳ như hồi xưa nữa.
Đông Kha