Nhạc Vàng là những bài hát đã được sáng tác khoảng trên 50 năm, nên có những câu chữ, những nội dung được sử dụng vào thời điểm đó mà thế hệ sau không hiểu được. Bài viết này sẽ giải thích một số chữ và câu từ trong các bài nhạc vàng nổi tiếng. Khi hiểu được trọn vẹn nội dung bài hát, người nghe nhạc sẽ cảm thấy hay hơn, người hát cũng sẽ hát hay hơn.

…qua phên vênh có bao mái đầu…

Xóm Đêm là một ca khúc có giai điệu bolero hiếm hoi của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tuy là nhạc bolero nhưng màu sắc của bài hát khác hẳn với những ca khúc giai điệu bolero mà người ta hình dung. Bài hát này được sáng tác từ đầu thập niên 1950 và nổi tiếng qua giọng ca Thái Thanh cùng ban hợp ca Thăng Long (có sự góp giọng của chính tác giả). Đến nửa thế kỷ sau, khi ca sĩ Quang Dũng cover lại bài Xóm Đêm hồi đầu thập niên 2000, bài hát đã tạo thành một cơn sốt trong giới thưởng ngoạn, ở thời điểm nhạc trẻ đang làm mưa làm gió.

Những khán giả trẻ lúc đó đã ngơ ngác không biết nhạc sĩ Phạm Đình Chương là “nhạc sĩ trẻ” nào mà lại có một bài hát xuất sắc như vậy. Giá trị của một bài hát được khẳng định xuyên thế kỷ, xứng đáng với tên gọi là ca khúc vượt thời gian. Tuy nhiên khán giả thế hệ sau sẽ không thể nào hình dung được hình ảnh một xóm nghèo thời thập niên 1950 như thế nào, thế nào là “đêm khuya ngõ xâu”, “ánh điện câu”“phên vênh” là gì. Ca sĩ Quang Dũng đã hát sai câu hát “qua phên vênh có bao mái đầu” thành “qua chênh vênh có bao mái đầu”, làm cho câu hát trở thành tối nghĩa.

“Phên” là tấm che được đan bằng tre, những nhà nghèo thời những năm 1950 ở một xóm nhỏ nghèo, nhiều vách nhà được che bằng tấm phên (còn gọi là nhà vách nứa), lâu ngày mưa nắng làm tấm phên bị cong vênh lên tạo thành một khe hở, nhạc sĩ nhìn qua khe “phên bị vênh” ấy, thấy có những mái đầu trong 1 gia đình đông con chụm lại dưới ánh đèn “hắt hiu vàng ánh điện câu”.

Đêm khuya ngõ xâu như không mầu, qua phên vênh có bao mái đầu hắt hiu vàng ánh điện câu.

Câu hát đắt giá này có tới 3 chi tiết có thể gây khó hiểu cho khán giả trẻ. Nhiều người tưởng là “ngõ sâu”, nhưng thực chất là “ngõ xâu”, là câu hát ngắn gọn mô tả những ngõ hẻm trong xóm nghèo đan xâu chằng chịt vào nhau. Bấy giờ có khi cả xóm mới có một công tơ điện, mỗi nhà chỉ câu nhờ một bóng đèn vàng võ hắt hiu, nên tác giả gọi là “ánh điện câu”.

“dây tử thần không làm sờn chí nam nhi”

Trong bài hát Sáu Tháng Quân Trường của nhạc sĩ Khánh Băng, mô tả thao trường Đồng Đế có câu hát:

Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ, dây tử thần không làm sờn chí nam nhi…

Trong các quân trường huấn luyện gian khổ, thường có nhiều cái được gọi là “dây tử thần”, đó có thể là dây thép gai, đu dây vượt suối, đi thăng bằng dây trên cao…

Tuy nhiên theo những người đã từng được huấn luyện ở quân trường Đồng Đế, thì Dây Tử Thần là một đoạn dây cáp dài khoảng 1000m, nối từ hai ngọn tháp trên hai quả đồi không cao lắm. Khoảng cách giữa hai ngọn đồi có một cái hồ nước đường kính khoảng 12m. Hai bên bờ hồ theo chiều của dây cáp có đổ cát, mỗi bên dài khoảng 15m. Các tân binh tập luyện bằng cách nắm cái ròng rọc cho chặt rồi co giò phóng ra. Ròng rọc sẽ di chuyển trên sợi dây cáp theo sức nặng của người và độ nghiêng của dây cáp, có thể đi với tốc độ rất nhanh.

Khóa sinh đu người tòng teng và buông tay nắm cái ròng rọc cho thân mình rớt xuống hồ nước ở thế 90 độ của thân mình. Nếu buông tay không đúng lúc thì sẽ bị rớt vô mặt đất, có đá lởm chởm, hay rớt vô vùng cát, sẽ được xe cứu thương đậu chờ sẵn để… chở đi, tùy theo tình trạng chấn thương. Nếu buông tay đúng lúc nhưng lại buông không đúng tư thế, ngực sẽ bị vỗ xuống mặt nước, miệng sẽ ứa ma’u hoặc không thở nổi. Có một nhóm cấp cứu ngồi chờ ở gần hồ nước để vớt lên, làm hô hấp nhân tạo. Khóa sinh xếp hàng để từng người đi lên ngọn tháp. Có một sĩ quan Huấn luyện viên phụ trách đứng ở đó.

Dây Tử Thần chỉ là một trong vô số công cụ huấn luyện cho tân binh chuẩn bị tiến vào chiến trường còn gian truân hơn hàng ngàn lần.

…Mẹ Việt Nam ơi, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về…

Chế độ miền Nam tồn tại tròm trèm 20 năm (1955-1975), tuy nhiên từ thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, đã có nhiều nhạc sĩ viết về cái mốc 20 năm chiê’n tranh. Có một điều lạ là, khi họ viết các bài đó, cái mốc lịch sử 1975 chưa tới, vậy 20 năm là thời gian nào?

Chắc chắn đó không phải là mốc 1955-1975, đó là một quãng thời gian áng chừng của cuộc chiến. Thập niên 1960, chiê’n tranh đã lan rộng, cuộc chiê’n không phải bắt đầu từ những năm 1954-1955 mà đã bắt đầu từ trước đó rất lâu, từ thập niên 1940, cho đến thập niên 1960, cuộc chiê’n đã trải qua hơn 20 năm. Vì vậy nhạc sĩ Duy Khánh mới viết rằng: “hơn 20 năm chinh chiê’n điêu tàn, đau xót vô vàn…” trong bài “Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê” sáng tác vào khoảng năm 1965-1966. Nhạc sĩ Anh Bằng cũng nói “hơn 20 năm” trong bài hát “Ngoại Ô Buồn” sáng tác vào khoảng năm 1967 như sau: “Hơn hai mươi năm lửa binh tàn phá vùng ngoại ô lắm khổ đau…”

Còn nhiều bài hát khác nhắc về mốc 20 năm:

  • Hai mươi năm qua, lau mắt cho khô đi lệ nhòa… (Những Chuyện Tình Mong Manh – Mai Văn Hiền)
  • Mẹ Việt Nam ơi, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về… (Tám Điệp Khúc – Anh Việt Thu)
  • Hai mươi năm nội chiến từng ngày… (Gia Tài Của Mẹ – Trịnh Công Sơn)
  • Hai mươi năm sau, đón đợi thu vào tầm tay… (Rồi 20 Năm Sau – Trầm Tử Thiêng & Tấn An)
  • 7000 đêm góp lại – Trầm Tử Thiêng (7000 đêm, nếu nhân chia cộng trừ ra thì là bằng đúng 20 năm)

Hai mươi năm cũng là cái mốc của một đời người: Tuổi 20 của thanh xuân, của thời trai trẻ, là cái tuổi để trưởng thành. Đó cũng là ý nghĩa trong hai bài hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là “Rồi 20 Năm Sau” “7000 Đêm Góp Lại”.

Người mẹ 20 tuổi trong bài hát “Rồi 20 Năm Sau” ru đứa con trai ngủ, đón đợi 20 năm sau đó (rồi con lớn khôn 20 tuổi đời như mẹ ngày nay…), người con sẽ nối tiếp cha để “vui lên đường”. Với bài hát “7000 Đêm Góp Lại”, 7000 đêm là hai mươi năm để những người trai thành sử rạng ngờinhững người em thấm ngọt son môi. Qua 7000 đêm, họ sẽ trưởng thành:

Bảy ngàn đêm ta biết yêu rồi.
Em về với người, cho chị thêm vui.
Anh lớn khôn rồi, anh ra chiê’n trường cho mẹ anh thương.

Đông Kha
(nhacvangbolero.com)

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here