Năm 1913, “Hoàng đế Phan Xích Long” bị bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn sau cuộc khởi nghĩa bất thành.

Năm 1916, không ai biết làm thế nào mà cùng một thời điểm, ở khắp nơi trên toàn cõi Nam kỳ lại đồng loạt bùng nổ khởi nghĩa chống lại chính quyền thuộc địa.

Đào sâu nghiên cứu, một tác giả người Pháp tên là Georges Coulet đã nhận ra đây không thể là ngẫu nhiên, là sự bột phát của đám đông quần chúng mà phải có sự sắp xếp và tổ chức tinh vi. Từ đây mà ông tìm kiếm để bóc tách và tìm hiểu về hội kín ở xứ An Nam. Hai trong số những Hội kín đó chính là Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn.

Bài viết này được biên soạn lại từ cuốn sách Hội kín xứ An Nam của Georges Coulet.


 

Theo những ghi chép trong bút lục của công tố viên Tòa án Sài Gòn năm 1913, mọi việc bắt đầu từ 2 người An Nam sống ở làng Đa Phước (Chợ Lớn) tên là Nguyễn Hữu Trí, tức Hai Trí, và Nguyễn Văn Hiệp, cùng mưu đồ chống lại sự thống trị của người Pháp. Họ đã có một thời gian dài lên kế hoạch chống Pháp trước khi gặp Phan Phát Sanh (tên thật của “Hoàng đế” Phan Xích Long sau này).

Tháng 7 năm 1911, khi Trí và Hiệp buôn bán bắp ở Tân Châu (Châu Đốc) đã gặp một người đàn ông trẻ đóng giả thầy thuốc – phù thủy có quyền năng siêu nhiên, đó chính là Phan Xích Long, mang trên ngực mặt dây chuyền vàng được khắc “Người thừa kế nối nghiệp”, tự xưng là Hoàng đế, hậu duệ vua Hàm Nghi và muốn làm cuộc khởi nghĩa chống Pháp.

Thầy phù thủy ở An Nam xưa (ảnh minh họa)

Ba người tụ họp cùng nhau, bàn cách tiêu diệt người Pháp và giải ách cho người Việt Nam. Phan Phát Sanh, tự gọi mình là Lạc, đã bàn với 2 người kia về việc dựng lên một người để thờ phượng như là Phật sống. Ông cho rằng dân Việt đa số là Phật tử, bằng cách đó sẽ lôi kéo được nhiều người tin theo và đóng góp tài vật cho cuộc nổi dậy. Họ bàn nhau tìm một người già lang thang ở Chợ Lớn, là nơi dân cư đông đúc thời đó.

Hai tháng sau đó, Trí và Hiệp chọn được một ông già tên là Nguyễn Văn Kế, đang sống tạm bợ trên cầu thang tòa nhà P. T. T., Chợ Lớn, dựng lên làm “Phật sống”. Ngày 11 tháng 10 năm 1911, Hai Trí và Nguyễn Văn Hiệp mang “vị Phật sống” này về làng Đa Phước (Chợ Lớn). Người dân kéo đến chiêm ngưỡng “Phật sống” rất đông, nhưng chính quyền sau khi nhận tin báo đã chặn bắt trước cả ba người, đưa về Chánh tham biện Chợ Lớn. Tuy nhiên rất nhanh sau đó cả ba người đều được thả ra vì thiếu bằng chứng kết tội.

Sau vài ngày lang thang, “Phật sống” Nguyễn Văn Kế tiếp tục được dựng lên lại vào ngày 15 tháng 10 năm 1911 bởi các tín đồ ở số 70 đường Thuận Kiều, gần Bệnh viện thành phố ở Chợ Lớn (nay là bệnh viện Chợ Rẫy). Tại đây Hai Trí đã dùng “Phật sống” để thu hút mọi người lui tới và quyên góp tiền bạc.

Công cuộc khởi nghĩa chống chính quyền bắt đầu thành hình những bước đầu tiên với việc thành lập một hệ thống cấp bậc và chức sắc được tuyển ra trong số những người đầu tiên tôn thờ Phật sống.

Xếp sau ông “Phật sống” này là Hiệp – Trí là hai thủ lãnh và Hương chủ Phước, một thầy thuốc ở làng Long Hậu Tây (Chợ Lớn) mang tinh thần chống Pháp quyết liệt, đã đem cả gia đình tham gia vào cuộc bạo động, cũng là người đóng vai trò trong việc làm bom tự chế. Những người này có thể xem là các thành viên tích cực nhất của hội. Phía dưới còn có Hương sư Tài (Nguyễn Văn Tài), người làng Đại Nhứt (Tân An), cùng hai con trai là Nguyễn Văn Của và Nguyễn Văn Tiên; Nguyễn Văn Ngọ, tức Hương trưởng Ngọ, giữ vai trò chủ đạo trong việc kêu gọi nông dân kéo nhau lên Chợ Lớn vào ngày 28 tháng 3; và cuối cùng là Nguyễn Văn Tám, giữ một vai trò quan trọng trong cuộc bạo động diễn ra ở Kampot. Sau các vị chức sắc lớn này là con trai của “Phật sống”, tên Nguyễn Văn Mang, tức Tư Mang, cựu công nhân xưởng tàu và một người con trai khác tên Ba Mùa ở Gia Định.

Thật không may, cuộc khởi nghĩa chưa kịp tiến hành thì “vị Phật sống” chết đột ngột vào tháng 2 năm 1912, chỉ sau khoảng 100 ngày được dựng lên. Các thành viên ban tham mưu bị rối loạn hoàn toàn. Trí chợt nhớ tới những kế hoạch và tham vọng mà Phan Xích Long từng nói tới ở Tân Châu, bèn tuyên bố với các chức sắc:

“Đức Phật rời vỏ trần thế của mình, nhưng trước khi lên trời đã kịp tiết lộ với tôi nơi tìm thấy vị Hoàng Đế thực sự”.

Theo chỉ thị của hội, Tư Mang đứng tên mở một tiệm cho thuê và sửa xe đạp ở số 12 đường Thuận Kiều. Bàn thờ của ông “Phật sống”, tức cha của Tư Mang cũng được dựng lên và cả hội tiếp tục thực hiện các nghi lễ cúng bái, xưng tụng “Phật sống” tại đây. Ngôi nhà này sau đó được xem như Tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa Phan Xích Long.

Thu xếp xong chuyện “Phật sống”, Trí và Hiệp giao lại tiệm cho Hương chủ Phước, Hương sư Tài, Hương trưởng Ngọ, Tám và Tư Mang quản lý, rồi đi Battambang (Cao Miên) để gặp “kẻ thừa kế vương nghiệp” Phan Xích Long, với mục đích đề nghị ông trở về dẫn dắt cuộc khởi nghĩa.

Sau lần gặp Trí và Hiệp ở Châu Đốc, Phan Xích Longđã sang Kampot, một tỉnh của Cao Miên giáp với An Nam trong vai trò một vị sư ẩn tu trên núi, có khả năng chữa bệnh và làm phép, nhằm thu hút sự chú ý của những tín đồ cả tin. Đến cuối năm 1911, một người tên Nhiều ở Battambang có đứa con bị bệnh, nên đã sang Kampot rước Phan Phát Sanh về nhà mình nhờ chữa bệnh cho con. Phan Xích Long đã sống với gia đình ông Nhiều suốt từ đó cho đến tháng 8 năm 1912 thì Trí và Hiệp tìm tới.

Theo lời đề nghị của Trí và Hiệp, Phan Xích Long đồng ý trở về Chợ Lớn làm lãnh tụ khởi nghĩa. Ông cũng đồng thời vạch ra và bàn bạc với các chiến hữu việc triển khai những kế hoạch hành động cụ thể mà ông đã ấp ủ từ lâu.

Phan Xích Long tự cho mình là người có sức mạnh siêu nhiên (hoặc là ông đã tự kỷ ám thị rằng mình thật sự có phép thuật). Sau này khi bị bắt ở Phan Thiết, cảnh sát đã phát hiện ông mang theo trong người những quyển sách phép thuật, trong đó chỉ dẫn cách triệu tập những chiến binh từ địa ngục, chui từ dưới mặt đất lên để tham gia khởi binh chống Pháp hoặc hướng dẫn những bùa phép để làm cho mình trở nên tàng hình khi lâm trận. Một cuốn sách phép thuật khác lại ghi chép những câu thần chú nhằm cầu gọi 5000 tỉ thiên binh xuống trần giúp đỡ cho cuộc khởi nghĩa, các thiên binh với pháp thuật vô biên có thể biến thân hình sáu đầu của họ mọc thêm cả nghìn tay chân.

Trong quá khứ luôn có các truyền thuyết về việc các Hoàng đế lên ngôi, giành lại thiên hạ nhờ sự giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên hay các vị thần phò trợ, điều này có lẽ đã truyền cảm hứng cho “hoàng đế” Phan Xích Long. Không thể phủ nhận khả năng thuyết phục đám đông của ông để làm cho công chúng tin theo, một khả năng đặc biệt thường có ở các vị thủ lãnh.

Để tiến hành cuộc khởi nghĩa, tiền là vấn đề quan trọng cần nghĩ đến. Những buổi quyên góp trong ngôi nhà ở Thuận Kiều không thu được con số khả quan. Các chức sắc trong phong trào bèn nghĩ ra nhiều cách khác để có tiền. Trong biên bản hỏi cung những người đứng đầu cuộc khởi nghĩa Phan Xích Long, họ cho biết có 2 cách chính để thu được nhiều tiền quyên góp.

Cách thứ nhứt là quyên góp tiền để xây chùa, đặt chùa này trên sườn núi Tượng bên Kampot. Vì sao lại xây ở xa như vậy? Đó là vì không có mấy người Việt ở Chợ Lớn có đủ thời gian để sang tận Kampot kiểm tra xem tiền của họ được xây chùa ra sao. Ngoài ra, nơi đây còn là một địa điểm “sân nhà” thân thuộc đối với Phan Xích Long, để khi lâm sự, có thể sử dụng như một tổng hành dinh cho các lãnh đạo tụ họp. Trong bản cáo trạng của người Pháp khi xét xử phong trào khởi nghĩa Phan Xích Long, có nói rõ về ngôi chùa này như sau:

‘Chùa này có đủ thứ lý do cho việc đóng góp nuôi dưỡng quỹ bạo động; nó cũng tổ chức thành một nơi chờ đợi hoặc ẩn náu và cho phép thực hiện một số lễ nghi khấn thề trung thành’, và ông nói về chùa như sau: ‘Nó được xây dựng cách Kampot 8km, ở nơi khó khăn tiếp cận, trên sườn Núi Tượng. Viếng thăm tòa nhà này mới thấy nó không giống một ngôi chùa cho lắm, có những điều bất thường, đó là sự tồn tại những đồ tiếp liệu quan trọng và một số lượng lớn quần áo trắng, tương tự những chiếc áo của tám công nhân tại đó. Ngôi chùa ngoài lời đề tặng ‘Rồng Nam bất tử’ còn mang những cái tên rất đáng ngờ như ‘Đền hộ quốc và Đền linh ứng đế quyền’. Giấy phép xây dựng chùa được xin ngày 1 tháng 10 năm 1912, do một người An Nam tên Nguyễn Hữu Trí, đã chạy trốn và bị Minh Kỳ tố giác cùng lúc với Hiệp tại Tòa tham biện Kampot. Ngày 19 tháng 12 sau đó, một đơn xin nhượng khu đất rộng lớn gần ngôi chùa được trình lên nhưng sau không được duyệt, đơn này do một thanh niên tự xưng là Lạc nộp, người về sau nổi danh với tuyên bố mình có huyết thống hoàng gia và mạo xưng con trai Cựu hoàng Hàm Nghi. Lạc này không phải ai khác ngoài bị cáo Phan Phát Sanh. ”

Cách thứ 2, những người đứng đầu phong trào này đã loan truyền những tin đồn về ngày tận thế. Họ tô vẽ ra viễn cảnh trái đất sẽ đảo lộn, sông và núi sẽ đổi chỗ cho nhau, dịch bệnh hoành hành, đại bàng sọc đến từ ma giới sẽ nuốt chửng các nạn nhân. Để tránh tai họa, chỉ những người tin theo học thuyết của Hoàng Đế mới được cứu. Họ ăn chay, mặc quần áo trắng và bỏ tiền mua bùa của ủy ban khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long chính thức nổ ra vào năm 1913, các tài liệu sau này đều ghi rằng Phan Xích Long lãnh đạo Thiên Địa hội để dấy binh chống Pháp. Tuy nhiên khi kiểm chứng lại các tư liệu lịch sử được văn khố ghi lại thì sự thật không hoàn toàn là như vậy. Thiên Địa hội chỉ tham gia một phần trong cuộc bạo động giải cứu Phan Xích Long sau khi ông bị bắt giam trong Khám Lớn vào năm 1916. Khi đó, không chỉ có Thiên Địa hội mà còn rất nhiều hội kín khác cùng tham gia cuộc tấn công vào Khám Lớn để cứu Phan Xích Long sau lời hiệu triệu của Nguyễn Hữu Trí. Còn cuộc bạo động năm 1913 hoàn toàn là do các thành viên hội kín mang tên Phật Tế do Nguyễn Hữu Trí đứng đầu, và những hội viên này được lôi kéo bằng các hình thức như đã nói ở trên.

Theo kế hoạch ban đầu, ngày 24/03/1913 được ấn định là ngày khởi đầu cho cuộc nổi dậy chống Pháp. Trước đó, ngày 21/3, Phan Xích Long sẽ đi Phan Thiết, lên một vài núi quanh vùng để cầu nguyện. Khi trở xuống, Phan Xích Long sẽ xuất hiện trong trang phục hoàng đế, đồng thời lúc này những người lãnh đạo còn lại ở Sài Gòn – Chợ Lớn sẽ khởi sự cuộc nổi dậy, tập hợp dân quân và ném bom các cơ quan chính quyền. Tuy nhiên không may là những người lãnh đạo này đều bị bắt trước khi kịp hành động, Phan Xích Long bị bắt ở Phan Thiết trong một tình huống khá hài hước, còn Nguyễn Văn Hiệp thì bị mật thám Pháp tại Cao Miên bắt giữ khi đang ở Kampot.

Diễn biến cuộc khởi loạn năm 1913 theo tư liệu được ghi trong cáo trạng của Tòa án như sau:

Để thực hiện kế hoạch bạo động, đầu tiên cần phải chế tạo vũ khí là gươm và đặc biệt là bom, thứ mà Phan Xích Long đã được học qua khi còn nhỏ tại Thái Lan. Thủ lãnh Nguyễn Hữu Trí đã thuê một thợ rèn tên Ngô Văn Đặng sản xuất ít nhất tám mươi thanh gươm, chia thành bốn bó quấn trong vải chia cho các thủ lãnh. Số gươm này được đặt làm vào khoảng tháng 2 năm 1913 và được giao vào tháng 3, vài ngày trước thời điểm dự kiến đặt bom là ngày 24/03/1913. Để sản xuất bom, nhóm nghĩa quân thuê một nhà xưởng khá lớn ở Bình Hòa (Gia Định) làm mũ đồng và kim hỏa (để gắn vào bom tự chế). Tất chỉ chi phí này đều được lấy từ quỹ hội, do hội viên quyên góp.

Thời điểm đó, chính quyền thuộc địa cấm sản xuất, buôn bán, sở hữu và vận chuyển vũ khí, hộp đạn, thuốc nổ hoặc đạn dược trái phép. Vì vậy nghĩa quân Phan Xích Long không thể tiếp cận được với loại vũ khí đắc dụng này. Họ chỉ có thể mua gươm và dự định dùng nó để tấn công vào các đồn lính vũ trang để cướp vũ khí.

Ngoài ra, thuốc súng còn được những người là chức sắc trong nghĩa quân mày mò chế tạo. Trong số họ có Nguyễn Văn Tài (tức thầy Huê) và Phước, đều là thầy thuốc và thầy nho, dễ dàng tìm ra công thức chế thuộc súng trong sách hóa học cũ của Trung Hoa.

Việc chế tạo bom được thực hiện bí mật thông qua rất nhiều người, mỗi người làm một khâu, hoặc thuê người làm, độc lập với nhau để tránh bị chính quyền phát hiện, sau đó mới được tập trung lại để lắp ghép trên một chiếc thuyền đậu trên rạch Tàu Hũ gần cầu Chà Và, vào lúc giữa đêm (cũng vì chúng được lắp trên thuyền nên đã bị ướt, dẫn tới việc một số trong đó không nổ đúng như kế hoạch). Tổng cộng có 10 quả bom kích thước lớn được lắp ráp, các thủ lãnh phong trào đã ấn định thời điểm hành động là đêm 23, sáng 24 tháng 3 năm 1913.

Những quả bom này được kích hoạt nổ chậm, đặt ở một số cơ quan chính quyền tại Sài Gòn và Chợ Lớn, đồng thời người trong hội kín đã chia nhau đi rải truyền đơn và dán bản hịch trong thành phố. Những tờ đơn ghi lời hiệu triệu của Hoàng đế Phan Xích Long, được rải trên các đường phố Sài Gòn và Chợ Lớn cũng như trong các chợ và nhà hội đồng ở thôn quê. Đó là những tuyên ngôn chống chính phủ đã lan toả rộng rãi trong các tỉnh Tân An, Gò Công, Sóc Trăng và Mỹ Thơ, rải khắp các đường lộ từ Nam kỳ cho đến tận Phnom Penh. Trong lời tuyên ngôn đó cho biết Phan Xích Long chính thức lên ngôi Hoàng đế và thách đố vũ khí của Pháp, đồng thời kêu gọi các nhà buôn nước ngoài và ở các chợ hãy cẩn thận và rời khỏi để tránh một cuộc chiến lớn sắp xảy ra, hãy đổi các giấy tờ giao dịch ra tiền mặt. Cuối tờ tuyên còn có câu: “Chúng ta hãy đứng lên, giành lại đất nước của chúng ta”.

Bởi vì việc tổ chức quá lỏng lẻo, chính quyền dễ dàng phát hiện ra sự việc nhờ đọc được các tờ rơi tuyên truyền và phát hiện, vô hiệu hóa các quả bom (1 số bị đã bị ướt) vẫn chưa được kích nổ đặt ở ở các điạ điểm trọng yếu: cạnh tường của công viên dinh Thống đốc, ở trại lính đầm Ô – ma (Camp des mares), ngay góc bến thương mại (Bạch Đằng) và đại lộ Charner (Nguyễn Huệ), bom đặt khoảng 10cm cách đường rầy xe điện tramway, ngay ngã tư gần khám lớn Sài Gòn, ở thành phố Chợ Lớn bom đặt ở dinh kiểm tra (Inspection, dinh tham biện, cạnh bên toà thị sảnh thành phố Chợ Lớn) và ở các chợ.

Mỗi quả bom này chứa khoảng sáu ký thuốc súng, một ký đạn, ngòi thuốc nổ bằng chất Ferro-cerium và nặng từ 14 đến 16 ký, mặc dầu không hoàn hảo nhưng không kém nguy hiểm. Các trái bom ở Chợ Lớn vì ướt nên không nổ được. Đại uý cảnh sát Madec đã cho làm nổ một quả bom, còn các bom khác được tháo gỡ. Theo ông Madec thì những quả bom này rất nguy hiểm, “không còn nghi ngờ gì về sự nghiêm trọng của các hiểm hoạ tai nạn làm chúng nổ, nhất là giữa đám đông”.

Nhà cầm quyền ra lệnh truy lùng những người tổ chức bạo động, nhiều người đã kịp rút khỏi Sài Gòn – Chợ Lớn, tuy nhiên có 5 trong số những thủ lãnh phong trào đã bị bắt khi nhà cầm càm khám xét căn nhà số 12 đường Thuận Kiều. Ngoài ra còn phát hiện trong nhà có chứa khoảng 15 mã tấu và một thanh kiếm, rất nhiều cờ hiệu của cuộc nổi dậy, các áo làm lễ, văn bằng phong tước hiệu, danh sách các cấp bậc đã được thảo ra, và một tài liệu chỉ định cờ hiệu cho mỗi vùng lúc cuộc nổi dậy xảy ra: cờ vàng cho vùng Chợ Lớn, cờ có hình rồng cho Gia Định, cờ đỏ cho sáu tỉnh Nam Kỳ và Kampot, và cuối cùng là cờ đen trên các núi.

Lục soát kỹ lưỡng nhà của Tư Phát – một trong các thủ lãnh, còn thấy các con dấu triều đình giả hiệu, các khuôn để làm bùa, các bản thảo về chiêm tinh học và nghệ thuật huyền bí, và cuối cùng là danh sách những người đóng tiền tham dự vào âm mưu nổi dậy và danh sách chi tiêu.

Ngay dưới giường ngủ của Phan Xích Long có một thùng ngòi thuốc nổ làm bằng Ferro-cerium, giống y như các ngòi nổ dùng cho mấy quả bom đã bị phát hiện. Trong danh sách những người đóng tiền cho tổ chức Phan Xích Long có một người Hoa tên là Hứa Long, tự Song Tôn, đóng số tiền lớn 1.500$. Hứa Long đã nhận từ hương sư Tài giao cho cờ hiệu cách mạng, với ý định sẽ dùng trong ngày nổi dậy để người Hoa của 7 bang sẽ tụ tập chung quanh cờ hiệu mang chữ “Thất Phủ” này. Vì vậy, vai trò của Hứa Long rất là quan trọng trong sự liên hệ giữa tổ chức Phan Xích Long với cộng đồng người Hoa, trong đó có Thiên Địa hội. Chính Hứa Long cũng đã dán hai tuyên ngôn nổi dậy ở các chùa chính của người Hoa Trong Chợ Lớn.

Ngoài ra, trong danh sách góp tiền cho phong trào Phan Xích Long còn có các quan chức người Việt như ông Đặng Tấn Sao, cựu hương trưởng làng Tân Trạch đóng 280$, 1 lượng và 5 chỉ vàng, số vàng này để làm đồ trang sức cho hoàng đế Phan Xích Long. Và quan trọng nhất là ông cựu hội đồng tỉnh, Nguyễn Văn Tâm, đã lớn tuổi, 67 tuổi tự là Phước Viên Tâm đã đóng 3.720$. Khi được cảnh sát thẩm vấn, ông Tâm cho rằng mục đích của mình chỉ là niềm tin tôn giáo chứ không biết gì về cuộc khởi loạn của phong trào.

Quả bom nổ được xem là một tín hiệu cho một cuộc tổng khởi nghĩa đối với những người đã được vũ trang, nhưng bom đã được vô hiệu hóa nên nhóm nghĩa quân chính thức có vũ trang đã không ra mặt. Ngược lại, một số lượng lớn nông dân từ Tân An và vùng ven Chợ Lớn thì vẫn kéo nhau lên Chợ Lớn để xem “Hoàng đế Phan Xích Long” đánh Pháp bằng phép thuật, theo lời kêu gọi của những người lãnh đạo trong nghĩa quân. Và họ dễ dàng bị cảnh sát bắt vì cách ăn mặc giống nhau.

Cáo trạng của tòa án lúc đó ghi lại như sau:

“…có khoảng 600 nông dân đến từ các tỉnh Tân An, Chợ Lớn đã đi xem Hoàng đế Phan Xích Long hạ thế và chiến đấu chống Pháp, đó là vào ngày 28/3/1913. Tất cả họ mặc quần áo vải trắng mới tinh, hầu hết quấn khăn xếp, một khăn trắng, thắt theo kiểu đặc biệt trước trán như một dấu hiệu tập hợp.

Trước khi trời sáng, họ từ từ đổ vào thành phố theo từng nhóm nhỏ. Họ không có vũ khí, nhưng dường như có niềm tin về sự kiện phi thường và chắc chắn nào đó. Sau khi bị cảnh sát bắt và thẩm tra, gần hai phần ba trong số họ đã phủ nhận điều đó và đưa ra nhiều giải thích khác nhau. Còn những người khác, họ khai rằng đã đến Chợ Lớn dưới sự sắp xếp của Hương trưởng Ngọ, từ làng Tân Trạch, là một thầy thuốc kiêm thầy phù thủy, và là một người tuyên truyền chống Pháp đã bị mật thám theo dõi từ lâu. Trong số những người bị bắt, rất nhiều người đã đưa tiền cho Ngọ để mua những lá bùa hộ mệnh. Trong số những lá bùa này một số đã bị cảnh sát tịch thu, nhưng đa số các bùa hộ mệnh đã được đốt ra tro và uống. Theo Ngọ, những bùa hộ mệnh có tác dụng làm họ tàng hình và “gươm đạo bất hoại”, súng đạn không xuyên được vào cơ thể.

Ngọ đã hẹn tất cả nông dân này ở Chợ Lớn vào sáng 28 tháng 3 tới xem Hoàng Đế Phan Xích Long hạ giới và tiến hành chiến tranh chống Pháp với sự hỗ trợ của những thế lực siêu nhiên. Họ hy vọng sẽ được nhìn thấy đội quân từ hỏa ngục và các thiên binh thiên tướng kéo nhau về đánh Pháp.”

Như vậy, bên cạnh một đội quân chính thức có vũ khí, thì đội ngũ nông dân ngây thơ và tin người này được dẫn dụ như là một đội quân dự bị để làm cho thành phần quân khởi nghĩa trở nên đông đúc. Họ tham gia bạo động không bằng gươm giáo, mà là bằng bùa chú, với niềm tin tưởng thật sự vào nó.

Lãnh đạo chủ chốt của nghĩa quân là Nguyễn Hữu Trí chạy thoát về vùng Thất Sơn, trong khi đó Nguyễn Văn Hiệp bị bắt ở Kampot, và Hoàng đế Phan Xích Long bị bắt ở Phan Thiết, như đã nói ở trên.

Một bài viết của công tố viên vụ án có tựa đề là Le Complot de Saigon – Cholon (Âm mưu ở Sài Gòn – Chợ Lớn), trên tạp chí luật Revue dé grands proces contemporains (phê bình về các vụ án lớn hiện đại) năm 1914 đã ghi chép về cuộc chạy trốn cảnh sát của Phan Xích Long như sau:

Từ Sài Gòn ra tới Phan Thiết, Phan Xích Long mặc bộ đồ sang trọng với nhiều trang sức đi trên đường phố và có rất nhiều tiền tiêu xài, điều này làm cho cảnh sát nghi ngờ và phải hỏi giấy tờ Phan Xích Long. Trên người Phan Xích Long lúc đó chỉ mang một tờ giấy thông hành với tên giả là Lạc. Lúc đó viên cảnh sát tên là Benoit không biết Long có phải thuộc giới ăn chơi nhàn rỗi hay không, thì một người đi đường nói lớn lúc đi ngang qua là anh Long quên mang theo lệnh, Long chỉ mỉm cười trả lời là người đi đường phóng đại.

Nhưng sau đó cảnh sát đến khách sạn khám xét thì thấy rằng Long thực sự không phải là một người vô hại. Họ tìm thấy bên trong vali của Phan Xích Long, ngoài các bộ đồ lộng lẫy, còn có các đồ trang sức bằng vàng to lớn có khắc các chữ mang ký hiệu hoàng gia. Những chữ khắc này, lúc thì đề cập đến hoàng đế Phan Xích Long, lúc thì có đoạn nói về đế chế nhà Minh. Phan Xích Long có mang theo một thanh kiếm với các chữ khắc đặc trưng, ghi trên đó là: trước hết phải đánh đổ ông vua bất công, kế đó là đánh các thượng thơ phản loạn. Còn có một con dấu khác mang tên hoàng đế Phan Xích Long, ghi là trời đã ban con dấu ngọc thạch này cho ông. Ngoài ra còn có một vòng tay đeo khắc tên Phan Xích Long trị vì nước Trung Quốc, vòng tay đeo này được nhân dân dâng tặng. Tất cả thứ này đều rất bất thường và đáng ngờ.

Trong các giấy tờ tịch thu từ Phan Xích Long, ngoài những câu thần chú nhằm mang lại chiến thắng trong các trận đánh, có sự hỗn lộn thông tin về vương quốc An Nam, hoàng đế Phan Xích Long và triều đại nhà Minh trong các tư liệu này. Triều đại nhà Minh không hề có liên quan gì đến những đồ trang sức và các dấu ấn này. Điều này chứng tỏ có sự liên quan hay ảnh hưởng từ Thiên Địa hội, phản Thanh phục Minh, những hoạt động và tư tưởng của Phan Xích Long thể hiện qua những thông tin trong các tư liệu trên mình Phan Xích Long.

Khi bị tra hỏi, Phan Xích Long không nói mình muốn chiếm đoạt ngai vàng nhà Nguyễn, và nói rằng các thứ đồ quý báu trang sức này được đào lấy từ các mộ đào được ở Huế. Tiếp theo khi bị tra hỏi cặn kẽ, Phan Xích Long nói là ông đã tìm thấy các đồ này ở trong một hang động. Phan Xích Long khai mình là anh của vua Duy Tân (Khi còn ở Kampot, Phan Xích Long nói mình là con vua Hàm Nghi)…

Hai nhân vật chủ chốt của phong trào là Phan Xích Long và Nguyễn Văn Hiệp bị bắt giam ở Khám Lớn, trong khi đó Nguyễn Hữu Trí chạy thoát về vùng Thất Sơn để gầy dựng lại phong trào.

Ấn và con dấu của Hoàng đế Phan Xích Long

Khi thẩm vấn những thủ lãnh bị bắt trong đợt tháng 3 năm 1913, về lý do vì sao họ tin theo Phan Xích Long, thì một người là Nguyễn Văn Tài (hương sư Tài, từng là quan chức) đã nói:

“Tôi tự coi mình là không có cha, nhưng giờ đây tôi đã gặp thầy tôi, đó là hoàng đế Phan Xích Long. Đó là lý do tại sao tôi đi theo tư tưởng của ngài và trở thành tín đồ của ngài”.

Tương tự như vậy, Nguyễn Văn Hiệp cũng đã trả lời quan toà:

“Cho tới ngày mà tôi bị chặt đầu đi nữa, tôi vẫn tin rằng Phan Xích Long là có gốc hoàng tộc, và tôi coi ngài như một vị hoàng đế”.

Từ ngày ngày 5 đến ngày 12 tháng 11 năm 1913, Tòa án ở Sài Gòn xử tha bổng 54 người, kêu án 57 người (đều là người Việt ở Chợ Lớn và Tân An, có 1 người là Hoa kiều), trong đó có sáu người bị án chung thân khổ sai là: Phan Xích Long, Nguyễn Tri, Nguyễn Văn Hiệp (án hiện diện), Nguyễn Văn Mang (Tư Mang), Trương Văn Phước, Nguyễn Văn Ngọ (không bắt được, bị án khiếm diện). Tư Mang chính là con trai của “Phật sống” Nguyễn Văn Kế đã nhắc tới ở trên.

Từ năm 1913-1916, thủ lĩnh chủ chốt của phong trào vẫn còn tự do là Nguyễn Hữu Trí (Hai Trí) đã tập hợp lực lượng, lôi kéo thành viên để tìm cách giải cứu Phan Xích Long bị giam ở Khám Lớn (vị trí ngày nay là Thư viện Tổng hợp). Từ lúc này, Hai Trí chính là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa, tập hợp được nhiều hội kín cùng tham gia.

Không chỉ cứu Hoàng đế Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí đã lên kế hoạch giải thoát tất cả tù nhân trong Khám Lớn và dự định đưa họ tới kênh Tàu Hũ, nơi những chiếc thuyền được che phủ bằng lá chuối được vũ trang đang chờ sẵn. Ý nghĩa của kế hoạch đó là tập hợp được những người sẵn sàng đứng lên chống lại chính quyền để giành lại tự do cho bản thân, vì họ là những phạm nhân không còn gì để mất. Đó là sự bổ sung rất cần thiết cho hội kín, cũng như lực lượng khởi nghĩa.

Cuộc cướp ngục diễn ra vào tháng 2 năm 1916, thì trong tháng 1, mật thám Pháp đã phát hiện ra những cuộc hội họp bí mật được tổ chức thường xuyên, và cảnh báo với Chánh tham biện về một cuộc bạo động có thể xảy ra. Tuy nhiên nhà cầm quyền đã không lường trước được mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tại các tỉnh, các biện pháp ngăn ngừa đã được thực hiện, tăng cường thêm các đồn lính canh, tổ chức tuần tra thường xuyên, nhưng ngay tại Sài Gòn thì không có sự phòng bị nào. Không ai nghĩ là những thành viên hội kín có khả năng tổ chức bạo động vũ trang ngay tại Sài Gòn.

Diễn biến cuộc tấn công vào Khám Lớn ở Sài Gòn năm 1916:

Vào 3 giờ sáng ngày 14 tháng 2 năm 1916, khi trăng vừa lặn, khoảng 300 người đi trên những chiếc thuyền mành và tam bản cập bến đậu ở bờ kinh Tàu Hủ, kéo dài từ chợ Cầu Ông Lãnh đến Cột cờ Thủ Ngữ. Họ đều mặc đồng phục áo khoác ngắn đen và quần trắng, quấn khăn trắng quanh cổ, trang bị giáo, mã tấu và những thanh gươm thô sơ. Đi đầu nhóm có giương lá cờ biểu trưng của thủ lãnh cuộc khởi nghĩa năm 1913 là Phan Xích Long.

Họ ngay lập tức tập hợp thành ba nhóm trên bến Belgique (Bến Chương Dương, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) tại lối vào đường MacMahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đường Némésis (nay là đường Phó Đức Chính) và đường Marchaise (nay là đường Ký Con), lặng lẽ đi về phía nội thành.

Nhóm ở đường Mac-Mahon có khoảng 80 người, dừng ở số nhà 36 và có cuộc đụng độ đầu tiên với một chiếc xe hơi chở ông Bailly, nhân viên thương mại, ông Gachereau và người tài xế bản xứ tên Trần Văn Lên. Người lái xe trốn sự truy đuổi, họ có súng trường nhưng không may lại không nạp đạn. Nhóm nghĩa quân tấn công xe hơi, một bánh xe bị nổ và chạy chậm lại.

Ông Bailly bị dao chém bị thương rất nặng, còn ông Gachereau thì đỡ được đòn mã tấu nhờ cái cầm súng trường không đạn. Tài xế tăng tốc và thoát khỏi nhóm người, chạy hết tốc độ tới Sở Cảnh sát trung tâm, thông báo cho cảnh sát về tình hình.

Thời điểm đó, nhóm nghĩa quân cùng tiến lên phía trước và hét lớn tiếng Hoa là “Tiềm-Tài” (Giết người Pháp!) và “Đại-Ca” – ám chỉ giải cứu thủ lãnh Phan Xích Long.

Sau khi chiếc xe hơi vừa chạy thoát, nhóm người đi tiếp tới ngã tư đại lộ Canton và đường Mac-Mahon (nay là Hàm Nghi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa), một đội tuần tra cảnh sát đi xe đạp gồm viên cảnh sát người Âu Amielh và nhân viên bản xứ Nguyễn Văn Nghiêm. Đội tuần tra này ngay lập tức bắt đầu cuộc đụng độ với nghĩa quân bằng những phát súng và hạ gục tại chỗ hai người, còn những người khác dù bị thương nhưng đã chạy thoát và trở lại thuyền tam bản. Viên cảnh sát Amielh bị thương ở tay do một nhát mã tấu; nhân viên bản xứ Nguyễn Văn Nghiêm bị đánh nhiều cú và bị thương nặng và đã bị tước khẩu súng lục.

Những người không bị thương của nhóm đã nhập đoàn với 2 nhóm còn lại để thành một đội quân đi trên đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), qua đường Filippini (nay là Nguyễn Trung Trực) về phía Khám Lớn, tại đây một nhóm 50 người lại tách ra và đi đường tắt theo đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) và định xông vào cửa sau Dinh Thống đốc Nam kỳ có cổng chính trên đường La Grandière (nay là Bảo tàng TpHCM trên đường Lý Tự Trọng). Tuy nhiên họ không thể vượt qua được cánh cổng sắt cao lớn, nên đành quay lại đường Mac-Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và lại nhập hội với 2 nhóm kia ở ngay trước Khám Lớn. Người dẫn đầu đoàn quân lúc này chính là Nguyễn Hữu Trí.

Đây mới là mục tiêu chính. Tiếng kêu la “Đại-Ca” và “Tiềm-Tài” vang dội. Cuộc đụng độ diễn ra ở đồn lính canh ngay góc Filippini và La Grandière (nay là Nguyễn Trung Trực – Lý Tự Trọng), gần sát Khám Lớn và Tòa Án.

Sau phút đầu mất cảnh giác và vài lính canh bị thương nặng, súng bắt đầu được xả vào đoàn nghĩa quân đông đảo. Hai trong số họ gục ngay tại chỗ, trong đó có người đi đầu là Nguyễn Hữu Trí; người thứ ba bị thương nặng không qua khỏi sau đó. Những người khác, mặc dù bị thương nhưng vẫn tháo chạy được. Đám đông trở nên hỗn loạn, họ vội vã quay về bến Belgique, một phần rút từ đường Mac-Mahon, phần từ đường Marchaise.

Trên bến, nhóm nghĩa quân bắt đầu tổ chức lại, dù số lượng giảm xuống vì nhiều người cảm thấy sợ hãi và quay lại thuyền tam bản để bỏ trốn.

Nhóm người còn lại sau đó tiến về phía Chợ Lớn theo đường Dưới dọc kênh Tàu Hũ (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt). Tuy nhiên trên đường đi, nhiều người lại tách ra khỏi đoàn và quay trở lại thuyền tam bản neo đậu dọc kênh.

Cuối cùng nhóm nghĩa quân chỉ còn lại khoảng 80 người, đã bị đội hiến binh do Trung úy Vermeren chỉ huy đuổi kịp khi đến trước trạm xe điện gần nhà máy xay lúa ở bờ kinh. Thêm 4 người trong nhóm gục tại chỗ, những người khác rút theo hướng Chợ Lớn và chạy về vùng quê hoặc nhảy xuống kênh. 12 người bị bắt tại chỗ; những người khác trốn trong nhà dân, nhưng sau đã bị cảnh sát lùng bắt được.

Những người bị bắt hoặc bắn đều mặc quần trắng và áo khoác ngắn màu đen; quấn một chiếc khăn vải trắng mới quanh cổ và có mang trong người một cái bùa bằng lụa hoặc vải trắng, với các chữ đỏ, theo cấp bậc. Trong mỗi tay áo khoác đã tìm thấy bùa hộ mệnh bằng giấy màu vàng trên có chữ đỏ. Những bùa này, khi được giải mã, ghi các câu sau:

1. Bùa bằng vải hoặc lụa quấn cổ, có cấp bậc của người mang, sau đó là phù hiệu của hội kín Nghĩa Hòa; biểu tượng hình thoi, ở những góc tận cùng là những quả cầu – tức dấu hiệu của sức mạnh chiến tranh.

2. Bùa được khâu vào tay áo gắn chữ “chống đạn”, cùng với biểu tượng hình thoi và châm ngôn khác nhau khích lệ sự gan dạ và lòng dũng cảm trong chiến đấu.

Tất cả những người bị bắt tại chỗ, trừ một người bị thương không thể đưa ra xét xử, đều bị Tòa án quân sự xét xử tại các phiên ngày 20 và 21 tháng 2, 13 và 14 tháng 3 năm 1916.

Ngoài những người mang vũ khí trong cuộc đụng độ ở trạm xe điện, cuộc điều tra đã tiết lộ rằng toàn bộ quân khởi nghĩa ở Sài Gòn cũng như các tỉnh giáp ranh, Gia Định, Thủ Dầu Một, Chợ Lớn, Biên Hòa, đều đã được kêu gọi và tập hợp ngay trong đêm đó để hành động.

Kết quả sau cuộc khởi nghĩa và tấn công Khám Lớn, tòa kết tội tử hình 38 người tại Đồng Tập Trận vào ngày 22 tháng 2 năm 1916, trong đó có Phan Xích Long. Ngày 16 tháng 3 năm 1916, tử hình thêm 13 người nữa, cũng tại địa điểm trên. Tổng cộng sau 2 lần bắn, cộng thêm 6 người tử vong tại trận, có tổng cộng có 57 thi thể được chôn tại nghĩa địa Đất Thánh Chà ở giữa đường Võ Thị Sáu và chợ Tân Định hiện nay. Đây là 1 nghĩa địa nhỏ dành cho người gốc Ấn Đô, nay đã mất dấu.

Cuộc tấn công vào Khám Lớn tuy bị dập tắt nhanh chóng, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một loạt hành động kéo dài đã được lên kế hoạch tỉ mỉ, với chương trình như sau, theo điều tra của nhà cầm quyền:

Vào đêm 14-15 tháng 2, tất cả thành viên nghĩa quân tụ họp tại vùng phụ cận Sài Gòn ở những nơi được định trước. Nhóm đầu tiên lên thuyền tam bản cập bến Belgique và lên đường, hợp với một nhóm từ khu Bồ Rệt (Boresse, khu gần chợ Bến Thành ngày nay) để tuần hành và tấn công Khám Lớn. Theo dự định, tù nhân được thả ra sẽ được dẫn về bến Belgique, nơi có những chiếc tam bản chở vũ khí đang đợi sẵn. Lúc này, nhóm được vũ trang sẽ tấn công Kho đạn. Người ta nhận thấy nhóm Mỹ Hòa (ở làng Mỹ Hòa) đợi sẵn ở sau Vườn Bách thảo; làm nổ tung kho thuốc súng, hoặc trong trường hợp thất bại thì họ sẽ đốt tòa nhà. Ánh sáng của đám cháy hoặc thuốc súng nổ này chính là tín hiệu cho các nhóm khác từ tỉnh lân cận đang chờ đợi và sẵn sàng tiến lên dưới sự chỉ huy của các thủ lãnh, tiến về Sài Gòn giành chính quyền. Hoàng Đế Phan Xích Long sau khi được giải cứu sẽ di chuyển từ nhà tù đến Dinh Thống đốc và đoạt lấy quyền lực từ tay chính quyền thuộc địa.

Tổng cộng có tới 172 người là những thủ lãnh của tất cả các nhóm đã đến từ vùng phụ cận Sài Gòn, theo báo cáo của mật thám, đã chờ đợi tín hiệu từ Sài Gòn, nhưng tín hiệu đó đã không thể được phát động.

Trước, trong và sau khi vụ việc này xảy ra ở Sài Gòn và các khu vực phụ cận, các phong trào khởi loạn khác được ghi nhận đã diễn ra ở hầu hết 20 tỉnh Nam kỳ lúc đó.

Phong trào diễn ra đầu tiên là tại Biên Hòa, vào ngày 25 tháng 1, một cuộc nổi loạn nổ ra trong nhà tù tỉnh. Các phiến quân đoạt súng của lính gác, tấn công bất thành Tòa công sứ. Song vụ việc vẫn lập tức lan đến vùng quê, như thể là đã nhất loạt cùng tuân theo một mệnh lệnh nào đó, các hội kín tổ chức các nhóm vũ trang, tập trung và hành động dưới sự chỉ huy của ba thủ lãnh: Lê Văn Hồ, Tiết và Vang.

Ở Tây Ninh, dưới sự chỉ huy của một người mới 20 tuổi là Vương Văn Lê, một nhóm người được kỷ luật theo kiểu quân đội đã đi khắp các vùng của làng Gia Bình và Gia Lộc ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 2, thông báo rằng vào khoảng giữa tháng, những người cách mạng sẽ làm chủ đất nước. Thủ lãnh và những người đứng đầu đã bị truy bắt vào ngày 24 tháng 2.

Tại Bà Rịa, ngày 3 tháng 2, đúng ngày Tết, một nhóm vũ trang tấn công Cap Saint-Jacques (nay là Vũng Tàu). Họ nhận lệnh từ Nguyễn Văn Huê, người đã bị bắt năm 1913 trong vụ mưu loạn của Phan Xích Long (nhưng đã được tha bổng sau đó). Cuộc tấn công diễn ra bất ngờ vào ban đêm, nhưng vì đã được mật thám cảnh báo trước nên nên lực lượng cảnh sát đã tăng cường thêm hai đơn vị bộ binh thuộc địa và mai phục sẵn và dễ dàng bắt được những người nổi dậy.

Bùa của quân nổi dậy Bà Rịa giống hệt những lá bùa được tìm thấy trên các phiến quân đến từ tất cả các tỉnh của Nam kỳ, và có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương làm ở Núi Cấm.

Tại Vĩnh Long, một hội kín dưới sự lãnh đạo của “Nghĩa Hòa Đoàn” cũng gây nên những cuộc nổi loạn. Vào ngày 14 tháng 2 năm 1916, những vụ cướp phá bắt đầu và nhóm người đến tận trước Tòa công sứ tỉnh. Nhóm lính bảo an được gửi đến để khôi phục trật tự. Cơ quan chức năng đã phát hiện ở nhà một nhà sư tên Phùng một kho bùa hộ mệnh giống với những lá bùa ở nơi khác, liên quan tới Bửu Sơn Kỳ Hương (Phật thầy Tây An).

Tại Long Xuyên, các băng nhóm tổ chức tụ họp ngày 14 tháng 2, bắt đầu cướp bóc và tống tiền dân cư. Lính bảo an được gửi đến để thiết lập trật tự đã bị tước vũ khí, bị trói và đả thương. Phải tới ba ngày sau đó thì trật tự mới được tái lập, nhờ sự can thiệp của biệt đội lính khố đỏ. Tại Long Xuyên, người ta đã thấy cùng phương pháp, cùng một tổ chức và cùng một loại bùa hộ mệnh với những nơi khác.

Ở Cần Thơ, một băng nhóm được tổ chức tại khu vực giáp giới với tỉnh Vĩnh Long, nơi khởi xuất các mệnh lệnh. Nhiều cuộc họp bàn bí mật đã diễn ra, nhưng nhờ mật thám, cơ quan chức năng đã bắt giữ được tất các thủ lãnh trước khi họ kịp làm gì. Các cuộc điều tra cho thấy vụ việc ở Cần Thơ liên quan mật thiết với vụ việc ở Vĩnh Long.

Tại Thủ Dầu Một, giáp giới với tỉnh Gia Định, một phù thủy tên Ba Mỹ nhận một khẩu lệnh của “nhà sư trên núi” và, theo hướng dẫn này, ông đã tổ chức một nhóm, trong đêm 14-15 tháng 2 đã trang bị vũ khí tiến về Sài Gòn nhưng đã tự giải tán chứ không tham gia vào cuộc tấn công Khám Lớn. Mặc dù vậy họ vẫn bị một biệt đội lính thuộc địa số 11 trực ở Gò Vấp bắt lại. Bùa hộ mệnh bị tịch thu, những bản tuyên thệ của những kẻ mưu loạn, một lần nữa, giống hệt với những cái được tìm thấy ở nhiều nơi khác.

Những chứng cớ thu được từ các cuộc khởi loạn này cho thấy các vụ mưu loạn này đều liên quan tới nhau, liên quan tới bùa chú của thầy pháp, đó là loại bùa chú hộ thể như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, tòa án quân sự đã xử án từng vụ riêng lẻ.

Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here