Dòng nhạc vàng có thể chia thành nhiều loại với các chủ đề sáng tác khác nhau, điển hình là nhạc về tình yêu, nhạc về quê hương, và đặc biệt được yêu mến hơn tất cả, đó là dòng nhạc lính, là những ca khúc nói về cuộc sống và tâm tình của người chinh nhân sống trong thời loạn.


Click để nghe bài cảm nhận

Những nhạc sĩ nổi tiếng của nhạc lính có thể kể đến Nguyễn Văn Đông, Trúc Phương, Lam Phương, Anh Bằng, Duy Khánh…, và nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Những ca khúc nhạc lính của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh như là lời tâm sự của một thế hệ người trai đã lên đường để bảo vệ quê hương. Có lẽ vì Trần Thiện Thanh cũng là một người quân nhân thực thụ, nên nhạc lính của ông rất chân thực, dễ đi vào lòng người: Biển Mặn, Rừng Lá Thấp, Mùa Xuân Lá Khô… Trong đó bài Rừng Lá Thấp luôn được xem là 1 ca khúc kinh điển của nhạc vàng.


Nghe ca khúc Rừng Lá Thấp qua phần trình bày của chính tác giả

“Rừng Lá Thấp” được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào cuối năm 1968 để vinh danh người bạn của mình là Trung úy TQLC – Vũ Mạnh Hùng, đã hy sinh trong trận Mậu Thân năm 1968.

Khi phát hành thành tờ nhạc ca khúc này, tác giả đã đề tựa:

Tặng anh hùng mũ xanh ᴄhιến trường Bình Lợi,
Cố Đại Úy Vũ Mạnh Hùng Tiểu Đoàn 3 – TQLC.

Ngoài ra đầu đề, tác giả còn ghi mấy dòng gửi người bạn quá cố của mình như sau:

“Hùng,
Xưa, 1 lần hành quân về ghé thăm tao, mày đã tỏ ý khó chịu về những nàng ca sĩ cứ bô bô hát những bài ca đòi… “yêu”, đòi “chung tình” với “Lính”.

Tao đã không đáp, bởi… thật khó cho tao khi phải nói về những người bạn đồng nghiệp.

Trong tình bằng hữu mười mấy năm còn thật đậm, tao ghi lại ở đây 1 ý kiến của mày, tiếc là mày không thèm nghe tao hát nữa. HÙNG ơi!
Thanh – 1968/11″

 

Cố đại úy Vũ Mạnh Hùng bị hy sinh trên cầu Bình Lợi trong trận bảo vệ Sài Gòn. Cầu Bình Lợi chính là cửa ngõ, qua cầu là vào đến thành đô, đó là ý nghĩa của câu hát: “Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì…”

Giải thích cho ý nghĩa của đoạn đầu tiên của bài hát này, nếu dựa theo lời đề tựa ở bên trên, tác giả muốn tỏ ý kiến rằng những “cô nàng” ca sĩ thường hát nhạc lính với những lời hứa hẹn rằng “trọn kiếp yêu anh lính khổ”, nhưng lại không thấy có nhiều ca sĩ thực sự “yêu lính” giống như vậy ở ngoài đời.

Đó là ý nghĩa của 2 câu hát:

Giữa rừng già nghe tiếng hát thật cao
Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu…

Từ máy thu thanh vang vọng giữa rừng những lời hát yêu đương trọn kiếp. Nhưng có yêu đương thực sự nào không, hay chỉ toàn là lời phù phiếm hoa mỹ của những nàng ca sĩ và những bài hát?

Nếu nhìn lại trong các nữ ca sĩ nhạc vàng, những người đã từng yêu và lấy quân nhân, có thể kể đến là ca sĩ Thanh Thúy có chồng là phi công Ôn Văn Tài. Ngoài ra còn có ca sĩ Hoàng Oanh đã thực sự yêu và cưới một “lính khổ xa nhà”, đó là nhạc sĩ Mai Châu (tên thật Mã Gia Minh). Họ yêu nhau khi mà Hoàng Oanh đã là ca sĩ có tiếng, còn Mã Gia Minh chỉ là một học trò nghèo, rồi sau đó ông mới trở thành 1 quân nhân, một nhạc sĩ nổi tiếng với ca khúc Một Người Đi.

Lời bài hát tiếp theo như là lời nhắn nhủ đến những người ca sĩ nơi vùng hậu phương, xin đừng hát những lời ca hoa mỹ, phù du mà hãy thực sự biết nhớ đến những quân nhân áo xanh pha sắc bùn lầy đang lăn lộn chốn sa trường. Đừng hát những lời yêu đương không có thật mà hãy hát về những gian khổ có thật của đời lính.

Và sau tất cả, người lính chỉ CẦN hai tiếng “Mến Anh” là đủ, vì nó dễ dàng hiện hữu hơn là lời yêu đương gượng ép. Nhiều ca sĩ không hiểu ý nghĩa của đoạn này, hát thành “giờ chỉ CÒN hai tiếng mến anh”, không đúng với ý của tác giả.

Lời nhắn nhủ tiếp theo là xin hãy hát cho những người đang còn say mê cất bước lên đường chưa hẹn ngày trở về lại chốn phồn hoa, hoặc là hát cho những bà mẹ đang mòn mỏi trông chờ con nơi chốn xa. Và cuối cùng là lời tri ân xin dành trọn vẹn cho những người đã ngã xuống…

Lời hát tiếp theo là những tâm tình đời lính mà bất kỳ người chinh nhân nào cũng phải trải qua trong cuộc ᴄhιến kéo dài.

Sau cùng là lời nhắn nhủ, những lời hát kia xin hãy gây rung động thật lâu, xin người ca sĩ hãy thật lòng trong từng câu hát, giúp người lính nơi đầu tuyến có được niềm an ủi và tiếp tục vui bước quân hành, vui một niềm vui giản dị là yêu lá thấp giữa rừng: Như lính giữa rừng yêu là thấp mà thôi…

Sẽ có nhiều người thắc mắc “rừng lá thấp” là gì? Có một lời giải thích rằng trước 75, vùng cầu Bình Lợi có nhiều cây lá thấp nên gọi là rừng lá thấp… Lời giải thích này khiên cưỡng, vì vùng ven đô đó không gọi là rừng. Sau đây là lời giải thích khả dĩ hơn:

Trung úy Vũ Mạnh Hùng ở trong quân chủng TQLC, và những người lính này thường có màu áo, nón có màu xanh lá rừng, đôi khi còn gắn lá rừng vào nón sắt và áo để ngụy trang. Một đội quân như vậy khi hành quân sẽ như một cánh rừng nhỏ ở dưới thấp, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã gọi đó là rừng lá thấp. Vì vậy “lính giữa rừng yêu rừng lá thấp” cũng chính là yêu màu áo lính của mình.

Yên Linh (nhacvangbolero.com)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here