“Nỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho đến sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh là cái chết. Sự sống và cái chết trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ suy cho cùng từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó mà mình từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy như tình yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống sợ ngày nào sẽ mất đi. Sự mất mát và cái chết là nỗi ám ảnh lớn nhất đời tôi”
Đó là tâm sự của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời. Có lẽ vì đã từng quá yêu cuộc sống, ông đã bị ám ảnh nhiều về cái chết, và cái chết đã được nhắc nhiều trong nhạc của ông: Một lần năm mơ tôi thấy tôi qua đời… (Bên Đời Hiu Quạnh), Mệt quá thân ta này nằm xuống với đất muôn đời (Ngẫu Nhiên)…
Trong đó, ca khúc Cát Bụi như là một niềm trăn trở về sự sống chết ở đời của nhạc sĩ.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy.
Ôi, cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi…
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi, cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…
Click để nghe Khánh Ly hát Cát Bụi
Một chân lý đơn giản của nhà Phật được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa vào ca từ. Đó là con người ai cũng được sinh ra từ hạt bụi nhỏ nhoi, rồi một mai lại hoá kiếp về thành cát bụi. Trước những ưu tư khắc khoải của loài người về một kiếp nhân sinh: Là ai, từ đâu đến, sẽ đi về đâu, nhạc sĩ họ Trịnh nhận ra phận người đến từ bụi đất, mang kiếp sống mong manh, nhỏ bé trong vũ trụ bao la, bất lực trước định luật tự nhiên của tạo hoá. Sau “một mai vươn hình hài lớn dậy” để sống kiếp cát bụi phù du, rồi lại rũ áo ra đi về với thân phận bụi đất của mình. “Để một mai tôi về làm cát bụi”, thế là hết, là xong một kiếp người. Tiếng động nào đang gõ nhịp nện đinh lên cỗ áo quan này để tiễn đưa người về đất, để trở lại thành cát bụi. Đó là tiếng động thật buồn và ám ảnh không nguôi.
Tuy nhiên nếu nghĩ về cuộc đời mình chỉ tựa như hành trình của một hạt bụi rong chơi, thầm lặng như một chiếc lá lìa cành khi đã hết màu xanh, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp nhận nó đến với mình và người người thân chung quanh rất nhẹ nhàng, không chọn cách tiễn đưa người đi trong đau đớn và tuyệt vọng.
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi.
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày…
Có bao nhiêu người khi lớn lên đã trăn trở về kiếp người, rồi tự hỏi rằng tôi là ai, tôi đã từng là ai và tôi sẽ là ai trong vòng tử sinh này? Có những đêm dài không ngủ, tôi từng mơ màng thấy mình lơ lửng trôi trong một vùng bao la, vô định. Tôi khẽ rùng mình khi nhận thấy cõi vô hạn đó đang bao trùm lấy linh hồn mình, và thân thể này như thể đã lạnh băng. Đó là những ám ảnh đầu tiên của tôi về cái chết, như là những chiếc lá úa sẽ rụng chết vào một ngày trong nhạc của Trịnh. Con người quá lắm là sống được đến bách niên, nhưng rồi cuối cùng thì đến một ngày kia sẽ rụng như một chiếc lá trong khoảnh khắc mà thôi.
Ngay thời điểm đó, bao nhiêu những hỉ nộ ái ố, những đau khổ, oán trách hay giận hờn không còn ý nghĩa gì nữa. Bởi vì biết rằng tất cả cũng quay về cát bụi.
Vậy ý nghĩa của sự sống là gì, người ta sống vì cái gì? Thuở chớm biết yêu, tôi được người tình của mình trả lời bằng một câu nói mà tôi phải nhớ suốt đời: Anh chưa từng thực sự yêu ai trên đời hay sao?
Chỉ một câu nói bâng quơ đó, tôi như tỉnh cơn mê, hiểu ra rằng cái vĩnh cửu duy nhất trên đời này chính là tình yêu. Yêu người, yêu đời và yêu thương nhân loại, yêu thương muôn loài. Nếu như mọi thứ trên đời này đều quy về cát bụi, nhân dạng người rồi sẽ héo mòn, rồi cũng sẽ không còn, chỉ có tình yêu là tồn tại mãi mãi, dù cho con người có thành cái bụi vô vi.
Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội.
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui.
Thưở xưa, tôi nghe nhạc Trịnh bằng một tâm hồn hời hợt, nghe theo một thói quen, làm gì hiểu được tình yêu xay mòn thành đá cuội là như thế nào. Đến khi tôi có một “mặt trời” đánh thức trái tim mình, khai tâm để thấy tình yêu theo thời gian sẽ thành một viên đá cuội tròn nhẵn sẽ muôn niên còn lại. Hình ảnh “từng ngày qua mỏi ngóng tin vui” làm tôi liên tưởng đến sự mong ngóng tin mừng cứu rỗi:
Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay…
Trong một kiếp đời xác xơ, có nhiều lúc người ta ở những vực sâu của tội lỗi, tin vào đức tin sẽ có thể cứu rỗi và nâng người dậy giữa những mệt mỏi, rã rời, đến được ánh sáng của yêu thương, rồi chấp nhận phận này cát bụi, vết mực xoá bỏ không hay.
Hình ảnh Vết vực xoá bỏ ở cuối bài đã từng làm cho nhiều người khó hiểu. Thực may là chính nhạc sĩ họ Trịnh đã từng giải thích như sau:
“Khi một đứa bé được sinh ra thì bố mẹ đứa trẻ báo cho làng xã biết. Người ta ghi tên đứa bé vào một cuốn sổ bằng viết mực… thế rồi khi đứa bé lớn lên sau lũy tre xanh, trưởng thành, già… nếu chết đi thì người nhà cũng báo cho làng xã biết; người ta cũng lấy cái bút gạch tên người chết trong cuốn sổ đinh này là xong một đời người.”
Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này, lúc sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng kể rằng ông đã suy nghĩ về những mong manh của kiếp người sau khi ông một mình đến rạp Casino xem phim Hiệp Sĩ Mù Nghe Gió Kiếm tập 6, có đoạn Hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xnh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe có một tiếng nói bình giả ca ngợi, đường kiếm như có thêm sức mạnh mỗi lúc một uyển chuyển hơn. Sau khi cứu được người đjep, hiệp sĩ mù quay về phía có tiếng nói để vái tay chào hỏi. Thì ra bên vệ đường, dưới gốc cây to có một nghệ sĩ mù đang vác đàn ngồi. Nghệ sĩ mù có nhã ý chơi một bản đàn tặng người hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng trơ trụi lá gần đó, ngồi trên đám lá vàng, đỏ trải thảm dài, dưới 2 gốc cây đối diện nhau.
Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người. Tiếng đàn nửa chừng thì đứt dây. Người nghệ sĩ mù nói: Có kẻ xấu đang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một kẻ gian đang rình rập hiệp sĩ. Hai người lặng lẽ chia tay.
Hết phim, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tản bộ ngang trên đường phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến ông buồn buồn. Chiều về nhà, ông ngồi đọc lại cuốn “Zorba the Greek”. Đến đoạn Zorba than thở: “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, ông gập sách lại và không đọc nữa. Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong lòng.
Ông lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng háp, lặp đi lặp lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ông ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh.
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com