Nếu như “mái hiên” có ký ức, hãy bảo nó kể cho bạn nghe về những câu chuyện tình. Bởi vì ở nơi đó, mái hiên đã bao lần được chứng kiến những đôi tình nhân dìu nhau cùng trú mưa, nhìn thấy những thẹn thùng e lệ, run rẩy trong vòng tay nhau vào những phút đầu tiên của tình đầu mới chớm.

Trong một ca khúc nổi tiếng mang tên là Chút Kỷ Niệm Buồn, nhạc sĩ Tô Thanh Sơn đã kể lại câu chuyện như vậy:

Chiều nao anh với em
Nép bên thềm mưa hai đứa xem
Dù đôi ta mới quen,
Chút kỷ niệm nhưng anh khó quên

Ngồi bên nhau trú mưa,
Biết em về không ai đón đưa
Đường xa trơn lối thưa,
Chúng ta cùng đi chung dưới mưa

Khi sinh thời, tác giả của ca khúc này kể về hoàn cảnh sáng tác như sau:

“Năm 1996, trong lúc trú mưa trên đường Nguyễn Tri Phương, tôi vô tình gặp 2 cô cậu sinh viên đứng trú mưa bên cạnh. Cô gái ướt và lạnh, đứng run rẩy nép mình vào chàng trai. Về nhà, tôi cầm bút viết: Chiều nao anh với em, nép bên thềm mưa hai đứa xem…”

Hình ảnh một cô sinh viên bị ướt lạnh, đứng nép vào bên chàng trai cùng trường, đôi tim cùng lắng lại để nghe nhịp đập của nhau, run rẩy, ngập tràn cảm xúc hạnh phúc, chìm đắm trong cơn men say tình đầu. Ở dưới mái hiên nhà ven đường, đông người qua lại, nhưng dường như họ chỉ còn biết có nhau trong khoảnh khắc đó, và mong rằng cơn mưa dầm dề này đừng bao giờ tạnh hẳn.

Chỉ nghĩ đến những hình ảnh đó thôi là ai cũng có thể thấy được cả một trời lãng mạn, huống hồ rằng với con mắt của một nhạc sĩ, Tô Thanh Sơn đã nghĩ thành một câu chuyện tình buồn để viết thành nhạc. Mời bạn nghe lại ca khúc này với các phiên bản khác nhau sau đây:


Click để nghe Như Quỳnh hát


Click để nghe Mạnh Đình hát


Click để nghe Hạ Vy hát

Có lẽ những ai đã từng yêu nhau, từng trải qua những xao xuyến tình đầu, đều ít nhất 1 vài lần trú mưa cùng người mình thương trong những chiều hẹn hò. Tôi cũng một thời như vậy, nên khi nghe lại ca khúc này, lòng lại thấy một nỗi mênh mang khó tả. Có một buổi sáng sớm cao nguyên trời rất lạnh, mưa bay lất phất. Tôi cùng với người con gái mới quen, gặp gỡ nơi cao nguyên và phải lòng nhau, cùng trú mưa xuân lạnh buốt da dưới mái hiên nhà ven đường. Lúc đó chỉ mới 5-6h sáng, đường vắng tanh không bóng người qua lại. Tiếng côn trùng còn kêu rả rích. Từ xa vang lại tiếng lộc cộc ngựa xe đến từ bên đồi thông.

Ở bên kia đường, nhà thờ vang từng hồi chuông nghe thê thiết. Ở bên này có đôi tim thanh xuân có lẽ cũng đang rung lên những nhịp bồi hồi đầu tiên. Đã nhiều năm qua rồi, tôi và người con gái năm xưa không phải chịu kết thúc buồn như trong bài hát, mà cùng chung sống với nhau đã hơn 10 năm.

Ngồi bên nhau trú mưa,
Biết em về không ai đón đưa
Đường xa trơn lối thưa,
Chúng ta cùng đi chung dưới mưa…

Tác giả của ca khúc này là Tô Thanh Sơn là em của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, nhưng ông không được may mắn như người anh nổi tiếng của mình. Cuộc đời của ông buồn, lận đận, giống như chính nội dung những bài hát mà ông đã viết ra vậy.

Đến bây giờ nghĩ lại, tôi nhớ như in hình ảnh một ông già đen đúa không có vẻ gì là một nhạc sĩ, trông khắc khổ, cho dù lúc đó ông chưa đến 60 tuổi, đi một chiếc xe máy cà tàng đến tìm tôi và đưa một CD nhạc để nhờ “lăng xê” giùm. Trong CD này có bài Chút Kỷ Niệm Buồn với nhiều ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại hát là Mạnh Đình, Như Quỳnh, Trường Vũ, Phi Nhung, Hạ Vy… có cả bài Như Nàng Tô Thị của Giao Linh hát. Và nhiều bài khác nữa của ông sáng tác, đều được các ca sĩ tên tuổi trình bày.

Lúc đó tôi chỉ có thể giúp ông bằng cách ghi cho ông vài dòng tiểu sử và đưa nhạc của ông lên net để giới thiệu đến công chúng. Xong việc, ông gọi điện thoại cảm ơn tôi rối rít, và như vậy là thôi, từ đó về sau tôi mất liên lạc với nhạc sĩ già khắc khổ năm xưa.

Cho đến khi cách đây tròn 3 năm, đọc tin trên báo nghe tin nhạc sĩ Tô Thanh Sơn qua đời đột ngột vì ngộ độc thực phẩm. Lúc này tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời ông, tôi mới thấy xót thương, và hối hận vì năm xưa mình đã không giúp ông tận tình hơn nữa.

Mặc dù sáng tác từ năm 20 tuổi, nhưng cho đến năm 50 tuổi, nhạc sĩ Tô Thanh Sơn mới thật sự được công chúng biết đến khi Chút Kỷ Niệm Buồn nổi tiếng ở hải ngoại, và từ đó các nhạc phẩm thời tuổi trẻ của ông mới được chú ý. Nhưng mọi việc chỉ dừng ở đó. Cái thời thập niên 2000, có mấy người ở trong nước chú ý đến dòng nhạc trữ tình, càng không ai quan tâm đến những nhạc sĩ  sáng tác nhạc vàng. Thời đó, ngay cả những nhạc sĩ nhạc vàng rất nổi tiếng sinh sống ở trong nước như Thanh Sơn, Hàn Châu, Mặc Thế Nhân… còn phải vật lộn mưu sinh, thì một nhạc sĩ kém tên tuổi hơn như Tô Thanh Sơn làm sao có thể khá giả được. Đến những năm gần cuối đời, ở tuổi ngoài 60, Tô Thanh Sơn vẫn không nhà cửa, không gia đình, thậm chí không có giấy tờ tùy thân, phải sống cô đơn, ẩn dật trong phủ thờ dòng họ ở Hồng Ngự – Đồng Tháp cho đến ngày qua đời.

Thật là một số mệnh quá buồn cho cuộc đời người nhạc sĩ.

Bài: Vyka – nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here