Nhạc sĩ Nhật Ngân là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng, số lượng sáng tác của ông lên tới hàng trăm bài hát nổi tiếng, trong đó có nhiều bài được sáng tác tại hải ngoại. Trong đó, chủ đề nổi bật nhất trong các sáng tác của ông là nhạc xuân, với nhiều bài hát bất hủ: Xuân Này Con Không Về, Mùa Xuân Của Mẹ, Thư Xuân Trên Rừng Cao (viết chung với Trần Trịnh, Ta Đã Gặp Mùa Xuân (viết chung với Trầm Tử Thiêng) và 2 bài hát viết riêng là Cảm ƠnRước Xuân Về Nhà.

Cũng như nhiều ca khúc nhạc xuân khác, nhạc của Nhật Ngân viết thường mang tâm tình của người lính xa nhà, nơi tiền đồn xa xôi không kịp về vui xuân:

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa…

Xuân Này Con Không Về trở thành bài hát được yêu thích nhất trong nhiều năm qua. Dù có phải là người lính hay không, người ta cũng đồng cảm sâu sắc với tâm tình của ca khúc này, khi nhớ lại những mùa xuân yên vui, thanh bình:

Ôi nhớ xuân nào thuở trởi yên vui
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng…


Click để nghe Duy Khánh hát Xuân Này Con Không Về trước 1975

Một ca khúc nhạc xuân lính khác được nhạc sĩ Nhật Ngân viết với bút danh Ngân Khánh (là tên của con gái của ông), đó là bài Cảm Ơn, nói lên tâm trạng của người lính xa nhà nhận được quà xuân của gia đình:

Này là cánh thư, nghiêng nghiêng nét chữ cô em học trò
Này là bánh chưng, Mẹ già tự tay gói gửi cho con
Này là áo len, bao nhiêu đêm thâu em ngồi em đan
Nay em gởi ra tới chiến trường,
Mang chút tình hậu phương thương mến…


Click để nghe Duy Khánh hát Cám Ơn trước 1975

Những món quà đơn sơ như là bánh chưng mẹ già tự tay gói gửi, hay là chiếc áo len được người yêu học trò đan suốt những đêm thâu, là những món quà chứa đựng trong đó muôn vàn tình yêu thương gửi người nơi sa trường.

Chủ đề thường thấy trong các ca khúc nhạc xuân nổi tiếng nhất là viết về người lính. Có lẽ hoàn cảnh xa quê, xa nhà và xa người thân của người chinh nhân, đón xuân chỉ bằng những lá hoa rừng, bằng cánh thư được gửi từ hậu tuyến đã gợi nhiều nỗi niềm và tạo được nhiều cảm xúc đối với người nghe nhạc. Vì vậy dù cho ngày nay chinh chiến đã lùi xa từ lâu, nhưng những ca khúc nhạc xuân về đời lính vẫn được yêu thích. Bài nhạc xuân viết về lính khác của nhạc sĩ Nhật Ngân (viết chung với Trần Trịnh) là Thư Xuân Trên Rừng Cao:

Mời anh mời chị, mùa xuân lên đây thăm tôi
Nơi xa xôi khuất nẻo thưa người, núi rừng mịt mù sương
Mời em một lần rời xa nơi đang yên vui,
Lên đây thăm lính ở trên rừng, để cùng ngọt bùi sớt chia.


Click để nghe Thái Châu hát Thư Xuân Trên Rừng Cao trước 1975

Từ nhạc đến lời trong các ca khúc của Nhật Ngân thường mộc mạc, bình dị. Trong bài Ta Đã Gặp Mùa Xuân viết chung với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tác giả đã vẽ nên bức tranh về một mùa xuân yên vui, là mơ ước của bao nhiêu gia đình:

Anh đã thấy mùa xuân trong lòng chị
Tôi đã gặp mùa xuân trong mắt em
Chị hân hoan say đêm dài mộng mị
Em cười vui thơm khói pháo bên thềm

Con đã thấy mùa xuân trong lòng mẹ
Mẹ đã tìm mùa xuân trong mắt cha
Mẹ rưng rưng ôm xuân nồng hội ngộ
Cha mừng xuân trong sắc áo sương pha…


Click để nghe Sơn Ca hát Ta Đã Gặp Mùa Xuân trước 1975

Giai điệu của ca khúc này nhanh, dồn dập và rộn vui, thể hiện hiềm hân hoan khi mùa xuân về. Thật tiếc là đến nay, ca khúc này có khá ít người hát nên không được nổi tiếng như các ca khúc xuân khác:

Hỡi những người thân yêu ơi
Đây mùa xuân đầm ấm chờ mong một đời
Cố níu lại ngày yên vui
Cho nụ cười mặn mà tươi thắm trên môi

Ta đã có mùa xuân ta chờ đợi
Muôn tấm lòng rộn vui như nắng mai
Từ bao năm ta nghe trong diệu vợi
Ôi ngờ đâu xuân đã đến hôm nay!…

Một ca khúc nhạc xuân rất nổi tiếng khác được nhạc sĩ Nhật Ngân viết chung với Trần Trịnh là Mùa Xuân Của Mẹ. Ca khúc này nổi tiếng và được yêu thích, là bởi vì đó là nỗi lòng của bao nhiêu người con tha hương: Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi…

Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi
Giờ đây đời con đang còn lênh đênh
Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
Áo trận sờn vai bạc màu
Nhìn xuân về lòng buồn mênh mang

Hai tiếng Mẹ ơi được mở đầu cho bài hát là nỗi lòng nhớ nhà nhớ mẹ của đứa con năm này không được về đón Tết nơi quê nhà.


Click để nghe Dạ Hương hát Mùa Xuân Của Mẹ trước 1975

Ngày ra đi con hứa với mẹ là Xuân sau sẽ trở về, cứ tưởng là đời trai sương gió khắp miền quê hương chỉ là một thời gian ngắn. Rồi “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, biết mấy người ra đi chinh chiến mà trở lại, biết bao mùa xuân qua mà con vẫn chưa về dưới mái tranh nghèo:

Ngày đi con hứa xuân sau sẽ về
Mà nay đã bao xuân rồi trôi qua
Giờ đây chắc Mẹ già tóc bạc nhiều
Sớm chiều vườn rau vườn cà
Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai?

Tiếp sau ca khúc này, nhạc sĩ Nhật Ngân có viết một ca khúc nhạc xuân về mẹ khác là Rước Xuân Về Nhà, vẽ nên một bức tranh thanh bình: ngày mùa xuân xôn xao lá đâm chồi, chim đua hót, đàn bướm nhởn nhơ, én dập dìu. Rồi trong niềm vui đó, người con xa xôi quay về, làm ấm êm mái tranh bao năm quạnh vắng. Trọn bài hát là một bức tranh mùa xuân đầy màu sắc:

Này mẹ có nghe xôn xao lá đâm chồi
Này mẹ có nghe chim đua hót trên đồi
Này mẹ thấy chăng ngoài sân kia
Đàn bướm đang nhởn nhơ đùa vui

Này mẹ thấy chăng cây mai trước sân nhà
Nụ vàng ấp yêu bay trong gió la đà
Này mẹ thấy chăng trời bao la
Đàn én đang nhởn nhơ dập dìu

Mẹ hay chăng mùa Xuân vui đã sang
Mẹ hay chăng khổ đau xưa đã chìm
Mẹ thấy chăng phố vui chân người về
Mẹ thấy chăng thôn xóm rực đèn treo

Nụ cười bỗng tươi trên môi đã khô cằn
Mẹ mừng thấy con xa xôi đã quay về
Mẹ mừng mái tranh từ bao năm quạnh vắng
Đã có thêm người thân

Rộn ràng tiếng ca cô con gái bên nhà
Hồng hồng nét môi khi thấy bóng trai về
Dập dìu áo hoa từ thôn trên làng dưới
Đi rước Xuân về nhà…


Click để nghe Hoàng Oanh hát Rước Xuân Về Nhà trước 1975

Những ca khúc nhạc xuân của nhạc sĩ Nhật Ngân đều đi vào lòng người dễ dàng, vì đó là những lời hát nói thay tâm trạng của cả một thế hệ. Cho dù nguyên bản đó là những ca khúc nói lên tâm tình của người lính từ 50 năm trước, nhưng cho dù là người lính hay không, cho dù ở thời đại nào, người nghe cũng thấy hình bóng của mình và những người xung quanh trong các ca khúc Mùa Xuân Của Mẹ, Rước Xuân Về Nhà, Xuân Này Con Không Về…

Đôi nét về nhạc sĩ Ngật Ngân:

Nhạc sĩ Nhật Ngân sinh năm 1942 tại Thanh Hóa, là con út trong một gia đình sáu người con. Vì cha là một công chức thường phải di chuyển nhiều, nên từ nhỏ nhạc sĩ Nhật Ngân từng sống ở nhiều nơi: di chuyển vào Huế, sau đó trải qua phần lớn thời gian thiếu thời tại Ðà Nẵng. Tại Huế và Đà Nẵng, ông được các linh mục dạy nhạc.

Khoảng cuối thập niên 1950, nhạc sĩ Nhật Ngân theo mẹ vào Sài Gòn và học trung học ở trường nam sinh Võ Trường Toản và được hướng dẫn thêm về nhạc từ những người thân trong họ, đó là học violon và piano với giáo sư Ðỗ Thế Phiệt, học sáng tác với nhạc sĩ nổi tiếng Nhật Bằng.

Sau khi đậu tú tài, Nhật Ngân quay trở lại Đà Nẵng dạy nhạc và Việt văn tại trường Phan Thanh Giản. Theo lời nhạc sĩ Nhật Ngân, đây cũng là thời gian ông sáng tác ca khúc đầu tay là Tôi Đưa Em Sang Sông vào năm 1960.

Năm 1965, nhạc sĩ Nhật Ngân gia nhập quân ngũ, một năm sau ông được chuyển về làm trưởng ban văn nghệ của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến năm 1975. Trong thời kỳ này, ông kết hợp với nhạc sĩ Trần Trịnh để trở thành nhóm sáng tác Trịnh Lâm Ngân nổi tiếng với rất nhiều bài quen thuộc như Qua Cơn Mê, Mùa Xuân Của Mẹ, Yêu Một Mình, Người Tình Và Quê Hương, Thư Xuân Trên Rừng Cao…, và đặc biệt là Xuân Này Con Không Về.

Nhạc sĩ Nhật Ngân lập gia đình vào năm 1969 và có ba người con. Người con gái lớn của ông tên Ngân Khánh, đã tốt nghiệp cử nhân về âm nhạc Ðại học Fullerton, nam California. (Ngân Khánh cũng là 1 bút danh của nhạc sĩ Nhật Ngân).

Nhạc sĩ Nhật Ngân và vợ vào thập niên 1970

Nhạc sĩ Nhật Ngân nổi tiếng là người yêu thương vợ con. Giới nhạc sĩ đa số thường bay bướm, nhưng nhạc sĩ Nhật Ngân gắn bó trọn đời với một người vợ duy nhất trong cuộc hôn nhân hơn 40 năm. Ông cũng sáng tác một số ca khúc để tặng cho vợ.

Sau 1975, khi còn lại Việt Nam, Nhật Ngân thỉnh thoảng cùng với đồng nghiệp cùng hoàn cảnh đi trình diễn nhiều nơi. Sau đó ông một mình rời Việt Nam vào năm 1982, đến năm 1984 mới được nhận vào Hoa Kỳ, và được nữ ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ về sống tại phía bắc Hollywood, ở chung với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng vừa mới sang. Một thời gian sau, Nhật Ngân dời xuống Orange County ở chung với nghệ sĩ Nguyễn Long trong khi chờ ngày đoàn tụ với vợ con vào năm 1990.

Những ngày đầu xa quê hương và gia đình, nhạc sĩ Nhật Ngân vùi đầu vào làm việc và sáng tác. Ca khúc đầu tiên của Nhật Ngân tại hải ngoại là “Hương” dựa trên một bài thơ của Nguyễn Long.

Từ giữa thập niên 1980, nhạc sĩ Ngật Ngân viết lời Việt cho rất nhiều ca khúc nhạc ngoại, chủ yếu là nhạc Pháp, Hoa,… Các ca khúc này góp phần làm nên tên tuổi của ca sĩ Ngọc Lan, đặc biệt là Mưa Trên Biển Vắng, Xin Thời Gian Ngừng Trôi, Joe le Taxi…

Ngày đoàn tụ gia đình

Chưa đầy 2 năm sau ngày đoàn tụ với vợ con, năm 1992, nhạc sĩ Nhật Ngân bị phát hiện ưng thư dạ dày, phải giải phẫu cắt bỏ 2/3, chỉ còn lại 1/3 dạ dày. Ông bình phục như một phép màu và sống thêm được 20 năm trước khi bệnh tái phát.

Từ năm 1993, ông tham gia một lĩnh vực mới tại Trung tâm Thúy Nga, đó là viết nhạc cảnh, nhạc kịch.

Nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời vào đầu năm 2012, vào thời điểm mà những bài nhạc xuân nổi tiếng của ông đang được cất lên ở các gia đình Việt khắp nơi trên thế giới: Xuân Này Con Không Về, Cám Ơn, Mùa Xuân Của Mẹ, Thư Xuân Trên Rừng Cao…

Đông Kha

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here