Ngày 17/09 là ngày mất của hai nhạc sĩ thuộc hàng cổ thụ của nền tân nhạc Việt Nam: Lê Thương và Hùng Lân.

Nhạc sĩ Hùng Lân sinh ngày 23/06/1922 tại Hà Nội, mất ngày 17/09/1986 tại Sài Gòn. Ông sinh ra trong một gia đình Công Giáo, từ thuở nhỏ đã được học nhạc với các Linh Mục tại các trường dòng. Nhạc sĩ Hùng Lân đã bắt đầu đến với âm nhạc với thể loại thánh ca, và ông cũng sáng tác nhiều bài Thánh Vịnh. Trong thể loại Thánh Ca, ông chính là người đã đặt lời Việt cho bài hát Giáng Sinh bất tử Silent Night – Đêm Thánh Vô Cùng, mà cho đến giờ này vẫn còn được lưu truyền: “Đêm Thánh vô cùng, Giây Phút Tưng Bừng…”.

Di cư vào Nam năm 1954, một thời nhạc sĩ Hùng Lân đã từng phụ trách chương trình nhạc Phát Thanh Học Đường. Ông là tác giả của nhiều ca khúc thiếu nhi trước 1975. Ca khúc “Thằng Tí Sún” của Hùng Lân đã được rất nhiều các em học sinh Tiểu Học ở Miền Nam hát thuộc lòng, như một lời nhắc vui cho việc phải lo đánh răng mỗi ngày 2 bận:

“Ê cái thằng Tí Sún Tí Sún,
Nhe cái răng nham nhở vô cùng
Vì nó lười đánh răng sớm tối
Lại ăn kẹo suốt ngày không thôi…”


Nghe ca khúc Thằng Tí Sún

Ngoài ra còn phải kể đến bài Em Yêu Ai, có lẽ vẫn còn nhiều người nhớ đến ca khúc hồn nhiên này:

“Nếu hỏi rằng, em yêu ai
Rằng em thì em yêu mẹ này
Rằng em thì em yêu cha này
Yêu chị yêu anh, yêu hết cả nhà
Nhưng, nhưng nhất là yêu mẹ cơ…”

Tuy là một nhạc sĩ sáng tác đa chủng loại như vậy, nhưng có một khuynh hướng rất rõ nét trong phong cách sáng tác của nhạc sĩ Hùng Lân: rất ít các ca khúc nhạc tình ủy mị. Nhạc của ông là những ca khúc yêu đời, dâng tràn nhựa sống. Ca khúc Hè Về của ông là một trong những thí dụ cho phong cách này, là bài hát viết cho mùa hè thuộc hàng phổ biến nhất.

Cũng vì khuynh hướng lạc quan như vậy, nhiều bản hùng ca của nhạc sĩ Hùng Lân đã trở nên nổi tiếng, phổ biến rộng rãi tại Miền Nam trước 1975. Ca khúc Khỏe Vì Nước của ông hình như không bao giờ thiếu trong các sự kiện lớn của thanh niên, học sinh cả trước và sau năm 75. Khỏe Vì Nước được sáng tác từ năm 1946, và trở thành ca khúc chính thức của các sự kiện thể dục thể thao của Việt Nam. Đây là một trong những ca khúc kêu gọi thanh niên Việt Nam phải khỏe mạnh, tráng kiện, để có thể góp phần xây dựng đất nước:

Khỏe vì nước kiến thiết Quốc Gia.
Đoàn thanh niên ta góp tài ba.
Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới.

Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam.
Khỏe vì nước chí khí cương kiên.
Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên.
Trong khốn nguy can trường sống thác ta coi thường.
Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm…


Nghe ca khúc Khoẻ Vì Nước

Tương tự như Khỏe Vì Nước, ca khúc Cô Gái Việt là một bản hùng ca rất phổ biến của những thiếu nữ Việt Nam. Bài hát vẫn thường vang vọng trong các dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng, trong các dịp diễn hành của nữ quân nhân ở miền Nam:

Lời sông núi bừng vang bốn phương trời
Giục chúng ta đường phụng sự quyết tiến
Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đời
Giòng máu thiêng còn đượm nồng vạn trái tim

Dẫu không cùng tài trai vui tranh đấu
Gánh sơn hà còn trọng hơn xương máu
Dù thành thị hay thôn trang ai ơi
Lòng hẹn lòng bạn gái ta xây đời

Chị em ơi! Quê nước chờ mong
Ta sớm lập công, Tô thắm giang sơn Việt Nam
Ngoài những phút quán xuyến tề gia
Hãy hướng lòng ta đến những ai đang cơ hàn

Kìa cô nhi không chút tình thân
Đây lớp tàn nhân
Năm tháng đau thương thầm trôi…


Nghe ca khúc Cô Gái Việt

Lời bài hát là một định hướng rất rõ cho vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội thời đại của tác giả. Người phụ nữ ít có khả năng tham gia chinh chiến như nam giới, nhưng trách nhiệm quán xuyến gia đình đóng một vai trò rất quan trọng cho xã hội. Bên cạnh đó, người phụ nữ còn tham gia những việc từ thiện, giúp đỡ những kẻ khốn khó trong xã hội, tạo thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của xã hội Việt Nam.

Một bản hùng ca xuất sắc khác của nhạc sĩ Hùng Lân, mà đã có người cho rằng xứng đáng là bài quốc ca thứ nhì của miền Nam xưa, đó là ca khúc Việt Nam Minh Châu Trời Đông. Bản hùng ca này được sáng tác vào năm 1944, đạt giải nhất kỳ thi Âm Nhạc Toàn Quốc năm đó.

Việt Nam Minh Châu Trời Đông cũng được Việt Nam Quốc Dân Đảng sử dụng làm bài hát chính thức của đảng. Đánh giá ca khúc này xứng đáng là một quốc ca hoàn toàn có lý. Bởi vì nó là một tuyệt tác ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp, lịch sử Việt Nam hào hùng, dân tộc Việt Nam sẵn sàng xả thân để bảo vệ sơn hà:

Việt Nam minh châu trời đông.
Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng
Non sông như gấm hoa uy linh một phương.
Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương.

Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi
Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời
Máu ai còn vương cỏ hoa
Giục đem tấm thân trải với sơn hà.

Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước
Hy sinh xương máu mong báo đền ơn nước.
“Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam.
Thề trọn đời trung thành với sơn hà nước Nam!”.


Nghe ca khúc Việt Nam Minh Châu Trời Đông

Lời ca của Việt Nam Minh Châu Trời Đông ít có dấu hiệu của hận thù hơn Tiếng Gọi Công Dân. So với bài Việt Nam Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy – một ca khúc cũng được đánh giá xứng đáng trở thành quốc ca – thì giai điệu Việt Nam Minh Châu Trời Đông lại có vẻ uy nghi, hùng tráng hơn. Mỗi khi nghe lại bản hùng ca này, người Việt Nam như sống lại với một thời hào hùng của dân tộc.

Tiểu sử nhạc sĩ Hùng Lân

Hùng Lân tên thật là Hoàng Văn Cường, nhưng do nhầm lẫn, giấy khai sinh ghi là Hoàng Văn Hường, sau lại đổi là Hoàng Văn Hương. Ông sinh ngày 23 tháng 6 năm 1922 tại phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong một gia đình Công giáo. Ông là người con thứ 4 trong gia đình có 11 anh chị em.

Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Nhạ, người Phủ Lý, Hà Nam. Cha ông vốn là người họ Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Thiện, người làng Hương Điền, tỉnh Sa Đéc. Vốn ông nội của ông là Nguyễn Minh Châu từ Sa Đéc ra Hà Nội làm việc, mang theo ông Thiện. Sau khi ông Châu trở về Sa Đéc thì gửi lại ông Thiện cho một người bạn ở Sơn Tây là Hoàng Xuân Khoát. Về sau, ông Thiện được ông Khoát nhận làm con và cho đổi sang họ Hoàng. Từ đó, ông Thiện và các con sau này đều mang họ Hoàng.

Xuất thân trong gia đình Công giáo, vì vậy từ nhỏ nhạc sĩ Hùng Lân đã chịu phép Thanh Tẩy và mang tên thánh Phêrô. Năm 1928, ông theo học tại trường tiểu học Gendreau. Ngay từ năm 8 tuổi, ông đã bắt đầu học nhạc với linh mục người Pháp P. Depautis (còn gọi là Cố Hương) và được tuyển vào ban hợp xướng Nhà thờ Lớn Hà Nội. Năm 1931, ông theo học bậc trung học tại trường dòng Lasan Puginier (còn gọi là trường Các sư huynh Dòng Thiện Giáo – Frères des Ecoles Chrétiennes de La Salle). Năm 1934, ông học nhạc dưới sự hướng dẫn của linh mục J. Bouis tại Tiểu chủng viện Thánh Phêrô Hoàng Nguyên ở Phú Xuyên, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), rồi sau đó là Đại chủng viện Xuân Bích (Saint Sulpice) ở Hà Nội.

Ngay từ khi còn học nhạc ở Đại chủng viện Xuân Bích, ông và nhóm sinh viên Đại chủng viện Xuân Bích Hà Nội đã nghĩ đến việc sáng tác những bài thánh ca Việt Nam theo thể loại mới. Từ đó, vào tháng 7 năm 1945, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập, do ông làm Đoàn trưởng. Trong suốt thời gian 30 năm, Nhạc đoàn đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, trong đó Hùng Lân cũng có phần không nhỏ. Thời gian này, ông bắt đầu dùng bút danh Nam Hoa, Lâm Thanh để sáng tác nhạc. Năm 1943, ông sáng tác nhạc phẩm Rạng đông, được giải thưởng của Hội Khuyến học Hà Nội. Năm 1944, ông sáng tác bài hát Việt Nam minh châu trời đông, được giải nhất kỳ thi Âm nhạc Toàn quốc trong năm đó. Tác phẩm này sau được Đảng Đại Việt dùng làm đảng ca.

Liên tiếp trong hai năm 1945 – 1946, mẹ rồi đến cha của Hùng Lân qua đời. Ông phải bỏ học để có điều kiện lo lắng cho gia đình vì các em còn nhỏ. Năm 1945, ông nhận dạy học ở trường Kẻ Giảng (nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), cách Phủ Lý chừng 5, 6 cây số. Trong nhà thờ Kẻ Sở của vùng này, bấy giờ có một cây quản cầm (harmonium) rất tốt và ông thường dùng để sáng tác nhiều bài hát và về sau trở nên nổi tiếng. Cũng trong thời gian này, bút hiệu Hùng Lân ra đời, được ghép từ hai tên của người em thứ năm và thứ tám của ông. Sau đó, ông nhận làm giáo sư dạy âm nhạc tại trường Trung học Nguyễn Trãi Hà Nội.

Năm 1946, ông đã viết một bài hát hưởng ứng với tên gọi “Khỏe Vì Nước”. Bài hát nhanh chóng được phổ biến và trở thành bài hát chính cho phong trào thể dục thể thao. Ngày 26 tháng 5 năm 1946, nhân ngày hội khỏe đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thanh niên và Tự vệ Thủ đô Hà Nội đã trình diễn bài thể dục đồng diễn trên nền bài Khỏe Vì Nước. Từ đó, cái tên Hùng Lân trở nên nổi tiếng.

Khi cuộc Kháng chiến chống Pháp bùng nổ ở Hà Nội, ông cũng theo kháng chiến một thời gian. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, ông đành rời chiến khu trở về Hà Nội tiếp tục dạy học. Năm 1948, ông dạy âm nhạc ở trường Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1949, ông cho xuất bản sách dạy âm nhạc khai tâm và sơ đẳng gồm 2 tập, mang tên Cây Đàn Sống được Nhà xuất bản Thế giới Hà Nội ấn hành. Sau đó, ông tiếp tục cho ra đời các bộ sách Giáo khoa Âm nhạc cho lớp Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ.[3] Có thể nói ông là người đầu tiên soạn sách giáo khoa dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông.

Sau Hiệp định Genève 1954, Hùng Lân di cư vào Nam làm giáo sư âm nhạc của trường Ca vũ nhạc Phổ thông Sài Gòn và cũng là trưởng ban Phát thanh Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể thao Sài Gòn. Từ năm 1957, ông là giáo sư dạy môn Ký xướng âm của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Cùng thời gian đó, ông ghi tên học và tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương Pháp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963.

Cùng năm đó, ông về làm việc tại Trung tâm Học liệu, Bộ Quốc gia Giáo dục. Năm 1965, ông được bổ nhiệm chức Chủ sự Phòng Phát thanh Học đường, Trung tâm Học liệu, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn. Năm 1967-1968, ông được cử đi tu nghiệp một khóa ngắn hạn tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và truyền thông tại Đại học Syracuse, tiểu bang New York (Hoa Kỳ). Sau khi trở về Việt Nam, ông đã xây dựng chương trình Đố vui để học do Trung tâm Học liệu phát hình lần đầu vào năm 1969 trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Từ năm 1971 cho đến năm 1975, ông về Trường Sư phạm thuộc Đại học Đà Lạt dạy môn Sư phạm Âm nhạc.

Sau 1975, ông trở về tư gia tại đường Nguyễn Văn Thủ, Sài Gòn. Bài hát “Khỏe Vì Nước” của ông có một thời gian bị cấm vì là bài hát của “người bỏ kháng chiến”. Tuy nhiên, do uy tín quá lớn của ông và sự can thiệp của nhiều học trò cũ của ông, nên ông không bị làm khó dễ. Nhạc sĩ Hùng Lân tiếp tục việc dạy nhạc và nghiên cứu âm nhạc tại tư gia cho đến tận khi qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1986.

Theo Cung Mi (SBTN) & wiki

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here