Hương Lan là 1 trong những nữ ca sĩ nổi tiếng của nhạc vàng, và trong sự nghiệp hơn 50 năm hát tân nhạc, cô đã thu âm hàng ngàn ca khúc nhiều thể loại, vì vậy khó có thể chọn được hết toàn bộ những ca khúc tiêu biểu nhất của cô.
Bài viết này xin chọn ra những bản thu âm hay nhất của Hương Lan theo quan điểm cá nhân của người viết, những ca khúc thuộc dòng nhạc vàng và nhạc quê hương, âm hưởng dân ca nổi tiếng nhất của cô.
Thu âm trước 1975:
Hương Lan bắt đầu thu âm vào dĩa nhựa từ năm 1968, khi cô mới 12 tuổi. Xin chọn ra những bản thu âm trước 75 của cô được nhiều người tìm nghe nhất:
- Thành Phố Sau Lưng
Đây là khúc này được nhạc sĩ Hàn Châu sáng tác khi ông đang là người lính địa phương quân đóng quân ở Sài Gòn khoảng cuối thập niên 1960, từng đêm nhìn hỏa châu vụt sáng nơi ngoại ô thành đô và mang lòng nỗi ngậm ngùi của người trai thời loạn. Mặc dù là ca khúc nói về tâm trạng của anh lính, nhưng ca khúc này được giao cho một nữ ca sĩ hát đầu tiên, khi tuổi đời còn rất nhỏ, đó là Hương Lan. Mời các bạn nghe lại:
- Ngày Mai Tôi Về
Đây cũng là 1 sáng tác của nhạc sĩ Hàn Châu, là một trong những bài nhạc lính nổi tiếng nhất của Hàn Châu viết vào đầu thập niên 1970. Cũng giống như nhiều bài nhạc vàng khác viết trong thời gian chuẩn bị cho Hòa Đàm Ba Lê, “Ngày Mai Tôi Về” là nỗi khát khao, niềm mơ ước mãnh liệt về một ngày đất nước được thanh bình, chấm dứt khói lửa, khi đó người lính sẽ được trở về quê xưa, có thể bỏ lại sau lưng những hãi hùng nơi chiến địa. Mời bạn nghe lại tiếng hát Hương Lan:
- Đêm Không Còn Tiếng Súng
Đây là 1 trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Thanh Phương, viết về niềm mong ước đất nước sớm có ngày thanh bình. Bài hát được viết cùng thời gian với bài Ngày Mai Tôi Về và 1 số ca khúc khác có cùng nội dung: Qua Cơn Mê, Giã Từ Vũ Khí…
- Năm Cụm Núi Quê Hương
Năm Cụm Núi Quê Hương là một trong số ít bài nhạc vàng nói về đề tài thương binh, viết về những người lính không còn lành lặn sau khi rời cuộc chiến.
Bài hát này được nhạc sĩ Minh Kỳ phổ từ thơ của Tường Linh, một thi sĩ người Quảng Nam. 5 cụm núi quê hương được nhắc tới trong bài hát chính là Ngũ Hành Sơn ở vùng giáp ranh Đà Nẵng, Hội An hiện nay. Mời các bạn nghe lại bài hát:
- Mùa Thu Lá Bay
Năm 1973, rạp hát Lệ Thanh ở Quận 5 – Sài Gòn đã công chiếu bộ phim nổi tiếng của Đài Loan mang tên Mùa Thu Lá Bay, chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Bài hát chính trong phim rất được yêu thích, và nhạc sĩ Nam Lộc đã viết lời Việt cho ca khúc này, đưa cho Hương Lan hát đầu tiên. Một điểm đặc biệt đáng chú ý là nhạc sĩ Nam Lộc đã ký bút danh là Lệ Thanh trong bài hát lời Việt này (lấy theo tên rạp chiếu phim Lệ Thanh), làm cho nhiều người thắc mắc và không biết đó chính là Nam Lộc.
Sau năm 1975, ca sĩ Kim Anh đã rất thành công khi hát lại bài này bằng ca lời Hoa lẫn lời Việt, làm cho nhiều người lầm tưởng là lời Việt bài hát được viết sau năm 1975.
Bộ phim Mùa Thu Lá Bay đã thực sự tạo ra một cơn sốt trong giới trẻ Sài Gòn, đặc biệt là phái nữ. Thậm chí nhạc sĩ Vinh Sử đã sử dụng bút danh là Hàn Ni để sáng tác 1 số ca khúc để ăn theo sự nổi tiếng của bộ phim này (Hàn Ni là nhân vật nữ chính trong phim, cùng với nam chính là Mẫn Vân Lâu).
Mời các bạn nghe lại Mùa Thu Lá Bay, lời Việt qua tiếng hát Hương Lan:
- Lính Xa Nhà
Đây là một ca khúc nhạc lính nổi tiếng của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, nội dung là tâm trạng của một anh lính xa nhà nhớ người yêu ở chốn thành thị. Mời các bạn nghe lại tiếng hát Hương Lan:
Sau năm 1975
Ca sĩ Hương Lan sang hải ngoại từ năm 1978 và định cư ở Pháp. Cô thực sự gia nhập làng nhạc hải ngoại sau khi sang Mỹ năm 1985, thu âm cho hầu hết các hãng băng đĩa lớn nhất ở hải ngoại với hàng ngàn ca khúc. Sau đây là những bản thu âm tiêu biểu:
- Nhạc vàng:
- Tuổi Học Trò
Ca khúc viết về tuổi học trò trong sáng, tươi đẹp của nhạc sĩ Anh Bằng này rất thích hợp với tiếng hát ngọt ngào của ca sĩ Hương Lan:
- Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy
Bài hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác nhân dịp sự kiện Mậu Thân, cầu Trường Tiền bị gãy nhịp, gây ra bao đau thương cho người dân xứ Huế. Bản thu âm của Hương Lan hát Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy tại hải ngoại mang đến những màu sắc mới, bên cạnh bản thu âm khác cũng rất thành công của ca sĩ Hoàng Oanh:
- Hương Giang Còn Tôi Chờ
Đây là 1 ca khúc khác viết về xứ Huế, và theo cảm nhận của người viết thì không ai có thể hát hay hơn Hương Lan ở bài này:
- Mùa Xuân Đầu Tiên
Ca khúc nhạc xuân bất hủ của nhạc sĩ Tuấn Khanh với ca từ rất đẹp và dễ thương, thể hiện ước nguyện giản đơn của những đôi trai gái trong thời ly loạn. Trước năm 1975, ca sĩ Dạ Hương hát rất thành công bài này, và sau năm 1975, bản thu âm của Hương Lan mang lại màu sắc mới cho ca khúc:
- Nếu Xuân Này Vắng Anh
Một ca khúc nhạc xuân nổi tiếng của nhạc sĩ Bảo Thu, sau đây là bản thu âm của Hương Lan, có thể xem là phiên bản hay nhất của ca khúc này:
- Mưa Đêm Ngoại Ô
Ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng này đã được Hương Lan thu âm trước 1975, tuy nhiên phiên bản hay nhất của bài hát là lần thu âm năm 2000 của Hương Lan cho trung tâm Asia, cũng là lần duy nhất Hương Lan góp mặt trong chương trình Asia. Mời các bạn xem lại phần biểu diễn này:
- Viết Thư Tình
Ca khúc còn có tên khác là Thư Gửi Người Miền Xa, một bài nhạc lính nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương. Ca khúc này có giai điệu thuần chất của nhạc vàng, nội dung là lời tâm sự của người hậu phương gửi đến người yêu lính qua từng lá thư. Không hiểu vì sao ca khúc rất hay này lại có ít người hát. Mời các bạn nghe phiên bản Hương Lan thu âm sau 75:
- Đồi Thông Hai Mộ
Một ca khúc rất buồn của nhạc sĩ Hồng Vân viết về chuyện tình nổi tiếng ở Đà Lạt giữa ngàn thông. Ca sĩ Hương Lan đã gieo được nỗi buồn da diết vào trong ca khúc này, mời các bạn nghe lại:
2. Nhạc quê hương và âm hưởng dân ca
- Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè
Nhắc đến những ca khúc nhạc quê hương qua tiếng hát Hương Lan, không thể không nhắc đến Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè của nhạc sĩ Băc Sơn. Ca khúc này được Hoàng Oanh hát lần đầu năm 1974, nhưng chỉ khi được Hương Lan thu âm vào băng nhạc Làng Văn thập niên 1980 ở hải ngoại, ca khúc này mới thật sự trở thành hiện tượng vì nội dung thể hiện được tâm trạng buồn tủi của hàng triệu người phải tha hương ở thời điểm đó.
Sự thành công của ca khúc Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè ở hải ngoại còn dội ngược trở lại về trong nước qua băng đĩa lậu. Nhạc sĩ Bắc Sơn đã gửi thư sang cám ơn Hương Lan vì cô đã làm sống lại ca khúc này, đồng thời đã mang dòng nhạc quê hương của Bắc Sơn đến với công chúng yêu nhạc. Từ đó hàng loạt ca khúc khác của ông đã được Hương Lan hát rất thành công: Em Đi Trên Cỏ Non, Sa Mưa Giông, Bông Bí Vàng, Còn Thương Góc Bếp Chái Hè…
- Điệu Buồn Phương Nam
Trong một lần nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đi công tác ở miền Tây năm 1994, giữa đêm khuya thanh vắng nhìn thấy bóng trăng chiếu rọi trên mênh mông sông nước của vùng Cửu Long, làm ông xúc động và viết 1 ca khúc về khung cảnh phương Nam. Ca khúc này được Hương Lan hát lần đầu năm 1998 trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam số 6 được báo Thanh Niên tổ chức. Mời các bạn nghe lại:
- Quê Em Mùa Nước Lũ
Năm 2000, miền Tây gặp bão lũ nặng nề, ca sĩ Hương Lan đi cứu trợ và xót thương trước những hoàn cảnh của đồng bào, cô đã đề nghị nhạc sĩ Tiến Luân sáng tác 1 ca khúc nói về nỗi khó khăn của người dân trong cơn bão. Ca khúc này được Hương Lan hát lần đầu và thực sự làm lay động lòng người.
- Lý Qua Cầu
Bản thu âm ca khúc này của Hương Lan có thể không quen thuộc với nhiều người, nhưng đã gây ấn tượng với tôi trong những năm đầu bắt đầu biết nghe nhạc. Giọng hát tinh tế và ngọt ngào, sự tha thiết trong giọng hát của Hương Lan đã mô tả rất thành công một câu chuyện tình buồn để lại nhiều luyến tiếc trong 1 ca khúc dân ca quen thuộc. Mời các bạn nghe lại:
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com