Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã từng nói: “Nguyên Sa là một trong những nhà thơ có những bài thơ tình mà tôi ưa thích nhất, và kể từ ngày tôi quen biết anh ở Sài Sòn cho đến bây giờ thì trong nhạc của tôi, thơ của anh luôn có chỗ đứng đặc biệt”.

Trong thời gian còn đi học, Ngô Thụy Miên đọc thơ Nguyên Sa nhiều nhất, và có lẽ vì thế chất thơ trong trẻo ấy đã thấm vào tâm hồn ông. Nhạc sĩ cũng bộc bạch: “Trong tất cả bốn thập niên viết nhạc, thơ Nguyên Sa lúc nào cũng bàng bạc trong dòng nhạc của tôi”.

Nhạc của Ngô Thụy Miên và thơ Nguyên Sa đã cùng đồng hành với nhau trong gần nửa thế kỷ và đã được nhiều thế hệ khán giả yêu thích với các ca khúc đã trở thành bất tử: Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tháng Sáu Trời Mưa,Tuổi Mười Ba:

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trưa nắng ngạt ngào tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé! Đừng ngờ
Tôi phải van lơn ngoan nhé! Đừng ngờ.

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa mầu áo tím.

Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá sao mà kiêu
Nên đến trăm lần: “Nhất định mình chưa yêu”
Nên đến trăm lần: “Nhất định mình chưa yêu”


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tuổi Mười Ba

Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Đó là 2 câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Nguyễn Bính, cho “nắng mưa” và “tương tư” là hai thứ “bệnh” đáng yêu. Nắng mưa cũng chỉ là mưa nắng bình thường nhưng mang đến cho người ta cảm xúc khác nhau trong quá khứ và hiện tại. Hoài niệm về dĩ vãng, về thời chớm mộng mơ hình như lúc nào cũng đến với tâm hồn nhạy cảm của thi nhân, từ bất chợt cơn mưa, từ phôi pha màu nắng:

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trưa nắng ngạt ngào tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng

“Nơi đẹp nhất là nơi người tôi yêu ở”, là nơi dù trời mưa hay nắng cũng chứa chan nhiều kỷ niệm nhung êm mang màu sắc yêu thương. Là nơi mà khi xa rồi, nhiều lần lòng tự hỏi “Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng”, để ước gì một lần về lại với nơi ấy ngày xưa.

Nhưng “mưa tôi chả về”, mưa ở trong tôi, mưa của kỷ niệm không về, cho xót xa nghe bong bóng vỡ đầy tay, hình ảnh bong bóng vỡ từ những giọt mưa gợi nên điều buồn thương mất mát vỡ tan… Mưa không về thì có không khung trời ngọt ngào đầy nắng? Tôi ở lại đây “như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng”, ở lại với thời gian dịu êm đã qua đi không còn tìm lại được, có chăng là chỉ trong tâm tình hoài tưởng…

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé! Đừng ngờ
Tôi phải van lơn ngoan nhé! Đừng ngờ.

“Tuổi mười ba” là tuổi trong sáng hồn nhiên, tuổi chớm dậy thì của người con gái đã đi vào văn học khi các nhà văn thời đó viết thành truyện dài như Tuổi Mười Ba của Duyên Anh, Một Loài Chim Bé Nhỏ của Đinh Tiến Luyện. Tình yêu dành cho tuổi này là thứ tình ngây thơ trong trẻo, ngoan hiền như tờ giấy trắng học trò tinh khôi, tình tha thiết mà e dè ngượng ngập trước mắt nhìn chim sẻ: “mắt nhìn thi tứ” của cô nàng tuổi mới mười ba, tuổi hoa bướm thần tiên.

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa mầu áo tím.

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc

Thế hệ học sinh sinh viên thời ấy, ai mà không yêu, không thuộc lòng những câu thơ tình của Nguyên Sa: “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”…

Cách tỏ tình dễ thương, kín đáo mà hàm nghĩa lan tỏa rộng ra, từ yêu màu áo của nàng mà về yêu màu thiên nhiên hoa lá. Có nhiều người thích thơ Nguyên Sa quá, chưa có nàng áo xanh nào cả mà cũng về “mến lá sân trường” vì tâm hồn của tuổi mới lớn rung động những nhịp đập đầu đời từ tình yêu thánh thiện, tình yêu ngây ngô ngượng ngập nhưng đầy thiết tha:

“Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương.
Anh pha mực cho vừa mầu áo tím”

Thư tình hồi đó thường là thư không dám gửi, nhưng viết thật nắn nót sợ nét chữ không đủ đẹp, lời văn chưa đủ ý. Sợ thư không đủ nghĩa yêu thương nên anh “pha mực”, có nhiều đọc giả hiểu lối “pha mực” này thông thường như cách phối màu thông thường, màu đỏ pha với màu xanh dương sẽ ra màu tím. Nhưng với người đọc thơ có suy tưởng rộng hơn, “pha mực” ở đầy là pha màu nỗi lòng, màu trái tim của mình để cho vừa với màu áo tím. Một khổ thơ mà tả đủ ba màu áo vàng, xanh tím, gói đủ tình yêu của kẻ đang tương tư màu áo của nàng, mang hết tâm trạng bâng khuâng luyến nhớ của những người cậu học trò trước làn gió mới của thời trẻ dại, bỗng một hôm “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”.

Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá sao mà kiêu
Nên đến trăm lần: “Nhất định mình chưa yêu”
Nên đến trăm lần: “Nhất định mình chưa yêu”

Yêu rất nhiều, mơ rất nhiều nhưng những mối tình thơ mộng xưa nay đều trắc trở trái ngang không như lòng người mong muốn. Khi xa nhau rồi, đâm ra trách cao xanh không cho gần tay với đến mộng đẹp duyên tình. Trách trời rồi trách luôn cả nàng: “hư quá sao mà kiêu…?”

Trách nàng chỉ là “trách yêu” thôi chứ không trách oán. Ai mà giận, mà oán cho được, khi mối tình kia còn ngây thơ quá, khi nàng mới vừa tuổi mười ba! Có chăng là lời hờn dỗi như ngày xưa còn bé, là câu phủ nhận: “Nên đến trăm lần: nhất định mình chưa yêu” của tuổi mười lăm, mười tám ngày xưa…

Đến trăm lần hờn dỗi nói nhất định mình chưa yêu mà trước đó đã tha thiết nhìn nhận “Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương. Anh pha mực cho vừa màu áo tím”

Thơ của Nguyên Sa đã nói thay tâm trạng của những người đang có màu áo tiểu thư để mà về “pha mực” cho tím đầy yêu thương ngượng ngập thuở ban đầu. Sau thế hệ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, chúng tôi khi tuổi vừa lớn cũng yêu thích dòng thơ ca tụng màu áo học trò, trái tim cũng đồng nhịp run run trước mấy câu:

Chả có gì… sao lòng mình cũng thẹn
Đến ngượng ngùng bỡ ngỡ… hay là ai?
Trăm lá thư lót giấy kẽ đòng đôi
Mà nét chữ còn run (dù rất nhẹ)

(Trích nguyên tác bài thơ Tuổi Mười Ba – Nguyên Sa)

“Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh anh mến lá sân trường”. Yêu thơ Nguyên Sa nên hồi đó dù tôi chưa có “Áo nàng xanh” cũng về “Mến lá sân trường”. Màu lá của tuổi hoa niên, theo thắm thoát thời gian vẫn mãi là màu xanh vĩnh cữu trong bầu trời thiên thanh. Mới biết thơ không chỉ là để đọc thưởng thức, mà thấm đẫm và ghi sâu, vô hình trung hướng thiện cho tâm hồn độc giả về nẻo Chân Thiện Mỹ.

Ca khúc Tuổi Mười Ba được nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên giới thiệu lần đầu với công chúng vào năm 1974, trong băng nhạc đầu tiên của chàng nhạc sĩ còn rất trẻ năm ấy, và đã tạo nên được một hiện tượng trong giới khán giả yêu nhạc tình ca ở Sài Gòn.

Băng nhạc Tình Ca Ngô Thuỵ Miên năm 1974 đã tạo nên một hiện tượng đặc biệt, vì lần đầu tiên có một nhạc sĩ chỉ mới ngoài 20 tuổi lại phát hành được một băng nhạc riêng với sự góp mặt của toàn những danh ca nổi tiếng nhất: Thái Thanh, Duy Trác, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan, Châu Hà…

Ca sĩ hát Tuổi Mười Ba đầu tiên chính là danh ca Thái Thanh. Mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Thái Thanh hát trước năm 1975

Vào năm 2006, ở một trong những liveshow cuối cùng của Thái Thanh, khi bà đã ở tuổi 73, hát ca khúc Tuổi 13. Lúc đó bà vẫn giữ được phong cách nói chuyện hóm hỉnh, duyên dáng, và pha trò trước khi hát: Kính thưa quý vị, bây giờ tôi thử cười một cái xem quý vị có thấy giống tuổi 13 không nào…

Mời các bạn xem lại:


Click để xem

Bài: Trương Đình Tuấn
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here