Trong dòng nhạc vàng trước 1975, chủ đề ca khúc về lính là chủ đề quen thuộc nhất, và có lẽ là cũng được khán giả yêu thích nhất cho đến ngày nay sau hơn thế kỷ ra đời. Số lượng bài hát nhạc vàng viết về người lính trận rất nhiều, khó có thể liệt kê toàn bộ, trong phạm vi bài viết nhỏ này, chỉ xin giới thiệu lại những bài hát hay nhất nói về tâm tình của người lính trận, hoặc là chỉ viết riêng cho người lính…
Lạy Mẹ Con Đi
Đây là một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng, là lời của người lính trẻ lúc chia tay mẹ để lên đường ra trận. Cả đời người mẹ đã tảo tần nuôi con trong khó nhọc, con vừa lớn lên chưa thể báo hiếu mẹ được ngày nào thì đã phải đi xa, bởi vì ngoài kia tình nước còn cao cả hơn. Xin giới thiệu tiếng hát Duy Khánh sau đây:
Trên Bốn Vùng Chiến Thuật
Bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương nói về tâm sự của một người lính đã có mặt ở trên khắp 4 vùng chiến thuật, ở hầu hết những điểm nóng của chiến cuộc, với 4 địa danh được nhắc tới trong bài hát là Gio Linh, Pleime, Tây Ninh, Đồng Tháp, đại diện cho 4 vùng chiến thuật khác nhau.
Có thể xem đây là ca khúc nhạc lính nổi tiếng nhất. Mời các bạn nghe lại tiếng hát Duy Khánh:
Kẻ Ở Miền Xa
Người lính được nhắc đến trong ca khúc Kẻ Ở Miền Xa của nhạc sĩ Trúc Phương hiện lên một cách không cần tô vẽ, không lung linh, không phù phiếm, và có đôi chút “trần trụi” trong đời sống ở vùng đất xa xôi nơi chiến địa. Ca khúc này đã được đóng dấu với tiếng hát Duy Khánh:
Một Người Đi Xa
Đây lại là 1 bài nhạc lính của nhạc sĩ Trúc Phương. Ông cũng là một người lính, nên những ca khúc viết về đời lính mô tả được rất chân thật tâm tư, tình cảm của quân nhân:
Tôi muốn gửi những hình ảnh đời tôi và bọn tôi
Những người trẻ hôm nay
Đến những thương yêu hậu phương
Xin nhớ nhau như tình nhân
Tình nhân nhớ lúc người xa chưa về
Ca khúc này cũng gắn liền với giọng hát Duy Khánh trước 1975:
Áo Nhà Binh
Một ca khúc nhạc lính rất hay của một nhạc sĩ tuổi đời chỉ mới đôi mươi khi ca khúc này được ra đời: Nhạc sĩ Phượng Vũ:
Trả đời thư sinh chốn kinh thành
mình quên cả nhân tình từng đêm thương áo nhà binh
Mời nghe lại tiếng hát Duy Khánh trong dĩa nhựa:
Lính Nghĩ Gì
Là một bài nhạc lính với tâm sự man mác nỗi buồn thời cuộc, nhưng trong từng ca từ vẫn mang đậm chất thơ, có vần có điệu đúng với phong cách nhạc của nhạc sĩ Hoài Linh. Có thể là bài hát này mô tả được chân thật nhất những suy nghĩ giản đơn và mộc mạc, không hoa mỹ của người lính, nên rất được người lính thời đó yêu thích.
Mời bạn nghe lại với tiếng hát Duy Khánh:
Biển Mặn
Một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Trong lời đề tựa của bài nhạc tờ phát hành năm 1967, tác giả ghi mấy dòng như sau: “Tôi là một người lính bộ binh 24 tuổi, 3 tháng quân trường, 4 năm chiến đấu, chưa lập gia đình nhưng mới có người yêu lúc vừa tái đăng đánh giặc. Tôi chỉ muốn trả lời chung cho những người hay nói: tại sao tôi yêu cuộc đời chinh chiến như yêu chính bản thân tôi”.
Mời bạn nghe lại tiếng hát Phương Dung:
Rừng Lá Thấp
Một bài nhạc lính khác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được sáng tác vào cuối năm 1968 để vinh danh người bạn của ông là Trung úy Thủy Quân Lục Chiến – Vũ Mạnh Hùng, đã hy sinh trong trận Mậu Thân năm 1968.
Trong phần tờ nhạc, tác giả ghi cảm tác như sau để gửi người bạn quá cố:
“Hùng,
Xưa, 1 lần hành quân về ghé thăm tao, mày đã tỏ ý khó chịu về những nàng ca sĩ cứ bô bô hát những bài ca đòi… “yêu”, đòi “chung tình” với “Lính”.
Tao đã không đáp, bởi… thật khó cho tao khi phải nói về những người bạn đồng nghiệp.
Trong tình bằng hữu mười mấy năm còn thật đậm, tao ghi lại ở đây 1 ý kiến của mày, tiếc là mày không thèm nghe tao hát nữa. HÙNG ơi!
Thanh – 1968/11″
Xin mời nghe lại giọng hát của chính tác giả:
Giã Biệt Sài Gòn
Có thể xem đây là một trong những ca khúc nhạc lính hay nhất, một sáng tác của nhạc sĩ Hoài Nam:
Cùng trang cùng lứa chúng tôi cùng đơn vị thương mến nhau chung một toán
Giã từ Sài Gòn yêu nửa đêm tâm sự lính kiếp tha hương độc hành
Trước năm 1975, bài hát được Thái Châu hát với cái tên là Giã Từ Sài Gòn. Tuy nhiên sau năm 1975, bài hát bị ghi sai tên thành Giã Biệt Sài Gòn.
Trăng Tàn Trên Hè Phố
Một sáng tác nhạc lính nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, viết về cuộc gặp gỡ tình cờ trên hè phố thành đô giữa một người lính trở về từ chiến tuyến và một người nhạc sĩ. Mời bạn nghe lại tiếng hát Trúc Mai:
Nó Và Tôi
Một ca khúc nhạc lính bi hùng và rất cảm động của 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh (với bút danh Vọng Châu), viết về 2 người bạn cùng đơn vị, nhưng một người đã sớm hy sinh oanh liệt nơi trận tiền:
Ðôi đứa đôi nơi ngày đầu tiên biết tin nhau là tin cuối
Chát cay đầu môi chiều khu chiến mưa sụp sùi.
Mời bạn nghe lại giọng hát Nhật Trường:
Có Những Người Anh
Một bài hát ca ngợi hình tượng người lính của nhạc sĩ Võ Đức Hảo đã nổi tiếng với giọng hát Thanh Lan trước 1975:
Đêm Trên Đỉnh Sầu
Năm hăm mốt tuổi (1967), nhạc sĩ Ngân Giang đi vào quân đội, phục vụ ở cục Tâm Lý Chiến, từ đó ông đã sáng tác nhiều bài hát dành cho người lính chiến, nổi tiếng nhất là Đêm Trên Đỉnh Sầu, là lời hát chân thành gửi về từ người lính trận. Ca khúc gắn liền với tiếng hát Chế Linh:
Người Tình Không Chân Dung
Bài hát được nhạc sĩ Hoàng Trọng viết riêng cho bộ phim cùng tên của minh tinh Kiều Chinh thực hiện, đóng vai chính. Đạo diễn của phim là Hoàng Vĩnh Lộc, cũng là người viết lời cho bài hát.
Bài hát này viết về số phận của những người chiến sĩ vô danh đã ngã xuống, để lại hình bóng vợ hiền, con thơ côi cút trên cõi đời. Bài hát viết về cái nón sắt đã từng ở trên đầu của chiến sĩ để ôm ấp những mộng mơ rất bình dị. Nay anh không còn nữa, cái nón sắt bị rớt lại bên bờ lau sậy nơi đồng hoang, chứa đầy nước mưa để làm hồ cho một con ễnh ương đêm đêm kêu gào những âm thanh ảo não.
Mời bạn nghe lại giọng hát của Lệ Thu:
Giờ Này Anh Ở Đâu
Đây là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Khánh Băng, nói lên sự gian lao của người lính ở các vùng chiến địa và thao trường, nhắc đến tất cả các binh chủng với nhiều trận nổi tiếng. Bài hát cũng nói về tình yêu của người con gái hậu phương gửi đến người đầu tuyến, cho dù người lính ở đâu thì cũng vẫn yêu hoài và yêu suốt đời.
Mời bạn nghe lại giọng hát Thanh Tuyền:
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com