Nhạc sĩ Trường Sa là một trường hợp khá đặc biệt của làng nhạc Miền Nam, khi ông sáng tác cả 2 thể loại nhạc mà thường được người ta chia thành “nhạc hàn lâm” và “nhạc đại chúng”.

Khởi đầu sự nghiệp, ông viết những bài nhạc nổi tiếng được xếp vào loại nhạc vàng là Chuyện Người Đan Áo, Hành Trang Giã Từ, Một Lần Xa Bến. Từ cuối thập niên 1960, nghe theo lời khuyên của nhạc sĩ Từ Công Phụng, nhạc sĩ Trường Sa bắt đầu sáng tác những bài nhạc tình cho đến nay đã trở thành bất tử, đó là: Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em, và Mùa Thu Trong Mưa. Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên nhận xét rằng chỉ với ba bản tình ca này, vườn hoa âm nhạc Việt Nam đã có thêm một bông hồng tuyệt đẹp.

Xin trích thêm lời nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên:

“Cá nhân tôi, khi nghe 3 ca khúc này đã yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng, bình lặng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trỗi lên như cơn bão nổi, như con sóng thần ngập tràn dấu đau thương. Tôi cũng yêu nữa những lời ca sâu lắng, man mác buồn, chau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng. Cả ba bài đều mang chung một nhịp điệu Slow buồn. Hồn nhạc lãng đãng, mênh mang diễn tả những cuộc tình lỡ làng, có lẽ xuất phát từ chuyện tình cảm mất mát của người nhạc sĩ tài hoa này. Hãy lắng nghe tiếng hát Lệ Thu vút cao khi diễn tả những dòng âm thanh trầm bổng kỳ diệu để thấy kỹ thuật viết nhạc và lời ca của anh đã có thể lôi cuốn, đưa đẩy, dẫn dắt người nghe vào những cơn mưa êm đềm, hay vào những cơn hồng thủy, chấn động, nát tan con tim.”

Trong 3 ca khúc này thì Mùa Thu Trong Mưa được giới thiệu đầu tiên đến với khán giả vào mùa mưa năm 1968, khi nhạc sĩ Trường Sa đang là sĩ quan cấp tá, là hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa trong Hải Quân của VNCH.

Trong một chiều dừng chân ở bến Mỹ Tho thì một cơn mưa tháng 6 bỗng ập tới. Trong lúc mưa còn chưa dứt , đường phố vẫn chưa lên đèn thì ông đã sáng tác xong ca khúc, chỉ trong vài tiếng đồng hồ khi cảm xúc đang dâng trào:

Chiều mưa không có em
bờ đá công viên âm thầm
chiều mưa không có em
giăng mắc mây không buồn trôi

Gọi mùa thu lãng quên
vào tiếng mưa rơi êm đềm
Trời còn mưa ướt thêm
cho dài ngày tháng không tên

Chiều mưa không có em
đường phố quên chưa lên đèn
chiều mưa không có em
biết lấy ai chia hờn tủi…


Click để nghe Khánh Ly hát Mùa Thu Trong Mưa 

Làm kiếp quân nhân với tháng ngày rong ruổi lênh đênh trên sóng nước trong những chuyến hải hành xa nhà, xa gia đình và đặc biệt là xa người yêu, người nhạc sĩ thấy lòng buồn và cô đơn vô hạn.

Bước chân một mình qua công viên vắng lạnh trong buổi chiều mưa giăng mắc, lòng càng day dứt hơn khi chợt nhớ lại những chiều còn sóng bước cùng người yêu ở chốn thành đô. Phải chăng vì nơi này không có em nên đường phố cũng quên thắp đèn, làm cảnh vật càng thêm nỗi đìu hiu, và nỗi hờn tủi này chỉ còn một mình nặng mang mà thôi.

Nhiều người nói rằng ở miền Nam không có mùa Thu, điều này là không đúng, vì đất trời ở đâu cũng có 4 mùa. Mùa thu ở Miền Nam kém lãng mạn hơn mùa Thu phương Bắc, nhưng với tâm hồn đa cảm của người nhạc sĩ, thì mùa thu ở Miền Nam đi vào nhạc không chỉ đẹp, mà còn rất buồn. Mùa thu phương Nam không có lá vàng, nhưng có nhiều gió, nhiều mây và nhiều những cơn mưa dầm dề làm cho loài người dễ mang nỗi sầu cảm hơn trong những ngày dài lẻ loi chiếc bóng:

Trời mùa thu lắm mây
còn bước em đi quên về
vòng tay ôm lẻ loi
cho mình còn mãi thương nhau

Trầm lặng người đi qua trên đường phố rét mướt
dấu chân chưa tìm về chút kỷ niệm ngày đầu
để từng mùa thu đến
ra đi không mang tin
nỡ quên đi đành sao

Từ công viên ở bến biển Mỹ Tho, nhạc sĩ nhìn từng dòng người lướt đi dưới cơn mưa rét mướt, trầm lặng như những chiếc bóng vụt qua trong đời. Khi đó từng đoạn quá khứ ngắt quãng ùa về như một cuốn phim tua nhanh, và trước tầm mắt hiện về chút kỷ niệm ngày đầu với người xưa. Nhưng rồi hình ảnh đó lại vụt qua rất nhanh, như đã từng vội vàng mất nhau khi người yêu đã “ra đi không mang tin” và đã nỡ đành quên nhau, để lại những ngày tháng bơ vơ ở quanh mình:

Kể từ em vắng xa
ngày tháng bơ vơ tên mình
mùa thu mưa vẫn rơi
không bước chân em tìm đến

Chuyện ngày xưa biết sao
mỏi cánh chim bay phương nào
còn ngày xuân ấm êm
cho mình gọi tiếng yêu em…

Khi vừa sáng tác xong ca khúc, nhạc sĩ Trường Sa gửi đến Hãng Dĩa Việt Nam, và được hãng dĩa này đưa cho tiếng hát Lệ Thu để thâu thanh lần đầu với phần hoà âm của nhạc sĩ Văn Phụng. Nhạc sĩ Trường Sa kể lại lúc ông đang ngồi bên ngoài phòng thu để nghe Lệ Thu hát cùng ban nhạc, nhạc sĩ Văn Phụng đã đến bắt tay ông và nói bài hát này được viết rất thành công.


Click để nghe Lệ Thu hát trong dĩa nhựa năm 1968

Sau đó, Mùa Thu Trong Mưa với tiếng hát Lệ Thu đã được giới mộ điệu đón nhận rất nồng nhiệt, là động lực để nhạc sĩ Trường Sa viết thêm những ca khúc nổi tiếng cùng dòng nhạc này là Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em (khoảng 1969) và Một Mai Em Đi (năm 1973).

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here