Trong nhạc vàng trước năm 1975, việc nhạc sĩ sáng tác theo kiểu “đo nhi đóng giày”, riêng cho giọng ca của một ca sĩ là trường hợp phổ biến. Nhạc sĩ ngày xưa là những người nắm vững nhạc lý, thường cũng là người dạy và tập cho ca sĩ hát, vì vậy họ là người hiểu nhất chất giọng của ca sĩ, và những ca khúc được sáng tác riêng cho ca sĩ thì dễ được thành công hơn.

Đó là các trường hợp Nỗi Buồn Gác Trọ cho tiếng hát Phương Dung, Một Người Đi cho Hoàng Oanh, Nửa Đêm Ngoài Phố cho Thanh Thúy…

Ngoài ra ban Tam Ca Sao Băng bao gồm 3 người Thanh Phong, Duy Mỹ và Phương Đại cũng được nhóm 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng sáng tác một ca khúc riêng, có nội dung là cuộc gặp gỡ giữa 3 người bạn thuộc 3 binh chủng khác nhau: Ly Cà Phê Cuối Cùng.


Click để nghe bài cảm nhận ca khúc “Ly Cà Phê Cuối Cùng”

Ca sĩ Thanh Phong tiết lộ ca khúc này này được nhóm Lê Minh Bằng viết riêng cho Tam Ca Sao Băng:

Mình ba đứa hôm nay gặp nhau
Nâng ly cà-phê ngát mùi hương ngọt ngào
Chiều thu về gió lạnh đìu hiu
Thấy tâm tư dạt dào, thấy buồn buồn làm sao

Quán mơ xinh xinh lặng lẽ
Mưa tí tách bên hiên, nghe như ngàn lời não nề
Tay vàng, môi vàng đưa theo làn khói
Thuốc thơm, khói thơm bay lên tầng cao
Cuốn theo bao sầu thương

Bài hát viết về tình bạn cảm động của 3 người quân nhân của 3 binh chủng, cùng gặp lại nhau vào một buổi chiều thu đìu hiu gió lạnh. Bên mái hiên của quán nhỏ cùng nghe tí tách mưa rơi, nâng ly cà phê nóng, thổi làn khói ấm và tâm sự về đời lính.

Tôi xông pha biên cương đã nhiều
Thương quê nhân nghèo, nguyện đem chí hùng tranh đấu
Tôi lênh đênh trên khơi từng giờ
Ngăn quân giặc thù, chỉ mong tự do vươn lên

Tôi hiên ngang bay trên nền trời
Say sưa miệt mài, đường mây gió là muôn lối
Mình cùng là người trai sông núi
Gặp thời binh khói, tranh đấu là niềm vui

Một người là lục quân xông pha nơi biên cương, một người là hải quân lênh đênh sóng nước, người còn lại là không quân bay lượn giữa trời. Tuy là mỗi người đi mỗi hướng, nhưng cùng là những người trai sông núi, trót sinh ra thời loạn nên lấy việc tranh đấu làm niềm vui.

Nội dung bài hát này rất tương đồng với ca khúc Chúng Mình Ba Đứa nổi tiếng trước đó của 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh, cùng viết về 3 người bạn ở 3 binh chủng khác nhau, nên sau này các ca sĩ thường ghép 2 bài này thành hợp khúc để hát.

Đời như cánh chim bay ngàn phương
Chia ly rồi đây, mỗi người đi một đường
Chuyện tâm tình thôi đành dở dang
xiết tay nhau một lần, kết chặt tình bạn thân

Chúc nhau nâng ly lần cuối
Cầu cho bọn mình, tuy xa mà tình chẳng rời
Quên buồn, quên sầu tìm vui mà sống
Nhớ nhau, mỗi năm thu sang về đây
Ba đứa nghe mưa chiều thu.

Sau cuộc hội ngộ ngắn ngủi này, khi chuyện tâm tình chưa nói hết thì mỗi người sẽ lại như cánh chim bay đi ngàn phương. Ba người bạn xiết tay nhau và chúc nhau lời bình an, cố tìm vui trên những bước đường tranh đấu, để rồi hẹn lại đến mùa mưa thu năm sau sẽ cùng gặp nhau nơi quán nhỏ kể chuyện tâm tình.

Mời các bạn nghe lại Tam Ca Sao Băng hát bài này trong bản thu dĩa nhựa đầu thập niên 1970 sau đây. Với thế mạnh của 1 ban tam ca, sự kết hợp hát và bè của nhóm rất khác biệt và có nhiều sáng tạo, trong đó Phương Đại hát tông thấp, Duy Mỹ hát giọng cao, còn Thanh Phong là giọng chính.


Click để nghe Tam Ca Sao Băng hát Ly Cà Phê Cuối Cùng

Trong chương trình Jimmy Show, ca sĩ Thanh Phong cho biết Ban Tam Ca Sao Băng đã hợp tác với nhau trong rất nhiều năm, ngoài tình đồng nghiệp còn có tình bằng hữu rất gắn bó và chưa từng xảy ra xích mích trong quá trình cùng làm việc, không khác nào câu hát: “xiết tay nhau một lần, kết chặt tình bạn thân”. Sau này ca sĩ Duy Mỹ qua đời sớm, còn Phương Đại thì bị đột quỵ đã hơn 30 năm, chỉ còn Thanh Phong vẫn còn đi hát cho đến nay.

Sau năm 1975, có một ban nhạc lấy tên là Tam Ca Sao Biển (có lẽ là có ảnh hưởng từ cái tên Sao Băng) và hát lại ca khúc này cũng rất thành công. Ba ca sĩ trong Tam Ca Sao Biển cũng rất nổi tiếng, đó là Elvis Phương, Tùng Giang và Trường Thanh. Mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Tam Ca Sao Biển hát Ly Cà Phê Cuối Cùng

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here