Ca khúc “Kiếp Nghèo” được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác vào khoảng năm 1954 khi ông mới 17 tuổi, và ca khúc này luôn được xếp trong danh sách những bài nhạc điệu tango hay nhất của tân nhạc Việt. Trong hai thập niên 1950 và 1960, dù đã được nhiều ca sĩ hát, nhưng có lẽ Kiếp Nghèo được yêu thích nhất qua tiếng hát Thanh Tuyền kể từ bản thu thanh vào đầu thập niên 1970.


Click để nghe Thanh Tuyền hát Kiếp Nghèo trước 1975

Hồi năm 1997, nhạc sĩ Lam Phương kể lại hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này trên chương trình Paris By Night số 40 như sau:

“Tôi viết bài Kiếp Nghèo trong hoàn cảnh hoàn toàn thật của tôi lúc đó. Viết bằng rung động chân thành, và lần đầu tiên tôi viết bài Kiếp Nghèo bằng những giòng nước mắt… Lúc đó tôi còn trẻ lắm, khoảng 1954, sau khi tôi bán được bài Trăng Thanh Bình đầu năm 1953, tôi để dành được một số tiền, mua một chiếc xe đạp để di chuyển trong lúc đi học.

Nhà tôi ở Dakao. Thường thường muốn về Dakao phải đi qua con đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Con đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Khoảng ngang trường Gia Long không có một căn nhà nào… Đêm đó, tôi chẳng may gặp một trận mưa rất to, không có nơi để trú mưa, đành phải đi dưới mưa để tìm ‘thú đau thương’.

Lúc đó, tôi thấy mình thật cô đơn, thấy mình bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi cho tới khi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về Kiếp Nghèo, về phận bạc của mình”.

Có thể nói nội dung bài hát Kiếp Nghèo cũng chính là tiếng lòng thật sự của nhạc sĩ Lam Phương ở thời điểm ông vừa đi học, vừa phải vất vả mưu sinh trong hoàn cảnh thiếu thốn. Sau khi được ra mắt, ca khúc Kiếp Nghèo rất ăn khách và tờ nhạc xuất bản bán rất chạy, mang lại một nguồn thu tài chính lớn cho nhạc sĩ Lam Phương, đủ cho ông trả hết nợ trước đó, lại còn dư thêm được một ít vốn.

Một ca khúc viết về thân phận nghèo, lại có thể giúp cho tác giả vượt thoát ra được những tháng ngày khó khăn túng thiếu tại Sài Gòn.


Click để nghe Thanh Thúy hát Kiếp Nghèo trước 1975

Bài hát có lối gieo vần như một bài thơ, điệu tango dồn dập cùng với ca từ có vần, có điệu rất xuôi tai và dễ ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Đường về đêm nay vắng tanh
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh

Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh
nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi.

Sài Gòn xưa với những lối hẻm quanh co, lầy lội, ngoằn ngoèo, như chính phận đời của những người cần lao từ chốn quê xa tìm lên thành đô để mưu sinh. Đó là những xóm lao động nằm ngay trong nội ô Sài Gòn thời thập niên 1950, nhiều nơi vẫn chưa có điện, nên đó là những lối đi còn tăm tối và gập gềnh.

Trong không gian đó, có một cậu bé nghèo mặc áo tơi đang một mình trong mưa ướt lạnh, lững thững đi vào sâu trong hẻm tối khi bóng đêm đang phủ xuống dần. Ngập ngừng dừng chân trước một căn nhà mái tranh, cậu bỗng nghe tiếng em bé khóc khi thức giấc canh 2.

Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường.
Đời gì chẳng tình thương không yêu đương.

Ở nơi mà mọi thứ đều đang chìm vào một cõi u tối, thảm thê, cậu bé bỗng nhiên được chứng kiến trong mái tranh nghèo kia một sự sáng loà lên của thứ âm thanh kỳ diệu được vọng ra ngoài, là một hình tượng đẹp và rực rỡ đến vô cùng: “Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha…”


Click để nghe Mai Hương hát Kiếp Nghèo trước 1975

Đối lập với sự ấm áp và êm dịu đó, bên ngoài đang có một người phải bơ vơ lạnh lùng giữa đêm trường đi trong mưa gió. Cậu bé nhìn vào khe cửa thấy khung cảnh đầm ấm kia nên thấy xót xa cho mình vì phải chịu cảnh thiếu tình thương bao lâu, mà đường về quê cũ vẫn còn mịt mờ xa tắp. Nỗi buồn này chắc là chỉ có những giọt mưa lạnh đang thấm sâu vào tận trong tim là có thể thấu hiểu được mà thôi.

Dường như đó không phải là tâm trạng riêng của người cậu bé kia, mà là của chung những số phận cần lao khác trong xã hội, bởi vì “Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…”

Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gửi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Đêm nay giấy trắng tâm tư gửi về người chốn mịt mùng
Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung.

“Cậu bé” kia chính là nhạc sĩ Lam Phương, một người quê gốc nhiều đời ở vùng Rạch Giá, nay phải sống tha phương để mưu sinh giữa những gió sương của chốn thành đô hoa lệ. Phận nghèo nên dù có thương ai thì cũng chỉ giấu kín trong lòng rồi đành để tình lãng phai mà không dám mơ về một cuộc tình thuỷ chung son sắt.

Trời cao có thấu, cuối xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một khối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai!

Tranh: Phạm Ánh

Nội dung bài hát này, từ đầu đến cuối đều là tâm sự của một kẻ nghèo. Sau này, vào khoảng đầu thập niên 1970, có rất nhiều “bài hát nghèo” khác được ra đời, thường là có nội dung kể kể và than thân trách phận với cách hát rền rĩ nhằm làm tăng thêm phần bi đát của phận số, thí dụ như bài Đám Cưới Nghèo, Hai Bàn Tay Trắng, Nhẫn Cỏ Cho Em…

Tuy nhiên, ở giữa những ca khúc nghèo thông thường đó, bài Kiếp Ngèo của nhạc sĩ Lam Phương mang một giá trị khác biệt, từ cả lời ca lẫn giai điệu. Với giai điệu tango nhanh, dồn dập, cùng với ca từ có cách gieo vần như thơ làm cho bài Kiếp Nghèo đỡ mang tính bi lụy hơn. Nội dung bài hát cũng có mang nhiều lớp nghĩa, không đơn thuần chỉ là mô tả tâm trạng của người nghèo như các bài hát khác.

Tranh: Phạm Ánh

Ngoài ra, có thể nói ca khúc Kiếp Nghèo như là một bức tranh thu gọn sống động về một xóm nghèo ngày xưa trong những hẻm dài quanh co và heo hút.

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here